30 năm phục hưng văn hóa truyền thống: Đạo đức thăng hoa nhờ thực hành tu luyện
Đó là tháng 11/2020, chín tháng sau khi cô Carolina Avendano, 24 tuổi, bắt đầu sống một mình, và tám tháng sau khi thành phố Calgary, Canada của cô, bắt đầu đóng cửa các trường học và hầu hết các doanh nghiệp. Cô hoàn toàn đơn độc. Những hạn chế do đại dịch có nghĩa là cô không thể đến thăm em gái của mình mặc dù sống trong cùng một thành phố.
Sự cô độc kéo dài đã khiến cô Avendano rơi vào một cuộc khủng hoảng mà phần lớn cô chỉ giữ cho riêng mình. Bề ngoài, cô là hình mẫu của sự năng động — sống độc lập, làm hai công việc gia sư, tình nguyện trực tuyến, đồng thời hoàn thành bằng kép về toán học và giáo dục. Nhưng trong lòng, cô chưa bao giờ cảm thấy lạc lõng và trống trải hơn thế.
“Tôi biết mình đã mất cân bằng trong mọi ý nghĩa của từ này,” cô Avendano nói với The Epoch Times. Cơ thể cô đã gióng lên hồi chuông cảnh báo: cô bị thiếu cân, bị rối loạn ăn uống và đau đầu, và cô đã không có kinh nguyệt trong hơn một năm mà không rõ nguyên nhân. Cô rất ít chia sẻ về những khó khăn của mình với gia đình, những người lo lắng lưu ý rằng cô đã gầy đi như thế nào ngay cả khi cô khẳng định họ đang phóng đại.
Một bước ngoặt đã đến trong một chuyến đi ra ngoài hiếm hoi khi cô Avendano ngẫu nhiên bước vào một quán cà phê và thường xuyên liếc nhìn bảng cộng đồng dành cho các lớp học yoga và thiền. Ở đó, có một tờ rơi màu xanh lam cho thấy một người đàn ông đang thiền định bên bờ biển đã khiến cô chú ý. Cô Avendano chưa bao giờ nghe nói về Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bao gồm ba giá trị cốt lõi, chân, thiện và nhẫn, cùng với năm bài tập thiền động tác khoan thai. Nhưng hội thảo thiền trực tuyến được quảng bá trên tờ rơi này dường như là chính xác những gì cô cần.
“Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là lớp học được tổ chức miễn phí dành cho mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội,” cô nói và lưu ý rằng cô đã xem các lớp yoga được dạy với giá hơn 1,000 USD, một mức giá mà cô không thể mua. Cô ghi danh một buổi vào cuối tuần đó và tiếp tục tự luyện tập.
Vào thứ Hai tuần sau đó, cô ngạc nhiên khi thấy kinh nguyệt của mình đã trở lại.
“Tôi rất hào hứng. Và tôi đã lo lắng,” cô nói. “Tôi kiểu như, ồ, tôi không muốn nghĩ đó là sự trùng hợp. Nhưng điều này dường như thật khó tin.”
Sự khởi đầu
Trải nghiệm của cô Avendano có một số điểm tương đồng với nhiều người đã tập luyện ở Trung Quốc vào những năm 1990 khi Pháp Luân Công được hồng truyền.
Các bài tập tĩnh tại và những bài giảng của môn tu luyện tinh thần này, bắt nguồn từ các tín ngưỡng truyền thống Trung Hoa bao gồm các tư tưởng Phật giáo và Đạo giáo, dường như đã cộng hưởng với một bộ phận dân chúng vốn bị tước bỏ tín ngưỡng và văn hóa truyền thống của mình trong cuộc biến động của Cách mạng Văn hóa do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động từ nhiều thập niên trước đó.
Vào ngày 13/05/1992, Ngài Lý Hồng Chí, nhà sáng lập môn tu luyện này còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, đã giới thiệu môn tập này đến quê hương Trường Xuân của ngài, một thành phố công nghiệp và là thủ phủ của tỉnh Cát Lâm ở phía đông bắc Trung Quốc.
Năm đó, 28 năm trước khi cô Avendano bắt đầu tập luyện, cô Mễ Thụy (Mi Ruijing), 36 tuổi, một nhân viên y tế, là một trong khoảng 400 người đã tham dự một loạt các bài giảng của ngài Lý, trong đó ngài đã dạy các bài tập tĩnh tại và giải thích về các nguyên lý đạo đức của môn tập, được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng Mười Một.
Khóa học kéo dài trong 10 ngày, và cô Mễ cảm nhận có sự thay đổi vào ngày đầu tiên. Trên đường về nhà, “cứ như thể tôi không đi bộ mà là đang bước trên mây. Cảm giác rất nhẹ nhàng, rất thoải mái,” cô Mễ, hiện đang sống ở Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times.
Nhưng cô Mễ thậm chí còn đánh giá cao hơn những thay đổi mà cô đã trải qua từ trong nội tâm. Trước đây cô đã đọc rất nhiều sách về Đạo giáo để tìm kiếm ý nghĩa nhân sinh.
Những khóa học này mang đến lời giải đáp cho tất cả những nghi vấn mà cô kiếm tìm trong nhiều năm. Sự phấn khích mà cô Mễ cảm thấy tương tự như một người bị nhốt lâu trong phòng tối đột nhiên được giải thoát và được nhìn thấy ánh sáng.
“Tôi cảm thấy rằng mình đã không thực sự sống trong ngần ấy năm và bây giờ mới đang thực sự bắt đầu cuộc sống của mình,” cô nhớ lại đã nói với một người bạn khác.
Trong hai năm tiếp theo, ngài Lý đã tổ chức thêm hàng chục khóa học ở các thành phố lớn của Trung Quốc, những lớp học đông nhất có khoảng 6,000 người tham dự, theo hồ sơ được tổng hợp bởi Minghui.org, một trung tâm cung cấp thông tin liên quan đến Pháp Luân Công có trụ sở tại Hoa Kỳ. Cô Mễ đã tham dự hơn 20 khóa học trong số đó. Theo ước tính vào thời điểm đó, đến năm 1999, khoảng 70-100 triệu người Trung Quốc đã thực hành môn tu luyện này. Nhiều người đã bị thu hút sau khi nhìn thấy những cải thiện về thể chất và tinh thần mà môn tu luyện đã mang lại cho những người xung quanh.
Cô Mễ nhớ rất rõ khoảnh khắc một người bạn vô tình làm thủng ba lỗ trên bộ y phục mới của cô khi đang giúp cô ủi đồ. Cô Mễ sắp sửa buông lời trách mắng trước khi cô tự kiềm chế bản thân. Thay vào đó, cô đã nói với người phụ nữ rằng một vài mũi khâu sẽ che những vết cháy đó và cô ấy không cần phải lo lắng.
Đó là một khảo nghiệm nhỏ về việc nghĩ cho người khác trước mà cô và những học viên khác sẽ áp dụng hàng ngày để tuân theo những lời dạy của môn tu luyện, cô nói và cho biết thêm rằng cô sẽ làm như vậy ngay cả khi đó là một người lạ.
“Nếu tôi là người đã làm điều đó và bị ai đó mắng mỏ, tôi sẽ cảm thấy thế nào?”
Sự chuyển biến
Vào mùa hè năm 1993, bà Lưu Diễm (Liu Yan), một kỹ sư ở Bắc Kinh, đã đợi hai tiếng đồng hồ để có được tấm vé vào lớp của ngài Lý sau khi nghe một người bạn kể về môn tu luyện này.
Những lớp học này đã trở nên phổ biến đến mức vé đã được bán hết trước nhiều tháng. Nhưng khi bà Lưu gọi điện cho nhà tổ chức, một trường đại học công lập, bà được biết họ vẫn còn vé. Bà đã nghỉ một ngày, đến văn phòng trường đại học sớm một giờ, và là người đầu tiên lấy được ba vé. Sau khi tham gia lớp học, bà đã đốt tất cả các cuốn sách tâm linh khác mà bà có ở nhà.
“Tôi không thể diễn đạt thành lời, nhưng tôi biết rằng Pháp Luân Công là tốt nhất,” bà Lưu, hiện đang sống ở Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times. Bà cho biết thêm rằng ba nguyên lý của môn tu luyện, đó là chân, thiện, và nhẫn, đã luôn ở trong tâm trí bà.
Bà Lưu, vốn là một người rất nóng tính, cho rằng việc tập luyện này đã giúp bà trở thành một người vợ tốt hơn và mang lại lợi ích sức khỏe vô cùng lớn cho bà. Các mấu xương quanh eo của bà đã biến mất, và hàng năm, các đồng nghiệp của bà đều ngạc nhiên về hồ sơ sức khỏe không bệnh tật mà bà đã nhận được trong các cuộc kiểm tra sức khỏe thường niên tại nơi làm việc của mình. Cha mẹ bà cũng tham gia tu luyện. Theo bà Lưu, đối với mẹ của bà, người đã ngoài 70 tuổi, bệnh cao huyết áp và ung thư vòm họng của bà đã biến mất sau khi bà bắt đầu tu luyện.
Một cuộc đàn áp tàn khốc
Gần như trong 13 người Trung Quốc thì có một người sẽ trải qua một bước ngoặt đột ngột trong cuộc đời của họ vào cuối thập niên này, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu một chiến dịch sâu rộng nhằm xóa bỏ đức tin của họ sau khi nhận thấy sự phổ biến của môn tu luyện này là một mối đe dọa đối với sự cai trị độc tài của nhà cầm quyền. Cuộc đàn áp đã dẫn đến việc hàng triệu học viên bị đưa đến các cơ sở giam giữ, nơi họ bị tra tấn, cưỡng bức lao động và cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Cả cô Mễ và bà Lưu đều bị buộc phải nghỉ việc, và bị kết án lần lượt là hai và bốn năm tù giam chỉ vì không chịu từ bỏ đức tin của mình. Sau khi được thả, họ chỉ còn da bọc xương. Cả cha và mẹ của bà Lưu đều qua đời trong khi bà đang chịu án tù, và bà Lưu đã không thể nhìn cả cha lẫn mẹ mình trong những giây phút lâm chung của họ.
Trong một cái gọi là trung tâm chuyển hóa nhằm mục đích ép buộc các học viên từ bỏ đức tin của mình, bà Lưu đã bị đánh đập tàn nhẫn vào chân bằng một cây lau nhà bằng gỗ, vết phồng rộp to bằng lòng bàn tay, sưng lên ở cẳng chân và đùi trong của bà đã chuyển sang màu tím đen. Vết sưng tấy cứ lớn dần trong nhiều ngày mặc dù bà đã dùng một chiếc máy để hút mủ ra ngoài. Cuối cùng, bà phải phẫu thuật để điều trị đôi chân bị dập nát. Hai vết sẹo sau cuộc phẫu thuật vẫn còn cho đến ngày nay.
Trong lần đầu tiên bị giam cầm trong trại lao động, ngoại hình của bà Lưu biến dạng nhiều đến mức chồng bà, khi được phép vào thăm, cuối cùng đã phải nhờ người lính canh đứng bên cạnh xác nhận rằng người phụ nữ tiều tụy trước mặt là vợ ông.
Cô Mễ đã bị ghẻ lở và thủng dạ dày khi bị giam giữ. Kết quả là ba phần tư dạ dày của cô bị cắt bỏ. Cô cho biết vào lúc mãn hạn tù của mình, cô chỉ còn là “da bọc xương”, theo đúng nghĩa đen.
Các khóa học trực tuyến
Thông qua một bộ phim gần đây “Đi Tìm Lòng Dũng Cảm”, cô Avendano, người đã bắt đầu đọc các sách Pháp Luân Công và tham gia một nhóm thiền định Pháp Luân Công ở trung tâm thành phố Calgary, đã chứng kiến sự tàn bạo đang diễn ra ở Trung Quốc. Cô nói rằng lòng dũng cảm và sức mạnh thể hiện từ những học viên đang bị giam giữ đã truyền cảm hứng cho cô và đưa cô đến gần hơn với môn tu luyện này.
Kể từ khi bắt đầu tu luyện, cô Avendano cho biết sức khỏe của cô đã được cải thiện và hiện cô đang nỗ lực để trở thành một người con gái hiếu thảo hơn với cha mẹ, họ đều mắc chứng trầm cảm.
Cô nói: “Tôi coi mọi thứ như một cơ hội để đề cao tâm tính của mình và tôi học được rằng mình phải đối xử tử tế với tất cả mọi người.”
Hội thảo trực tuyến mà cô tham dự trong đại dịch được một nhóm tình nguyện viên khởi xướng, trong đó có anh Alexander Meltser, chủ một doanh nghiệp thương mại điện tử tại Florida và là một học viên Pháp Luân Công trong hơn hai thập niên.
“Nếu quý vị không thể ra ngoài, hãy khám phá bên trong nội tâm mình,” anh Meltser nói, trích dẫn một chủ đề được sử dụng trong các tài liệu quảng bá cho các lớp học trực tuyến.
Hội thảo trực tuyến này cung cấp trải nghiệm cá nhân, với một người dẫn chương trình trình chiếu các bài học, sau đó là các video trình diễn các bài tập. Người dẫn chương trình cũng trả lời ngay các câu hỏi trên hộp thư thoại trực tiếp.
Họ đã tổ chức thí điểm các khóa học trực tuyến ở Ấn Độ và Nga vào tháng 02/2020, khi các quốc gia trên thế giới bắt đầu ban hành lệnh phong tỏa. Được khích lệ bởi số lượng người đăng ký, nhóm bắt đầu khai triển trên toàn cầu. Trang web của họ hiện hiển thị bằng 20 ngôn ngữ và hơn 30,000 người trên toàn thế giới đã tham dự ít nhất một khóa học.
Hiện nhóm có 100 tình nguyện viên. Cô Avendano là một trong số đó, suy nghĩ ra các ý tưởng để tổ chức tốt hơn trải nghiệm trực tuyến này cho những người tham dự.
“Điều tôi tâm đắc nhất về môn tập này là tất cả mọi người đều có thể tu luyện,” cô nói, khi lưu ý rằng các bài giảng của Pháp Luân Công có sẵn bằng tiếng Tây Ban Nha, ngôn ngữ mẹ đẻ của cô.
“Tôi nghĩ chỉ cần sức mạnh của việc chia sẻ môn tu luyện tốt đẹp của quý vị với mọi người mà không mất phí, điều đó thực sự nói lên rất nhiều điều đối với họ.”
“Đây là một dự án mà chúng tôi có thể trực tiếp chia sẻ với mọi người những lợi ích mà chúng tôi được thọ ích từ Pháp Luân Công,” anh Joseph Gigliotti, một bác sĩ chỉnh hình, người chủ trì buổi hội thảo mà cô Avendano tham dự lần đầu tiên, nói với The Epoch Times.
“Suy nghĩ của chúng tôi là, này, có những người ở nhà không làm gì cả. Họ bị kẹt ở nhà, họ không thể ra ngoài. Có rất nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần. Mọi người đang thực sự gặp khó khăn, và họ cảm thấy mất kết nối. Đây chỉ là điều mà họ có thể làm để giúp cho cuộc sống nội tâm của họ.”
Vào cuối buổi học, anh Gigliotti luôn hỏi mọi người có nhận ra được điều mà họ đang tìm kiếm không.
“Đó là một trong những phần yêu thích của tôi trong các buổi hội thảo trực tuyến để xem mọi người trả lời câu hỏi này như thế nào. Bởi vì họ rất, rất hào hứng. Họ rất hài lòng,” anh nói. “Có rất nhiều người nói rằng họ sẽ tiếp tục cuộc hành trình này.”
Đối với bản thân mình, những nguyên lý được áp dụng trong quá trình tu luyện đã giúp vén màn “đám mây đen của sự lo lắng và trầm cảm” đã ám ảnh anh trong nhiều năm, thỉnh thoảng anh Gigliotti sẽ chia sẻ với những người tham dự hội thảo trực tuyến.
“Giống như chúng ta tẩy trần mỗi ngày để làm sạch phần bên ngoài của cơ thể. Nhưng tôi thực sự muốn tẩy tịnh bên trong, tôi muốn tẩy tịnh thân tâm mình.”
Anh gọi 8 năm mà anh đã gắn bó với môn tu luyện này là “những năm tháng viên mãn nhất cuộc đời tôi.”
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: