3 cách vẽ tranh giúp trẻ em phát triển tốt nhất
Tất cả chúng ta đều học theo những cách khác nhau. Nếu con bạn đang gặp khó khăn trong việc học hoặc nếu bạn thấy hành vi của con đôi khi là một thử thách, thì cho phép con bạn học một số hình thức nghệ thuật có thể là đáp án.
Tôi gặp hoạ sĩ minh họa sách thiếu nhi và người kể chuyện ngụ ngôn Lyn Kriegler, một người bạn mà tôi đã biết trong nhiều năm. Tôi muốn tìm hiểu thêm về công việc của cô tại các trường học ở New Zealand, từ năm 1990, cô đã chủ trì các cuộc hội thảo trong chương trình “Nhà văn trong trường học” của Hội đồng Sách New Zealand.
Cho đến nay, dù đã minh họa 155 cuốn sách thiếu nhi, Lyn chỉ biết một hoặc hai điều về trẻ em.
Khoảng 6 năm trước, tôi may mắn được hỗ trợ vòng ngoài, và nó diễn ra tại một trường học mà Lyn đến thăm. Đối với lớp học nào cô cũng nhiệt tình bày trò tiêu khiển cho bọn trẻ. Cô cho các em xem sách của cô và hình ảnh minh họa gốc, rồi minh họa tên của chúng và kể một số câu chuyện ngẫu hứng. Những đứa trẻ và tôi là một phần của câu chuyện, để giúp tất cả các nhân vật trở nên sống động trong khoảnh khắc đứng trên sân khấu, chẳng hạn như sư tử, đười ươi và voi.
Trong lớp học đó, có rất nhiều niềm vui, tiếng cười và tất nhiên là sự sáng tạo, và tất cả đều toát ra từ những câu chuyện và nghệ thuật của Lyn. Sau đó, tôi nhận ra rằng trẻ em thích Lyn bởi vì cô ấy có cùng sự kinh ngạc và tò mò với thế giới và bởi vì cô chào đón chúng một cách không phán xét. Tôi tự hỏi liệu chúng ta có thể học hỏi từ công việc của cô để giúp đỡ trẻ em hay không.
Bản chất của cuộc hội thảo đó khiến tôi ấn tượng. Gần đây, khi tôi ngồi quanh bàn bếp với người bạn Corinne, Lyn và Tom, chồng của cô ấy, tất cả chúng tôi vừa nhâm nhi tách trà vừa lắng nghe Lyn kể hết câu chuyện này đến câu chuyện khác.
Vẽ ra cơn tức giận
Lyn kể cho chúng tôi nghe lần cô được mời tham gia hội thảo tại một trong những trường có thành tích thấp nhất ở New Zealand. Có một trong những cậu bé thực sự là thử thách dành cho cô. Cậu ấy ở lại lớp ba năm và là một đứa trẻ “to đầu” trong một lớp học toàn trẻ nhỏ. Nhà trường lúng túng không biết phải làm gì với cậu bé. Cậu đang đá vào tường và đục lỗ trên cửa. Trông cậu bé đầy tức giận.
“Viên đạn giấy, quả cầu lửa, một cậu bé to xác, cao lớn xuất hiện. Cậu bé đang nổi điên; bạn có thể nói rằng cậu ấy đang tức giận,” Lyn nói.
Cô yêu cầu bọn trẻ làm bài tập tưởng tượng để vẽ một thứ gì đó hoặc tạo ra một câu chuyện. Hít một hơi sâu, cô bắt đầu tưởng tượng. Mọi người khác cũng thư giãn. Chỉ có cậu bé ngồi đó. Cậu ấy đã rất căng thẳng. Lúc đầu cậu không thể nhìn thấy gì cả. Sau đó, với một vài lời dỗ dành, cậu bé đột nhiên nhìn thấy một chấm sáng nhỏ.
“Con có thể vẽ nó không?” Lyn hỏi. Cậu bé lấy một cây bút chì và đâm vào tờ giấy thật mạnh để nó xuyên thủng tờ giấy. “Tốt,” Lyn nói. “Hãy xem liệu con có thể dùng bút chì chạm vào tờ giấy rất nhẹ nhàng như một con tàu vũ trụ đang hạ cánh không.”
Cậu bé đã mất khoảng 10 lần thử trước khi có thể chạm vào tờ giấy đó mà không làm thủng nó. Sau đó, với sự phấn khích bùng nổ, cậu chọn một góc phòng và cùng Lyn thực hiện lại quá trình một lần nữa. Lúc đầu, cô nói, cậu ta thở như một con bò. Sau đó, cậu ấy bắt đầu thư giãn.
Điều quan trọng là “hãy khuyến khích bọn trẻ bằng giọng nói nhỏ nhẹ,” cô nói. “Chính giọng nói của bạn giúp chúng thư giãn.” Lyn không bao giờ vỗ về hoặc chạm vào bọn trẻ.
Từ sự tưởng tượng đó, cậu ta nhìn thấy một ngôi sao. Và trong lần tưởng tượng tiếp theo, cậu đã nhìn thấy toàn bộ vũ trụ! Mất một chút kiên trì để vẽ ra ngôi sao, còn vũ trụ mà cậu bé tạo ra thật lấp lánh với ruy băng, sơn, v.v. Cậu ấy đã rất bận bịu trong suốt lớp học đó, Lyn nói.
Lyn đã nói với các giáo viên của cậu bé vào giờ ăn trưa rằng họ cần cung cấp cho cậu một chiếc bàn với một số đồ dùng nghệ thuật, đồng thời cho phép cậu bé tưởng tượng và hãy để đứa trẻ vẽ ra.
“Hãy để cậu bé suy ngẫm về những gì cậu ấy nhìn thấy bên trong mình bởi vì tất cả đều ở đó và một khi đứa trẻ khám phá lại thế giới đó, cậu ấy sẽ không cần phải phá hủy thế giới này,” cô nói.
Vẽ bảng chữ cái
Trong các buổi hội thảo của mình, Lyn dạy bọn trẻ minh họa các chữ cái theo một cách riêng; đó cũng là một kỹ thuật có thể được sử dụng để học số.
Cô đã phát triển phương pháp này khi cô còn học ở trường. Khi còn nhỏ, Lyn cảm thấy việc học bảng chữ cái rất nhàm chán, vì vậy cô đã tạo ra niềm vui bằng cách vẽ. Cô sẽ vẽ một chữ “a” trên mặt giấy và nó trở thành một con công. Cô phát hiện rằng khi lật ngược chữ “A”, nó trở thành một cây kem ốc quế. Hoặc khi cô vẽ thêm hai vòng tròn nhỏ vào cuối chữ “A” sẽ làm hiện ra một chiếc kéo. Cô đã làm điều này cho toàn bộ bảng chữ cái.
Giờ đây, đó là một sự trợ giúp hữu ích cho công việc của cô trong các trường học dành cho những trẻ em không thích luyện chữ viết tay và cả những trẻ em bị khủng hoảng tâm lý.
Một số học sinh mà cô dạy là những người tị nạn đến New Zealand định cư từ một vùng chiến sự, chẳng hạn như Afghanistan. Ngôn ngữ mẹ đẻ của bọn trẻ có thể được viết bằng chữ Ả Rập với các cạnh tròn. “Bọn trẻ không thích hình dạng của các chữ cái tiếng Anh vì nó có các cạnh sắc nét,” Lyn nói. Nói một cách dễ hiểu, bọn trẻ sợ bị tổn thương. Ngay cả dấu chấm vô tội của chữ “i” cũng có thể gây tổn thương, khiến chúng nhớ đến những con bọ đang bò, cô nói.
Trong các buổi hội thảo của mình, Lyn chỉ cho những đứa trẻ này cách vẽ một bức tranh hoặc kể một câu chuyện bằng cách sử dụng các chữ cái trong tên của chúng. Trước tiên, cô trình bày cách chữ “Lyn” biến thành một con mèo: Chữ “y” trở thành mũi của con mèo, chữ “L” là một cái chân và chữ “n” là một cái chân khác. Và những đứa trẻ hiểu được nó. Đột nhiên bọn trẻ thấy rằng chúng có thể biến một chữ cái trong bảng chữ cái thành bất kỳ loại hình vẽ nào. “Bọn trẻ nâng cằm lên và mắt chúng bắt đầu lấp lánh,” Lyn nói.
“Khi bọn trẻ thấy rằng chúng có thể vẽ ra [một từ hoặc một chữ cái], điều này đã phá vỡ chướng ngại của chúng,” cô nói. Sau đó, tất cả đều muốn cô minh họa tên của chúng. Nhưng Lyn kiên quyết: “Cô nói không. Quay trở lại lớp học của các con và hãy tự [mình] làm điều này.”
Giải mã hành vi ‘Phá hủy’
Thông thường, sau một buổi kể chuyện, đặc biệt là khi có các nhân vật của cô tham gia, những đứa trẻ sẽ đến gần Lyn và dành hết tình cảm cho cô.
Trong một lần, một cậu bé đến gần cô và nói rằng bố cậu bảo cậu phá phách. Cậu ấy rất buồn về điều đó. Cậu bé nói, “Bố con thực sự làm việc rất chăm chỉ để mua đồ chơi cho con và con thích đồ chơi điện, những thứ mà con có thể cắm điện hoặc rút ra. Nhưng con muốn tìm hiểu cách chúng hoạt động, vì vậy con tách chúng ra và không thể ghép chúng lại với nhau. Bố con nổi giận với con và nói rằng con đã lãng phí tiền của bố và con là kẻ phá hoại.”
“Không, không,” Lyn nói với cậu bé. “Bố của con không hiểu từ phá hoại. Con không phá hoại; con đang giải mã cấu trúc.”
Tất cả chỉ là sự hiểu lầm.
Họ cùng nhau viết cho bố một lá thư để giải thích những gì cậu bé vừa nói với cô. Cậu ấy hướng cằm lên và mắt cậu sáng ngời, Lyn nói. “Ánh sáng đó là gì? Nó không phản ánh bên ngoài của bọn trẻ. Nó phản chiếu ánh sáng bên trong chúng, đó là con người thật của chúng,” cô nói.
Cô ấy nói rằng tia sáng bên trong chúng ta có thể có những tên gọi khác nhau: linh hồn hay tinh thần; ngọn lửa chưa tắt, ánh sáng vẫn ở bên trong. Nhưng xem bất kỳ cuốn thánh kinh nào, “bất kỳ tác phẩm văn học vĩ đại nào đều có những dẫn chiếu đến trái tim đó. Đó không phải là trái tim vật lý, trái tim đang đập.” Đôi khi nó được gọi là trái tim tinh thần. “Tôi đã từng thấy những câu kinh thánh đẹp mô tả điều đó. Đó là điều khiến tất cả chúng ta trở thành một. Mọi người đều có tia sáng đó,” cô nói.
Để tìm hiểu thêm về họa sĩ minh họa sách thiếu nhi Lyn Kriegler, hãy truy cập BookCouncil.org.nz
Lorraine Ferrier
Tân Dân biên dịch
Xem thêm: