4 cây thuốc dễ tìm, rẻ tiền giúp giảm nhẹ các bệnh đường tiểu
Bài viết giới thiệu 4 loại thảo dược có thể thêm vào khẩu phần ăn uống hoặc sử dụng theo cách trị liệu như uống trà và làm cồn để giúp giải quyết các vấn đề về đường tiểu.
1. Cỏ thi (Achillea millefolium)
Cỏ thi có nhiều công dụng, được biết đến nhiều nhất với khả năng chữa sốt nhờ tác dụng giúp cơ thể đổ mồ hôi. Xuất xứ từ Châu Âu và Tây Á, cỏ thi có thân dài với một chùm hoa nhỏ màu trắng, thỉnh thoảng có màu hồng nhạt.
Cỏ thi giúp làm se, gây đổ mồ hôi, lợi tiểu, chống viêm, kháng khuẩn, giảm sốt và cầm máu. Cỏ thi cũng là một vị thuốc làm giãn mạch ngoại vi, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và kích thích tiêu hóa.
Khi bôi ngoài da, cỏ thi giúp chữa trị vết thương và là một phương thuốc phổ biến trị cảm lạnh và rối loạn đường tiểu. Đối với chảy máu mũi, chỉ cần đặt một chiếc lá cỏ thi vào mũi là có thể nhanh chóng cầm máu.
Cỏ thi được sử dụng dưới dạng cồn, thuốc mỡ, dầu massage hoặc xông hơi, nhưng phổ biến nhất là dạng trà. Trà và cồn thuốc thường được sử dụng để chữa bệnh rối loạn đường tiểu.
Cồn thuốc là các chế phẩm sử dụng rượu (giấm hoặc glycerine cũng có thể được sử dụng) để chiết xuất và bảo quản các thành phần hoạt tính của thảo mộc. Cồn thuốc dùng rượu cồn có thể giữ được trong nhiều năm và nên lưu trữ ở trong bóng râm và mát mẻ. Cồn thuốc được làm tại nhà hoặc mua sẵn, dùng trực tiếp trên da, pha với nước, hoặc thêm vào nước nóng hoặc trà.
Trà cỏ thi: Ngâm 1-2 muỗng cà phê cỏ thi khô với 1 ly nước sôi trong 10-15 phút. (Tất cả các phần mọc trên đất của Cỏ thi đều được dùng làm thuốc). Uống ba lần mỗi ngày.
Cồn cỏ thi: Dùng 20-40 giọt (1-2 ml) ba lần mỗi ngày.
Chống chỉ định: Không nên dùng cỏ thi trong thai kỳ do tác dụng kích thích nhẹ trên tử cung.
2. Cần tây (Apium graveolens)
Cần tây là một loại rau phổ biến, có thể dễ dàng kết hợp vào nhiều món ăn khác nhau. Hạt, thân và tinh dầu cần tây cũng được sử dụng trong y học truyền thống tại nhiều quốc gia. Trung Y dùng cần tây để chữa bệnh cao huyết áp và y học Ả Rập dùng cần tây để giảm đau thận (hệ thống thận bao gồm thận, niệu quản và niệu đạo).
Cần tây cũng là một phương thuốc phổ biến chữa viêm khớp và bệnh gout nhờ tác dụng loại bỏ acid uric ra khỏi các khớp.
Cần tây làm tăng bài tiết ion canxi qua nước tiểu trong bệnh thận do lắng đọng canxi. Cần tây cũng giảm đáng kể nồng độ creatinine và nitrogen (nitơ) urea máu, vốn là các sản phẩm chất thải mà thận loại bỏ.
Cần tây có đặc tính chống viêm, hạ huyết áp, chống co thắt, an thần, giảm đầy hơi và chống thấp khớp. Tuy nhiên, các đặc tính lợi tiểu và kháng khuẩn của chất apiol làm cho cần tây đặc biệt hữu ích để chữa trị các bệnh về đường tiểu.
Cần tây được sử dụng làm thuốc theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Trà cần tây giúp điều trị thấp khớp, bệnh gout và rối loạn đường tiểu. Dầu cần tây dùng để massage trị thấp khớp hoặc xoa trên bụng để chữa trị các vấn đề tiêu hóa, đầy hơi và gan sung huyết. Ngâm chân bằng cần tây dùng để chữa bệnh thấp khớp và gout. Nước ép cần tây giúp hạ huyết áp và giảm mệt mỏi thần kinh. Cách dùng cần tây tốt nhất cho các bệnh về đường tiểu là dưới dạng trà hoặc cồn thuốc.
Trà cần tây: Ngâm 1-2 muỗng cà phê hạt cần tây tươi nghiền nát với 1 ly nước sôi trong 10-15 phút. Uống ba lần mỗi ngày.
Cồn cần tây: Dùng 2-4 ml cồn ba lần mỗi ngày.
Chống chỉ định: Tránh sử dụng hạt cần tây trong thai kỳ. Không dùng uống tinh dầu cần tây trừ khi dưới sự hướng dẫn của một chuyên gia.
3. Ngò tây (Petroselinum crispum)
Ngò tây là một loại thảo dược khác thường được sử dụng trong các món ăn hàng ngày và là một trong những nguồn vitamin C dồi dào nhất. Lá, hạt và rễ của ngò tây có đặc tính lợi tiểu, giúp đẩy các vi sinh vật ra khỏi bàng quang và đường tiểu.
Giống như cần tây, ngò tây chứa dầu dễ bay hơi apiol, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng hệ thống đường tiểu. Tác dụng này tương đương với furosemide, một loại thuốc lợi tiểu chữa bệnh giữ nước tiểu do nhiều tình trạng khác nhau. Chiết xuất ngò tây giúp chữa bệnh sỏi canxi oxalat (loại sỏi thận phổ biến nhất).
Ngoài các tác dụng lợi tiểu, ngò tây cũng là vị thuốc giảm đầy hơi, kích thích và điều hòa kinh nguyệt.
Lá, thân, rễ và hạt của ngò tây đều được sử dụng làm thuốc.
Trà hoặc cồn ngò tây giúp chữa trị các bệnh đường tiểu.
Trà ngò tây: Hoà 1-2 thìa cà phê ngò tây khô với một ly nước sôi và đậy nắp. Ngâm trong 5-10 phút. Uống ba lần mỗi ngày.
Cồn ngò tây: Dùng 2-4 ml cồn ba lần mỗi ngày.
Chống chỉ định: Tránh dùng ngò tây trong thai kỳ vì ngò tây kích thích (gây sẩy thai).
4. Bồ công anh (Taraxacum campylodes)
Đối với nhiều người, bồ công anh là một loài cỏ dại, nhưng đối với các nhà thảo dược và những người thực hành sức khỏe toàn diện, bồ công anh là một vị thuốc hiệu quả.
Bồ công anh chứa một loạt các hợp chất có đặc tính chữa bệnh, bao gồm phenol, terpene, các vitamin, khoáng chất, protein, carbohydrate và acid béo. Bồ công anh cũng chữa bệnh gout, tiêu chảy, các vấn đề về lá lách, gan và bàng quang.
Một số đặc tính trị liệu của bồ công anh bao gồm:
- Lợi tiểu
- Bảo vệ gan
- Bảo vệ miễn dịch
- Kháng virus
- Kháng nấm
- Kháng khuẩn
- Chống viêm khớp
- Chống tiểu đường
- Chống béo phì
- Chống oxy hóa
- Chống ung thư
Các lợi ích sức khỏe phổ biến nhất của bồ công anh là đặc tính chống oxy hóa, bảo vệ gan và chống ung thư.
Bồ công anh có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, Châu Âu và Á Châu, được biết đến như một loại thuốc lợi tiểu mạnh để chữa trị các vấn đề về gan và túi mật. Rễ và lá của bồ công anh cũng được sử dụng làm thuốc.
Bồ công anh được sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Lá non là một nguyên liệu phổ biến trong các món salad, bánh sandwich và súp. Lá được lên men thành bia thảo mộc, hoa được làm thành rượu và rễ nướng khô được dùng làm cà phê.
Để trị bệnh, có thể dùng trà hoặc cồn bồ công anh.
Trà bồ công anh: Đun sôi 2-3 thìa cà phê rễ bồ công anh với 1 ly nước, sau đó giảm nhỏ lửa trong 10-15 phút. Uống ba lần mỗi ngày để giảm các bệnh đường tiểu, ứ dịch và cao huyết áp.
Cồn bồ công anh: Dùng 40 giọt hoặc 1 thìa cà phê hoặc 2-5 ml cồn ba lần mỗi ngày. Cồn làm từ rễ và lá bồ công anh giúp tan sỏi mật nhỏ, kích thích lưu thông mật và có tác dụng nhuận tràng nhẹ.
Chống chỉ định: Chỉ sử dụng rễ bồ công anh dưới sự giám sát của một nhà thảo dược hoặc chuyên gia sức khỏe.
4 nhóm cây điều trị bệnh đường tiểu
Các loại cây dùng để điều trị bệnh đường tiểu thuộc bốn nhóm:
- Thuốc lợi tiểu thảo mộc
- Chất kháng khuẩn và chống dính đường tiểu
- Thảo dược chống độc thận (hoặc bảo vệ thận)
- Thảo dược dùng trong điều trị phì đại tuyến tiền liệt lành tính
Dưới đây là mô tả ngắn gọn về từng nhóm.
- Thuốc lợi tiểu thảo mộc là các loại thảo mộc giúp cơ thể loại bỏ dịch dư thừa. Ví dụ như bồ công anh, gừng và ngò tây.
- Chất kháng khuẩn và chống dính đường tiểu ngăn ngừa và điều trị nhiễm trùng đường tiểu (UTI). Các loại cây này có chứa các hợp chất kháng khuẩn giúp loại bỏ vi khuẩn hoặc ngăn cản chúng bám vào các tế bào biểu mô, giúp chống lại nhiễm trùng đường tiểu mạn tính và cấp tính. Ví dụ như cây cỏ gấu, cây bách xù và nam việt quất. Nước ép nam việt quất không đường là một giải pháp tự nhiên phổ biến cho bệnh nhiễm trùng đường tiểu.
- Thảo dược chống độc thận bảo vệ thận khỏi các tổn thương do độc tố từ nhiều yếu tố khác nhau hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc. Ví dụ, cây mật nhân giúp bảo vệ thận khỏi độc tính từ paracetamol – một loại thuốc phổ biến để điều trị đau và sốt.
- Phì đại tuyến tiền liệt lành tính là sự phì đại tuyến tiền liệt do tuổi tác, đôi khi gây khó tiểu hoặc bí tiểu hoàn toàn. Người có nguy cơ mắc bệnh là những người trên 50 tuổi, thừa cân hoặc béo phì và hoạt động thể chất không đủ. Rối loạn cương dương cũng làm tăng nguy cơ phát triển phì đại tuyến tiền liệt ở một số nam giới.
Kết luận
Các loại thảo dược có thể giảm nhẹ triệu chứng của nhiều rối loạn đường tiểu phổ biến như nhiễm trùng tiết niệu, sỏi thận và tiểu không tự chủ.
Bốn loại thảo dược trên đây dễ tìm, rẻ tiền, có thể thêm vào khẩu phần ăn uống hoặc sử dụng theo cách trị liệu như uống trà và làm cồn để giúp giải quyết các vấn đề về đường tiểu.