33 năm Sự kiện 4/6: Người Hồng Kông lưu vong tổ chức kỷ niệm với nhiều hoạt động đa dạng
Vào lễ kỷ niệm 33 năm Sự kiện Lục Tứ, nhiều kiều bào Hồng Kông, những người di cư sang hải ngoại, đã quy tụ ở Anh và Úc, để thắp nến tưởng niệm những nhà hoạt động ủng hộ dân chủ bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sát hại tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Nơi tưởng niệm truyền thống ở Hồng Kông, Công viên Vitoria, đã bị Nhà chức trách Hồng Kông đóng cửa vì nhiều lý do. Dù thế, những tiếng nói sẽ mãi ngân vang từ những người Hồng Kông trên khắp thế giới, đặc biệt là ở London, Nottingham, Kingston, Birmingham, Edinburgh, Bristol, thành phố Manchester, tất cả các địa điểm phổ biến cho nhiều người nhập cư Hồng Kông.
Kêu gọi đoàn kết dân tộc cho những nhóm người bị áp bức trước Văn phòng Thủ tướng Anh
Vào lúc 4 giờ chiều ngày 04/06/2022, những người Hồng Kông sinh sống ở hải ngoại và một số người dân địa phương đã tập trung trước Văn phòng Thủ tướng ở phố Downing, không chỉ để thương tiếc các nạn nhân của ngày 04/06, mà còn kêu gọi toàn bộ những người bị áp bức trên thế giới, bao gồm Ukraine, Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ Tân Cương hãy đoàn kết lại để chống lại chủ nghĩa toàn trị và bảo vệ nền dân chủ.
Hàng ngàn người đã tham dự cuộc mít-tinh, bao gồm anh Trịnh Gia Minh (Cheng Ka-ming), cựu Phó Chủ tịch Demosisto (tổ chức Hương Cảng Chúng Chí); anh La Quán Thông (Law Kwun-chung), cựu thành viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông kiêm Chủ tịch của Demosisto; cô Lưu Gia Mân (Law Ka-man), nguyên Phó Bí thư Đảng Dân Sự và thành viên của Hội đồng Quận Hoàng Đại Tiên; ông Chung Kiếm Hoa (Chung Kim-wah), cựu Trợ lý Giáo sư, Khoa Khoa học Xã hội Ứng dụng tại Đại học Bách khoa Hồng Kông.
Cuộc mít-tinh bắt đầu bằng bài hát “Quốc ca Ukraine” để ủng hộ người dân Ukraine. Người dẫn chương trình nhấn mạnh việc ngăn chặn chế độ độc tài và kêu gọi người dân trên khắp thế giới từ Ukraine hoặc các nước khác, hãy hợp sức lại và đấu tranh cho nền dân chủ, chống lại chủ nghĩa toàn trị. Họ đã hô vang: “Ngăn chặn ông Putin. Chấm dứt chiến tranh.”
Sau cuộc tụ họp, một bài hát nổi tiếng được sáng tác cho phong trào chống luật dẫn độ “Nguyện Quang vinh cho Hồng Kông” (“Glory to Hong Kong”) đã vang lên trong đám đông. Mọi người hô vang: “Đấu tranh cho tự do, Sát cánh cùng Hồng Kông.”
Người dẫn chương trình cho biết: “Hôm nay chúng tôi có mặt ở đây trước Văn phòng Thủ tướng Vương quốc Anh, để kêu gọi tất cả các quốc gia tự do trên toàn thế giới, cùng nhau chiến đấu chống lại Nga và sự xâm phạm nền dân chủ của ĐCSTQ.”
Nhiều người Hồng Kông lưu vong hoặc người nhập cư có bài chia sẻ
Anh La Quán Thông chỉ ra rằng buổi lễ thắp nến truyền thống ở Hồng Kông đã bị nhà chức trách Hồng Kông ngăn cấm, quyền tự do ngôn luận và hội họp bị hạn chế, và người Hồng Kông địa phương không thể tụ họp để tưởng niệm nữa.
Anh La Quán Thông nói rằng mọi người không nên bị giới hạn bởi danh tính của họ, mà phải viết tiếp những trang sử sắp bị [ĐCSTQ] xóa bỏ, tìm kiếm công bằng chính nghĩa cho những nạn nhân đã thiệt mạng dưới bàn tay của nhà cầm quyền, và đoàn kết tất cả các nhóm dân tộc thiểu số bị ĐCSTQ đàn áp đồng thời vạch trần xảo ngôn của đảng này.
Ông Benedict Rogers, Giám đốc điều hành của Hong Kong Watch và đồng sáng lập Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo Thủ, cho biết người dân từ Ukraine, Hồng Kông, Duy Ngô Nhĩ Tân Cương và Tây Tạng đang đứng lên chống lại chủ nghĩa toàn trị, giống như Người Chặn Xe Tăng đứng trước những chiếc xe tăng trong vụ Thảm sát ngày 04/06. Anh cũng giơ cao chiếc dù vàng của mình để thể hiện tình đoàn kết với người Hồng Kông.
Người Hồng Kông nói lên sự thật Ngày 04/06 với công chúng Anh
Một số người Hồng Kông sống ở Nottingham đã tổ chức sự kiện “Nottingham Sát Cánh Cùng Hồng Kông” tại Quảng trường Old Market, với khẩu hiệu “Đứng lên và nói không với chế độ độc tài toàn trị” và “Đừng Quên Ngày Lục Tứ.” Họ đặt các bảng triển lãm để nói với người dân địa phương về những câu chuyện có thật trong vụ Thảm sát ngày 04/06, phong trào phản đối luật dẫn độ vào năm 2019, cũng như bản chất hung hãn nói chung của ĐCSTQ và Nga.
Nottingham là thành phố kết nghĩa với Ninh Ba, một thành phố thuộc bờ biển phía đông của Trung Quốc, kể từ năm 2005. Những người tổ chức sự kiện này cho biết chính quyền Nga đang phá hoại hòa bình trên thế giới và ĐCSTQ là đồng phạm. Họ kêu gọi công chúng ký và kêu gọi chính quyền thành phố này cắt đứt liên hệ với Ninh Ba.
Hoạt động sân khấu truyền tải ý tưởng qua âm nhạc
Tại ga King’s Cross ở trung tâm London, những người ngoại quốc đã dựng lên một bục diễn, để chơi ngẫu hứng một số bản nhạc thường được bật trong các cuộc đấu tranh đòi dân chủ ở Hồng Kông.
Các bản nhạc này bao gồm: “Đóa hoa Tự do” (Flower of Freedom), một bài hát cho phong trào dân chủ ngày 04/06; “Có nghe chăng người dân tôi hát?” (Do You Hear The People Sing) từ vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” (Les Miserables”) và bài hát cảm động nhất dành cho người Hồng Kông “Nguyện Quang vinh cho Hồng Kông” (Glory to Hong Kong).
Nhạc của bài “Đóa hoa Tự do” bắt nguồn từ bài hát “Thủy Thủ” (The Sailor) do ca sĩ người Đài Loan Trịnh Trí Hoa (Zheng Zhi-hua) sáng tác.
Nhà sáng tác Châu Lễ Mậu (Chow Loy-mow) đã được Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các Phong trào Dân chủ Ái quốc của Trung Quốc mời viết lại lời bài hát để minh họa tốt hơn những sự việc đã xảy ra vào Ngày 04/06, theo cách diễn đạt uyển chuyển hơn.
Bài “Có nghe chăng người dân tôi hát” là từ vở nhạc kịch được viết vào những năm 1980, cùng tên với cuốn tiểu thuyết của nhà văn Pháp Victor Hugo “Những người khốn khổ”, được coi là một trong những bài hát tiêu biểu cho cuộc cách mạng chống chế độ độc tài.
Phiên bản tiếng Quảng Đông của nhạc phẩm “Có nghe chăng người dân tôi hát” đã được soạn lại phù hợp với bài hát “Occupy Central with Love and Peace” (Chiếm lĩnh Trung Hoàn với Tình yêu và Hoà bình).
Nhạc phẩm “Nguyện Quang vinh cho Hồng Kông” (“Glory to Hong Kong”) do Thomas DGX và một số cư dân mạng Hồng Kông trên diễn đàn trực tuyến sáng tác và viết lời. Ca từ của bài hát này muốn truyền tải thông điệp rằng người dân sẽ không im lặng vì chính nghĩa, và đứng lên đấu tranh chống lại bạo quyền. Nhạc phẩm này được nhiều người Hồng Kông trong phong trào chống luật dẫn độ năm 2019 yêu thích.
Ngày tưởng niệm của những người Hồng Kông sống ở Sydney và Melbourne
Một số nhóm ở Sydney, Úc đã cùng nhau tổ chức các cuộc mít-tinh và diễn hành tưởng niệm vụ Thảm sát ngày 04/06, nhằm lên án ĐCSTQ và đánh thức thế giới dân chủ phương Tây nhận ra và chống lại bản chất thực sự của ĐCSTQ.
Khoảng 400 người từ Hồng Kông, Đài Loan, Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ Tân Cương và Hoa kiều thuộc mọi tầng lớp xã hội đã tham gia cuộc mít-tinh và diễn hành ở Martin Place, Trung tâm Sydney.
Một số người đã cầm các biểu ngữ như “Đừng quên Ngày 04/06” hay “Tự do, Dân chủ, Pháp quyền, Nhân quyền” hay “Quang phục Hồng Kông, Cách mạng Thời đại.”
Giáo sư Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), người chủ trì cuộc mít-tinh cho biết, “chúng tôi có mặt ở đây để kỷ niệm 33 năm vụ Thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn, nhằm tái khẳng định quyết tâm của chúng tôi cố gắng vì một tương lai tốt đẹp hơn, hòa bình và dân chủ ở Trung Quốc, và cho thế giới thấy chúng tôi sẽ ủng hộ những người Trung Quốc đang đấu tranh cho tự do.”
Ông Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin), cựu quan chức ngoại giao của ĐCSTQ ở Sydney, cũng là nhân chứng sống trong cuộc thảm sát phong trào dân chủ ngày 04/06, cho biết: “ĐCSTQ đã cố gắng xóa đi trí nhớ của mọi người về vụ thảm sát và ngăn cản mọi nỗ lực tìm hiểu câu chuyện có thật này của thế hệ trẻ.”
Đến tối, gần 200 công dân đứng trước Thư viện Nhà nước ở trung tâm thành phố Melbourne, Úc, cầm nến hoặc đèn pin điện thoại để tiến hành một phút mặc niệm cho các nạn nhân của vụ Thảm sát ngày 04/06.
Ông Ruan Jie, một trong những người tổ chức cuộc mít-tinh, Chủ tịch Hội đồng Các vấn đề Đại lục và Chủ tịch Thời báo Thiên An Môn, cho biết, “Để tưởng nhớ những người anh hùng trong ngày 04/06, chúng ta cần kế thừa tinh thần của họ để lật đổ ĐCSTQ và đả đảo ĐCSTQ.”
“Cảm ơn những người từ Hồng Kông đã tham gia cuộc mít-tinh của chúng tôi, và cảm ơn người dân Hồng Kông đã tiếp tục thắp nến tưởng niệm ở Công viên Victoria vào ngày 04/06 hàng năm trong hơn 30 năm qua. Tôi rất xúc động vì quý vị luôn ghi nhớ những gì mình thường làm trong ngày đặc biệt này.”
Bà Jane Poon, phát ngôn viên của cộng đồng Liên minh Úc Hồng Kông (Australian-Hong Kong Link) kiêm Chủ tịch Hiệp hội Kiều bào Hồng Kông tại Victoria, cho biết khi bà đang sống ở Hồng Kông, bà đã thấy rất nhiều người dân Hồng Kông xuống đường ủng hộ cho sự công bằng của sinh viên Trung Quốc.
“Người Hồng Kông đã không thể tưởng niệm vụ Thảm sát ở Công viên Victoria ở Hồng Kông kể từ khi ĐCSTQ xâm lược vào năm 2019. Chúng ta có thể tận hưởng quyền tự do quý giá này ở Úc, vì vậy chúng ta nên làm nhiều hơn nữa để ủng hộ dân chủ và phản đối sự quấy rối của ĐCSTQ.”