6 loại trà thảo mộc giúp thải độc tối ưu
Trà thảo mộc là một lựa chọn hoàn hảo giúp cơ thể thải bỏ độc tố gây bệnh. Không chứa caffein và hoàn toàn tự nhiên, đây là phương thuốc tốt nhất để điều trị các triệu chứng khó chịu của một số bệnh lý phổ biến thời hiện đại. Trà thảo mộc cũng giúp giảm cân và hình thành lối sống lành mạnh hơn.
Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, hãy tham khảo lời khuyên của bác sĩ trước khi dùng trà thảo mộc, vì một số loại có thể tương tác tiêu cực với thuốc.
Cải thiện tiêu hóa và giảm đầy hơi
Thì là
Hạt thì là được dùng phổ biến trong các phương thuốc thảo mộc để điều trị chứng rối loạn tiêu hóa, như đầy hơi, chướng bụng và táo bón.
Tất cả bộ phận của cây thì là đều có thể dùng được, nhưng hạt thì là thường được dùng làm trà thảo mộc. Hạt thì là có vị giống như cam thảo hay tiểu hồi cần, đem lại cảm giác dễ chịu khi thưởng trà. Hạt thì là chứa rất nhiều khoáng chất vi lượng manganese. Đây là vi chất quan trọng giúp kích hoạt và chuyển hóa enzyme đường ruột, giảm viêm, ngăn ngừa các gốc tự do gây hại cho cơ thể nhờ chứa nhiều chất chống oxy hóa và điều chỉnh mức đường máu. Các nhà khoa học tìm thấy hàm lượng manganese thấp ở bệnh nhân tiểu đường, điều này giải thích cho tình trạng không dung nạp glucose thường liên quan đến bệnh tiểu đường. Dùng nhiều thì là ở dạng thực vật hay trà thảo mộc có thể làm tăng lượng manganese cho cơ thể, từ đó giúp ổn định đường máu, giảm đầy hơi và khó tiêu.
Bạc hà
Bạc hà cũng là một lựa chọn tuyệt vời giúp giảm khó chịu tiêu hóa, khi kết hợp với thì là sẽ tạo nên một cặp bài trùng hiệu quả. Nghiên cứu gợi ý rằng bạc hà có thể làm dịu cơn đau dạ dày nhờ tác dụng thư giãn hệ tiêu hóa. Điều này là do tinh dầu trong bạc hà có thể làm tăng bài tiết mật vào ruột non, giúp phân hủy thức ăn hiệu quả hơn. Tinh dầu bạc hà cũng hoạt động như một chất làm giãn ruột nhờ tác dụng thả lỏng cơ bụng, giúp khí hơi thoát ra dễ dàng hơn. Các đơn giản nhất để dùng bạc hà là pha lá bạc hà thành trà và uống cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm. Tuy nhiên, khi dùng ở dạng trà, hàm lượng tinh dầu thường thấp hơn so với dầu bạc hà, do vậy, bạn có thể cần nhiều lá hơn để tăng dược tính của tinh dầu.
Cây tầm ma
Không nhiều người dùng cây tầm ma để pha trà, nhưng loại trà thảo mộc này sở hữu một số lợi ích sức khỏe đáng ngạc nhiên. Cây tầm ma có đặc tính chống viêm giúp tăng khả năng tiêu hóa, giảm táo bón, tiêu chảy và đau bụng. Được xem là loại thuốc lợi tiểu tự nhiên, cây tầm ma là một lựa chọn tuyệt vời cho bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu nhờ tác dụng đào thải vi khuẩn có hại trong cơ thể.
Ngăn ngừa viêm
Viêm là một tình trạng phổ biến, có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân, như tiêu thụ quá nhiều thực phẩm gây viêm, lối sống ít vận động, béo phì, hút thuốc, uống rượu, căng thẳng và thậm chí là mất ngủ. Một số loại thực phẩm như đường, dầu thực vật, đồ chiên, thịt chế biến sẵn và sữa có thể làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể. Do vậy, tốt nhất là nên tránh ăn thường xuyên những thực phẩm này. Một số nguyên nhân gây viêm khác có liên quan đến lối sống có thể hạn chế được bằng cách tập thể dục thường xuyên, bỏ hút thuốc, uống rượu, và kiểm soát căng thẳng.
Nghệ
Thường được dùng như một loại gia vị và dược liệu ở Ấn Độ cũng như nhiều nơi trên thế giới, nghệ có nhiều công dụng và rất hữu ích. Curcumin – một hợp chất chống viêm có trong nghệ – có tác dụng giảm tình trạng đau và sưng tấy liên quan đến viêm. Tuy nhiên, khi được dùng như một loại gia vị trong thực phẩm hoặc pha chế, chất curcumin trong nghệ thường ít được hấp thụ vào máu. Tác dụng của curcumin có thể tăng lên rất nhiều khi trộn với hạt tiêu đen, vốn chứa piperine giúp làm tăng hấp thụ curcumin.
Để pha trà nghệ, hãy lấy khoảng một đến một thìa rưỡi bột nghệ xay, trộn với một nhúm hạt tiêu đen xay, thêm khoảng hai thìa cà phê nước cốt chanh và hai thìa cà phê mật ong nguyên chất. Bạn cũng có thể thêm một ít gừng thái lát hoặc bột gừng để cải thiện tiêu hóa và tăng tính chống viêm. Trộn kỹ cho đến khi tạo thành hỗn hợp sệt, sau đó thêm vào một ít nước ấm. Nước cốt chanh giúp chống viêm và nâng cao miễn dịch. Mật ong được thêm vào để tăng độ ngọt cho trà và bổ sung thêm tính kháng khuẩn, giảm bớt triệu chứng sưng viêm nhờ chứa các chất chống oxy hóa. Nếu dùng loại mật ong thô, không nên dùng nước sôi (trên 200 độ F – 93°C) để pha trà vì nhiệt độ cao có thể phá hủy các dưỡng chất có lợi trong mật ong. Ngoài ra, có thể cho mật ong vào sau khi nước nguội đi một chút để bảo đảm nước không quá nóng.
Thanh lọc cho lá gan
Gan chịu trách nhiệm lọc bỏ độc tố trong máu và duy trì mức đường máu ổn định. Khi bị tổn thương, gan không thể thực hiện các chức năng quan trọng này một cách hiệu quả, do đó khiến cơ thể bị bệnh. Những thói quen xấu có thể ảnh hưởng đến gan bao gồm uống rượu trong thời gian dài, dùng ma túy, ăn nhiều chất béo và lười vận động. Một số loại thảo mộc tuyệt vời có thể loại bỏ độc tố dư thừa tích tụ trong gan theo thời gian. Tuy nhiên, một vài loại có thể tương tác tiêu cực với thuốc điều trị bệnh gan, do vậy, điều quan trọng là bạn nên xin ý kiến của bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại trà thảo mộc nào.
Bồ công anh
Các polysacarit trong rễ bồ công anh có tác dụng trợ giúp khả năng sản xuất mật và giúp gan lọc bỏ các hóa chất có hại tiềm tàng từ thực phẩm. Bạn có thể pha trà bồ công anh bằng tất cả bộ phận của cây, bao gồm hoa, rễ và lá. Những người làm vườn thường xem loại cây này là cỏ dại vì rất dễ sinh trưởng và có thể sống được ở nhiều nơi trên thế giới, ngay cả trong điều kiện ánh sáng yếu. Với hàm lượng cao các dưỡng chất quan trọng và các chất chống oxy hóa, bồ công anh thậm chí còn được khuyên dùng cho những người bị đau dạ dày hoặc nhiễm trùng tiết niệu nhờ đặc tính lợi tiểu. Ngoài ra, bồ công anh có thể giúp thải độc qua nước tiểu nhờ đặc tính lợi tiểu và chỉ nên dùng riêng rẽ. Nên tránh uống trà rễ bồ công anh khi đang dùng các thuốc lợi tiểu.
Trà bồ công anh rất dễ để pha chế. Nếu không tìm thấy bồ công anh trong vườn, bạn có thể tự trồng vì loại cây này rất dễ sinh trưởng. Tuy nhiên, trước khi thu hoạch bồ công anh, hãy bảo đảm rằng bạn không dùng hóa chất cho khu vườn. Ngoài ra, bạn có thể mua bồ công anh ở tiệm thực phẩm tự nhiên. Sau đó, rửa sạch lá và hoa rồi ngâm trong nước nóng khoảng 15 phút. Với phần rễ, có thể cắt thành những miếng nhỏ, nướng trong lò khoảng hai giờ và dùng để pha chế. Nhiều người ví hương vị của rễ bồ công anh giống như cà phê. Việc không chứa caffein khiến loại thảo mộc này có thể trở thành một chất thay thế cà phê hấp dẫn cho những người bị dị ứng với caffein.
Cam thảo
Nhiều người nghĩ đến cam thảo dưới dạng kẹo ngọt nhưng ít ai nhận ra đây là một loại thuốc thảo dược. Nhiều nghiên cứu khoa học đã xác nhận lợi ích y khoa của loại thảo mộc này và xem đây là một chất chống viêm, kháng virus và bảo vệ gan. Thành phần chính trong rễ cam thảo có tác dụng bảo vệ gan là chất glycyrrhizin, thường được dùng trong Trung Y để điều trị các bệnh về gan. Các nghiên cứu gần đây cho thấy rễ cam thảo giúp giảm tổn thương gan nhờ làm tăng khả năng chống oxy hóa và chống viêm của cơ thể. Rễ cam thảo được cho là giúp điều trị các bệnh về gan như vàng da và bệnh gan không do rượu. Bạn có thể dùng chiết xuất cam thảo hoặc pha cam thảo thành trà thải độc gan. Rễ cam thảo cũng có hiệu quả trong việc điều trị chứng khó tiêu dạ dày, các vấn đề về tiêu hóa và thậm chí một số bệnh về da.
Mặc dù là một lựa chọn tuyệt vời giúp giảm bất kỳ triệu chứng khó chịu nào liên quan đến bệnh tật, nhưng trà thảo mộc chắc chắn không phải là thuốc chữa bệnh và chỉ có tác dụng làm thuyên giảm triệu chứng tạm thời. Do vậy, bạn nên nói chuyện với bác sĩ hoặc nhà trị liệu tự nhiên để thảo luận về các vấn đề sức khỏe của mình và đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp. Các loại trà thảo mộc trên đây chỉ là những gợi ý để giải quyết một số vấn đề nhỏ và không nên được dùng như một phương pháp chữa trị cho bất kỳ bệnh tật nào.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times