5 lý do để hạn chế trẻ em dùng điện thoại
Điện thoại thông minh với những tiện ích không thể bàn cãi cũng mang đến nhiều vấn đề cho các em đương tuổi vị thành niên. Bài viết này xin chỉ ra 5 lý do mà các bậc phụ huynh nên nghiêm khắc hạn chế thời gian sử dụng điện thoại ở các em.
Đứa con đương tuổi vị thành niên của tôi vừa tỉnh giấc, cháu bước vào nhà bếp và hỏi tôi, “Mẹ, hôm nay là ngày nào vậy?” Vậy đấy, những ngày gần đây, trẻ con thường dậy muộn, người lớn thì nhếch nhác vội thay bộ pajamas ngay trước giờ dùng bữa trưa, và chúng ta ăn quá nhiều nhưng vận động thì chả bao nhiêu. Thêm vào đó, dường như ai trong gia đình cũng cần phải cắt tóc. Trên thực tế, chúng ta đã mất đi tính kỷ luật, mất đi những thói quen thường nhật. Và trên hết, dù bạn tin hay không, những đứa con đang tuổi lớn của chúng ta cũng cần tránh xa điện thoại.
Tôi biết thế nào lũ nhỏ cũng bảo rằng con cần điện thoại để học trực tuyến, để giữ liên lạc với bạn bè, và để giải khuây khi quá buồn chán. Các con sẽ thích thú với những món ăn không mấy bổ dưỡng như món bánh sandwich cùng kem hay dùng bắp rang bơ vào bữa ăn tối. Những lý do dùng để bào chữa cho việc sử dụng điện thoại cũng vô vị và trống rỗng hệt như chất lượng dinh dưỡng trong những bữa ăn của trẻ trong “mùa cách ly”. Và đầu óc của bọn trẻ thì chứa đầy những nội dung trên Instagram, thật vậy, chúng chẳng buồn học hỏi những kỹ năng mới hay bắt đầu những thứ vui bổ ích khác. Các em thực sự không ý thức được rằng các em đang có những khoảng thời gian vô cùng quý báu. Vì thế, điều mà phụ huynh chúng ta cần phải làm là khiến các con rời xa những chiếc điện thoại thông minh, hãy để các con rời xa điện thoại thông minh một đoạn thời gian.
Trên thực tế, nếu các bậc phụ huynh cảm nhận rằng các con đang lãng phí thời gian dán mắt vào điện thoại, thì sự lãng phí đó thậm chí còn nhiều hơn mức mà bạn có thể nghĩ đến. (Lưu ý: điều này viết dựa trên thói quen lướt mạng xã hội của con gái, tuy nhiên không có nghĩa là các bé trai không lãng phí thì giờ trên điện thoại.) Trên thực tế, trẻ vị thành niên, khi bận rộn với lịch học tại trường, bận chơi thể thao, bận tham gia các hoạt động ngoài giờ học, bận thực hiện những trách nhiệm của riêng chúng, khi chúng gò mình trong một khuôn khổ, chúng sẽ ít ngó ngàng đến điện thoại. Ngược lại, với hàng giờ rảnh rỗi cùng với sự thiếu kỷ luật ở bản thân, chúng ta đang đòi hỏi lũ trẻ thực hiện những gì mà não chúng không thể thực hiện.
Dưới đây là năm lý do để trẻ vị thành niên từ bỏ điện thoại, đặc biệt là trong thời gian giãn cách:
Thứ nhất: Điện thoại khiến các em xao nhãng việc học trực tuyến.
Nếu trẻ chống chế rằng điện thoại là cần thiết để học trực tuyến, hãy nghĩ thật kỹ! Thực tế, trước dịch bệnh, trẻ không cần điện thoại để học hành, và dĩ nhiên, bây giờ cũng không. Này nhé, việc nhắn tin và chơi trò chơi điện tử thật sự rất phổ biến trong lúc lớp học trực tuyến đang diễn ra. Ngày thường, trẻ đã không thể tự kiểm soát việc sử dụng điện thoại trong giờ học, và dĩ nhiên, trong thời buổi ngày nay, càng khó để cha mẹ và thầy cô đặt ra những khuôn khổ mang tính trách nhiệm về việc dùng điện thoại và buộc các em phải làm theo. Việc rời xa điện thoại là cần thiết bởi không thể chú tâm vào bài giảng trong khi vừa chơi trò Fortnite trên điện thoại, trong khi vừa tán gẫu với bạn bè, và trong khi đang lựa giày trên Amazon.
Thứ hai: Quá nhiều thời gian nhàn rỗi
Với việc chỉ cần ngồi nhà đặt hàng và chờ hàng được giao tận nơi, người lớn chúng ta giờ đây hầu như không cần phải làm gì ngoài bước ra cửa nhận sản phẩm, và điều này cũng khiến bọn trẻ vị thành niên khó lòng kiểm soát bản thân. Não của các con luôn muốn tận hưởng cảm giác hưng phấn từ lượng dopamine tiết ra do những kích thích từ những hoạt động trên điện thoại, những thứ mang đến cảm giác thành tựu cao nhưng công sức bỏ ra lại thấp. Tôi không nói rằng việc này hoàn toàn không tốt, tuy nhiên, càng nhiều thì giờ bỏ ra để lười biếng lướt điện thoại, thì động lực để hoàn thành công việc của các em càng thấp. Và khi thời gian nhàn rỗi gia tăng, các em sẽ có xu hướng bị lôi cuốn vào những hoạt động thiếu lành mạnh trên mạng.
Thứ ba: Trở nên trầm uất
Bạn không cảm nhận được sự “khẩn cấp” như khi các con của bạn khi chúng trả lời tin nhắn hoặc phản hồi trên một bài viết trên mạng xã hội, khi đó, các con bị bóp nghẹt bởi nỗi sợ bị chối bỏ bởi bạn đồng trang lứa, những người đang mong đợi những phản hồi tức thời. Có lẽ bạn từng nghe con gái nhiều lần nói về việc bé đã không trả lời đủ nhanh. Có thể bé cảm thấy lo lắng, như thể có một chiếc đồng hồ đang đếm từng phút từng giây, mỗi khi em nhận được một tin nhắn. Đây là tình trạng thường gặp, nhưng hiệu ứng của nó càng bị phóng đại giữa mùa giãn cách. Vì không bị chi phối bởi thời gian biểu cũng như những thói quen lành mạnh, có một tâm lý bất thành văn rằng những phản hồi cần phải nhanh chóng ngay tức khắc, vì người ta đang rảnh rỗi và họ chẳng còn việc gì gì khác. Điều này trở thành một áp lực mà các em khó vượt qua, khiến nhiều em trở nên trầm cảm.
Thứ tư: Tiếp xúc với những nội dung xấu
Sự an toàn là lý do phổ biến và là quan trọng bậc nhất mà các bậc cha mẹ nên để tâm khi trẻ vị thành niên dành quá thời gian để sử dụng điện thoại. Cha mẹ luôn muốn giữ liên lạc với con, và dĩ nhiên, luôn muốn biết con họ đang ở đâu. Nhưng bây giờ, chúng ta đã biết chính xác chúng ở đang đâu. Vì vậy, chúng ta nên quan tâm đến sự an toàn của các con trên mạng. Rõ ràng, điện thoại là nơi kém an toàn nhất. Hiện nay, vì phần lớn các em đều ở nhà, nên những kẻ xấu ngày càng tận dụng không gian mạng để tìm kiếm con mồi. Và tự các em cũng có thể dễ dàng tiếp cận những trang khiêu dâm trong thời gian giãn cách. Vậy nên, việc tiếp cận với “những màn hình nhỏ” mang những nội dung nguy hiểm đến với các em. Tuy nhiên, ta có thể hướng sự quan tâm của các em đến màn hình lớn, bởi vì các em sẽ ngần ngại tiếp xúc truy cập những dung xấu trên TV khi ở cùng gia đình hơn hoặc với chiếc laptop tại phòng khách trước nhiều người.
Thứ năm: Cha mẹ khó quản lý con cái
Thật khó khăn để cha mẹ quản lý những “màn hình nhỏ” nằm gọn trong túi của trẻ. Sự quản lý của cha mẹ là vô cùng quan trọng, nhưng sự hiệu quả luôn nằm dưới mức mà cha mẹ có thể nghĩ đến. Thời gian giãn cách là lúc lý tưởng để con gái bạn và bạn bè của em khám phá những ứng dụng điện thoại. Và có thể, anh chị em, với đủ lứa tuổi, bị “kẹt” trong nhà, và thế là bạn không thể nào kiểm soát nội dụng mà những đứa nhỏ xem trên điện thoại của những đứa lớn. Nếu bạn có nhiều con, việc giám sát từng thiết bị điện tử là chuyện gần như không thể.
Thêm vào đó, hầu hết trò chơi nào cũng có phiên bản trên điện thoại. Vì thế, dù cho cha mẹ có sử dụng chế độ hạn chế, lũ nhóc cũng có cách để vô hiệu hóa thủ thuật này để tận hưởng những trò chơi điện tử. Trò chơi điện tử đứng thứ hai về tốc độ tăng trưởng (đứng sau mua sắm trực tuyến) và đặc biệt là những trò chơi trên điện thoại.
Những câu hỏi thường gặp
Vậy làm sao mà con cái giữ liên lạc với bạn bè của chúng?
Con cái bạn không cần điện thoại để giữ liên lạc cùng bạn bè. Trên thực tế, điện thoại không phải là phương tiện hiệu quả để xây dựng tình bạn. Việc nhắn tin sẽ có ích khi lên kế hoạch cho những cuộc hẹn, và những lúc cần phản hồi nhanh chóng, nhưng không thể giúp củng cố một tình bạn chân thành.
Thêm vào đó, con bạn có thể thực hiện những cuộc gọi video, hoặc gọi và nhắn tin cho tất cả bạn bè trên máy tính của con bé. Hãy nhớ rằng, “màn hình lớn” là những thiết bị mà bạn có thể dễ dàng quản lý. Nếu con bé muốn nhắn tin, em có thể cài đặt ứng dụng nhắn tin của nhà cung cấp di động trên laptop. Hoặc bạn có thể tìm cho em một chiếc điện thoại không thể truy cập dữ liệu chỉ dành cho việc gọi và nhắn tin. Xin lưu ý rằng tất cả các nền tảng mạng xã hội, không may thay, luôn sẵn có phiên bản dùng trên máy tính. Rõ ràng, em thực sự không cần một chiếc điện thoại trong túi của mình cho bất cứ nhu cầu gì. Lúc này là hoàn hảo để chuyển sang sử dụng những chiếc điện thoại chỉ có thể gọi và nhắn tin.
Vậy các con sẽ làm gì trong lúc rảnh?
Điện thoại thông minh khiến trẻ vị thành niên phung phí rất nhiều thì giờ. Khi con của bạn dành hàng giờ trong phòng, để lướt điện thoại, em sẽ không còn động lực để đọc sách, để làm việc nhà, để ra ngoài cùng bạn bè, và kể cả để tắm. Trung tâm phần thưởng trong não của em sẽ được liên tục kích hoạt trong khi những phần khác thì không. Và thế là đứa con của bạn sẽ trở nên lười nhác. Là cha mẹ, bạn nên cứng rắn với em để em thực hiện những công việc hữu ích. Và quan trọng là ngay từ đầu, cha mẹ nên cùng con làm một số việc. Sẽ khó khăn nếu muốn trẻ ngay lập tức trở nên hứng thú và có động lực để làm việc, nhưng nên nhớ, nội dung trên Instagram có thể là bất tận, và những thú vui bổ ích cũng như thế.
Làm cách nào khiến con rời xa điện thoại?
Hãy rời xa điện thoại trong một tuần. Chúng tôi đã thiết kế một chương trình tên Mạnh mẽ rời xa điện thoại – ScreenStrong Challenge, nhằm điều chỉnh thói quen sử dụng điện thoại, và các thiết bị điện tử khác. Thông qua trải nghiệm này, chúng tôi thấy rằng việc từ bỏ điện thoại trong một tuần mang đến nhiều lợi ích cho trẻ. Kết quả là, trẻ đã ít cảm thấy áp lực và ít đi cảm giác lo âu, và các em có nhiều thì giờ để tận hưởng những hoạt động khác.
Sau đây là những báo cáo tích cực từ các em thiếu niên đã từ bỏ điện thoại trong một tuần:
- Nhiều thời gian để trò chuyện cùng cha mẹ
- Hoàn thành bài tập về nhà với ít thời gian hơn
- Nhiều thời gian ngủ hơn
- Không bị can nhiễu
- Nhiều thì giờ để đọc sách
- Ít cãi nhau với các em nhỏ trong nhà
Khi kết thúc thời gian giãn cách này, những đứa con đương tuổi vị thành niên của bạn đã thực hiện được điều gì? Hãy tận dụng giai đoạn rảnh rỗi này! Liệu đó sẽ là hàng trăm giờ trên Instagram hay hàng trăm giờ để luyện tập chơi đàn piano, đọc tiểu thuyết hoặc bắt đầu rèn luyện một kỹ năng mới như thay nhớt xe hoặc làm vườn? Câu trả lời là tùy thuộc vào bạn.
Tác giả Melanie Hempe là cử nhân khoa học điều dưỡng, người sáng lập ScreenStrong, một tổ chức khuyến khích cha mẹ giúp con đạt được những lợi ích của phương tiện truyền thông trực tuyến đồng thời giúp các em tránh những hậu quả độc hại của việc lạm dụng các thiết bị điện tử, những hậu quả có thể đe dọa đến sự phát triển thể chất và tinh thần
Bài viết này lần đầu được đăng trên Screenstrong.com
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: