7 sở thích giúp chúng ta trở nên thông minh hơn
Từ xưa tới nay, mọi người thường cho rằng trình độ trí lực bẩm sinh của con người là không thể cải biến, điều chúng ta có thể làm chỉ là phát huy hết tư chất vốn có của mình. Tuy nhiên, mấy năm trước có một nghiên cứu khoa học cho rằng, học tập một số kỹ năng mới, hoặc phát triển một số sở thích, có thể khai mở các dây thần kinh mới trong đại não, nhờ đó trí thông minh có thể được cải thiện đáng kể.
Kênh truyền thông “Business Insider” của Hoa Kỳ và Tạp chí “Entrepreneur” đều phát hành bài báo nói về 7 loại sở thích có thể giúp chúng ta trở nên thông minh hơn, cùng với những giải thích của giới khoa học về vấn đề này.
1. Chơi nhạc cụ
Chơi một loại nhạc cụ có thể giúp nâng cao khả năng sáng tạo, năng lực phân tích, ngôn ngữ, toán học và kỹ năng vận động tinh của con người. Có một số người cho rằng, các hoạt động thể thao mang tính tập thể cũng rất nhiều lợi ích. Nhưng trong số những lợi ích của việc chơi nhạc cụ, thì có một lợi ích mà những hoạt động khác không thể thay thế được: Chơi nhạc cụ có thể làm cho Thể chai (corpus callosum) khỏe mạnh hơn, từ đó việc kết nối giữa hai bán cầu não càng tốt hơn.
Đối với người tuổi trẻ, thể chai khỏe mạnh sẽ giúp phát triển hài hòa các khả năng quản lý, trí nhớ, khả năng giải quyết vấn đề và chức năng toàn thể của não bộ.
2. Đọc sách
Đọc sách cũng đạt được lợi ích như vậy. Cho dù là đọc “Harry Potter” hay là “Nhật báo phố Wall”, thì việc đọc có thể làm giảm áp lực, cải thiện nhận thức về bản thân, đồng thời đề cao ba loại trí tuệ của con người: trí tuệ cứng (crystallized intelligence), trí tuệ mềm (fluid intelligence) và trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence). Nói một cách khác, đọc sách giúp tăng thêm khả năng hiểu biết và năng lực giải quyết vấn đề, giúp chúng ta tích hợp thông tin tốt hơn trong cuộc sống thường ngày, cải thiện nhận thức và cảm xúc của chúng ta trước mọi sự việc. Trong công tác, điều này sẽ chuyển thành kỹ năng quản lý tốt hơn.
3. Tập luyện hàng ngày
Thỉnh thoảng tập thể dục là không đạt được hiệu quả, luyện tập hàng ngày đạt được hiệu quả hơn nhiều so với tập luyện cường độ cao theo kiểu bất “đột kích”.
Tập thể dục thường xuyên làm tăng mức độ yếu tố dinh dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não (BDNF), một loại protein quan trọng để duy trì sức khỏe và tăng trưởng tế bào thần kinh, cải thiện trí nhớ, khả năng học tập, lực tập trung và khả năng phân tích – Những khả năng này thường được gọi chung là “độ nhạy bén”.
Một số khoa học gia còn cho rằng, việc ngồi lâu trong văn phòng sẽ gây ảnh hưởng ngược lại, là cản trở rất lớn tới hoạt động trí óc của con người.
4. Học ngoại ngữ
Bạn muốn cải thiện trí nhớ của mình? Vậy thì hãy thử học một môn ngoại ngữ mới. Có nghiên cứu cho thấy, người thông thạo hai loại ngoại ngữ khi chơi trò chơi ghép từ (Scrabble) sẽ chơi tốt hơn so với người chỉ biết ngôn ngữ mẹ đẻ. Học tập thành công một loại ngôn ngữ mới có thể khiến cho bộ não hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ khó khăn, củng cố kỹ năng lập kế hoạch và giải quyết vấn đề.
Ngoài ra, nói được ít nhất hai loại ngôn ngữ sẽ giúp có cái nhìn tốt hơn về hoàn cảnh xung quanh. Rất nhiều người Mỹ được biết rằng vì các quản lý cấp cao của công ty đều biết ngoại ngữ, muốn thăng tiến họ nên học thêm tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Pháp. Nhưng dựa trên những tác động của việc học ngoại ngữ đối với não bộ, thì lời này có thể phải nói ngược lại là: học ngoại ngữ có thể giúp chúng ta chuẩn bị về mặt trí tuệ để đảm nhận những chức vụ quan trọng.
5. Tích lũy kiến thức
Mỗi khi đến giai đoạn thi học kỳ, các học sinh trung học và sinh viên thường chia sẻ cách học “nhồi nhét” của họ như thế nào. Nhưng điều rắc rối là, những thứ được “nhồi nhét” vào thường sẽ bị lãng quên nhanh chóng, bởi vì chúng ta rất ít có cơ hội lặp lại những kiến thức này. Mà một trong những nguyên nhân của việc học ngoại ngữ có thể giúp chúng ta trở nên thông minh hơn, vì nó là một hình thức học tập tăng dần. Cần phải học đi học lại bao nhiêu lần để nắm chắc được ngữ pháp và từ vựng, mới có thể nâng cao trình độ ngoại ngữ của chúng ta.
Việc vận dụng kiến thích được tích lũy vào cuộc sống hàng ngày có thể thể hiện ở các khía cạnh sau: chú ý ghi nhớ một số điểm kiến thức cần thiết cho công việc, viết một số lưu ý khi đọc sách, ghi một số lưu ý khi họp, hoặc viết một số nhật ký ngắn về những việc phải làm. Cố gắng kết hợp tích lũy học tập vào kế hoạch hoàn thiện bản thân mình.
6. Chơi những trò chơi thông minh
Các hoạt động như giải câu đố sudoku, đoán đố đèn lồng, chơi cờ… có thể tăng cường đáng kể tính linh hoạt của thần kinh. Đây là khả năng thay đổi đường dẫn thần kinh và khớp thần kinh để lập trình lại hoạt động của não bộ.
Khi độ linh hoạt dai của thần kinh tăng lên, chúng ta có thể dễ dàng chuyển đổi quan điểm, hiểu được nguyên nhân và hậu quả của các hành vi và cảm xúc, đồng thời cải thiện khả năng nhận thức.
Theo nghiên cứu, các chứng ù tai có liên quan với việc độ linh hoạt của thần kinh kém. Vì vậy, các hoạt động này của não có thể ngăn ngừa một số chứng bệnh về thể chất và tinh thần, bao gồm cả lo lắng và trầm cảm, từ đó khả năng học tập và trí nhớ cũng sẽ được cải thiện.
7. Ngồi thiền
Khoa học gia Richard Davidson đã nghiên cứu sóng não của một số nhà sư và phát hiện rằng, khi họ nhập tĩnh (thiền định), họ đang ở trong một loại trạng thái đồng cảm sâu sắc. Kết quả nghiên cứu này được công bố trên “Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia” (Proceedings of the National Academy of Sciences) và “The Wall Street Journal”, và nhận được sự quan tâm rất lớn của mọi người.
Thói quen thiền định giúp chúng ta bình tâm tĩnh trí, có thể cảm nhận và lý giải mọi sự vật sự việc tốt hơn. Điều này có thể giúp chúng ta trong khi giao tiếp với người khác sẽ cảm thấy mạnh mẽ và tự tin hơn, lời nói ra cũng sẽ có sức thuyết phục hơn.
Tóm lại, các nghiên cứu khoa học của phương Tây trong những năm gần đây cho rằng, thông qua việc chủ ý tham gia vào một số hoạt động, não bộ và trí thông minh của chúng ta có thể được cải thiện. Các hoạt động khác nhau có thể kích thích các khu vực khác nhau của não bộ, giúp chúng ta trong khi phát triển điểm mạnh cũng đồng thời cải thiện điểm yếu của mình. Cho dù bạn đang ở vào thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp (hay đang chững lại), là một chuyên gia đầy tham vọng, hay một doanh nhân đang tìm cách phát huy tiềm lực cá nhân, thì việc đầu tư phát triển trí tuệ của bản thân, là điều rất có ý nghĩa.
Trương Tiểu Thanh thực hiện
Mạt Lỵ biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: