620,000 người kêu gọi chấm dứt ‘Sự xâm lược Văn hóa’ của Trung Cộng ở Nam Hàn
Tinh thần chống Trung Cộng trong người dân Nam Hàn đang dâng cao.
Hơn 627,000 người dân Nam Hàn đã ký một bản kiến nghị yêu cầu chính phủ hủy bỏ dự án “Khu phố Tàu” ở thành phố nghỉ dưỡng Gangwon tiếp sau sự cố “Hán phục so với trang phục truyền thống hanbok” và “Kim chi” hồi năm ngoái.
Hôm 29/03, một bản kiến nghị đã được đăng ký trên trang web của chính phủ Nam Hàn yêu cầu tỉnh Gangwon hủy bỏ dự án “Khu phố Tàu.”
“Tại sao chúng ta lại muốn xây dựng một Trung Quốc thu nhỏ ở Nam Hàn?” bản kiến nghị chất vấn. “Công chúng không hiểu tại sao chúng ta lại muốn bày ra trải nghiệm văn hóa Trung Quốc trên chính xứ sở của mình. Chúng tôi kiên quyết phản đối.”
Tính đến sáng sớm ngày 21/04, bản kiến nghị đã nhận được 627,000 chữ ký – số chữ ký cao nhất mà Nhà Xanh từng nhận được.
Hôm 16/04, Nhà Xanh cũng nhận được một bản kiến nghị khác kêu gọi đàn hặc Thống đốc tỉnh Gangwon, ông Choi Moon-soon, về vai trò ủng hộ Bắc Kinh của ông trong dự án “Khu phố Tàu” (“Chinatown.”)
Sáng kiến Vành đai và Con đường bị lên án là một cuộc xâm lược văn hóa
Tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của Trung Cộng – đưa tin dự án “China Town” ở Gangwon là một thỏa thuận được ký kết vào năm 2019 giữa chính phủ tỉnh Gangwon và Trung Quốc. Theo thỏa thuận này, Trung Quốc và Nam Hàn sẽ xây dựng một “làng văn hóa phức hợp Trung Quốc” giữa tỉnh Hongcheon và Chuncheon, thành phố thủ phủ của tỉnh Gangwon. Trải dài trên 296 mẫu Anh, dự án này có quy mô gấp 10 lần Khu phố Tàu của thành phố Incheon.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Nhân dân Nhật báo vào tháng 12/2019, ông Choi đã mô tả dự án được đề xuất “Thành phố Văn hóa Trung Quốc” như một “Vành đai và Con đường về văn hóa.” Truyền thông Nam Hàn đưa tin rằng tên chính thức của dự án này là “Thành phố Văn hóa Trung Quốc-Nam Hàn.”
Dự án được lên kế hoạch hoàn thành vào năm 2022. Tuy nhiên, dự án đã làm dấy lên sự phẫn nộ mạnh mẽ trong người dân Nam Hàn, họ tin rằng Trung Cộng đang thực thi chủ nghĩa đế quốc văn hóa ở Nam Hàn để bành trướng ảnh hưởng chính trị của nhà cầm quyền này.
Đơn kiến nghị viết: “Chúng tôi phản đối việc xây dựng một khách sạn cho khách du lịch Trung Quốc ở tỉnh Gangwon, đây là di tích lịch sử lớn nhất thế giới với lượng lớn các cuộc khai quật. Người dân đang rối loạn vì đánh mất nền văn hóa của mình. Chúng ta phải đứng lên chống lại Trung Quốc, đang cố gắng đánh cắp những nét văn hóa độc nhất của chúng ta như kim chi và hanbok.”
Tranh chấp về Kimchi, Hanbok
Tranh chấp về “kim chi” đã được khuấy động bởi Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận của Trung Cộng ở ngoại quốc. Thời báo Hoàn Cầu tuyên bố rằng Trung Cộng chịu trách nhiệm thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế cho ngành công nghiệp “rau dưa chua” và địa vị “quốc gia bá chủ kim chi” của Nam Hàn chỉ tồn tại “trên danh nghĩa.”
Những bình luận này đã dẫn đến sự phản đối tức thì từ những người dân Nam Hàn, những người coi kim chi là món ăn thiêng liêng có mặt trong hầu hết các bữa ăn. Chính phủ Nam Hàn trả lời rằng tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế của Trung Quốc chỉ giới hạn cho dưa chua Tứ Xuyên, và không liên quan gì đến kim chi của Nam Hàn.
Vào tháng 11/2020, dưa chua Tứ Xuyên của Trung Quốc đã được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) chứng nhận.
Cuộc tranh cãi đã kéo theo cuộc tranh luận sôi nổi về mối liên hệ giữa trang phục người Hán và trang phục truyền thống hanbok giữa các cư dân mạng của hai nước. Blogger truyện tranh “Old Xian” từ Trung Quốc đại lục đã tạo nên một seri phim hoạt hình về Hán phục. Cư dân mạng Nam Hàn đặt nghi vấn liệu trang phục trong phim này có sao chép các yếu tố của hanbok của Nam Hàn hay không. Tuy nhiên, cư dân mạng Trung Quốc nói rằng phong cách này đã tồn tại ở Trung Quốc từ thời nhà Minh và bản thân hanbok “bắt nguồn từ Hán phục.”
Ngoài ra, bộ phim truyền hình Nam Hàn “Phù thủy Joseon” đã bị cáo buộc xuyên tạc lịch sử Nam Hàn. Việc bao gồm các yếu tố Trung Quốc, chẳng hạn như bánh bao, bánh trung thu và đàn tranh Trung Quốc, đã khơi dậy các cuộc biểu tình phản đối ở Nam Hàn. Các nhà biên kịch đã bị chỉ trích vì thân Trung Cộng, và cuối cùng chương trình này đã bị ngừng phát sóng.
Chỉ số được lòng dân chúng của TT Moon Jae-in tụt dốc giữa bối cảnh tinh thần chống Trung Cộng dâng cao
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, những người dân Nam Hàn có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc – do nền chính trị của Bắc Kinh – đã tăng từ 37% vào năm 2015 lên 75% vào năm 2020. Chỉ số ủng hộ của Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức.
Theo dữ liệu do các nhà thăm dò ý kiến của Nam Hàn công bố hôm 12/04, mới đây nhất chỉ số ủng hộ của ông Moon chỉ là 33.4%.
Sau khi virus Trung Cộng bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào đầu năm 2020, hơn 500,000 người dân Nam Hàn đã ký một đơn kiến nghị yêu cầu chính phủ ông Moon từ chối cho công dân Trung Quốc nhập cảnh để ngăn chặn đại dịch. Trong khi đó, 1.45 triệu người, không hài lòng với các chính sách thân Trung Cộng của ông Moon, đã đưa ra một bản kiến nghị đàn hặc ông.
Bản kiến nghị đàn hặc cho biết, “Chính sách của Tổng thống Moon Jae-in đối với virus corona chủng mới cho thấy ông ta giống chủ tịch Trung Quốc hơn là tổng thống Nam Hàn.”
Trung Cộng đã giúp bầu chọn ông Moon Jae-in
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2017, ông Moon đã công khai ủng hộ Trung Cộng. Năm 2019, chiến dịch chống Dự luật Dẫn độ (ELAB) ủng hộ dân chủ của Hồng Kông đã giành được sự ủng hộ từ nhiều quốc gia dân chủ, nhưng Nam Hàn không nằm trong số đó.
Ngay cả dưới làn sóng phản ứng dữ dội toàn cầu hiện nay chống Trung Cộng, dẫn đầu bởi các chính sách thương mại công bằng của Hoa Kỳ, Nam Hàn vẫn ở thế trung lập, thể hiện qua việc nước này không sẵn lòng tham gia “Đối thoại An ninh Tứ giác” với Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc chống lại sự xâm lược ngày càng tăng của Trung Cộng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Vào tháng 02/2019, một cựu binh mạng của Trung Cộng và là thành viên của tổ chức bất vụ lợi Nam Hàn “Turn Right” đã viết một bài báo nói rằng Trung Cộng đã thao túng dư luận để giúp ông Moon Jae-in giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, với mục đích biến Nam Hàn trở thành đồng minh của Trung Cộng để cạnh tranh với Hoa Kỳ.
Theo các tài liệu nội bộ mà The Epoch Times có được vào tháng 10/2020, sau khi lên nắm quyền, ông Moon đã thiết lập các chính sách kinh tế thân Trung Cộng, nâng “Đập ngăn sóng Saemangeum” lên thành một dự án có tầm quan trọng chính trị quốc gia, và hợp nhất dự án này trở thành “Trung tâm Kinh tế Đông Bắc Á” hợp tác với Trung Cộng để tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại giữa Nam Hàn và Trung Quốc. Mặt khác, Trung Cộng sử dụng mối quan hệ đối tác để tạo ảnh hưởng và kiểm soát đối với chính phủ của ông Moon.
Ông Lý Yến Minh (Li Yanming), nhà bình luận tại Hoa Kỳ, cho biết, “Vào thời điểm căng thẳng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đang hành động cùng các đồng minh và đối tác của mình để kiềm chế Trung Cộng. Nam Hàn từng là đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng chính phủ của ông Moon bị Trung Cộng kiểm soát và phải thực hiện những gì Bắc Kinh nói.”
“Giờ đây, tinh thần chống Trung Cộng trong người dân Nam Hàn đang dâng cao. Họ công khai phản đối hành vi ủng hộ Trung Cộng của chính phủ ông Moon Jae-in. Nỗ lực xâm nhập vào Nam Hàn của Trung Cộng đã vấp phải một rào cản nghiêm trọng.”
Do Winnie Han thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: