13 tiểu bang kiện chính phủ TT Biden, theo đuổi khả năng cắt giảm thuế thông qua các quỹ cứu trợ virus Trung Cộng
13 tiểu bang đã bắt đầu cuộc chiến pháp lý chống lại chính phủ TT Biden về một điều khoản trong gói cứu trợ virus Trung Cộng cấm các tiểu bang sử dụng tiền cứu trợ để trả cho các khoản giảm thuế.
Gói cứu trợ trị giá 1.9 nghìn tỷ USD của Đảng Dân Chủ nhằm chống lại tác động của virus Trung Cộng (Đảng Cộng sản Trung Quốc), Đạo luật Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ năm 2021, bao gồm một điều khoản quy định rằng các tiểu bang không thể sử dụng các quỹ cứu trợ để bù đắp vào khoản doanh thu thuế bị giảm do bất kỳ trường hợp cắt giảm thuế nào—bao gồm cắt giảm thuế địa ốc, các khoản hoàn thuế, các khoản khấu trừ, các khoản tín dụng, hoặc các dạng khác—cùng bất kỳ các khoản chậm nộp thuế nào.
Liên minh lưỡng đảng gồm 13 tiểu bang đã đệ đơn kiện liên bang tại Tòa án Quận Hoa Kỳ cho Quận phía Bắc tiểu bang Alabama vào cuối ngày thứ Tư (31/03). Họ lập luận rằng điều khoản này là vi hiến.
Đơn kiện nói rằng điều khoản trong gói cứu trợ này là “một trong những hành động thâu tóm quyền lực nghiêm trọng nhất trong lịch sử quốc gia của chính phủ liên bang.” Đơn kiện này lập luận rằng điều khoản này, bằng cách quy định cách thức các tiểu bang sử dụng quỹ liên bang liên quan đến việc cắt giảm thuế, là giống như việc buộc các tiểu bang từ bỏ thẩm quyền của họ, điều mà Tu chính án thứ Mười quy định là không được phép. Đơn kiện cũng cáo buộc chính phủ liên bang vi phạm học thuyết chi tiêu có điều kiện và học thuyết chống chỉ huy.
Khiếu nại trong vụ kiện cáo buộc rằng điều khoản này, còn được gọi là Ủy nhiệm Thuế Liên bang, “cấm các Tiểu bang cắt giảm thuế đối với công dân của họ trong khoảng thời gian hơn ba năm” và khi làm như vậy, thì “chiếm đoạt” thẩm quyền giảm bớt gánh nặng thuế của các tiểu bang. Điều này cũng “tạo ra một hiệu ứng cấm đoán đáng sợ” trong các quan chức của các tiểu bang khi làm điều tương tự, “dựa trên mối đe dọa rằng chính phủ liên bang có thể rút lại một số hoặc toàn bộ phần tiền của các tiểu bang” mà được tài trợ từ gói cứu trợ virus Trung Cộng.
Các nguyên đơn trong vụ kiện này là các tiểu bang West Virginia, Alabama, Alaska, Arkansas, Florida, Iowa, Kansas, Montana, New Hampshire, Oklahoma, South Carolina, North Dakota và Utah. Các bị cáo trong vụ kiện này là Bộ trưởng Bộ Tài Chính Janet Yellen và Tổng thanh tra Bộ Tài Chính Richard Delmar.
Tổng chưởng lý West Virginia Patrick Morrisey, một đảng viên Cộng hòa, lãnh đạo liên minh 13 tiểu bang.
Ông Morrisey cho biết trong một tuyên bố, “Chưa bao giờ có việc chính phủ liên bang cố gắng giành quyền kiểm soát hoàn toàn tài chính tiểu bang như vậy. Chúng tôi không thể chịu đựng được sự xâm phạm quá mức như vậy. Hiến pháp quy định các tiểu bang có đồng chủ quyền, chứ không phải một chính phủ liên bang buộc các cơ quan lập pháp tiểu bang bị tước mất một trong những chức năng hiến định cốt lõi của họ để đổi lấy một tấm séc lớn xấp xỉ 25 phần trăm tổng ngân sách hàng năm của họ.”
Nguyên văn điều khoản cụ thể gây lo ngại này như sau: “Một tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ sẽ không được sử dụng các khoản tiền được cung cấp trong mục này hoặc được chuyển nhượng theo mục này để bù đắp một cách trực tiếp hoặc gián tiếp cho khoản giảm sút trong doanh thu thuế ròng của chính quyền khu vực đó do có sự thay đổi luật, quy định, hay giải thích hành chính trong giai đoạn được bảo trợ để giảm bất kỳ khoản thuế nào (bằng cách thực hiện giảm thuế địa ốc, hoàn thuế, khấu trừ, tín dụng hoặc dạng khác) hoặc trì hoãn việc đánh bất kỳ khoản thuế nào hoặc tăng thuế.”
Trước đó vào hôm 16/03, tổng chưởng lý từ 21 tiểu bang đã viết thư cho bà Yellen để yêu cầu làm rõ về điều khoản này như được ghi trong luật và tìm cách xác nhận rằng việc hạn chế này sẽ không tước bỏ thẩm quyền về thuế của các tiểu bang. Trong thư, họ nói rằng cách diễn đạt việc cấm bù đắp các khoản giảm trong doanh thu thuế tiểu bang của dự luật này là “không rõ ràng,” bao gồm cả về vấn đề Bộ Tài Chính sẽ giải thích từ “gián tiếp” được ghi trong điều khoản này là như thế nào.
Họ cho biết việc cấm “gián tiếp” bù đắp các khoản giảm thuế “cũng có thể được hiểu là cấm cắt giảm thuế hoặc giảm bớt bất kỳ phần nào, ngay cả khi hoàn toàn không liên quan đến và không phụ thuộc vào các quỹ cứu trợ sẵn có.”
“Xét cho cùng, tiền là có thể hoán đổi cho nhau được, và các Tiểu bang phải cân đối ngân sách của mình. Vì vậy, theo một nghĩa nào đó, bất kỳ khoản giảm thuế nào do cơ quan lập pháp tiểu bang ban hành sau khi Tiểu bang đó đã nhận được các quỹ cứu trợ có thể được xem là “đang sử dụng” những quỹ đó như một “khoản bù đắp” cho phép Tiểu bang đó thực hiện việc giảm thuế đó,” 21 tổng chưởng lý đã viết.
Trong phản hồi của mình vào hôm 23/03, bà Yellen viết, “Hạn chế này tác động đến khả năng của các Tiểu bang trong việc giữ lại duy chỉ các quỹ liên bang được sử dụng để bù đắp sự giảm sút trong doanh thu thuế ròng do có những thay đổi nào đó trong luật tiểu bang.”
Bà nói thêm rằng, “Điều cũng quan trọng cần lưu ý là các Tiểu bang đang chọn sử dụng các quỹ liên bang để bù đắp khoản bị giảm trong doanh thu thuế ròng do đó họ không bị tước mất toàn bộ việc phân bổ các quỹ đã chiếm dụng theo quy chế này.”
“Rõ ràng là Quốc hội có thể đặt ra các quy định hợp lý như vậy về việc các Tiểu bang có thể sử dụng tài trợ của liên bang như thế nào,” bà viết.
“Nếu các Tiểu bang giảm một số loại thuế nhưng không sử dụng các quỹ theo Đạo luật này để bù đắp những khoản cắt giảm đó-chẳng hạn, bằng cách thay thế doanh thu bị mất thông qua các biện pháp khác-thì không liên quan đến hạn chế được nêu trong Đạo luật này,” bà Yellen cũng cho biết.
Tuy nhiên, văn phòng của tổng chưởng lý Montana và West Virginia đã chỉ ra trong những tuyên bố của họ rằng bà Yellen “đã không đặt ra những hạn chế trong điều khoản không rõ ràng này.”
Văn phòng của ông Morrisey nói rằng vấn đề này “tác động trực tiếp” đến vấn đề liệu luật này có xâm phạm việc cơ quan lập pháp tiểu bang xem xét một đề nghị tiểu bang nhằm loại bỏ thuế thu nhập hay không. Ông cũng đặt vấn đề với cách Bộ Tài Chính sẽ giải thích từ “gián tiếp” trong điều khoản này.
“Vụ kiện của chúng tôi có mục đích để bảo vệ West Virginia khỏi sự xâm phạm quá mức của liên bang,” ông Morrisey nói. “Điều này bảo đảm công dân của chúng tôi không bị mắc kẹt với một dự luật không lường trước được từ các quan chức liên bang trong nhiều năm kể từ bây giờ.”
Vụ kiện mới nhất này diễn ra trong bối cảnh các tiểu bang thực hiện một loạt các hành động chống lại chính phủ TT Biden, cho rằng liên bang có hành động xâm phạm quá mức.
Trước đó vào hôm 17/03, 21 tiểu bang đã kiện chính phủ TT Biden về các quyết định thu hồi giấy phép liên bang cho Đường ống Keystone XL của Tổng thống Joe Biden. Sau đó chính phủ này đã bị 14 tiểu bang kiện vào hôm 24/03 về hành động điều hành của ông Biden tạm dừng hoạt động khoan dầu khí mới trên đất liên bang.
Chính phủ TT Biden cũng là mục tiêu nhắm tới do sắc lệnh liên quan đến biến đổi khí hậu của ông Biden trong một vụ kiện hôm 08/03 do 12 tiểu bang đệ trình nói rằng hành động này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của họ. Ngày hôm sau, chính phủ này đã bị tiểu bang Arizona và Montana kiện về các chính sách nhập cư.
Do Mimi Nguyen Ly thực hiện
Thanh Xuân biên dịch
Xem thêm: