2 nhà khoa học Hoa Kỳ đạt giải Nobel y học nhờ phát hiện ra các thụ thể nhiệt độ và xúc giác
Giải Nobel sinh lý học hoặc y học năm 2021 đã được trao cho hai nhà khoa học Hoa Kỳ với phát hiện các thụ thể nhiệt độ và xúc giác, được công bố hôm 04/10.
Phát hiện của hai Giáo sư David Julius và Ardem Patapoutian đang làm việc tại tiểu bang California, Hoa Kỳ tập trung vào lĩnh vực somatosensation, thường được gọi là xúc giác hoặc khả năng cảm nhận của cơ thể.
Hội đồng Giải thưởng Nobel tại Viện Karolinska của Thụy Điển cho biết trong một thông cáo công bố người chiến thắng: “Những khám phá mang tính đột phá… đã cho phép chúng ta hiểu cách thức mà nhiệt độ nóng, lạnh và áp suất cơ học có thể khởi tạo các xung thần kinh cho phép chúng ta nhận thức và thích nghi với thế giới xung quanh.”
TIN NÓNG:
Giải thưởng #NobelPrize trong Sinh lý học hoặc Y học năm 2021 đã được trao chung cho Giáo sư David Julius và Giáo sư Ardem Patapoutian “vì những khám phá của họ về các thụ thể đối với nhiệt độ và xúc giác.” pic.twitter.com/gB2eL37IV7
– Giải Nobel (@NobelPrize) ngày 04/10/2021
Khám phá chuyên sâu của hai nhà khoa học này có thể mở đường cho những phương pháp mới trong lĩnh vực điều trị đau hoặc thậm chí trong điều trị bệnh lý tim mạch.
“Kiến thức này đang được ứng dụng để phát triển các phương pháp điều trị cho một loạt các tình trạng bệnh, bao gồm cả đau mãn tính,” hội đồng cho biết.
Giáo sư Julius đang làm việc tại Đại học California–San Francisco. Ông đã sử dụng capsaicin, thành phần hoạt tính trong ớt gây ra cảm giác bỏng rát, để xác định các thụ thể thần kinh cho phép da phản ứng với nhiệt, theo hội đồng.
Giáo sư Patapoutian đang làm việc tại một viện nghiên cứu ở La Jolla, California. Ông đã sử dụng các tế bào cảm biến nhạy cảm với áp suất phản ứng với kích thích cơ học trong da và các cơ quan nội tạng để phát hiện ra một lớp cảm biến mới.
Phát hiện này đã giúp các nhà khoa học đột phá hiểu biết về cách hệ thần kinh của chúng ta cảm nhận nhiệt độ nóng, lạnh và kích thích cơ học, xác định các liên kết quan trọng bị thiếu trong nhận thức về sự tương tác phức tạp giữa các giác quan và môi trường xung quanh chúng ta.
Giáo sư David Julius – được trao giải #NobelPrize trong lĩnh vực Sinh lý học hoặc Y học năm nay – đã sử dụng capsaicin, thành phần hoạt tính trong ớt gây ra cảm giác bỏng rát, để xác định các thụ thể thần kinh cho phép da phản ứng với nhiệt. pic.twitter.com/GInY2q6RlD
– Giải Nobel (@NobelPrize) ngày 04/10/2021
Người đạt giải nhất #NobelPrize năm 2021 trong sinh lý học hoặc y học Ardem Patapoutian đã sử dụng các tế bào nhạy cảm với áp suất để khám phá một lớp cảm biến mới phản ứng với các kích thích cơ học trong da và các cơ quan nội tạng. pic.twitter.com/6T7661lRPq
– Giải Nobel (@NobelPrize) ngày 04/10/2021
Ông Thomas Perlmann, tổng thư ký của Ủy ban Nobel cho biết, “Ý tôi là, cảm giác đau có mối liên hệ rất chặt chẽ với cảm giác nhiệt độ và xúc giác. Và chúng ta biết rằng những hệ thống này chắc chắn tham gia vào quá trình truyền dẫn cơn đau.” “Và cũng có một hành động, hành động khá cấp bách tại một số nơi nhất định và ở một số công ty trong phát triển các loại thuốc mới có thể đóng một vai trò trong việc giảm đau – ví dụ như đau mãn tính.”
Năm 2020, hai nhà khoa học làm việc tại Hoa Kỳ Harvey J. Alter và Charles M. Rice cùng với một nhà khoa học quê ở Anh quốc là Michael Houghton đã cùng đạt giải Nobel y học nhờ phát hiện ra virus viêm gan C, nguyên nhân chính gây ra bệnh gan ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới.
Giải thưởng Nobel danh giá đi kèm với huy chương vàng và số tiền thưởng trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (hơn 1.14 triệu USD). Số tiền này đến từ một di chúc được để lại bởi cha đẻ của giải thưởng, nhà phát minh người Thụy Điển Alfred Nobel, người đã qua đời vào năm 1895.
Đây là giải Nobel đầu tiên được trao trong năm nay. Các giải thưởng khác là dành cho các công trình xuất sắc trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, văn học, hòa bình và kinh tế.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Theo NTD News
Thu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: