60 mỏ than ở Sơn Tây đã ngừng sản xuất vì mưa, nguy cơ than luyện cốc bị khan hiếm
Lượng mưa lớn đột ngột trong những ngày gần đây đã khiến 60 mỏ than ở Sơn Tây phải đóng cửa, đồng thời làm dấy lên mối lo ngại về lỗ hổng trong thị trường than.
Sau trận mưa lớn và lũ lụt ở Hà Nam vào tháng 7, tỉnh Sơn Tây ở lân cận hiếm khi phải chịu mưa lớn trên diện rộng trong khoảng thời gian tháng 11, giờ cũng đã xuất hiện những cơn mưa dữ dội. Một số nhà phân tích thị trường than tin rằng, việc một số mỏ than ở Sơn Tây ngừng sản xuất do thảm họa chắc chắn sẽ làm tăng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Về than luyện cốc, e rằng sẽ bước vào thời kỳ cực kỳ khan hiếm.
Trong những ngày gần đây, mưa lớn đã dẫn đến ngập úng, thảm họa địa chất, lũ lụt và các thảm họa khác ở nhiều khu vực thuộc tỉnh Sơn Tây.
Trong năm nay, do nguồn cung than và mức tiêu thụ năng lượng bị ĐCSTQ kiểm soát chặt chẽ đã dẫn đến giá than tăng cao, nhiều nơi lại hạn chế sản xuất điện, đợt mưa lớn này rốt cuộc sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nguồn cung và giá than?
Về vấn đề này, nhà phân tích thị trường than độc lập Hoàng Đằng đã thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Time Weekly rằng, nguồn cung than ở Đại lục gần đây đang bị thiếu hụt, và việc một số mỏ than ở Sơn Tây phải tạm ngưng do thảm họa chắc chắn sẽ làm tăng thêm sự thiếu hụt nguồn cung.
Là tỉnh sản xuất than lớn nhất Trung Quốc, tính đến cuối tháng 1/2021, Sơn Tây có tổng cộng 670 mỏ than.
Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia, đến năm 2020, tổng sản lượng than nguyên khai trên quy mô quy định của Trung Quốc là 3.84 tỷ tấn và của Sơn Tây là 1.063 tỷ tấn, tức là Sơn Tây chiếm hơn 1/4 sản lượng than nguyên khai của cả nước.
Do tình trạng thiếu điện đã xuất hiện ở nhiều nơi trên khắp Trung Quốc, dưới tình huống khẩn cấp trước mắt, vào ngày 29/9, Sơn Tây đã ký hợp đồng với 14 tỉnh (khu tự trị và thành phố trực thuộc trung ương) bao gồm Hà Bắc, Sơn Đông, Giang Tô, Chiết Giang, Thiên Tân v.v. để đảm bảo đủ lượng than cung cấp trong quý IV.
Tuy nhiên, lượng mưa lớn bất ngờ trong những ngày qua đã khiến 60 mỏ than ở Sơn Tây phải tạm dừng sản xuất, cũng làm dấy lên mối lo ngại về lỗ hổng trong thị trường than.
Ông Hoàng Đằng cho biết, hầu hết các mỏ than luyện cốc ở Sơn Tây đều nằm trong vùng thảm họa (như Lâm Phần, huyện Bồ, v.v.). “Điều này khó có thể bù đắp bằng cách tăng sản lượng ở các khu vực khác. Đặc biệt là than luyện cốc chất lượng cao, tôi e rằng nguồn cung của nó sẽ bước vào thời kỳ rất khan hiếm”.
Tình hình nhập khẩu than của Trung Quốc thì lại không mấy khả quan. Khi điều tra nguyên nhân, ông Hoàng Đằng cho biết thứ nhất là nguồn hàng không đủ, thứ hai là giá cả tăng vọt, thứ ba là “lượng tàu cung không đủ cầu” trên thị trường vận tải biển.
Than luyện cốc hay còn gọi là than luyện kim được sử dụng chủ yếu để luyện than cốc, có liên quan trực tiếp đến các ngành công nghiệp nặng như luyện kim, hóa chất và một số ngành công nghiệp như điện lực, khí đốt thành phố. Nó có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển lâu dài của toàn bộ hệ thống công nghiệp và đời sống của người dân.
Do Lí Tịnh thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: