4 cách để tránh mua sắm tùy hứng tại tiệm tạp hóa
Có lẽ bạn nhận thấy rằng thật khó để bước ra khỏi một siêu thị điển hình ở Mỹ với chính xác món đồ bạn muốn mua khi bước vào. Dù bạn có tin hay không, thì các cửa hàng đã áp dụng rất nhiều [kết quả nghiên cứu] khoa học về hành vi mua sắm vào việc thiết kế và bố trí gian hàng, với mục đích duy nhất là – khiến bạn mua nhiều hơn những gì bạn dự định mua. Sự bài trí của cửa hàng có thể khiến bạn tốn nhiều tiền hơn!
Tôi biết được về tất cả những điều này phần lớn là nhờ tôi tìm đọc và phỏng vấn ông Paco Underhill, nhà tâm lý học môi trường, giám đốc điều hành {CEO} công ty Envirosell, và là tác giả cuốn sách “Tại sao chúng ta mua sắm: Nghiên cứu khoa học về hành vi mua sắm.” (Why We Buy: The Science of Shopping) Ông Underhill đã chia sẻ những hiểu biết sâu sắc và bí mật mà các cửa tiệm tạp hóa sử dụng để chi phối thói quen mua hàng [của người tiêu dùng]. Càng học hỏi, tôi càng trở nên khôn ngoan hơn, và tôi càng thích thú hơn khi phát hiện ra tất cả những chiếc bẫy mua sắm trong tiệm tạp hóa, để tôi có thể đánh bại họ trong chính trò chơi của họ. Theo lời của một nhà triết học nổi tiếng, G.I. Joe, thì “Có hiểu biết đã là thắng một nửa!” (Knowing is half the battle)
Hãy cân nhắc 4 cách này để bạn có thể tránh việc mua sắm một cách tùy hứng và đánh bại các siêu thị trong chính trò chơi của họ:
Gian hàng hoa
Được đặt ngay lối ra vào, những bông hoa đón chào người mua hàng với vẻ đẹp, hương thơm, và sự tươi tắn. Và đừng nghĩ rằng những giọt nước trên lá và cánh hoa là ngẫu nhiên nhé. Việc xịt phun sương thường xuyên khiến những bó hoa trông như mới được cắt cách đây vài giờ; do đó, mọi thứ trong cửa hàng hẳn phải tươi mới tương đương.
Giải pháp: Nếu bạn đến để mua hoa, hãy mặc cả. Bạn nên biết rằng hoa trong siêu thị hiếm khi tươi như hoa ở cửa hàng hoa địa phương.
Gian hàng nông sản
Bảo đảm nhé, sau khi bạn đi qua gian hàng hoa, gian hàng tiếp theo trong sự bài trí của cửa tiệm sẽ là nông sản. Tôi nói có đúng không? Nhu cầu mua sắm của bạn vừa mới được thúc đẩy một cách không tự biết nhờ vào những bông hoa mà cửa hàng này nhấn mạnh là “tươi mới”, thì giờ bạn chắc chắn muốn mua thật nhiều nông sản, bất kể đó có phải là mục đích ban đầu của bạn hay không.
Giải pháp: Hãy nghiên cứu sự bố trí của cửa hàng. Bạn nên đi sang các gian hàng phía sau để có thể tìm được những sản phẩm tươi nhất. Sau cùng thì, họ cần bán những trái cây và rau củ đã cũ và chín quá, nên họ sẽ để chúng ở vị trí cao, hoặc ở ngay phía trước của cửa hàng. Ông Underhill cho biết nông sản thường được chở đến các siêu thị từ thứ Hai đến thứ Sáu; do đó, bạn nên mua chúng trong tuần.
Gian hàng bánh
Được rồi, để tôi đoán nhé: Gian hàng bánh nằm ở góc đối diện lối ra vào. Tôi nói đúng chứ? Chắc chắn là thế rồi, và có lý do mà nó lại nằm ở đó. Đa số mọi người vào siêu thị trong khi đang đói, điều này khiến họ sẽ ghé vào gian bánh đầu tiên. Gian hàng bánh giống như một thỏi nam châm cuốn hút bạn với mùi vị thơm ngon phảng phất trong không gian cửa tiệm. Khoa học hành vi chỉ ra sự thật rằng: Khi một người đang đói có tiền trong tay, anh ta sẽ nuông chiều bản thân và mua sắm một cách tùy hứng. Mua rất nhiều. Và không gì có thể bảo đảm trị dứt cơn đói của bạn như bánh trái.
Khi đã no bụng, bạn sẽ cần dạo quanh nhiều gian hàng và gian trưng bày khác để có thể ra khỏi tiệm – [và thế là] cơ hội mua sắm tùy hứng lại còn nhiều hơn nữa.
Giải pháp: Chỉ đi mua sắm sau khi bạn đã ăn, hoặc hãy ăn một bữa nhẹ trước khi đi đến đó.
Những gian hàng trưng bày
Những gian hàng trưng bày này là nơi có địa thế vàng trong cửa hàng, bởi vì các nhà sản xuất phải trả tiền để những sản phẩm của họ được trưng bày nơi đó. Đó là một cách để quảng bá một sản phẩm mới, thu hút sự quan tâm của bạn, hoặc – đây là lý do lớn nhất – khiến bạn nghĩ rằng nó đang giảm giá, trong khi trên thực tế thì nó có thể chỉ đang lôi kéo sự chú ý với dòng chữ “Hàng đặc biệt!”, tất nhiên, có thể nghĩa là bất kỳ thứ gì.
Nhã Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times