20 ‘tài sản’ liên bang được đặt bên trong Điện Capitol hôm 06/01
Bản kiến nghị của tổ chức Oath Keepers (Những Người Giữ Lời Thề) tìm cách bác bỏ các cáo buộc về âm mưu xúi giục nổi loạn và cản trở
Tối thiểu có đến 20 “tài sản” của FBI và Cục Quản lý Rượu, Thuốc lá, Súng, và Chất nổ (ATF) đã được đặt bên trong Điện Capitol hôm 06/01/2021, một luật sư bào chữa viết trong một hồ sơ tòa án hôm 12/04.
Tiết lộ này được đưa ra trong một bản kiến nghị tìm cách bác bỏ các cáo buộc về âm mưu xúi giục nổi loạn và cản trở đối với 10 bị đơn thuộc tổ chức Oath Keepers (Những Người Giữ Lời Thề), trong một trong những vụ án hình sự nổi bật nhất xảy ra hôm 06/01.
Ông David W. Fischer, luật sư đại diện cho ông Thomas E. Caldwell ở Berryville, Virginia, đã thay mặt cho tất cả các bị đơn thuộc tổ chức Oath Keepers trong vụ án đệ trình một bản kiến nghị dài 41 trang lên Thẩm phán Địa hạt Hoa Kỳ Amit P. Mehta ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn (Washington DC) nhằm bác bỏ bốn tội danh bị cáo buộc của họ.
Ông Caldwell bị buộc tội trong bản cáo trạng, nhưng ông chia sẻ với The Epoch Times hồi tháng Ba rằng ông không phải là thành viên của tổ chức Oath Keepers.
Phần chú thích ở trang 6 của bản kiến nghị này viết, “Có ít nhất 20 tài sản của FBI và ATF đã được đặt xung quanh Điện Capitol hôm 06/01.” Tài liệu này không cung cấp thêm chi tiết nào khác.
Phần chú thích cho biết các luật sư bào chữa đã “sàng lọc kỹ lưỡng một lượng khổng lồ các phát hiện,” kể cả các bản tóm tắt mẫu 302 của FBI về các cuộc thẩm vấn do đặc vụ FBI thực hiện.
Ngoài thông tin về các tài sản chấp pháp tại khu vực Điện Capitol, phần chú thích này cho biết Oath Keepers “đã bị theo dõi và thu thập thông tin trước hôm 06/01.”
Sau khi nghiên cứu kỹ bằng chứng mà các công tố viên đã phát hiện và đệ trình trong hai vụ án lớn của Oath Keepers, người ta đã “chẳng tìm thấy mảy may bằng chứng nào” cho thấy các bị đơn “có bất kỳ kế hoạch, ý định, lên ý tưởng, hoặc mưu đồ nào dành riêng cho việc vào bên trong Điện Capitol hôm 06/01,” bản kiến nghị tuyên bố.
Ông Fischer nói với The Epoch Times rằng ông không thể bình luận về bản kiến nghị hoặc cung cấp thêm chi tiết về phần chú thích.
Kể từ những vụ bắt giữ đầu tiên của các bị đơn sự kiện 06/01 hồi đầu năm 2021, đã có rất nhiều suy đoán và câu hỏi từ các luật sư, các bị đơn, các quan sát viên của vụ án cũng như các thành viên của Quốc hội về vai trò của cơ quan chấp pháp trong ngày hôm đó.
Trong một phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng viện hôm 11/01, Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) đã chất vấn các quan chức hàng đầu của FBI về chủ đề này.
“Có bao nhiêu nhân viên FBI hoặc người mật báo đã tích cực tham gia vào các sự kiện hôm 06/01?” Thượng nghị sĩ Cruz chất vấn ông Jill Sanborn, trợ lý điều hành bộ phận an ninh quốc gia của FBI.
“Thưa ông, tôi chắc rằng ông có thể đánh giá cao việc tôi không thể đi sâu vào chi tiết cụ thể về các nguồn thông tin và các phương thức,” ông Sanborn đáp lại.
Ông Cruz đáp lại: “Có bất kỳ đặc vụ FBI hoặc người mật báo nào tham gia tích cực vào các sự kiện hôm 06/01 không, có hay không?”
“Thưa ông, tôi không thể trả lời câu hỏi này,” ông Sanborn đáp.
“Có bất kỳ nhân viên FBI hoặc người mật báo nào đã phạm tội bạo lực hôm 06/01 không?” ông Cruz hỏi.
“Tôi không thể trả lời câu hỏi này, thưa ông,” ông Sanborn đáp.
Ông Jeremy M. Brown, một thành viên của tổ chức Oath Keepers đến từ Florida, người bị cáo buộc hai tội danh liên quan đến sự kiện hôm 06/01, nhưng không thuộc một trong hai vụ âm mưu lớn của tổ chức Oath Keepers, chia sẻ với The Epoch Times vào đầu năm nay rằng FBI đã cố gắng chiêu mộ ông để theo dõi tổ chức này vào năm 2020 nhưng không thành công.
Ông Brown cho biết, chính các đặc vụ mà sau này đã bắt giữ ông vì các tội danh bị cáo buộc hôm 06/01, từng cố gắng chiêu mộ ông để trở thành người mật báo vào hôm 11/12/2020. Ông đã từ chối. Ông bị bắt hôm 30/09/2021, khi hàng chục đặc vụ liên bang ập vào nhà của ông ở Florida.
Ông Brown cho biết, “Khi tôi và bạn gái yêu cầu trình lệnh tại thời điểm bắt giữ thì họ từ chối. Thậm chí một đặc vụ còn được ghi âm lại khi tuyên bố, ‘Chúng tôi chưa biết mình đang tìm kiếm điều gì… giờ thì chưa.’ Họ nên tìm một bản sao của Hiến Pháp và đọc nó.”
Không tội danh nào được tuyên bố?
Tổ chức Oath Keepers, bao gồm người sáng lập là ông Elmer Stewart Rhodes III, đã bị buộc tội âm mưu xâm nhập Điện Capitol hôm 06/01 để ngăn cản việc chứng nhận các phiếu bầu của Đại Cử Tri Đoàn trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020. Các cuộc biểu tình và bạo loạn hôm 06/01 đã làm gián đoạn một phiên họp chung của Quốc hội trong khoảng sáu giờ.
“Các bị đơn cùng ông Rhodes yêu cầu bác bỏ Các Tội Danh từ 1 đến 4 với lý do rằng bản cáo trạng không nêu rõ hành vi phạm tội đối với từng tội danh,” ông Fischer viết trong bản kiến nghị của mình.
Bốn tội danh được đề cập trong bản kiến nghị bác bỏ này đều ám chỉ việc cản trở thủ tục hoặc ngăn cản một sĩ quan thi hành nhiệm vụ.
Theo Đề mục 18 của Bộ luật Hoa Kỳ, cáo buộc âm mưu xúi giục nổi loạn “đòi hỏi phải có bằng chứng rằng mục đích của các bị đơn có âm mưu xúi giục nổi loạn là dùng vũ lực cản trở một người có thẩm quyền thi hành luật, trong lúc người đó đang cố gắng thi hành một điều luật cụ thể mà các bị đơn phản đối,” ông Fischer viết.
“Tuy nhiên, theo tiền lệ ràng buộc, về mặt Hiến Pháp, các thành viên của Quốc hội bị cấm ‘thi hành bất kỳ luật nào của Hoa Kỳ,’” bản kiến nghị cho biết. “Ngoài ra, theo tiền lệ ràng buộc, quy trình chứng nhận của Đại Cử Tri Đoàn không được coi là ‘thi hành bất kỳ luật nào của Hoa Kỳ.’”
Các tội danh thứ 2 và 3 của bản cáo trạng được đưa ra theo Mục 1512(c) Đề mục 18 của Bộ luật Hoa Kỳ, nhưng luật đó chỉ áp dụng cho các hành vi cản trở liên quan đến việc tiêu hủy bằng chứng, bản kiến nghị cho biết.
Lập luận này đã được Thẩm phán Địa hạt Hoa Kỳ Carl J. Nichols viện dẫn hồi tháng Ba. Ông cũng đã bác bỏ tội danh cản trở tương tự trong hai vụ án liên quan đến sự kiện hôm 06/01 khác.
Tội danh thứ 4 cáo buộc các bị đơn âm mưu ngăn cản một viên chức hoàn thành nhiệm vụ.
Theo tiền lệ pháp lý ràng buộc, bản kiến nghị cho rằng, các thuật ngữ như “sĩ quan”, “viên chức”, và “viên chức của Hoa Kỳ” được định nghĩa theo Điều khoản Bổ nhiệm của Hiến Pháp Hoa Kỳ.
Các thành viên của Quốc hội không phải là “viên chức” theo Điều khoản Bổ nhiệm, ông Fischer viết.
Bản kiến nghị mô tả bản cáo trạng là “một tài liệu một chiều mang tính công kích, được chỉnh sửa có chọn lọc và không chính xác về các hành động và tuyên bố [của Oath Keepers].”
“Lực Lượng Phản Ứng Nhanh” (QRFs) của Oath Keepers được mô tả trong đơn tố cáo hình sự như là đã sẵn sàng hỗ trợ cuộc tấn công vào Điện Capitol với nhân lực và vũ khí, thực chất là đang đứng túc trực sẵn ở Virginia phòng trường hợp Oath Keepers ở Hoa Thịnh Đốn bị Antifa tấn công hoặc đe dọa, bản kiến nghị cho biết.
“… Tất cả các mảnh ghép bằng chứng đã qua xem xét đều xác nhận rằng ‘QRFs’, đã được viện đến vào nhiều ngày trước đó, sẽ được dùng làm lực lượng cứu hộ trong trường hợp Oath Keepers bị tấn công bởi Antifa hoặc một trường hợp tương tự, và không phải để tấn công Điện Capitol,” hồ sơ nêu rõ.
Trong một bản kiến nghị được đệ trình đồng thời, thay mặt cho bị đơn Kelly Meggs, luật sư Jonathon Moseley đã trình bày rằng khái niệm coi sự phản đối việc chuyển giao nhiệm kỳ tổng thống một cách hợp pháp là một “tội ác về mặt tư tưởng” và cáo buộc trong bản cáo trạng là “không hỗ trợ các cáo buộc thực tế.”
“Hiến Pháp nêu rõ rằng đó là một sự bất khả thi về mặt Hiến Pháp để ‘phản đối việc chuyển giao nhiệm kỳ tổng thống.’ Một mục tiêu như vậy không những không thể hoàn thành, mà còn hơn thế nữa, đó là một khái niệm phi lý, không dựa trên bất kỳ cơ sở, thực tế, luật pháp, hay theo lẽ thường nào,” ông Moseley viết.
“Đây không phải là một vụ án mà những kẻ chủ mưu có thể cố gắng làm điều gì đó mà họ không thể đạt được một cách thành công,” hồ sơ của ông Moseley cho biết. “Đó là một khái niệm phi lý như phép chia cho số không. Điều đó không thể tồn tại trong luật pháp hay trên thực tế.”
The Epoch Times đã liên lạc với Văn phòng Biện lý Hoa Kỳ của Hoa Thịnh Đốn để yêu cầu bình luận nhưng không nhận được phản hồi vào thời điểm bài báo này được xuất bản.
Ông Joseph Hanneman là một phóng viên của The Epoch Times chuyên đưa tin về vụ xâm nhập Điện Capitol hôm 06/01 và những hậu quả của nó; và các tin tức chung ở tiểu bang Wisconsin. Trong sự nghiệp gần 40 năm, các bài viết của ông đã được xuất bản trên Catholic World Report, Racine Journal Times, Wisconsin State Journal và Chicago Tribune. Quý vị có thể liên lạc với ông tại: [email protected].
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tù The Epoch Times
Xem thêm: