3 lý do tại sao việc tăng thuế của ông Biden không có ý nghĩa
Bất cứ ai tin rằng những công ty lớn và “giàu có” sẽ trả khoản nợ quốc gia 28 nghìn tỷ USD hoặc khoản thâm hụt ngân sách mới trị giá 2 nghìn tỷ USD, thì thực sự là đang có vấn đề về toán học.
Thông báo của ông Biden về việc tăng thuế mạnh đối với các doanh nghiệp và nhóm những người giàu có hơn đơn giản là không đem lại hiệu quả. Việc tăng thuế sẽ có tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế, đầu tư, và tạo việc làm và không chạm được tới bề mặt của vấn đề thâm hụt.
Ngay cả khi nếu chúng ta tin vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và các ước tính nguồn thu do chính phủ ông Biden công bố, thì tác động lên nợ và thâm hụt là không đáng kể.
Vậy câu trả lời của họ là gì? Là nợ và thâm hụt không quan trọng bởi vì điều then chốt hiện nay là thúc đẩy tăng trưởng, khi chi phí vay mượn thấp bất chấp nợ đang tăng. Hơn nữa, chính phủ ông Biden đang ngập tràn những người ủng hộ Lý thuyết Tiền tệ Hiện đại (MMT), những người nhiệt thành tin rằng những khoản thâm hụt là tốt vì chúng đi kèm với việc làm tăng nhu cầu toàn cầu về đồng dollar Hoa Kỳ. Ngoài ra, chính phủ ông Biden cho rằng thâm hụt tăng không phải là một vấn đề vì Cục Dự trữ Liên bang vẫn mua tiếp trái phiếu chính phủ, giữ cho lợi suất thấp và chi phí nợ ổn định.
Tốt, vậy tại sao sau đó lại [phải] tăng thuế? Nếu nợ và thâm hụt không phải là vấn đề, mà tăng trưởng và việc làm mới là những gì chúng ta cần tập trung, vậy thì tại sao lại đi tăng thuế?
Vậy là, toàn bộ lập luận để tăng thuế sụp đổ. Hoàn toàn không có lý do cho sự tăng thuế hàng loạt như vậy, dù là từ góc độ nguồn thu [cho ngân sách] hay mục tiêu tăng trưởng. Nếu tăng trưởng sẽ giúp [bù đắp] được cho việc tăng thâm hụt, thì chính phủ ông Biden nên sử dụng tất cả các công cụ để hỗ trợ tăng trưởng mới phải.
Có ba lý do chính khiến việc tăng thuế trở nên vô nghĩa:
Thứ nhất, tác động đến số tiền thực thu [cho ngân sách quốc gia] ước tính là không đáng kể. Trong năm 2018, thu từ thuế lợi tức vốn (capital gain tax) của liên bang là 158.4 tỷ USD. Theo ước tính của Đại học Princeton, mức tăng 5 điểm phần trăm trong chính sách hiện tại sẽ thu được thêm 18 tỷ đến 30 tỷ USD, với kịch bản lạc quan khi không có tác động tiêu cực của việc tăng thuế.
Các ước tính về nguồn thu từ tăng thuế công ty và cá nhân giả định bao gồm 695 tỷ USD từ thuế thu nhập doanh nghiệp, 495 tỷ USD từ thuế suất tối thiểu toàn cầu, và 271 tỷ USD từ việc xóa bỏ cái gọi là các lỗ hổng thuế đối với thu nhập vô hình, và 54 tỷ USD từ việc dừng giảm thuế nhiên liệu hóa thạch và thuế chống chuyển dịch doanh thu (anti-inversion deals).
Rõ ràng, những ước tính này là lạc quan và trong nhiều trường hợp là tưởng tượng vì họ cho rằng một thế giới là hoàn hảo, trong đó các loại thuế này sẽ không có bất kỳ tác động tiêu cực nào đến nền kinh tế, và tăng trưởng GDP sẽ không bị ảnh hưởng gì cả. Ngay cả khi chúng ta chấp nhận các ước tính này, thì các khoản thu vẫn trải ra trong 15 năm, do đó, tác dụng tăng thu cho ngân sách tính theo phương pháp chiết khấu dòng tiền tương lai về hiện tại sẽ cho con số doanh thu thậm chí còn thấp hơn nữa.
Những nguồn thu này thậm chí còn chưa bắt đầu giải quyết được sự gia tăng chi tiêu bắt buộc khiến thâm hụt cấu trúc trên 2.5% GDP.
Thứ hai, tác động đến nền kinh tế sẽ lớn hơn so với ước tính của chính phủ của ông Biden. Việc tăng thuế này không chỉ ảnh hưởng đến “người giàu.” Thuế lợi tức vốn cao như vậy sẽ kìm hãm sự đổi mới và giảm dòng vốn đầu tư vào cổ phần của các doanh nghiệp tư nhân, vốn là điều cần thiết để thúc đẩy các công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp mới có năng suất cao. Đây là lý do tại sao u Châu đã giảm thuế lợi tức vốn hoặc thậm chí loại bỏ chúng. Bỉ, Luxembourg và Thụy Sĩ không có thuế lợi tức vốn. Trong số các quốc gia đánh thuế lợi tức vốn, Hy Lạp và Hungary có mức thuế suất thấp nhất, ở mức 15%. Mức trung bình của các nước u Châu là 19.3%.
Điều tương tự cũng xảy ra với thuế thu nhập doanh nghiệp. Hoa Kỳ sẽ có mức thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất trong khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) [nếu] theo kế hoạch của ông Biden (28%). Nhiều người lập luận rằng mức thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế là thấp hơn và ở các nước khác, các công ty còn phải trả thuế giá trị gia tăng (VAT), nhưng các lập luận này chỉ đúng một phần. Ủy ban u Châu cho thấy mức thuế suất trung bình thực tế của các công ty Hoa Kỳ là 36.5% vào năm 2015 so với mức trung bình của Liên minh u Châu là 21.1%. Khi so sánh các mức thuế suất thực tế, nhiều nhà phân tích của Hoa Kỳ dùng mẹo là [tính gộp] thêm vào các công ty thua lỗ hoặc tính theo trung bình mức thuế mà một đại công ty công nghệ nộp ở Hoa Kỳ với các công ty khác còn lại trong cùng lĩnh vực.
Tuy nhiên, không có lập luận nào trong số này có nghĩa nếu quý vị nhìn vào khoảng chênh lệch về mức thuế mà các công ty Hoa Kỳ phải trả so với các công ty OECD khác. Theo PwC, trong năm 2017, tổng các loại thuế và tỷ lệ nộp của các doanh nghiệp Hoa Kỳ là 43.8% (lợi tức, lao động và các loại thuế khác) so với mức trung bình của khu vực là 40%.
Rủi ro dòng vốn từ Hoa Kỳ chảy sang các quốc gia khác có mức thuế cạnh tranh hơn là điều hiển nhiên đối với bất kỳ ai đã điều hành một doanh nghiệp hoặc một công ty tài chính. Những đợt tăng thuế này có thể ít tác động đến các tập đoàn đa quốc gia, nhưng lại có tác động tiêu cực đặc biệt lớn đến các doanh nghiệp quy mô vừa. Đó là lý do tại sao các biện pháp này là bước thụt lùi.
Ngay cả Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng biết việc tăng thuế này gây tác hại. Đó chính là lý do tại sao bà muốn áp một mức thuế trên toàn cầu. Nếu không thấy tác động tiêu cực nào, thì bà đã có thể để các quốc gia khác quản trị thuế theo chính sách họ muốn.
Thứ ba, vấn đề chi tiêu bắt buộc (của Chính phủ) thậm chí còn không được giải quyết. Năm 2020, chi tiêu bắt buộc ở Hoa Kỳ đã tăng lên 2.9 nghìn tỷ USD từ 1.8 nghìn tỷ USD trong năm 2008 và ước tính sẽ tăng thêm 1,000 tỷ USD nữa trong 10 năm tới. Nguyên nhân chính dẫn đến thâm hụt của Hoa Kỳ là từ gia tăng chi tiêu bắt buộc trong khi các khoản thu [ngân sách] không thể nào đáp ứng kịp mức tăng chi không ngừng nghỉ, mà không [nhiệm kỳ] chính phủ nào có thể thay đổi. Kinh tế sẽ tăng trưởng và sẽ suy thoái. Không thể cắt giảm thâm hụt thông qua tăng thuế khi tốc độ tăng trưởng chi tiêu vượt quá sản lượng kinh tế và các khoản thu [ngân sách] ngay cả trong các giai đoạn tăng trưởng.
Không một nhà kinh tế nghiêm túc nào có thể tin rằng việc tăng thuế sẽ tạo ra nguồn thu [từ thuế] hàng năm bền vững trong bất kỳ chu kỳ kinh tế nào, dù là trong giai đoạn tăng trưởng, đình trệ, hoặc suy thoái, để bù đắp trên 200 tỷ USD hàng năm trong hơn 1,000 tỷ tăng thâm hụt chi tiêu.
Vậy tại sao ông Biden lại làm điều đó? Để làm hài lòng bộ phận những người theo chủ nghĩa xã hội nhất trong chính phủ và những cử tri của ông, những người không lo lắng về các tác động kinh tế, họ chỉ muốn làm cho người giàu nghèo đi.
Nếu kiếm tiền trên các thị trường vốn dễ dàng như vậy, tại sao các chính trị gia không tạo điều kiện cho mọi người làm điều đó? Hơn nữa, nếu họ tin rằng kiếm tiền trên các thị trường vốn hoặc trong một doanh nghiệp là dễ dàng như vậy, tại sao họ không tự mình làm điều đó?
Kế hoạch tăng thuế của ông Biden không có ý nghĩa từ góc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập, hoặc giải bài toán thâm hụt ngân sách. Hơn nữa, nó không có ý nghĩa từ quan điểm của Đảng Cộng Hòa hay Đảng Dân Chủ. Nó đơn giản là không có ý nghĩa gì và cũng không giải quyết được vấn đề của Hoa Kỳ: chi tiêu bắt buộc đang phình to lên.
Tiến sĩ Daniel Lacalle, nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của các cuốn sách “Tự Do hoặc Bình Đẳng”, “Thoát Khỏi Bẫy Ngân Hàng Trung Ương” và “Cuộc Sống Trong Thị Trường Tài Chính.”
Quan điểm trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Daniel Lacalle
Lý Bình biên dịch
Xem thêm: