50% quốc gia trên thế giới gây rủi ro cao cho người Mỹ
Hôm thứ Năm (09/11), Bộ Ngoại giao đã đưa ra một cảnh báo khác rằng nên ‘thận trọng trên toàn thế giới.’
Hôm thứ Năm (09/11), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra một cảnh báo “thận trọng trên toàn thế giới” dành cho công dân Mỹ khi có khoảng 50% số quốc gia trên toàn thế giới hiện được xem là một nguy cơ cao đối với du khách.
Kể từ thứ Sáu (10/11), cơ quan này đã phân loại 21 quốc gia vào danh mục điểm đến Cấp độ 4, nghĩa là “không được du lịch.” 20 quốc gia khác được phân loại vào Cấp độ 3, hay “cần cân nhắc về việc du lịch,” trong khi 70 quốc gia khác được phân loại vào Cấp độ 2 hay “nên thận trọng hơn.”
Cảnh báo “thận trọng trên toàn thế giới” được ban hành cho người Mỹ đi du lịch quốc tế hoặc đi ra hải ngoại. Bản tin cho biết: “Do căng thẳng gia tăng ở nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới, cũng như nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công khủng bố, biểu tình, hoặc hành động bạo lực nhắm vào công dân và lợi ích của Hoa Kỳ nên Bộ Ngoại giao khuyên công dân Hoa Kỳ ở hải ngoại nên tăng cường sự thận trọng.”
Các quốc gia nằm trong cảnh báo Cấp độ 4
Các quốc gia nằm trong danh mục cảnh báo Cấp độ 4 bao gồm Haiti, Nga, Ukraine, Bắc Hàn, Belarus, Venezuela, Miến Điện, Iraq, Iran, Afghanistan, Syria, Somalia, Yemen, Gaza và Tây Ngạn của Israel, Somalia, Mali, Libya, Cộng hòa Trung Phi, Burkina Faso, Sudan, Nam Sudan, và Niger.
Tháng trước (10/2023), Bộ Ngoại giao đã ban hành khuyến cáo Cấp độ 4 cho Lebanon, cũng như cho Tây Ngạn và Gaza của Israel do cuộc xung đột đang diễn ra với Hamas. Khuyến cáo được đưa ra sau khi Hamas tấn công nhiều khu vực ở Israel hồi đầu tháng này, sát hại hàng trăm thường dân, và dẫn đến việc Israel tiến hành một chiến dịch oanh tạc lớn.
Trong khi đó, hôm 05/11, đại sứ quán Hoa Kỳ tại Lebanon đã đưa ra các cảnh báo mới đối với nước này, kêu gọi công dân rời đi càng sớm càng tốt.
“Do tình hình an ninh khó lường, [Bộ Ngoại giao] khuyến nghị công dân Hoa Kỳ ở Lebanon rời đi ngay bây giờ nhân lúc các chuyến bay thương mại vẫn được cung cấp,” Bộ Ngoại giao viết trên X (trước đây gọi là Twitter) hồi cuối tuần qua.
Hôm thứ Bảy (10/11), cơ quan này cũng đề nghị rằng những người Mỹ nào vẫn ở lại Lebanon cần “có một kế hoạch hành động cho những tình huống khủng hoảng mà không phụ thuộc vào sự giúp đỡ chính phủ Hoa Kỳ,” trước khi nói thêm rằng “Việc quân đội Hoa Kỳ giúp di tản thường dân ra khỏi một quốc gia ngoại quốc là rất hiếm khi diễn ra.”
Bộ này cho biết: “Không có gì bảo đảm rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ di tản công dân Hoa Kỳ và các thành viên gia đình của họ trong một tình huống khủng hoảng.”
Không chỉ Trung Đông, chính phủ đã cảnh báo người Mỹ không nên đi đến một số tiểu bang ở Mexico, bao gồm Sinaloa, Tamaulipas, và Guerrero, phần lớn do các vụ tội phạm và bắt cóc. Những tiểu bang này hiện được phân loại vào Cấp độ 4 trong hệ thống khuyến cáo.
Haiti cũng được phân loại vào Cấp độ 4 do các vấn đề về bắt cóc, tội phạm, bất ổn dân sự, và cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe kém khi tình hình ở nước này tiếp tục xấu đi sau vụ ám sát tổng thống hồi giữa năm 2021.
Đáng chú ý, Trung Quốc được xếp ở Mức 3, khuyến cáo người Mỹ “xem xét lại việc đi đến Hoa lục” do Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện đang “thực thi luật pháp địa phương một cách tùy tiện, như luật cấm xuất cảnh, và nguy cơ bị giam giữ vô lý.”
Cảnh báo gần đây
Tuần này, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra một cảnh báo an ninh do các cuộc biểu tình và tấn công gần đây nhắm vào các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại nước này trong bối cảnh cuộc chiến với Israel. Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở Mức 2 trong hệ thống của Bộ Ngoại giao, mặc dù người Mỹ không được khuyến khích đi đến các khu vực gần biên giới Syria.
“Các cuộc biểu tình chỉ trích chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ được cho là sẽ tiếp tục diễn ra cùng với những lời kêu gọi tẩy chay các doanh nghiệp Hoa Kỳ,” đại sứ quán cho biết trong một bản tin hôm 08/11. “Các cuộc tụ tập đông người có thể dẫn đến việc cảnh sát tăng cường hiện diện, đường sá bị phong tỏa, và giao thông bị gián đoạn.”
Theo bản tin này, công dân Hoa Kỳ ở Thổ Nhĩ Kỳ được khuyến nghị “tránh gây chú ý,” tránh các cuộc biểu tình, tránh đám đông, theo dõi truyền thông địa phương để biết thông tin cập nhật, và chú ý đến hoàn cảnh xung quanh.
Hoạt động quân sự
Các quan chức Hoa Kỳ xác nhận trong những ngày gần đây rằng, kể từ đầu tháng Mười, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DOD) đã điều động rất nhiều binh lính, chiến hạm, và các tài sản quân sự khác tới Trung Đông. Các cuộc không kích cũng đã được tiến hành nhắm vào một số nhóm dân quân ở Syria.
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết, trong một cuộc oanh kích hôm thứ Tư (08/11), hai tiêm kích cơ F-15 của Hoa Kỳ đã thả nhiều bom xuống một cơ sở lưu trữ vũ khí gần Maysulun ở Deir el-Zour, Syria. Có thông tin rằng nơi này là nơi hoạt động của lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (một nhánh của Quân đội Iran).
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết trong một tuyên bố tuần này: “Tổng thống không có ưu tiên nào cao hơn sự an toàn của binh lính Hoa Kỳ, và ông chỉ thị hành động ngày hôm nay để làm rõ rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ chính mình, bảo vệ quân nhân, và bảo vệ lợi ích của mình.”
Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy hai tuần, Hoa Kỳ oanh kích các cơ sở được các nhóm này sử dụng, nhiều cơ sở hoạt động dưới sự bảo trợ của Lực lượng Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq. Theo các quan chức Hoa Kỳ, kể từ ngày 17/10, nhóm này đã thực hiện ít nhất 40 vụ tấn công vào các căn cứ mà quân đội Hoa Kỳ đồn trú.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times