5 điểm chính từ phiên điều trần của thẩm phán Jackson
Thẩm phán được đề cử vào Tối cao Pháp viện Ketanji Brown Jackson là lựa chọn của Tổng thống Joe Biden để thay thế thẩm phán tối cao Stephen Breyer sắp về hưu. Bà đã dành hơn 10 giờ để trả lời chất vấn trong phiên điều trần xác nhận kéo dài ba ngày trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện.
Sau đây là vài điểm chính rút ra từ những phiên điều trần:
Bà Jackson từ chối bình luận về các triết lý tư pháp đã cam kết
Đôi lúc trong phiên điều trần, các thành viên Đảng Cộng Hòa đã thúc giục bà Jackson trình bày rõ hơn về các triết lý tư pháp của bà, nhưng bà Jackson từ chối bình luận về những tuyên bố này.
Nhiều thẩm phán theo cánh tả của Tối cao Pháp viện thể hiện niềm tin vào ý tưởng của một “bản Hiến Pháp linh hoạt”, một nguyên lý cho rằng Hiến Pháp là một văn kiện đang tiến triển, phù hợp với những vấn đề của thời đại nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn tinh thần của văn kiện đó.
Các thẩm phán thuộc phái bảo tồn truyền thống có xu hướng theo “chủ nghĩa nguyên bản” — cho rằng Hiến Pháp nên được hiểu theo cách các vị Tổ phụ lập quốc đã giải thích — và theo “chủ nghĩa văn bản”, nghĩa là yêu cầu sự giải thích tương đối chặt chẽ đối với phần văn bản của bản thân Hiến Pháp.
Bà Jackson đã không cam kết thực hiện theo phương pháp nào, thay vào đó bà viện dẫn một “phương pháp luận” mà bà sẽ dùng tùy từng trường hợp cụ thể để đưa ra quyết định của mình.
Câu trả lời mơ hồ của bà đã khiến cho các nhà lập pháp của lưỡng đảng đều không hài lòng.
Thượng nghị sĩ John Kennedy (Cộng Hòa-Louisiana) nói với bà Jackson rằng bà “rất thông minh và trình bày rất rành mạch”, nhưng cho biết ông cảm thấy “vẫn có gì đó không chắc chắn về việc bà nghĩ như thế nào, bà tiếp cận và quyết định cho từng vụ án ra sao.”
“Tôi muốn biết bà sẽ thuộc kiểu thẩm phán nào,” Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein (Dân Chủ-California) nói, thừa nhận rằng bà cũng muốn biết “sau 5 hoặc 6 năm nữa, thì chúng tôi sẽ thấy bà là một thẩm phán như thế nào.”
Bà Jackson trả lời: “Tôi muốn là kiểu thẩm phán như tôi vốn là trong suốt thập niên vừa qua.”
Bà cho biết nếu vị trí của bà được xác nhận tại Tối cao Pháp viện, bà sẽ “làm đúng bổn phận” khi “giải thích luật”. Bà cũng cho biết bà sẽ “[phán quyết] theo Điều III” của Hiến Pháp, trong đó phân định quyền hạn của cơ quan tư pháp liên bang.
Hôm 22/03, bà Jackson nói rằng bà đã “nhận thức sâu sắc rằng, với tư cách là một thẩm phán trong hệ thống của chúng ta, tôi có quyền lực giới hạn, và trong mọi vụ án tôi sẽ cố gắng làm đúng bổn phận của mình.”
Trái ngược với việc các thành viên Đảng Cộng Hòa thất vọng vì bà Jackson thiếu một triết lý tư pháp cụ thể, Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse (Dân Chủ-Rhode Island) cho rằng thực tế thì đó lại là một điều tốt.
Ông nói: “Tôi không biết là bà phải cần có [một triết lý tư pháp]”.
Ông cho hay: “Hiến Pháp sẽ chỉ dẫn cho bà.” Việc bà Jackson thiếu một triết lý “không hề khiến tôi bận tâm chút nào. Triết lý tư pháp có thể là bức bình phong cho một khuynh hướng.”
Ông Whitehouse cho rằng: “Một trong những vấn đề với triết lý tư pháp” là “sự tuân thủ có lựa chọn,” đề cập đến việc các thẩm phán tối cao sẽ áp dụng các triết lý tư pháp một cách có lựa chọn vào các lĩnh vực mà họ thấy thuận tiện.
Bà Jackson được hỏi liệu bà sẽ thay đổi các án lệ hay không
Bà Jackson cũng chỉ ra rằng bà sẽ tôn trọng án lệ, và sẽ sử dụng vài “nhân tố” để quyết định khi nào thì bãi bỏ án lệ, nhưng bà cũng nói rằng bà không thể đưa ra các câu trả lời cụ thể bên ngoài bối cảnh của một vụ án cụ thể.
Tại một thời điểm của phiên điều trần, Thượng nghị sĩ Chuck Grassley (Cộng Hòa-Iowa), thành viên cao cấp của Đảng Cộng Hòa trong ủy ban, đã hỏi bà Jackson liệu Tối cao Pháp viện sẽ “bác bỏ một án lệ khi các thẩm phán thấy rõ rằng án lệ đó đã bị quyết định sai” hay không.
Bà Jackson cho biết bà sẽ tôn trọng các nguyên tắc án lệ, bà gọi là “nguyên tắc mà Tối cao Pháp viện sử dụng khi bắt đầu xét xử — một loại quy tắc nền tảng cho việc duy trì hoặc ưu tiên về tư pháp, để luật pháp mang tính có thể dự đoán và ổn định — là một loại nguyên tắc mà tòa án sẽ áp dụng đầu tiên, nếu tòa án được yêu cầu bác bỏ hoặc xem xét lại một án lệ.”
Bà nói rằng bà sẽ cân nhắc vài nhân tố để quyết định xem liệu có đảo ngược một án lệ hay không, bao gồm “quan điểm rằng án lệ mà tòa đang xem xét lại là sai,” “liệu đã có vụ án dựa vào án lệ trước đó hay không,” “liệu án lệ này được chứng minh là khả thi không,” “liệu các vụ án trong lĩnh vực này có thay đổi đến mức án lệ đó không còn là nền tảng vững chắc hay không,” và “liệu có các sự kiện mới, hoặc một cách hiểu mới về các sự kiện này làm phát sinh nhu cầu xem xét lại án lệ này.”
Tuy nhiên, bà Jackson làm rõ rằng bà sẽ không áp dụng tiêu chuẩn này trong vụ án về quyền phá thai mang tính bước ngoặt “Roe kiện Wade”.
Vụ kiện đó, đã vấp phải thách thức từ các tiểu bang của Đảng Cộng Hòa, là “luật mà Tối cao Pháp viện chưa quyết định thay đổi”, và bà Jackson bày tỏ rằng, nếu phải đối mặt với quyết định thay đổi phán quyết vụ kiện này, bà sẽ dựa trên án lệ được lập ra trọng vụ “Roe kiện Wade”.
Hôm 23/03, Thượng nghị sĩ John Corny (Cộng Hòa-Texas) đã thúc giục bà Jackson về vấn đề này, khi hỏi bà rằng liệu “tiêu chuẩn về khả năng sống của thai nhi” được thiết lập trong vụ “Roe kiện Wade” có phải là “độc đoán” hay không.
“Tôi không phải là một nhà sinh học,” bà Jackson trả lời. “Tôi chưa nghiên cứu vấn đề này. Tôi không biết”.
Bà cho hay, “Tôi biết rằng Tối cao Pháp viện có các phương thức kiểm tra và các tiêu chuẩn mà họ áp dụng khi họ đánh giá quy định về quyền của một phụ nữ được chấm dứt thai kỳ của họ.”
Ông Cornyn tiếp tục hỏi: “Dưới án lệ hiện tại của Tối cao Pháp viện, có phải bà hiểu rằng có một quyền cho phép phá thai phụ thuộc vào, và bao gồm, thời gian sinh đứa trẻ hay không?”
Bà Jackson đã do dự và nói rằng bà “không biết tòa án này đã đưa ra một tuyên bố rằng liệu quy định có thể kéo dài đến tận ngày sinh hay không. Đơn giản là tôi không biết về điều đó.”
Bà Jackson trả lời câu hỏi phụ nữ là gì: ‘Tôi không phải nhà sinh học’
Khi những thành viên Đảng Cộng Hòa yêu cầu bà đưa ra quan điểm cá nhân về những vấn đề xã hội nóng bỏng liên quan đến giới tính, bà Jackson cũng do dự. Nhiều lần, bà cho biết việc bà đưa ra quan điểm sẽ là không thích hợp, hoặc nói rằng bà không thể trả lời câu hỏi này.
Trong một phần phiên điều trần hôm 22/03, Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennessee) hỏi bà Jackson: “Bà có cho rằng các trường học nên dạy học sinh rằng các em có thể chọn giới tính cho mình hay không?”
Bà Jackson trả lời: “Thưa Thượng nghị sĩ, tôi không đưa ra bình luận về việc các trường nên dạy gì.”
Sau đó, bà Blackburn đã trích dẫn quan điểm của thẩm phán cánh tả Ruth Bader Ginsburg, người viết rằng vốn dĩ đã có sự khác biệt thể chất giữa đàn ông và phụ nữ và hỏi bà Jackson: “Bà có cho rằng đàn ông và phụ nữ có sự khác biệt không?”
Bà Jackson đáp: “Thưa bà, tôi không biết rõ đoạn trích dẫn và vụ án cá biệt đó, vì thế thật khó để tôi có thể đưa ra bình luận.”
Bà Blackburn lại hỏi: “Bà có hiểu ý thẩm phán Ginsburg nói về đàn ông và phụ nữ nghĩa là “nam” và “nữ” không?”
Bà Jackson đáp: “Một lần nữa tôi nói rằng, vì tôi không biết vụ án này nên tôi không biết giải thích vấn đề đó ra sao, tôi cần đọc toàn bộ vụ án.”
Bà Blackburn hỏi: “Bà có thể đưa ra một định nghĩa về từ ‘phụ nữ’ không?”
“Tôi có thể đưa ra định nghĩa không?” bà Jackson trả lời. “Không, tôi không thể. Tôi đâu phải là một nhà sinh học.”
Khi bị hối thúc nhiều hơn, bà Jackson đáp rằng: “Thưa Nghị sĩ, với công việc là một thẩm phán, những gì tôi làm là tôi giải quyết các tranh chấp, nếu có tranh chấp về một định nghĩa, mọi người đưa ra tranh luận, tôi dựa vào luật và tôi quyết định.”
Bà Jackson bị thúc ép trả lời về việc kết án tội phạm ấu dâm
Tuyên bố rằng người được đề cử nhẹ tay với tội phạm, nên mỗi ngày của phiên điều trần, các thành viên Đảng Cộng Hòa đã thúc giục bà Jackson giải thích về lý lịch chuyên môn của mình trong việc đưa ra mức án nhẹ hơn so với các hướng dẫn áp dụng cho những người bị kết tội sở hữu nội dung khiêu dâm trẻ em.
Vấn đề này được Thượng nghị sĩ John Hawley (Cộng Hòa-Montana) nêu ra trong chuỗi bài đăng trên Twitter hôm 16/03, và là chủ đề câu hỏi chính trong suốt buổi điều trần.
Hôm 22/03, Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) đưa ra một biểu đồ cho thấy kết quả của vài vụ án bà Jackson đã giám sát.
Ông Cruz lưu ý rằng, khi không có quyền quyết định do luật tuyên án tối thiểu bắt buộc, bà Jackson đã đưa ra bản án được khuyến nghị “bởi vì bà ấy không có lựa chọn nào khác.”
Nhưng ở vài vụ án khi bà không phải tuân theo luật mức tối thiểu bắt buộc, ông Cruz chỉ ra rằng bà Jackson đã tuyên án thấp hơn nhiều so với khuyến nghị của tiểu bang.
Trong vụ án Hoa Kỳ kiện Chazin, các công tố viên yêu cầu mức án tù từ 78 đến 97 tháng, nhưng cuối cùng bà Jackson đã tuyên án cho bị cáo 28 tháng. Trong một vụ khác, Hoa Kỳ kiện Hawkinds, các công tố viên yêu cầu 24 tháng tù, nhưng bà Jackson chỉ tuyên bị cáo chịu mức 3 tháng. Ở vụ Hoa Kỳ kiện Stewart, bị cáo nhận bản án 57 tháng, thấp hơn nhiều so với 97 tháng mà tiểu bang yêu cầu.
Ông Cruz cho hay, tính trung bình bà Jackson đã tuyên án tù thấp hơn 47.2% so với các mức thời gian mà các công tố viên yêu cầu.
Ông Cruz hỏi: “Bà có cho rằng tiếng nói của trẻ em sẽ được lắng nghe hay không khi 100% các vụ án bà đều tuyên cho những kẻ sở hữu nội dung khiêu dâm trẻ em thấp hơn nhiều so với mức các công tố viên yêu cầu?”
Bà Jackson trả lời: “Vâng tôi có thưa Thượng nghị sĩ.”
Sớm ngày 22/03, bà Jackson đã cố gắng bảo vệ bản thân trước lời cáo buộc này.
Bà Jackson lưu ý rằng các hướng dẫn tuyên án cho tội sở hữu nội dung khiêu dâm trẻ em ban đầu dựa trên nội dung khiêu dâm trẻ em gửi qua thư tín, nhưng sự phát triển của internet đã tạo ra thách thức với các chính sách cũ đó.
Bà cho rằng: “Các hướng dẫn ban đầu dựa trên một kế hoạch theo luật định và các chỉ thị cụ thể của Quốc hội vào thời điểm mà các tội phạm ấu dâm nghiêm trọng hơn được xác định dựa trên số lượng, dựa trên số lượng ảnh mà họ nhận được qua thư tín.”
“Điều đó hoàn toàn hợp lý trước khi … có internet, khi mà chúng tôi không có sự phân loại. Nhưng cách mà hướng dẫn này hiện đang được lập, dựa trên một loạt những sự kiện đó, dẫn đến sự chênh lệch lớn trên hệ thống bởi vì bây giờ người ta quá dễ dàng có được số lượng các tài liệu này thông qua máy điện toán.”
“Vì thế khác với trước kia, các hướng dẫn này hiện không phân biệt đâu là tội phạm nghiêm trọng hơn. Vì thế người được tòa ủy nhiệm đã tính đến điều đó, và có lẽ còn quan trọng hơn, các tòa án đang điều chỉnh các bản án để tính đến các sự kiện đã thay đổi. Nhưng việc này không liên quan gì tới quan điểm của tòa án về mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội này.”
Dù vậy, nhiều nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng Hòa, trong đó có Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina) đã thất vọng với câu trả lời này, và việc chất vấn về chủ đề này được tiếp tục kéo dài sang phiên điều trần hôm 23/03.
Trong buổi chất vấn hôm 23/03, ông Graham cho rằng bà Jackson đã không trừng phạt thích đáng tội phạm để răn đe những kẻ khác, nhưng bà Jackson khăng khăng rằng bà đã tuyên án dựa trên cơ sở tổng thể các sự kiện của vụ án đó, bao gồm cả sự răn đe.
Đảng Dân Chủ và Tòa Bạch Ốc bảo vệ bà Jackson, cho rằng các bản án mà bà đưa ra phù hợp với các hướng dẫn tuyên án của chính phủ liên bang, và gọi những câu hỏi của Đảng Cộng Hòa là “mị dân”.
Đảng Dân Chủ nhấn mạnh bà Jackson sẽ là nữ thẩm phán tối cao người Mỹ gốc Phi đầu tiên
Xuyên suốt các buổi điều trần, các thành viên Đảng Dân Chủ nhấn mạnh rằng, nếu được xác nhận, bà Jackson sẽ là phụ nữ người Mỹ gốc Phi đầu tiên nhậm chức ở Tối cao Pháp viện. Dù vậy, vài thành viên Đảng Cộng Hòa đã chỉ trích điều này là đạo đức giả khi xét đến việc các thành viên Đảng Dân Chủ trước kia đã đối xử với những người được Đảng Cộng Hòa bổ nhiệm vào toà án liên bang như thế nào, chẳng hạn như bà Janice Rogers Brown.
“Trước giờ chưa có một phụ nữ người Mỹ gốc Phi nào làm thẩm phán tối cao cả,” Chủ tịch Tư pháp Dick Durbin (Dân Chủ-Illinois) nói. “Bà, Judge Jackson, có thể là người đầu tiên.”
Ông nói tiếp: “Làm người đầu tiên không dễ dàng chút nào. Thường là, bà phải là người giỏi nhất. Bằng cách nào đó, phải là người can đảm nhất. Nhiều người không sẵn sàng để đối mặt với kiểu căng thẳng này, kiểu giám sát này, sự thử thách và lúc nào cũng là tâm điểm của công chúng.”
Nếu bà Jackson được xác nhận, “chúng tôi tự tin rằng tòa án, vai trò của tòa án và các quyết định của tòa án này sẽ dễ hiểu hơn đối với công chúng Mỹ.”
Thượng nghị sĩ Dick Blumenthal (Dân Chủ-Connecticut) cho biết: “Nói thật rằng, việc bổ nhiệm phụ nữ người Mỹ gốc Phi đầu tiên vào Tối cao Pháp viện đáng lẽ phải được thực hiện nhiều năm về trước.” Việc đề cử bà ấy “là một bước nhảy vọt lớn vào thời điểm hiện tại đối với đất nước chúng ta.”
“Sự phụng sự của bà sẽ khiến tòa án mang phong cách Mỹ hơn.”
Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar (Dân Chủ-Minnesota) đồng ý rằng việc đề cử một phụ nữ người Mỹ gốc Phi “đáng lẽ nên được thực hiện từ lâu.”
Trái lại, các thành viên Đảng Cộng Hòa cáo buộc các thành viên Đảng Dân Chủ có thái độ hai mặt với những người Mỹ gốc Phi muốn trở thành thẩm phán tối cao.
Ông Graham lưu ý rằng Thượng nghị sĩ đương thời Joe Biden đã hai lần sử dụng quyền tranh luận không giới hạn để chặn việc xác nhận bà Brown, người được Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm vào Tòa án Thượng Tố Hoa Thịnh Đốn, vốn có thể là một bước đệm để chuyển lên Tối cao Pháp viện.
Ông Cruz cũng chỉ trích các thành viên Đảng Dân Chủ vì đã ngăn cản việc đề cử bà Rogers.
Cruz viết trong một tweet: “Hãy nhớ rằng, các thành viên Đảng Dân Chủ — bao gồm cả ông Joe Biden — đã vui mừng khi ngăn cản thẩm phán Janice Rogers Brown.”
“Và họ đã làm vậy chính là vì họ muốn ngăn cản thẩm phán Brown trở thành thẩm phán tối cao Brown, người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên [vào Tối cao Pháp viện].”
Ông Joseph Lord là một phóng viên đưa tin về Quốc hội cho The Epoch Times.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: