7 bí quyết giúp bạn thông minh hơn mỗi tuần
Bạn hãy dành thời gian mỗi ngày để học hỏi những điều mới.
Để thành công trong công việc, bạn cần một đầu óc nhanh nhạy để phản ứng với các vấn đề nhạy bén hơn và cần sáng suốt giải quyết bất cứ vấn đề gì xảy đến với mình. Tóm lại, khả năng thành công của bạn thường được quyết định bởi việc bạn thông minh như thế nào.
Qua thực hành, bất kỳ ai đều có thể gia tăng nền tảng kiến thức, rèn giũa trí tuệ và học hỏi những kỹ năng mới. Có nhiều cách thúc đẩy kỹ năng nhận thức và mở rộng năng lực tinh thần của bạn. Chúng ta nên đặt ra mục tiêu dành thời gian mỗi ngày để học hỏi điều mới. Khi học càng nhiều, và hiểu càng sâu, thì chúng ta càng có thể cải thiện hoạt động não bộ và gia tăng khả năng học tập.
Những gợi ý bên dưới bao gồm các cách thức tốt nhất giúp tập trung tinh thần và phát triển trí thông minh của bạn, vì thế bạn có thể giải quyết những thử thách ngày càng gia tăng mà mình đối diện. Bằng cách thực hiện theo bảy gợi ý này, bạn có thể trở nên thông minh hơn mỗi tuần.
1. Dành thời gian đọc sách mỗi ngày
Tâm trí giống như cơ bắp: bạn càng sử dụng nhiều, nó sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn. Đọc sách là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển tâm trí, vì đó là một trong những cách cơ bản giúp chúng ta tiếp thu kiến thức và học hỏi.
Thông qua đọc sách, bạn có thể khám phá những điều mới lạ và tự học về bất kỳ chủ đề nào. Ngoài ra, việc đọc cũng giúp phát triển khả năng sáng tạo bằng cách thúc đẩy trí tưởng tượng. Từ ngữ, trong cả hai hình thức viết và nói, là những nền tảng của tồn tại xã hội. Thông qua từ ngữ, bạn có thể đi đến bất cứ nơi nào trên thế giới.
Nếu bạn đang tìm cách phát triển kiến thức của mình thật nhanh chóng, có một cách dễ dàng là đẩy nhanh tốc độ đọc thông qua việc đọc nhanh những quyển sách, tài liệu, và ngay cả những bài báo trực tuyến (giống như bài báo này!). Hầu hết mọi người đọc ở tốc độ trung bình là 250 từ mỗi phút. Với tốc độ này, bạn sẽ mất 6 phút để đọc xong bài báo này. Tuy nhiên, nếu biết cách đọc nhanh, bạn chỉ cần sử dụng phân nửa thời gian trên. Hãy nhớ rằng, mục tiêu là giúp mình nhanh chóng tiếp thu được nhiều thông tin hơn, không chỉ là đọc nhanh mà còn cần hiểu đầy đủ nội dung.
2. Chú tâm xây dựng sự hiểu biết sâu sắc hơn
Trở nên thông minh hơn không chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận thông tin, mà trí tuệ thật sự đến từ việc hiểu biết sâu sắc một chủ đề. Những người thành công nhất luôn vượt trội hơn những người khác bởi vì họ có thể học hỏi các kỹ năng mới nhanh chóng, thích nghi với những thay đổi, và biết cách phối hợp với người khác cũng như làm việc độc lập.
Họ sử dụng kiến thức sâu rộng, ý nghĩa của mình cùng với suy nghĩ linh hoạt để thấu hiểu các vấn đề và nhanh chóng đưa ra giải pháp. Nền tảng kiến thức sâu sắc đem đến cho họ cơ sở để giải quyết vấn đề.
Làm việc để xây dựng vững chắc một nền tảng kiến thức sâu sắc, ý nghĩa dựa trên một số vấn đề và chủ đề chính. Hãy trung thực với bản thân về những lĩnh vực mà mình yếu kém và tìm kiếm cách thức để tăng cường sự hiểu biết về những chủ đề quan trọng cho tới khi bạn có được một nền tảng vững chắc để có thể xây dựng dựa trên đó. Kiến thức được tích lũy qua thời gian, vì thế hãy bắt đầu với những điều căn bản. Bạn cần có sự hiểu biết chắc chắn về một việc nào đó hoạt động ra sao trước khi có thể chỉnh sửa nó. Thật tuyệt vời khi có được kiến thức rộng, nhưng cũng rất quan trọng để “đào sâu” và thật sự hiểu những vấn đề phức tạp và khó khăn.
3. Thường xuyên đặt câu hỏi và làm sáng tỏ vấn đề
Nhân tố trọng yếu nhất để trở nên thông minh hơn là việc đặt câu hỏi. Sự đổi mới luôn luôn bắt đầu bằng việc đặt câu hỏi và sự tò mò. Việc đặt câu hỏi luôn có giá trị bởi vì đó là cách chúng ta vượt qua ranh giới của thế giới bản thân và tâm trí mình. Đó là lý do tại sao thật quan trọng để trau dồi một tâm trí cởi mở, đầy tìm tòi bằng việc thường xuyên đặt câu hỏi về mọi thứ.
Không chỉ là việc đưa ra những câu hỏi; bạn nên đặt những câu hỏi sâu sắc để thăm dò tính hợp lý của những giả định, phân tích tính logic và khám phá những điều chưa biết. Hãy thực hành đặt những câu hỏi đi vào trọng tâm của vấn đề và trau dồi sự sẵn sàng thúc đẩy tìm câu trả lời.
Giống như bất kỳ điều gì khác, để phát triển kỹ năng này cần phải có thời gian. Khi đang làm việc, đọc sách báo, hay tham gia các hoạt động, hãy lưu giữ một nhật ký những câu hỏi xuất hiện trong tâm trí mình về bất cứ điều gì và mọi thứ mà bạn liên quan. Đừng e ngại làm sáng tỏ vấn đề khi có điều gì đó chưa rõ.
4. Đa dạng hóa một ngày của bạn
Một trong những cách tốt nhất để tăng cường trí tuệ là làm linh hoạt các khu vực khác nhau của não bộ. Bạn sẽ không thể thông minh hơn nếu cứ luôn làm cùng một việc mỗi ngày. Trong khi việc có thói quen là điều tốt (như vậy để cơ thể biết khi nào thức dậy và khi nào đi ngủ), nhưng có lẽ bạn không muốn dành những giờ thức giấc của mình bị mắc kẹt theo lối mòn.
Bằng cách đem một chút mới lạ vào cuộc sống hàng ngày của mình, bạn sẽ giữ cho mọi thứ luôn tươi mới và thú vị. Điều đó có thể là việc chọn một địa điểm mới để ăn trưa, hay tản bộ vào buổi trưa và chú tâm đến những cảnh vật và âm thanh xung quanh mình. Bạn cũng có thể đảo lộn mọi thứ trong suốt thời gian làm việc chỉ bằng cách đơn giản là tìm những phương thức mới để thực hiện các công việc hàng ngày của mình.
Nếu bạn đang làm một việc nào đó đã được một thời gian, hãy thử chuyển sang làm một việc khác. Hãy tìm cách làm mọi việc khác đi một chút. Điều này sẽ chống lại sự nhàm chán, giúp tâm trí bạn nhạy bén và tập trung. Bằng cách làm đảo lộn, bạn sẽ sử dụng những phần của bộ não khác đi một chút mỗi ngày. Điều này giúp bạn tăng cường trí thông minh thông qua việc buộc mình linh hoạt trí não theo các cách khác nhau. Hãy xem đây là một bài tập luyện tổng thể dành cho não bộ của bạn.
5. Ôn lại những điều đã học
Chúng ta nhớ lại những thông tin mới một cách rõ ràng nhất ngay sau khi học chúng. Nếu không sớm sử dụng lại thông tin đó sau khi học, chúng sẽ nhanh chóng phai mờ khỏi tâm trí bạn. Sau vài ngày, chúng ta có lẽ chỉ có thể nhớ lại một chút về những gì được học lúc đầu. Để gia tăng khả năng ghi nhớ, chúng ta cần lưu trữ thông tin trong phần ký ức lâu dài, và cách tốt nhất để thực hiện việc này là thường xuyên ôn lại những gì mình đã học cho tới khi thông tin ấy được khóa lại trong ngân hàng bộ nhớ của chúng ta.
Hãy ghi chú trong khi đọc hay nghiên cứu điều gì đó, hoặc khi hoàn thành, bạn hãy dành vài phút viết ra những ý chính. Sau đó, thậm chí dành thêm vài phút mỗi ngày xem lại tài liệu đó. Chỉ cần một chút nỗ lực, ngay khi việc này trở thành thói quen, bạn sẽ ngạc nhiên nhìn thấy hiệu quả của việc ôn nhanh giúp khẳng định bạn đã hiểu kiến thức và giúp bạn nhận thấy lĩnh vực nào mình cần chú trọng.
Bạn cũng có thể thử viết lại thông tin đó hoặc sắp xếp lại những ghi chú. Điều này sẽ tích cực củng cố những gì bạn đã học. Việc viết lại ghi chú giúp chúng ta làm rõ sự hiểu biết về một chủ đề và giảm thiểu thời gian “học lại” khi cần sử dụng kiến thức đó trong tương lai.
6. Theo dõi các ý tưởng của bạn
Khi làm việc để xây dựng nền tảng kiến thức, bạn sẽ nhận thấy tâm trí mình ngày càng mở rộng và phát triển theo những cách mới. Nếu lấp đầy bộ não với những thông tin tuyệt vời, trí óc bạn sẽ làm việc và bắt đầu diễn giải thông tin ấy theo cách hữu ích. Có lẽ bạn sẽ nhận thấy như thể mình bất ngờ trở thành một chiếc máy đầy ý tưởng, và rồi bắt đầu có “những giây phút thốt lên aha”. Những đột phá nhỏ này giúp bạn đột nhiên kết nối một ý tưởng này với một ý tưởng khác tạo thành một ý tưởng thậm chí to lớn hơn và tốt đẹp hơn.
Hãy bảo đảm mình ghi chú ra những ý tưởng ấy, viết ra giấy, để sẵn khi cần và chắc rằng bạn tiếp tục đọc lại chúng. Bạn nhớ nhé, thậm chí những ý tưởng tốt nhất và to lớn nhất cũng hoàn toàn vô dụng trừ khi bạn thật sự làm điều gì đó để thực hiện chúng. Nếu có một ý tưởng đột phá đầy thiên tài mà bỏ rơi việc trau dồi suy nghĩ và không bao giờ quay lại xây dựng hoặc hoàn thiện nó thì bạn vừa bỏ lỡ một cơ hội tuyệt vời!
Không phải tất cả ý tưởng mới của bạn đều đạt được chiến thắng. Một số có thể thoáng qua hoặc sẽ không thành công. Tuy nhiên, đôi khi, bạn có thể có một khoảnh khắc bật sáng khiến cuộc đời mình thay đổi.
7. Cho phép bản thân được thay đổi
Cho dù có nhận ra hay không, đôi khi chúng ta tự kìm hãm chính mình. Đôi khi, thậm chí những người thông minh nhất cho phép bản thân họ trở nên ràng buộc vào những suy nghĩ và ý tưởng sai lầm hoặc lỗi thời. Để trở nên thật sự thông minh, bạn phải cho phép bản thân phạm lỗi, chấp nhận rủi ro và sẵn lòng nắm bắt cơ hội cũng như học hỏi từ tất cả trải nghiệm này.
Bạn phải cho phép bản thân thay đổi, cởi mở với những điều mới mẻ, và cuối cùng trở nên một phiên bản khác hơn, tốt đẹp hơn của chính mình. Bằng việc cởi mở bản thân đón nhận những nguồn kiến thức mới và thúc đẩy tâm trí học hỏi những điều mới mẻ, rốt cuộc bạn có thể đặt câu hỏi cho một số tư duy căn bản cũ kỹ của mình. Bạn có lẽ nhận thấy rằng một vài nhận thức cá nhân đã sai lệch hoặc quan điểm của mình trên thực tế không có cơ sở.
Hãy thách thức các ý tưởng, thảo luận chúng với những người khác, lắng nghe những ý kiến trái chiều và linh hoạt kỹ năng phân tích của mình. Tuy nhiên, bạn hãy cởi mở để thay đổi tâm trí. Và trên hết, bạn nên cho phép bản thân có không gian phát triển và tiếp tục trên con đường tìm kiếm sự thông tuệ. Khi bạn trở nên thông minh hơn, thành công sẽ đến theo sau.
Bản quyền của The Epoch Times © 2022. Các quan điểm và ý kiến được bày tỏ chỉ là của các tác giả. Những thông tin này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin chung và không nên được hiểu hoặc diễn giải như một khuyến nghị hoặc một lời mời chào. The Epoch Times không đưa ra lời khuyên về đầu tư, thuế, pháp lý, lập kế hoạch tài chính, lập kế hoạch bất động sản hoặc bất kỳ lời khuyên tài chính cá nhân nào khác. The Epoch Times không chịu trách nhiệm về tính chính xác hoặc kịp thời của thông tin được cung cấp.
Động lực cho con người trong Sự Nghiệp Thay Đổi Thế Giới – Tổ chức Entrepreneur® cống hiến để thúc đẩy các các nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trên thế giới tạo ra sự khác biệt thông qua các ý tưởng, công việc kinh doanh và quan điểm đổi mới của họ.