13 triệu người bị phong tỏa trong thành phố ở Tây Bắc Trung Quốc vì COVID-19
Người dân ở thành phố Tây An phía Tây Bắc Trung Quốc đã phải vật lộn để kiếm thức ăn và nhu yếu phẩm kể từ khi chính quyền ra lệnh phong tỏa thành phố 13 triệu dân này vào ngày 23/12 do số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến.
Tất cả cư dân trong thành phố này đã phải trải qua một đợt xét nghiệm COVID-19 nữa, trong khi 90 khu dân cư đã bị đóng cửa. Một số cư dân địa phương bị buộc phải ở nhà, đã nói với The Epoch Times Hoa ngữ rằng họ thậm chí không có thời gian tích trữ thực phẩm trước khi phong tỏa.
Tây An đã chứng kiến sự lây nhiễm âm thầm và lây lan trong cộng đồng trong đợt bùng phát COVID-19 hiện nay, và dịch bệnh đã lan sang các vùng khác của tỉnh Thiểm Tây, theo giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Thiểm Tây Lưu Phong (Liu Feng) cho biết. Hai mươi sáu quan chức địa phương đã phải chịu trách nhiệm và bị trừng phạt vì không ngăn chặn được dịch bệnh bùng phát.
Các quan chức địa phương ra lệnh rằng, kể từ nửa đêm ngày 23/12, mỗi gia đình chỉ được cử một thành viên ra ngoài hai ngày một lần để mua các nhu yếu phẩm cơ bản hàng ngày. Cư dân “không được rời khỏi thành phố trừ khi cần thiết”, và những ai muốn đi thì phải xin phép. Tất cả các doanh nghiệp không thiết yếu đã bị đóng cửa.
Kể từ hôm 23/12, trang web chính thức của Phi trường Quốc tế Hàm Dương của Tây An đã hiển thị trạng thái “đã bị hủy” đối với tất cả các chuyến bay nội địa trong và ngoài thành phố. Giao thông đường sắt và đường cao tốc ra vào Tây An cũng đã bị đình chỉ.
The Epoch Times đã thu thập được một đoạn video cho thấy cư dân trên nóc các tòa nhà ở Tây An đã hét lên để xin được giúp đỡ sau khi hết sạch lương thực và các nhu yếu phẩm khác trong khi bị phong tỏa.
“Vì họ không thông báo trước nên không còn thức ăn ở nhà,” Anh Vương Cương (Wang Gang, bí danh), một người thuê nhà trong khu dân cư Trường Phong Viên của Tây An nói với The Epoch Times Hoa ngữ. “Tôi mua một ít mì ăn liền từ cửa hàng bên cạnh tòa nhà vào buổi chiều, chỉ đủ cho hai ngày. Vào ngày thứ ba, chủ cửa hàng kêu các kệ đã trống trơn và hết sạch hàng còn ông thì bị đưa đi cách ly vào đêm qua.
“Sau đó, tôi đã đăng một thông điệp về việc này trên Weibo. Vấn đề chỉ được cải thiện một chút và bây giờ mọi thứ có thể được gửi đến khu dân cư. Nhưng giá rau đã tăng gấp đôi, gấp ba.”
Anh Vương đã lo lắng rằng “nếu ai đó bị bệnh nặng trong khi phong tỏa thì chuyện gì sẽ xảy ra?” Và vì cửa của tòa nhà được khóa từ bên ngoài bằng xích sắt nên trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, những người bị nhốt bên trong sẽ không thể thoát ra ngoài.
Cô Vu Giai (Yu Jia, bí danh), một người thuê nhà khác trong khu dân cư Trường Phong Viên, nói với The Epoch Times Hoa ngữ rằng các cư dân đã bị lúng túng vì họ không được thông báo trước về việc phong tỏa và cô ấy không có gì để ăn cả buổi sáng. Khi thực sự đói, cô đi xuống tầng dưới để hỏi nhân viên bảo vệ xem những người thuê nhà phải làm thế nào để kiếm được thức ăn, và người bảo vệ nói với cô rằng cư dân cần phải tự mình giải quyết vấn đề đó.
“Không một ai trong ban quản lý tòa nhà đó quan tâm đến những gì xảy ra với chúng tôi. Họ chỉ dán một mã QR và số điện thoại của cửa hàng tiện ích trước cổng khu dân cư này. Tôi đã gọi đến cửa hàng tiện ích đó để mua một ít mì gói và bánh mì. Rau thì mới có ở cổng khu dân cư vào buổi sáng sau ngày thứ ba, nhưng giá lại đắt vô cùng,” cô nói.
Ông Alex Wu là một tác giả của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền và các mối quan hệ quốc tế.
Bản tin có sự đóng góp của Gu Xiaohua và Gao Miao
Thiện Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: