4 nghề ‘làm việc từ xa’ trong thời dịch bệnh
Freelancer là khái niệm không còn mới mẻ gì với chúng ta trong thời đại công nghệ hiện nay. Chỉ cần có Internet và các thiết bị hỗ trợ, những người làm freelancer không phải phụ thuộc vào địa điểm, thời gian, và môi trường làm việc. Dịch viêm phổi Trung Cộng kéo dài đã khiến những người làm công việc văn phòng dường như bị ảnh hưởng ít nhiều, và cụm từ “làm việc tại nhà” được nhắc đến thường xuyên hơn.
Lập trình viên
Đây là một công việc đứng đầu trong ngành công nghệ thông tin. Lập trình viên là người thiết kế, xây dựng, và bảo trì các chương trình phần mềm máy tính. Bằng cách thao tác các đoạn mã ngôn ngữ trên các công cụ lập trình, họ có thể tạo ra các chương trình mới, sửa lỗi, hay nâng cấp chương trình để tăng hiệu quả sử dụng.
Nghề lập trình đòi hỏi sự sáng tạo cùng với các kỹ năng như đánh giá, phân tích yêu cầu dự án, đưa ra các giải pháp thiết kế, hoặc cách tiếp cận công nghệ mới. Sản phẩm của họ là những dãy code, thoáng nhìn thì thấy dường như khô khan khó hiểu, nhưng nếu bạn xem mỗi dòng code như những “con tằm nhả tơ”, tạo ra vô vàn tiện ích cho con người, thì đó là kết quả cũng như động lực của bao say mê, tìm tòi và khám phá. Lập trình viên đã kết nối mọi người với nhau, giúp liên lạc mọi lúc mọi nơi thông qua các trang mạng xã hội (facebook, google plus,…), giúp con người cập nhật thông tin nhanh nhất qua những website, giúp ngành công nghiệp trở nên tự động hóa bằng những phần mềm ứng dụng, giúp con người giải trí, tận hưởng cuộc sống trên các thiết bị điện tử (smartphone, smart tivi,..).
Công việc của một lập trình viên có thể được phân chia cụ thể thành:
- Lập trình web
- Lập trình hệ thống
- Lập trình database
- Lập trình game
- Lập trình mobile
Các nhiệm vụ chính của một lập trình viên đó là:
- Xây dựng mới một ứng dụng
- Nâng cấp và sửa chữa các ứng dụng có sẵn
- Xây dựng các chức năng giải quyết
- Nghiên cứu và phát triển công nghệ mới
Muốn theo đuổi nghề lập trình bạn cần có đam mê và tinh thần chinh phục thử thách. Nếu bạn đã có sẵn niềm đam mê, hãy bắt đầu bằng việc tự học qua sách vở, tài liệu, Internet và qua cả bạn bè nữa. Những khóa đào tạo căn bản online có thể giúp bạn bước vào một chân trời mới và tiếp cận với kho tàng tri thức khổng lồ.
Viết lách tự do
Trước đây khi nhắc tới nghề viết, mọi người thường nghĩ rằng công việc này không dành cho những tay ngang. Truyền thông và báo chí là lĩnh vực được coi là bất khả xâm phạm vì bản thân nghề này có một chỗ đứng rất đặc biệt, được ví như “quyền lực thứ 4” sau hành pháp, lập pháp, và tư pháp.
Nhưng hiện nay đã xuất hiện khái niệm “quyền lực thứ 5”; đây là mảnh đất rộng mở cho những người hoạt động trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter, và Youtube. Công việc này không đòi hỏi bạn phải tốt nghiệp trường lớp nào và hoàn toàn phù hợp với làm việc tại nhà; tuy nhiên bạn cũng cần phải trau dồi học hỏi rất nhiều nếu muốn viết hay. Đọc thật nhiều và viết nhiều là hai yếu tố giúp bạn ngày càng hoàn thiện kỹ năng viết lách. Bên cạnh đó, việc cập nhật thông tin và cập nhật xu hướng sẽ giúp bạn chủ động hơn trong bất kỳ mảng đề tài nào. Ở thời đại mà nội dung là yếu tố tiên quyết, cơ hội không nhỏ đang mở ra cho những ai mong muốn thử sức ở lĩnh vực này.
Thiết kế đồ họa
Thiết kế đồ họa là cụm từ chỉ một chuyên ngành thuộc về mỹ thuật, là kiến tạo một hình ảnh, một tác phẩm lên một bề mặt chất liệu nào đó, mang ý nghĩa nghệ thuật nhằm mục đích trang trí, làm đẹp, hoặc phục vụ nhu cầu con người.
Đây là ngành nghề mà bạn sẽ cần có một chút năng khiếu hoặc yêu thích sáng tạo. Ưu thế của công việc này là có rất nhiều nhu cầu khác nhau của khách hàng, từ thiết kế logo, in ấn, thiết kế web, nhận diện thương hiệu, quảng cáo, poster phim… Ngày nay hầu như công ty nào cũng đều chú trọng đến hình ảnh, quảng bá hình ảnh đến khách hàng, đưa ra các chiến lược tiếp thị, ưu đãi, cần sử dụng đến những người hiểu rõ thị hiếu và làm hình ảnh tốt. Vì vậy, là một graphic designer giỏi, bạn không phải lo rằng không có đủ việc cho bạn làm.
Công việc này cũng đòi hỏi bạn làm việc chủ yếu trên máy tính. Bạn sẽ cần có một chiếc máy tính tạo hình tốt; nếu có thêm chút năng lực về ngoại ngữ bạn sẽ học được rất nhiều từ các designer nước ngoài, và có cơ hội việc làm từ bất kỳ đâu trên thế giới, chỉ thông qua màn hình máy tính.
Video editor
Công việc chính của một editor video là sử dụng các công cụ và phần mềm trên máy tính hoặc các thiết bị công nghệ để cắt bỏ đi những đoạn phim không cần thiết, và ghép nối những đoạn phim lại với nhau thành một bộ phim hoàn chỉnh. Tất nhiên không chỉ đơn giản như vậy, đó chỉ là hai công việc chính. Để tạo ra được các sản phẩm tốt, hấp dẫn thì đòi hỏi editor phải hiểu được nguyên lý, các tiết tấu nhịp điệu để kết hợp nhuần nhuyễn hình ảnh với âm thanh, hiệu ứng đa dạng.
Do đó, một editor chuyên nghiệp không những thành thạo sử dụng phần mềm mà còn có kiến thức trong việc xây dựng hình ảnh và cảm thụ âm thanh.
Sức mạnh của “ngôn từ” được coi là trợ thủ đắc lực của người làm biên tập, giúp việc diễn đạt rõ ràng ý tưởng hoặc nội dung bài viết, và cũng là công cụ hỗ trợ rất nhiều trên con đường sự nghiệp của mình.
Editor thực sự là một công việc khá tự do vì người làm có thể lựa chọn làm việc theo freelancer (tại nhà) hoặc làm việc cho một công ty. Đa số các editor hiện nay đều làm việc freelance; họ có thể làm chủ và tự quản lý thời gian làm việc theo sở thích và điều kiện của bản thân.
Từ Tịnh