8/10 người Mỹ thắt lưng buộc bụng để bù đắp lạm phát tăng vọt
Một cuộc khảo sát cho thấy, phần lớn người Mỹ đang cố gắng làm đủ mọi cách để bù đắp tác động của lạm phát và chi phí gia tăng của các nhu yếu phẩm hàng ngày.
Trong số những người Mỹ đang hành động để giảm chi tiêu, Chỉ số Tiến bộ Tài chính Thực tế BMO mới nhất được công bố hôm 31/05 cho thấy họ đang mua sắm các mặt hàng rẻ hơn và ăn uống ít hơn, trong số những thứ khác:
42% đang thay đổi cách họ mua sắm hàng bách hóa. Điều này bao gồm chọn các mặt hàng rẻ hơn, tránh các hàng hiệu và chỉ mua những thứ cần thiết;
46% đang ăn tối ở ngoài ít hơn hoặc có ý thức chi tiêu ít hơn khi đi ăn ở ngoài;
31% đang lái xe ít hơn để bù đắp chi phí xăng tăng cao;
23% đang chi tiêu ít hơn cho các kỳ nghỉ hoặc hủy bỏ hoàn toàn các kỳ nghỉ; và 22% đang thực hiện các biện pháp như hủy ghi danh phòng tập thể dục, truyền hình cáp, v.v.
Trong khi đó, cứ bốn người Mỹ thì có một người đang trì hoãn việc về hưu do giá cả tăng vọt.
Cuộc khảo sát do Ipsos tại Hoa Kỳ thực hiện từ hôm 30/03 đến 25/04/2022, với 3,407 người trưởng thành được thăm dò ý kiến.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy người Mỹ tự tin hơn một chút so với quý trước. Mức độ tự tin đã tăng từ 75% trong quý trước lên 78% trong quý này.
BMO Harris Bank cho biết, điều đó cho thấy “ngày càng nhiều người Mỹ [đang] kiểm soát tài chính cá nhân của họ, có một kế hoạch tài chính được thảo ra và tham vấn thường xuyên hơn với cố vấn tài chính của họ.”
Dữ liệu cho thấy tỷ lệ lạm phát hàng năm của Hoa Kỳ đã giảm nhẹ xuống 8.3% hồi tháng Tư, nhưng vẫn cao hơn mức dự báo của thị trường là 8.1%.
Đây là lần đầu tiên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm so với cùng thời kỳ năm trước kể từ tháng 08/2021.
Trong khi lạm phát đã giảm từ mức đỉnh hồi tháng Ba là 8.5%, nó vẫn ở gần mức cao nhất trong 40 năm.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động (BLS), tỷ lệ lạm phát lõi, không bao gồm các lĩnh vực thực phẩm và năng lượng dễ biến động, đã tăng 6.2%, cao hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế là 6%. Giá vé phi cơ và giá khách sạn tăng đáng kể, cũng như chi phí nhà ở tăng đã đẩy lạm phát cơ bản lên cao hơn.
Tính theo tháng, lạm phát tăng 0.3%, và lạm phát cơ bản tăng 0.6%.
Đó vẫn là một báo cáo lạm phát trên diện rộng, với các chỉ số chính đều tăng so với cùng thời điểm một năm trước.
Giá thực phẩm đã tăng 9.4%, trong khi giá năng lượng tăng 30.3%. Giá xe mới tăng 13.2%, giá xe hơi cũ, và xe tải tăng 22.7%. Chi phí tạm trú, chiếm gần 1/3 chỉ số CPI, tăng 5.1%, tốc độ nhanh nhất kể từ tháng Năm năm 1991.
Bản tin có sự đóng góp của ông Andrew Moran
Ông Allen Zhong là một nhà văn và phóng viên lâu năm của The Epoch Times. Ông gia nhập Epoch Media Group vào năm 2012. Ông chuyên đưa tin về chính trị Hoa Kỳ.