20 năm sau sự kiện ngày 11/09: Cuộc chiến chống khủng bố có đạt được mục tiêu?
Hai mươi năm sau vụ tấn công ngày 11/09, vẫn còn đó câu hỏi liệu sứ mệnh tại Afghanistan có đạt được mục tiêu tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố hay không.
Ông Allen Weiner, một học giả về luật pháp quốc tế và là giảng viên cao cấp tại Đại học Stanford, nói rằng mục tiêu ban đầu là phá hủy căn cứ của al-Qaeda tại Afghanistan phần lớn đã đạt được.
“Các doanh trại huấn luyện của Al-Qaeda ở Afghanistan đã bị phá hủy, nhiều thủ lĩnh của tổ chức này đã bị tiêu diệt và bị bắt (mặc dù một vài người trong số đó, bao gồm cả Osama bin Laden, chí ít đã xoay sở thoát được vào lúc ban đầu), đồng thời khả năng lên kế hoạch, thu hút tài chính và tiến hành các hoạt động khủng bố lớn trên toàn cầu của tổ chức này đã bị sụt giảm nghiêm trọng,” ông Wiener cho biết trong một cuộc phỏng vấn đăng trên trang web của trường Đại học.
Tuy nhiên, thành công ban đầu đó đã không kéo dài, ông Wiener nói, “mặc dù al-Qaeda đã không bao giờ khôi phục được các hoạt động quan trọng ở Afghanistan, tổ chức này đã di căn và các biến thể chết người của nó đã mọc lên tại” các quốc gia khác ở Trung Đông và những nơi khác. Theo đó, các nhóm khủng bố khác như ISIS cũng đã nổi lên, ông cho biết thêm.
Bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ định là tổ chức khủng bố vào năm 1999, Al-Qaeda đứng sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/09/2001, khiến gần 3,000 công dân Mỹ và công dân quốc tế thiệt mạng.
Sau vụ tấn công ngày 11/09, Hoa Kỳ kích hoạt điều khoản phòng thủ chung của Hiệp ước NATO, theo đó một cuộc tấn công chống lại một thành viên được coi là một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên của Liên minh.
Kết quả là, liên quân NATO do Hoa Kỳ dẫn đầu đã xâm lược Afghanistan để đáp trả với mục tiêu “bảo đảm rằng nước này không trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ khủng bố quốc tế một lần nữa,” theo một tuyên bố của NATO.
Ông Wiener nói, vào thời điểm xảy ra vụ tấn công [ngày 11/09], Al-Qaeda đang có một “mối liên hệ cộng sinh” với chính quyền Taliban ở Afghanistan, vốn trên thực tế là lực lượng kiểm soát phần lớn đất nước này.
“Tổng thống Bush và những người khác đã nhanh chóng bắt đầu nhấn mạnh một mục tiêu bổ sung là lật đổ Taliban — giải phóng người dân Afghanistan khỏi các luật lệ hà khắc của chính quyền này. Chúng ta đã tìm cách thúc đẩy các quyền căn bản của con người và chấm dứt việc áp bức phụ nữ của Taliban.”
Học giả này nói tiếp, Afghanistan đã đạt được tiến bộ đáng kể về phát triển kinh tế và thực hành ít nhất là một số quyền dân sự và chính trị. Tuy nhiên, Taliban vẫn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn và cuộc nội chiến chống lại chính phủ Afghanistan vẫn tiếp diễn với các mức độ mạnh yếu khác nhau cho đến đầu tháng Tám, ông lưu ý.
Taliban gồm những ai?
Ông Ahmad Farid Danesh Akrami, người từng là ký giả tại Afghanistan cho đến năm 2014, hiện là nhà phân tích chính trị ở Ba Lan, cho biết, Taliban bao gồm nhiều nhóm khác nhau.
Ông Akrami nói trong một cuộc trò chuyện tại Viện Warsaw, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Ba Lan, một số nhóm trong đó gần gũi với ISIS hơn trong khi những nhóm khác là người dân địa phương mong muốn hòa bình và ổn định.
Trong quá khứ, Taliban đã cho phép Osama bin Laden hoạt động ở Afghanistan, và họ có mối liên hệ tư tưởng rất sâu sắc với các nhóm Hồi giáo và cực đoan trên toàn cầu, ông Akrami lưu ý. Theo quan điểm của ông, các nước không nên công nhận Taliban hay duy trì bất kỳ mối liên hệ chính trị nào với họ vì “điều đó rất nguy hiểm cho tương lai của thế giới.”
Ông Akrami cho rằng các quốc gia khác như Trung Quốc, Nga, Iran hay Pakistan không thể gây nhiều ảnh hưởng lên Taliban. Điều này không phải là do sự khôn ngoan của Taliban mà là vì hệ tư tưởng của họ, ông nói thêm.
Taliban là một nhóm có hệ tư tưởng và hệ tư tưởng của họ dựa trên luật Sharia, vì thế họ sẽ không chấp nhận bất kỳ hệ tư tưởng nào khác, ông Akrami giải thích.
“Cơ cấu của Taliban hơi khác so với các chính phủ khác. Thế nên chúng ta không thể mong đợi rằng ảnh hưởng của Trung Quốc có thể thay đổi hành vi của Taliban.”
Hầu hết mọi lúc, lãnh đạo chính trị của Taliban cần bảo đảm có sự ủng hộ từ các lực lượng Taliban địa phương và sẽ không sẵn lòng thực hiện bất kỳ hành động nào nếu không có được sự ủng hộ của họ, ông Akrami nói.
Theo ông Akrami, lực lượng ISIS tại Afghanistan khác với các nhóm ISIS ở Syria và Iraq. Theo quan điểm của ông, đó là một nhóm khôn ngoan hơn, hoạt động như “những tay súng ủy nhiệm thông minh tại khu vực này” và chịu ảnh hưởng mạnh từ Pakistan.
Nếu Taliban không muốn nhận trách nhiệm về một cuộc tấn công, họ sẽ nói rằng ISIS đã làm điều đó và ISIS sẽ tuyên bố nhận trách nhiệm, ông Akrami nói.
ISIS ở Afghanistan được gọi là Tỉnh Khorasan của ISIS (còn được gọi là ISIS-K, hay Nhà nước Hồi giáo Tỉnh Khorasan) và tổ chức này nổi lên vào năm 2015. Một số nhóm cực đoan khác trong khu vực đã gia nhập nhóm này, một số trong số đó thuộc Taliban, ông Akrami giải thích.
Nhà phân tích này cho biết trong lịch sử Afghanistan chưa từng có một nhà nước nào theo chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ. Hơn nữa, một phần tư lãnh thổ của quốc gia này được bao phủ trong những rặng núi đá cao, hùng vĩ với các hang động lớn tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc chiến tranh du kích, ông nói thêm.
Nhà phân tích này tin rằng Afghanistan đã không thất thủ về mặt quân sự mà là về mặt chính trị.
“Quân đội Afghanistan đã có thể chiến đấu lâu dài. Chúng tôi có khoảng 370,000 sĩ quan cảnh sát và quân đội. Vì vậy, chúng tôi sở hữu khoảng 45,000 đội biệt kích… mà ở hầu hết các vùng của Afghanistan, quân đội đã không chiến đấu với Taliban. Họ chỉ để các khu vực lại cho Taliban và rời đi.”
Theo quan điểm của ông Akrami, sự sụp đổ của Afghanistan đã bắt đầu với các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Taliban tại Qatar. Ông coi những cuộc đàm phán này là một sai lầm chiến lược của NATO và Hoa Kỳ bởi nó đã giúp Taliban, một tổ chức khủng bố, nâng cao hình ảnh của mình với tư cách là một lực lượng mạnh mẽ tôn trọng quyền con người, ông Akrami nói.
Ông Akrami cho rằng, có thể có những lý do quan trọng khác dẫn đến sự sụp đổ của Afghanistan nhưng hiện chưa có nhiều dữ kiện về điều đó, hy vọng rằng sẽ có nhiều thông tin hơn nữa trong tương lai.
Bà Ella Kietlinska là một phóng viên của The Epoch Times tại New York.
Hạo Văn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: