100 tỷ đồng và câu chuyện Thủy Tiên: Cái giá của lòng tin
Khi miền Bắc và phương Nam đang trong những ngày thu đẹp nhất thì lòng người lại chan chứa buồn thương hướng về đồng bào miền Trung, nơi hàng ngàn ngôi nhà vốn đã đủ nghèo khó chìm trong dòng lũ cùng hàng trăm người dân khốn khổ…
Câu chuyện về Thủy Tiên và số tiền quyên góp mà người dân gửi gắm cho cô để hỗ trợ đồng bào miền Trung có lẽ là điều khiến mọi người ấm lòng nhiều nhất trong những ngày phải chứng kiến quá nhiều sự mất mát tang thương của người dân trong cơn thiên tai thảm họa.
Ngoài theo dõi bản tin về tình hình bão lũ, mọi người còn chờ đợi một bản tin khác, từ quỹ từ thiện của Thủy Tiên với số tiền ủng hộ tăng lên nhanh chóng từng ngày mà cô cập nhật. Nhưng khi số tiền lên tới hơn 100 tỷ đồng thì một cơn bão của tin tức về cô cùng lúc dậy sóng. Thông tin về cơn lũ miền Trung và Thủy Tiên là tin tức được bàn luận nhiều nhất trên mạng xã hội và truyền thông những ngày qua.
Điều bất ngờ là, ngoài những lời cảm khích, trân trọng tấm lòng của cô ca sỹ mảnh mai đã từ rất sớm lập tức có mặt tại tâm điểm của cơn bão lụt để cứu trợ thực phẩm, hàng hóa, động viên và trao gửi tiền ủng hộ của người dân cả nước cho đồng bào miền Trung, thì cô còn hứng chịu một trận cuồng phong của những người chỉ trích, soi xét, nghi ngờ thậm chí cảnh cáo rằng cô có thể sẽ đi tù vì làm từ thiện phạm luật.
Câu chuyện của Thủy Tiên và hơn 100 tỷ đồng quyên góp từ thiện trở thành con số gây chấn động khi một cá nhân có thể đứng ra quyên góp trong một thời gian rất ngắn, điều mà nhiều tổ chức có quy mô lớn không làm được. Nhưng số tiền đó có thực sự lớn như vậy không?
100 tỷ đồng là quá nhỏ so với những gì… đã mất
Thực ra 100 tỷ đồng trong quỹ từ thiện của Thủy Tiên rất nhỏ so với những gì đã mất ở trên mảnh đất này, khi những con số về thất thoát, lãng phí, tham nhũng người ta đã quen nghe là những hàng ngàn tỷ đồng, nhiều ngàn tỷ đồng cho những công trình hiệu quả kém, vô nghĩa hoặc hoặc không thể đưa vào sử dụng đầy rẫy khắp cả nước…
Nó quá nhỏ so với những lễ lạt, hội hè xa xỉ, những tượng đài nghìn tỷ, những cuộc thi sắc đẹp triệu đô lúc nào cũng kín lịch, nó cũng quá nhỏ so với những se sua, xa hoa, tiệc tùng, siêu xe, hàng hiệu, bất động sản, kim cương, vốn phủ sóng ngập tràn 24h hàng ngày trên hàng trăm tờ báo, mạng xã hội.
Nó quá nhỏ so với những cánh rừng đã bị tàn phá để làm hàng trăm những công trình thủy điện phá hủy hệ sinh thái sông, hủy hoại sinh kế và là nguyên nhân gây ra sự di cư của nhiều cộng đồng, những công trình gây nguy hại cho môi trường và người dân, giăng khắp đất nước – mà người ta ví như những quả bom có thể biến thành hồng thủy, lũ lụt bất cứ lúc nào…
https://www.facebook.com/txl.architect/videos/2698116497172233/
Nó quá nhỏ so với những ngôi chùa được xây dựng trên những mảnh rừng bị san phẳng, để làm cái gọi là kinh doanh tâm linh mọc lên cũng rộn ràng chẳng kém những đập thủy điện nguy hại. Không biết có Thần Phật nào đến ngự trong những ngôi chùa ngàn tỷ đó không, nhưng điều có thể nhìn thấy ngay bằng mắt thường là sự giận dữ của thiên nhiên, lũ thác ngày càng trở nên nguy hiểm, khó lường và đe dọa mạng sống người dân hơn bao giờ.
Nó càng quá nhỏ so với những niềm tin đã mất về những cái gọi là công khai, minh bạch trong sử dụng tiền của dân trên mọi phương diện. Chẳng phải xa xôi gì, chính trong tâm điểm của bão lũ, người ta phai nghe những câu chuyện về việc cán bộ chặn hàng cứu trợ của dân, thu hồi tiền cứu trợ. Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng đề nghị lãnh đạo địa phương không được biển thủ lương khô cứu trợ dân. “Vừa rồi chúng tôi phát hiện một số lãnh đạo địa phương (cấp cơ sở) chia lương khô cứu trợ cho cán bộ như làm quà, vì thứ này ngon. Như thế là hỏng hết. Lương khô này gửi cho dân. Người dân đang cần”, tướng Chiêm nói. Lương khô để cứu trợ dân trong lúc hiểm họa mà còn bị ăn chặn thì còn những điều gì người ta có thể làm?
Một số tiền nếu đem ra so sánh thì chẳng phải quá lớn so với những gì người ta biết, vậy nhưng nó lại gây lên một cơn chấn động lòng người, lan tỏa khắp cộng đồng và mạng xã hội, tạo nên một cơn lũ khác của thông tin, và những thị phi trái chiều. Tại sao một số tiền không phải là quá lớn lại khiến lòng người dậy sóng như vậy?
Có lẽ bởi vì nó nhắc người ta về những gì vô giá còn lại – nếu chúng ta không để mất
Đó là uy tín của mỗi cá nhân – là niềm tin về nhân cách, phẩm giá của con người.
30, 50, 100 ngàn đồng là số tiền phổ biến mà mọi người gửi vào tài khoản từ thiện hơn 100 tỷ của Thủy Tiên, những món tiền dù nhỏ nhưng nó nói nên rằng, lòng tốt, sự trắc ẩn, tình đồng bào là những thứ còn rất lớn trong cộng đồng.
Nó nói nên rằng uy tín của một cá nhân có thể đi xa đến mức nào khi họ giữ được phẩm cách, sự thiện lương, chính trực, những điều mà vốn dĩ không ai cần phải dùng tiền để mua cả, nó cũng là thứ tài sản không thể mua bằng tiền.
Nó nói nên rằng, nếu lòng tin còn thì 100 tỷ hay 1000 tỷ hay hơn nữa không phải là điều xa xỉ.
Đáp lại cơn bão của dư luận trái chiều, người yêu thương, động viên, người lo lắng cho cô khi chịu trách nhiệm giữ số tiền quá lớn, kẻ chỉ trích thóa mạ dọa nạt cô sẽ mất hết vì chuyện thiện nguyện, người ta ngạc nhiên hơn nữa khi thấy cô vẫn bình tĩnh, tiếp tục cập nhật thông tin trên trang mạng cá nhân của mình, và đáp trả lại với sự bản lĩnh khiến không ít người bất ngờ ở cô gái mong manh như chính tên gọi của mình.
“Người ta sống trên đời chết đi không mang theo được gì cả, tiền bạc, danh vọng, địa vị, gia đình v.v… Chết đi chỉ mang theo được cái gì người ta tạo ra bằng suy nghĩ hay hành động. Nên yêu thương được ai thì yêu thương, giúp được ai thì giúp.”
“Nếu như vì việc này mà mình không may mất hết, mình cũng vui vẻ chấp nhận, vì mình tin rằng với số lượng người được giúp, cũng đáng để mình đánh đổi mà. Ai mà không đến lúc già đi và mất hết chứ”.
Thủy Tiên chỉ có thể đi đến cùng con đường thiện nguyện của mình với sự thuần khiết trong sáng của lương tâm, điều riêng cô ấy biết rõ hơn ai hết, nếu quả vậy, không lời ác ý nào, không sự đe dọa nào có thể khiến tâm cô ấy dao động.
Bởi một người làm điều thiện từ trái tim chân thật, không phải vì để được khen nên sẽ càng chẳng sợ lời chê bai, phỉ báng. Thiện tâm trong tim là cách để con người kết nối với Thần Phật, lương tâm bởi vì đâu mà sinh ra. Phật Pháp giảng rằng Phật tại tâm trung không có nghĩa là trong tâm có Phật mà ý rằng con người sẽ đến gần với Phật khi trong tâm tỏa ra thiên tính, chính là sự thiện lương, chân thành, nhẫn nại mà Thần Phật trao cho con người khi bắt đầu đến thế giới này.
Làm điều thiện được khen là cảnh giới của người thường. Làm điều thiện mà chịu được những lời đả kích cay nghiệt là một cảnh giới khác, mà chỉ có sức mạnh của nội tâm, khi hiểu rằng, những gì mình làm có Trời Phật nhìn thấy thấu hiểu thì người ta mới có thể vượt qua mọi thị phi cay đắng của người đời.
100 tỷ không phải số tiền lớn so với hàng ngàn tỷ đã mất đi trên đất nước này nhưng nó gây chấn động bởi nó đại diện cho một thứ đã thiếu vắng quá nhiều trong xã hội, đó là LÒNG TIN. Từ thiện là hành động xuất phát từ niềm tin mà người ta có thể trao đi không toan tính, chỉ bởi một thứ vô hình nhưng vô giá, là niềm tin vào nhân cách, lương tâm con người.
Câu chuyện của Thủy Tiên nói nên rằng, trên mảnh đất này, điều khốn khó nhất không phải là sự nghèo đói, mà là niềm tin.
Nó nhắc người ta nhớ rằng lòng tin là vô giá, và nó lớn hơn bất kỳ con số nào người ta có thể tưởng tượng.
Nó nói nên rằng, con người trở nên phi thường, đáng trọng không phải bởi họ sở hữu bao nhiêu tài sản, mà ở tấm lòng có thể nghĩ đến người khác bao nhiêu.
Và rằng ở trong cuộc đời, tài sản lớn lớn nhất không phải là bao nhiêu tỷ, mà là nhân cách ở tầng thứ nào.
Nó cũng thể hiện rằng, người ta vẫn hy vọng có thể trao gửi niềm tin cho nhau, bằng sự đảm bảo của nhân phẩm, lương tâm và lòng nhân ái, chứ không phải chỉ bằng pháp luật.
Luật pháp sinh ra để bảo vệ chứ không phải ngăn cản người ta làm điều Thiện
Người ta viện ra những luật nào đó để dẫn rằng cô có thể phạm pháp khi làm thiện nguyện. Thực ra pháp luật sinh ra để bảo vệ chứ không phải để ngăn cản hay trừng phạt người làm điều thiện. Bởi vì Thiện Ác là những giá trị phổ quát cho Thần quy định, cho nên luật pháp không thể trái với luật công bằng của Tự nhiên.
Luật pháp do con người tạo ra, nó có thể sai sót, nhưng luật của điều Thiện là Thiên Đạo, thì không bao giờ sai, và luật pháp của con người, cũng như mọi điều trong thế giới này, chịu sự chi phối của một thứ luật tối cao là luật của Tự nhiên, là Thiên Lý. Cổ nhân giảng rằng, “Thiên nhân tương dữ”, nghĩa là Trời với người cảm ứng đươc với nhau, là bởi con người cần mang Nhân luân mà hòa hợp với Thiên Đạo. Thuận theo đạo Trời là phải, mà trái với Thiên đạo là sai.
Cái lẽ thường giản dị ấy vì sao lại thiếu vắng quá nhiều trong xã hội này?
Có lẽ là bởi vì, người ta tàn phá rừng để xây chùa nhưng mặc áo cà sa không khiến người ta thành Phật, chùa chiền nhiều nhưng con người không có đức tin thực sự. Đức tin ấy là tự trong tâm ước thúc mình làm theo những lời Phật răn dạy, về sự thiện lương, về lòng chính trực, và nhẫn nại vượt qua khó khăn.
Tiếc rằng chúng ta được giáo dục rằng chúng ta là những kẻ vô Thần, tiếc rằng người ta đến chùa không phải để sám hối, thanh lọc nội tâm mà để cầu xin tiền tài địa vị, những thứ không mang theo khi sinh, không thể mang đi khi chết. Tiếc rằng nhiều chùa chiền ngày nay đã trở thành nơi buôn thần bán thánh, không còn là nơi giúp con người tẩy tịnh tâm hồn.
Người ta muốn phá hoại thiên nhiên để làm chùa chiền, nhưng thiên nhiên chính là ngôi chùa lớn nhất, ngôi chùa đó giúp ta hiểu rằng ta là một phần của tự nhiên, và con người chỉ có thể sống tốt khi thuận theo Thiên Lý, đạo của tự nhiên. Có đức tin sẽ hiểu luật nhân quả, sẽ không chọn làm điều ác, không giả dối lừa lọc, có đức tin chân chính người ta sẽ không phải đề phòng nghi ngờ nhau ngay cả khi làm việc Thiện.
Để vượt qua hoạn nạn cần sự chung sức đồng lòng, muốn vậy cần có lòng tin, muốn có lòng tin vào nhau thì con người phải Thiện, phải Chân – những giá trị phổ quát khi con người có đức tin chân chính. Đức tin thuần khiết là nơi nuôi dưỡng lòng Thiện cho tâm hồn và dẫn dắt ta đi con đường chính Đạo.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà Thủy Tiên nhận được sự ủng hộ tin tưởng mạnh mẽ của cộng đồng như vậy. Cô và chồng – cầu thủ Công Vinh đã có hàng chục năm trên hành trình thiện nguyện, uy tín của cô đến từ việc cô luôn tự tay cầm từng đồng tiền đi đến tận nơi trao cho người dân, trong những điều kiện thời tiết khó khăn. Những hạt mầm của lòng thiện ấy đã gieo vào lòng công chúng niềm tin tưởng và nó nở hoa rực rỡ vào thời điểm mà bất ngờ không báo trước.
Câu chuyện của cô là nguồn cảm hứng đến cộng đồng, rằng ai cũng có thể gieo những hạt mầm Thiện trên mảnh đất này, rằng niềm tin chỉ có từ phẩm cách tốt đẹp mà mỗi người phải tự giữ gìn, và rằng đức tin vào các giá trị đạo đức cốt lõi là tài sản vô giá mà Thượng Đế đã công bằng trao cho mọi người. Phần còn lại chỉ là cách chúng ta giữ nó mà thôi…