Ad Astra – Ngôi trường đặc biệt tỷ phú Elon Musk mở riêng cho 5 con trai
Elon Musk đã trở thành cái tên quen thuộc trên trang nhất của các tờ báo khi phát minh ra phi thuyền không gian, tấm pin mặt trời, các phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo v.v. Bà Maye Musk, mẹ của anh, đã góp phần không nhỏ vào thành công tầm cỡ thế giới này bằng những quy tắc giáo dục thông minh. Đến lượt mình, Musk cũng áp dụng phương thức giáo dục con không kém phần đặc biệt.
Trong một cuộc phỏng vấn với Beijing Television vào năm 2015, khi người dẫn chương trình hỏi Elon Musk rằng anh giáo dục 5 đứa con mình như thế nào, Musk đã tự tin trả lời rằng: “Tôi mở một trường học của riêng mình”.
Chúng ta đều hiểu tư duy của Elon Musk, nếu anh không hài lòng với thứ gì, anh sẽ tìm cách tự tạo ra nó: từ xe hơi, hỏa tiễn, đường xá cho đến các công ty năng lượng. Vì vậy, khi cho rằng các trường học thông thường ở Mỹ không đáp ứng được nhu cầu về giáo dục cho con mình, Elon Musk tìm cách xây dựng một trường học mới.
Năm 2014, anh mời Josh Dahn, một giáo viên của các con anh, cùng mở một trường học tại SpaceX, và Dahn đã đồng ý. Trường học Ad Astra đã ra đời; Ad Astra theo tiếng Latinh có nghĩa “Vươn tới những vì sao”. Ngoài 5 cậu con trai của Musk, các học sinh khác là con của nhân viên làm việc tại SpaceX, nằm trong độ tuổi từ 8 đến 13. Năm 2018, ngôi trường chỉ có 40 học sinh.
Dù thành lập được nhiều năm nhưng những thông tin hay hình ảnh về ngôi trường của tỷ phú Elon Musk đều rất hiếm. Điều đó khiến truyền thông đặt cho Ad Astra biệt danh “ngôi trường bí ẩn”. Vậy, ngôi trường này có gì đặc biệt?
More pics from @inspiration4x return → https://t.co/095WHX44BX pic.twitter.com/Rxb49W4arV
— SpaceX (@SpaceX) September 23, 2021
Bãi bỏ các cấp học
Với Elon Musk, nguyên tắc cốt lõi trong giáo dục là học cách tư duy từ cái gốc, từ chân tướng của sự vật, thay vì áp dụng phương pháp loại suy – so sánh các vật với nhau. Ví dụ, anh sẽ không nghiễm nhiên chấp nhận giá thành của một chiếc hỏa tiễn, mà sẽ tự hỏi bản thân: “Hỏa tiễn được làm từ những gì?” Sau đó, anh liệt kê ra các bộ phận và tính toán chi phí. Rồi anh phát hiện ra giá thành của nguyên liệu thô rẻ hơn 100 lần. Anh đi đến quyết định tự chế tạo hỏa tiễn cho mình.
Vì vậy, tại ngôi trường Ad Astra, anh bãi bỏ các cấp học, không phân chia học sinh dựa vào độ tuổi mà dựa vào năng lực và sở thích của chúng. Ví dụ một học sinh 8 tuổi sớm bộc lộ năng khiếu toán vẫn có thể đến lớp học toán cùng những đứa trẻ 12 tuổi. Trường của Elon Musk cũng không hề xếp loại học tập theo thang ABCD vào cuối mỗi kỳ học. Bởi theo anh, “mỗi đứa trẻ có những khả năng riêng biệt tại những thời điểm nhất định. Sẽ hợp lý hơn nếu chúng ta thiết kế chương trình giáo dục phù hợp với năng lực và khả năng của chúng.” Kiểu tiếp cận “một loại cho tất cả” có thể làm tổn hại đến những tài năng độc đáo và nhu cầu cụ thể của mỗi cá nhân.
Không dạy cách sử dụng công cụ, mà dạy giải quyết vấn đề
Khi chúng ta hỏi giáo viên của mình rằng tại sao chúng ta lại học cái này, chúng ta thường nhận được câu trả lời rằng: em sẽ cần nó vào một ngày nào đó trong tương lai. Tuy nhiên, việc học cách sử dụng các công cụ sẽ thật tẻ nhạt và vô ích nếu nó không thực sự giải quyết được vấn đề trên thực tế.
Musk từng nói: “Nếu muốn dạy con bạn hiểu máy móc hoạt động như thế nào, đừng dạy chúng cách sử dụng cờ-lê hay tua-vít. Thay vào đó, bạn hãy cho chúng xem chiếc máy, rồi hỏi chúng làm thế nào để tháo tung nó ra.”
Chỉ bằng cách tự thử nghiệm và trải nghiệm, chúng ta mới biết được công cụ nào là cần thiết cho bản thân. Vì vậy, tại trường học của Musk, anh tập trung vào phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề cho học sinh.
Ad Astra sử dụng phương pháp tổng hợp (synthesis) thông qua các trò chơi đội nhóm. Học sinh làm việc với các tình huống thực tế dưới dạng trò chơi. Trong khi chơi, chúng sẽ tự tìm ra cách giải quyết vấn đề và chiến thắng. Ví dụ như trò chơi “Art for All” (Nghệ thuật cho tất cả), chúng phải tự đàm phán và thương lượng để có những triển lãm nghệ thuật tốt nhất. Hay trò chơi dập các trận cháy rừng trong nhiều điều kiện khác nhau.
Tiếp đó là phương pháp mô phỏng (simulation), một nhóm gồm 18-20 em học sinh làm việc cùng một người hướng dẫn. Nhưng người này không giảng bài, mà các em tự khám phá và học các luật chơi. Mục đích của phương pháp này là thay đổi cách các em tiếp cận vấn đề trên thực tế và biết cách tự định hướng bản thân mình trước sự phức tạp và hỗn loạn của đời sống thực. Chúng buộc phải hiểu sự đánh đổi khi đưa ra một lựa chọn, và không có đáp án nào là duy nhất.
Khuyến khích học sinh sáng tạo và không ngại mắc sai lầm
Elon Musk đánh giá các phương pháp dạy học thông thường trong các trường hiện nay khiến học sinh trở thành một người thụ động, anh muốn học sinh luôn năng động và chủ động trong tư duy. Vì vậy, Ad Astra dùng hình thức trò chơi và luôn đặt kỳ vọng cao để buộc các em bước ra khỏi vùng an toàn. Sẽ không có giáo viên yêu cầu học sinh tìm ra đáp án đúng khi mọi chuyện không như mong đợi, mà các em sẽ chủ động tìm cách vượt qua thử thách.
Ngoài ra, Ad Astra cũng dạy học sinh không sợ mắc lỗi bởi mỗi người có thể học hỏi được nhiều từ những thất bại. Khi một đứa trẻ bị điểm kém, nó sẽ cảm thấy chán nản. Nhưng trong các trò chơi, trẻ em không bị phạt vì làm sai, tâm lý đó khuyến khích chúng thử những điều mới mẻ và không chú tâm vào những thất bại. Từ đó, chúng sẽ học nhanh hơn và đạt được thành công một cách tự nhiên.
Khi học sinh nộp hồ sơ nhập học, câu trả lời cho các câu hỏi tuyển sinh của trường có thể được thể hiện dưới bất cứ hình thức nào: viết, hát, nghệ thuật, kỹ thuật số hoặc bất cứ thứ gì khác. Về khả năng sáng tạo, đối với ngôi trường này là không giới hạn.
Chứng chỉ của giáo viên là không cần thiết
Elon Musk tin rằng giáo viên không nhất thiết phải có chứng chỉ năng lực chuyên nghiệp. Nhiều giáo viên trong Ad Astra chưa qua đào tạo giáo viên chính quy, cũng không có chứng chỉ chuyên môn. Musk thích “các nhà toán học có tư duy bùng nổ để dạy toán học, và để các họa sĩ với từng tế bào thấm đẫm nghệ thuật dạy hội họa”.
Giáo viên của Ad Astra sẽ không dạy các kiến thức theo kiểu trường học thông thường, bởi trong thế giới thực, sẽ không có ai từ tốn chỉ bảo bạn. Thay vào đó, bạn phải biết nắm bắt cơ hội, làm việc chăm chỉ để bổ sung kiến thức.
Ad Astra thường mời các học giả, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đến chia sẻ kinh nghiệm giúp trẻ có cơ hội tiếp cận kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau. Ở đây, trẻ em đọc nhiều, giao tiếp thoải mái với các bạn cùng lớp và học hỏi kiến thức từ các khóa học đa dạng. Hình thức học tập tương tự như “tự mình dạo chơi khắp thế giới” này khiến trẻ tự nhiên say mê tìm tòi kiến thức, vui vẻ đến trường mỗi ngày.
Đồng phục học sinh cũng không cần thiết
Hầu hết các trường học đều yêu cầu trẻ em “mặc đồng phục”. Trẻ luôn được yêu cầu phải tuân thủ các quy định, chúng lớn lên theo các quy tắc này ngay từ nhỏ. Nhưng với sự sáng tạo, Ad Astra cũng không quy định học sinh phải mặc đồng phục. Một trong những người con của Elon Musk đã mặc đồ siêu nhân và phát biểu trước lớp để chia sẻ về việc thiết kế hành lang lớp học theo chủ đề các tiểu hành tinh.
Elon Musk đặt câu hỏi: “Khi trẻ em trở thành nguyên liệu thô sơ không có sự khác biệt về nhân cách và quyền tự thể hiện, người lớn sẽ yêu cầu trẻ duy trì sự hồn nhiên, cá tính và sáng tạo như thế nào?” Vị tỷ phú hy vọng ngôi trường do mình lập ra sẽ nuôi dưỡng những tâm hồn tự do phát triển. Trẻ em có thể tùy chọn quần áo mình mặc đến trường. Bởi chỉ khi trẻ em được khai phóng tâm trí, chúng mới có thể làm nên những điều vĩ đại.
Tuệ Anh tổng hợp
Xem thêm: