12 năm sau, Trung Quốc vẫn đang chịu hậu quả của gói kích thích 5 ngàn tỷ nhân dân tệ
Chính phủ Hoa Kỳ hiện đang thúc đẩy một kế hoạch cơ sở hạ tầng mới hoàn toàn giống với kế hoạch giải cứu 5 ngàn tỷ nhân dân tệ của Bắc Kinh hồi năm 2009. Một yếu tố quan trọng là việc in tiền hàng loạt đóng một vai trò quan trọng trong cả hai kế hoạch. Các nhà lập pháp Hoa Kỳ có thể học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc bằng cách hiểu sâu hơn về kế hoạch kích thích kinh tế năm 2009 của Bắc Kinh.
Nhìn lại, kế hoạch giải cứu 5 ngàn tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 781 tỷ USD ngày nay) của Bắc Kinh đã thành công trong việc duy trì việc làm, nhưng nhìn chung đó là một thất bại bởi toàn bộ cấu trúc kinh tế Trung Quốc [đã] bị bóp méo. Trung Cộng chuyển sang phụ thuộc vào bất động sản và hạn chế tiêu dùng của công dân Trung Quốc. Một kết quả thảm hại hơn của kế hoạch năm 2009 là nó đã tạo ra một hệ thống đường sắt, đường cao tốc và cơ sở hạ tầng khổng lồ, dư thừa công suất, khiến phần lớn tài sản chuyển hướng sang bất động sản, đặc biệt là nhà ở dân dụng. Do kết quả của tình trạng dư thừa nghiêm trọng này, nên Trung Quốc cần phải tìm ra giải pháp cho tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và do đó đã tạo ra Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI, còn được gọi là “Một vành đai, một con đường”). Sáng kiến này có những tác động hữu hạn đến nền kinh tế Trung Quốc và đã gây ra phản ứng dữ dội trên toàn cầu, khi mà nhiều dự án BRI lẳng lặng biến thể thành những chương trình “viện trợ ngoại quốc.”
Điều quan trọng là phải xem xét kế hoạch giải cứu 5 ngàn tỷ nhân dân tệ và phân tích những thành công và thất bại, được và mất của kế hoạch này.
In tiền hàng loạt
Kể từ năm 2009, nền kinh tế Trung Quốc đã dựa vào việc in tiền để kích thích tăng trưởng. Sau khi tiền mặt được phân phối, phần lớn nó được chuyển vào bất động sản, trong khi phần còn lại chỉ đơn giản là được thêm vào chuỗi nợ.
Năm 2010, ông Wu Xiaoling, cựu Phó Giám đốc Ủy ban Tài chính và Kinh tế của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, nói rằng “trong 30 năm qua, Trung Quốc đã nỗ lực in tiền để kích thích tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.” Theo một bài báo năm 2013 được công bố trên cổng thông tin Trung Quốc Tencent Finance, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, Hoa Kỳ và các nước thuộc Liên minh Âu Châu để trở thành “cỗ máy in tiền” lớn nhất thế giới kể từ năm 2009. Năm 2012, có tương đương 26 ngàn tỷ nhân dân tệ (tức là khoảng 4.1 ngàn tỷ USD ngày nay) được thêm vào lưu thông tiền tệ toàn cầu từ tất cả các quốc gia, [thì] Trung Quốc chịu trách nhiệm in gần một nửa số tiền đó. Sau khi cân bằng những khác biệt về thu nhập bình quân đầu người, các ước tính đã xếp khả năng tạo tiền của Trung Quốc là một trong những mức cao nhất trên thế giới.
Trung Quốc đã thực sự in bao nhiêu tiền mặt? Chúng ta hãy xem xét các yếu tố sau đây. Thứ nhất, việc phân phối tiền tệ của Trung Quốc được thực hiện với tốc độ lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP của họ. M2 của Trung Quốc—thước đo lượng cung tiền bao gồm tiền mặt, tiền gửi vãng lai, và tiền dễ chuyển đổi—đã tăng với tốc độ trung bình 18% mỗi năm từ năm 2002 đến 2012, trong khi GDP trung bình tăng với tốc độ 9.5% trong cùng một khoảng thời gian. Thứ hai, cho đến cuối năm 2011, tỷ lệ M2 so với GDP của Trung Quốc là 1.89. Điều này cho thấy sức mua của đồng nhân dân tệ đang giảm mạnh và Trung Quốc lẽ ra đã chìm vào một thời kỳ lạm phát cao kéo dài. Trước tình hình đó, một số chuyên gia đã đề nghị phân phối tiền giấy có mệnh giá lớn ở Trung Quốc nhằm tạo điều kiện lưu thông và giảm chi phí in tiền. Tuy nhiên, hóa ra Bắc Kinh thà chịu chi phí in tiền có mệnh giá thấp hơn là sản xuất những loại tiền [có mệnh giá] lớn hơn. Nhà cầm quyền Trung Cộng muốn che giấu tình trạng lạm phát tràn lan này để tránh gây hoang mang cho người dân, khi nhiều người lên tiếng lo ngại và bày tỏ nghi ngờ về sự ổn định của nền kinh tế Trung Quốc.
Bất động sản hạn chế tiêu dùng
Hầu hết người dân Trung Quốc có thu nhập hạn chế, và vì họ khá sợ lạm phát nên người dân Trung Quốc thường tìm thấy niềm an ủi trong lĩnh vực bất động sản. Đó là lý do tại sao chi tiêu cho bất động sản nhà ở đã tăng mạnh hết năm này đến năm khác. Một vài ví dụ về các khoản chi được liệt kê dưới đây cho những năm đã vượt qua mốc 100 tỷ nhân dân tệ (khoảng 15.7 tỷ USD), 1 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 157 tỷ USD) và 10 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.57 nghìn tỷ USD).
Từ một số điểm trong dữ liệu chính được cung cấp ở trên, chúng ta có thể suy ra rằng:
1. Giá nhà ở đang tăng mạnh. Vào năm 1998, giá trung bình của một ngôi nhà là 2,062 nhân dân tệ (323 USD) trên một mét vuông; mức giá đó đã biến thành 9,860 nhân dân tệ (1,546 USD) vào năm 2020. Mức giá năm 2020 đã tăng 2.6% so với năm 2019. Trong 22 năm, giá bất động sản của Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần.
2. Người dân có ít khả năng tiêu dùng vì hầu hết tiền của họ đều đổ vào bất động sản. Tính đến năm 2020, thu nhập bình quân của cư dân thành thị và nông thôn chỉ tăng khoảng 3.5% so với cùng thời kỳ năm trước, trong khi giá cả hàng hóa bình quân tăng bình quân 2.5%. Dữ liệu cũng cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng đã giảm 3.8%, đây là lần đầu tiên điều này xảy ra kể từ những năm 1990, cũng như lần đầu tiên [xảy ra] kể từ khi Trung Cộng được thành lập.
Các ước tính đã đưa số tiền chi cho bất động sản vào khoảng 12.45 ngàn tỷ nhân dân tệ (1.95 ngàn tỷ USD) vào năm 2019, tăng lên 13.90 ngàn tỷ nhân dân tệ (2.18 ngàn tỷ USD) vào năm 2020. Tốc độ tăng trưởng 11.6% này cho thấy rõ ràng rằng người dân đại lục rất sẵn lòng giảm chi tiêu hàng ngày để họ có thể mua nhà.
3. Trung bình, mức nợ của công dân Trung Quốc khá cao và phần lớn khoản nợ đến từ việc mua bất động sản. Theo các chuyên gia tài chính, nợ của người dân ở Trung Quốc đã tăng với tốc độ chưa từng có trong 5 năm qua từ 2016 đến 2020. Tỷ lệ nợ tư nhân tăng lên trung bình ở mức 22.2% trong thời kỳ đó, vượt xa Hoa Kỳ (0.9%), Nhật Bản (7.2%) và Đức (4%) về nợ tư nhân. Điều này cho thấy người Trung Quốc có tỷ lệ thế chấp trên thu nhập rất cao [để vay] trong những năm gần đây.
Doanh thu của chính phủ phụ thuộc nhiều vào bất động sản
Theo thống kê chính thức của Trung Quốc, doanh thu do bán đất tạo ra vào năm 2020 là 8.41 ngàn tỷ nhân dân tệ (1.32 ngàn tỷ USD) và trong cùng năm đó, tổng doanh thu tài khóa quốc gia đạt khoảng 18 ngàn tỷ nhân dân tệ (2.82 ngàn tỷ USD). Bán đất đã chiếm tới 44% doanh thu của quốc gia và 84% doanh thu địa phương. Trong hoàn cảnh đó, dù là chính quyền trung ương hay chính quyền địa phương, các nhà chức trách Trung Quốc đều không muốn điều chỉnh cơ cấu kinh tế vốn rõ ràng là dựa vào bất động sản.
Bắc Kinh cũng khó điều chỉnh cơ cấu kinh tế căn bản vì tiêu dùng nội địa của Trung Quốc đang giảm dần. Kết quả là, không cần phải cải thiện trong lĩnh vực công nghiệp và sản xuất.
Cách đây vài năm, tôi đã viết một bài báo phân tích cách Trung Cộng kiểm soát giá bất động sản và các hoạt động để duy trì bong bóng. Sau năm 2009, khi chính phủ cần doanh thu, các công ty bất động sản cần thị trường và các chủ sở hữu bất động sản cần duy trì sự giàu có của họ, vào những năm 2010, một “liên minh” không chính thức đã được thành lập giữa các nhóm lợi ích này khi tất cả đều cần bong bóng bất động sản để trụ vững. Đây là lý do tại sao thị trường bất động sản của Trung Quốc vẫn chưa sụp đổ.
Một quan niệm sai lầm phổ biến: Xuất cảng của Trung Quốc ‘hồi sinh’
Vào năm 2020, xuất cảng của Trung Quốc đã tăng lên, và ngoài các phương tiện truyền thông nhà nước, nhiều đài truyền hình của Mỹ đã nói rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể sớm cạnh tranh với Hoa Kỳ.
Về việc nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ phát triển như thế nào, chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã cho thấy rằng họ đang hướng tới sự hài lòng về ý thức hệ hơn là tuân theo các thông lệ thị trường thông thường. Nhưng nếu chúng ta phân tích các mặt hàng mà Trung Quốc xuất cảng, chúng ta có thể thấy rằng vật tư y tế, đồ gia dụng và văn phòng gia đình là ba danh mục chính thúc đẩy xuất cảng vào năm 2020. Các yếu tố đóng góp lớn nhất vào sự gia tăng xuất cảng là vật tư y tế và hàng dệt may vốn cần thiết trong việc sản xuất khẩu trang—cả hai đều tăng lần lượt là 40.5% và 29.2%. Các mặt hàng xuất cảng phổ biến khác bao gồm máy điện toán xách tay (được sử dụng cho văn phòng tại gia đình và giáo dục tại nhà); và đồ nhựa ở dạng đồ dùng hàng ngày, đèn, đồ nội thất, đồ chơi, v.v. Do tỷ lệ xuất cảng của Trung Quốc tăng đột biến này có liên quan chặt chẽ với đại dịch đang diễn ra, nên chắc chắn rằng xu hướng này sẽ không tiếp tục, đặc biệt là sau khi vaccine COVID được phân phối rộng rãi vào giữa năm 2021.
Vào cuối tháng 03/2021, hơn 20 chuyên gia tư vấn, giáo sư đại học và cựu cố vấn kinh tế của tổng thống Hoa Kỳ đã đến Trung Quốc để tham gia “Diễn đàn phát triển Trung Quốc 2021.” Các tổ chức và học giả này là những cố vấn quan trọng nhất trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Một số người trong số họ tiết lộ tại cuộc họp rằng chính phủ TT Biden sẽ mua một lượng lớn hàng hóa từ Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh Âu Châu sau khi kế hoạch cơ sở hạ tầng mở rộng được thực hiện. [Và] đây là một tin tốt cho Trung Quốc.
Sau Đệ nhị Thế chiến, [chính sách của] chính phủ TT Roosevelt trở thành đồng nghĩa với một chính sách tiền tệ tự do hóa, theo đó việc in tiền hàng loạt là chính đáng thông qua các lý do như giảm tỷ lệ thất nghiệp và kích thích nền kinh tế thông qua đầu tư tài chính. TT Franklin Roosevelt đã nhận được nguồn cảm hứng cũng như lời khen ngợi từ nhà kinh tế học John Keynes, người tạo ra [trường phái] Kinh tế học Keynes, vì đã thực hiện lý thuyết này. Bắt đầu từ cuối những năm 1940 và đầu những năm 1950, mô hình kinh tế này đã thống trị các nền kinh tế phương Tây, và mặc dù chỉ có những khía cạnh tích cực của nó được chính thức đề cập đến, khoảng 30% các nhà kinh tế đã phản đối mạnh mẽ nó. Cho đến ngày nay, các ngân hàng trung ương của hầu hết các quốc gia đều hoạt động theo học thuyết kinh tế Keynes và đều theo đuổi một chính sách tiền tệ tự do.
Khi Trung Quốc khởi xướng kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 5 ngàn tỷ nhân dân tệ vào năm 2009, phương Tây đã đồng loạt cổ vũ và nhận xét rằng Trung Quốc đã cứu nền kinh tế toàn cầu trong thời kỳ suy thoái. Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn đang chịu hậu quả rất lớn từ kế hoạch kích thích kinh tế và không có cách nào thoát khỏi cấu trúc kinh tế bị biến dạng của mình. Thật đáng học hỏi từ những sai lầm của Trung Quốc.
Bà Hứa Chính Lan (He Qinglian) là một tác giả và nhà kinh tế học nổi tiếng của Trung Quốc. Hiện đang làm việc tại Hoa Kỳ, bà là tác giả của cuốn sách “Cạm bẫy của Trung Quốc,” liên quan đến tham nhũng trong việc cải tổ kinh tế của Trung Quốc vào những năm 1990 và cuốn sách “Sương mù kiểm duyệt: Kiểm soát truyền thông ở Trung Quốc,” đề cập đến việc thao túng và hạn chế báo chí. Bà thường xuyên viết về các vấn đề kinh tế và xã hội đương đại của Trung Quốc.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do He Qinglian thực hiện
Kim Liên biên dịch
Tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: