9 quốc gia triệu tập đại sứ Trung Quốc về vấn đề Tân Cương
Chín đồng minh của Hoa Kỳ ở Âu châu đã triệu tập đại sứ của Trung Quốc để phản đối sau khi Bắc Kinh áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hàng chục quan chức, nhà nghiên cứu, và các tổ chức của Âu châu vì đã lên tiếng về những vi phạm nhân quyền của Trung Cộng.
“Việc xử phạt các thành viên Quốc hội và các khoa học gia là hoàn toàn không thể hiểu nổi,” Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho biết trong một tuyên bố hôm 23/03 sau cuộc gặp với Đại sứ Trung Quốc tại Berlin. “Trong khi chúng tôi trừng phạt những hành vi vi phạm nhân quyền, thì Bắc Kinh lại trừng phạt nền dân chủ. Chúng tôi không thể chấp nhận điều này.”
Ít nhất tám quốc gia khác, bao gồm Pháp, Đan Mạch, Bỉ, Estonia, Lithuania, Hà Lan, Thụy Điển, và Ý, cũng đã triệu tập các đại sứ Trung Quốc để đưa ra khiếu nại của họ trong hai ngày đó.
Trung Quốc đưa ra biện pháp này sau khi Hoa Kỳ, Anh, Canada, và Liên minh Âu châu áp các biện pháp trừng phạt phối hợp của phương Tây vào ngày 22/03 nhằm trừng phạt chính sách đàn áp của Bắc Kinh ở Tân Cương. Hành động này đánh dấu lần đầu tiên trong ba thập kỷ, EU áp đặt loại trừng phạt này lên Trung Quốc.
Trong hành động rõ ràng là để trả đũa này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chọn ra 10 cá nhân và 4 tổ chức để trừng phạt, cáo buộc họ “cố tình [đang] truyền bá thông tin sai lệch và dối trá” và làm tổn hại đến chủ quyền của Trung Quốc. Lệnh cấm này sẽ ngăn các cá nhân và gia đình của họ – trong số đó có tám chính trị gia Âu châu và hai học giả, hai tiểu ban trực thuộc Nghị viện Âu châu và EU – vào Trung Quốc và hạn chế các tổ chức liên quan làm ăn với quốc gia này.
Phản ứng gay gắt từ phía Bắc Kinh đã thúc đẩy sự ủng hộ ở khắp nơi đối với các cá nhân và tổ chức bị nhắm mục tiêu này, với việc ông Daniel Twining từ Viện Cộng Hòa Quốc tế bất vụ lợi của Hoa Kỳ – người đã lọt vào danh sách đen của Bắc Kinh hồi năm ngoái do ủng hộ Hồng Kông – gọi đó là “một huy hiệu danh dự.”
Bà Ann Linde, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển, gọi các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc là “không thể chấp nhận được.” Việc Thụy Điển “ủng hộ nhân quyền vẫn không thay đổi, điều này đã được Thứ trưởng Rydberg thông báo với đại sứ Trung Quốc ngày hôm nay,” bà nói trong một tweet đăng ngày 23/3.
Tại Pháp, đại sứ Trung Cộng Lư Sa Dã (Lu Shaye) cũng bị chỉ trích vì những bình luận có tính kích động của đại sứ quán nhằm bảo vệ chính sách của chế độ này. Ông này đã gọi nhà nghiên cứu tại Paris Antoine Bondaz là “linh cẩu điên” và “côn đồ ti tiện” sau khi Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ông Bondaz và những người khác.
Ban đầu khi được triệu tập, ông Lư đã viện lý do “các vấn đề về lịch trình làm việc” để trì hoãn cuộc nói chuyện.
“Cả Pháp và Âu châu đều không phải là một tấm thảm chùi chân,” Bộ trưởng Âu châu Clément Beaune nói với đài phát thanh France Info. “Khi quý vị được triệu tập với tư cách là đại sứ, quý vị sẽ ghé thăm bộ ngoại giao.”
“Trong mối bang giao của chúng tôi với Trung Quốc, không có chỗ cho những lời lăng mạ và cố gắng hăm dọa đối với các quan chức dân cử của nước Cộng hòa này và các nhà nghiên cứu,” Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian nói. “Chúng tôi ủng hộ những người biểu dương quyền tự do biểu đạt và dân chủ. Luôn luôn như vậy và ở khắp mọi nơi.”
Ông Adrian Zenz, một học giả người Đức nổi tiếng với những nghiên cứu về các trại tập trung Tân Cương, bày tỏ lo ngại rằng Bắc Kinh có thể “đang chuyển dịch căn bản” chiến lược của mình. Thay vì phủ nhận thẳng thừng các bằng chứng về vi phạm nhân quyền của mình, “giờ đây họ cảm thấy không thể động tới toàn bộ sự việc này,” ông viết trong một tweet ngày 24/3.
“Chiến lược của Bắc Kinh đơn giản là đè bẹp và bịt miệng bất kỳ sự phản đối nào trên toàn cầu trước sự tàn bạo của họ bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề đối với bất kỳ ai lên tiếng.”
Sau một cuộc họp với các đồng minh NATO tại Brussels, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết hành động gây hấn của Trung Quốc đã nâng cao tầm quan trọng của một liên minh quốc tế mạnh mẽ.
Các biện pháp trừng phạt “khiến điều quan trọng hơn tất cả là chúng ta phải giữ vững lập trường và sát cánh cùng nhau, nếu không sẽ có nguy cơ gửi đi thông điệp rằng việc bắt nạt có hiệu quả,” ông nói trong một bài phát biểu hôm 24/3.
Mối quan hệ căng thẳng giữa EU và Trung Quốc có thể gây nguy hiểm cho một thỏa thuận đầu tư song phương mà EU sẽ dự định bỏ phiếu vào đầu năm nay, thỏa thuận này đạt được sau bảy năm chuẩn bị.
Ông Bondaz, người trước đó đã thêm các cụm từ xúc phạm vào tiểu sử Twitter của mình, mô tả việc các quốc gia lên tiếng là “biểu tượng của sự đoàn kết” trong khối Liên minh Âu châu gồm 28 quốc gia để chống lại các mối đe dọa của Bắc Kinh.
“Ý chí hòa hợp tạo nên một thành trì vững chắc [Chúng chí thành thành],” ông nói khi trích dẫn một thành ngữ Trung Quốc.
Do Eva Fu thực hiện
Trường Lê biên dịch
Xem thêm: