100 binh sĩ PLA xâm phạm lãnh thổ Ấn độ, phá hủy một cây cầu
Các chuyên gia cho rằng sự cố này có liên quan đến những thay đổi trong PLA.
NEW DELHI — Theo báo cáo mới nhất của phương tiện truyền thông Ấn Độ, một trăm binh sĩ PLA và 55 con ngựa đã xâm nhập ba dặm vào lãnh thổ Ấn Độ ở khu vực Barahoti của tiểu bang Uttarakhand thuộc dãy Himalaya hôm 30/08 và quay trở lại sau khi phá hủy một số cơ sở hạ tầng bao gồm một cây cầu.
Các chuyên gia cho biết thời điểm xảy ra vụ việc này có ý nghĩa quan trọng vì nó truyền đạt cho người dân Ấn Độ ý định nghiêm túc của nhà cầm quyền Trung Quốc. Cuộc xâm phạm cũng được cho là có liên hệ với ban lãnh đạo PLA mới, vốn chuyên thực hiện các nhiệm vụ tuần tra và trinh sát ở địa hình đồi núi. Cuộc xâm phạm này có lẽ đã được họ liệu tính để lấy lòng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Điều làm tăng thêm một yếu tố đáng quan tâm đối với tình huống phức tạp này là thời điểm của nó. Vì cuộc xâm nhập này được báo cáo là lớn, với số lượng lên đến 100 binh sĩ Trung Quốc, điều đó có nghĩa là phía Trung Quốc muốn nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng về ý định của mình,” ông Rajiv Dogra, một cựu quan chức ngoại giao cao cấp của Ấn Độ, nói với The Epoch Times qua email.
Tờ The Economic Times có trụ sở tại Mumbai dẫn lời những người nắm rõ nội tình trong cơ sở quốc phòng Ấn Độ đưa tin rằng sự cố tại ngọn núi băng qua Đèo Tun Jun La ban đầu không được quân đội Ấn Độ chú ý và không dẫn đến một cuộc đối đầu.
Người dân địa phương đã báo cho quân đội Ấn Độ về cuộc xâm nhập này, họ đã cử một đội tuần tra để xác minh. Lúc đó quân lính Trung Quốc đã rời đi sau khoảng ba giờ.
“Trước đó, PLA cũng đã có một số nỗ lực xâm nhập vào khu vực Barahoti. Giờ đây, binh lính bổ sung đã được điều động ở khu vực trung tâm,” một nguồn tin ẩn danh trong Bộ Nội vụ Ấn Độ nói với The Economic Times.
Quy mô của vụ việc đã khiến cơ sở quốc phòng của Ấn Độ lo ngại. Các cuộc xâm nhập nhỏ đã xảy ra tại Barahoti trước đó bao gồm cả lần cuối cùng hồi tháng Bảy, nhưng phần lớn các cuộc xâm nhập vẫn được phi quân sự hóa.
Barahoti là khu vực đầu tiên trên dãy Himalaya chứng kiến sự xâm nhập của Trung Quốc vào năm 1954. Sau đó, sự xâm nhập này đã mở rộng sang các khu vực khác vào năm sau và dẫn đến cuộc chiến năm 1962 giữa hai nước.
Ông Dogra cho biết, “Như sự việc đã xảy ra hồi cuối tháng Tám, rất có thể đó cũng là một thông điệp tương tự dành cho Bộ Tứ Kim Cương (Quad), vốn dường như đã trở thành một vấn đề chiếm trọn tâm trí của Trung Quốc. Hôm 24/09, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ – Bộ tứ Kim Cương – lần đầu tiên đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo trực tiếp.
Ông Frank Lehberger, nhà Hán học và là một thành viên nghiên cứu cao cấp của Tổ chức Usanas có trụ sở tại Ấn Độ nói với The Epoch Times rằng ông nghi ngờ cuộc xâm nhập vào Barahoti là một nỗ lực của Trung Quốc để kiểm tra thời gian phản ứng của Ấn Độ trong trường hợp xảy ra một “chiến dịch chớp nhoáng” có quy mô lớn hơn của PLA.
Ông Lehberger cho biết, “Ngoài ra, còn có một chút chiến tranh tâm lý trong đó, khiến binh lính canh gác biên giới của Ấn Độ căng thẳng và gây phiền não cho các chính trị gia và nhà ngoại giao ở New Delhi.”
Lãnh đạo mới của PLA
Vụ xâm nhập này tình cờ xảy ra trên lãnh thổ Ấn Độ ở khu vực giáp ranh với Chiến khu Tây bộ (WTC) lớn mạnh của Trung Quốc, bao gồm cả Tân Cương và Tây Tạng. Ông Lehberger lưu ý những thay đổi về lãnh đạo trong Chiến khu Tây bộ đã xảy ra ngay trước cuộc xâm lược Barahoti.
“Tướng Uông Hải Giang của PLA hiện đang nắm quyền Chiến khu Tây bộ… giáp với Ấn Độ. Ông Uông chỉ mới nắm quyền từ đầu tháng 08/2021, và gần đây ông đã được ông Tập Cận Bình thăng quân hàm từ Thiếu tướng [1 sao] lên Thượng tướng [3 sao] vào hôm 06/09/2021, tại Bắc Kinh,” ông Lehberger cho biết. Ông nói, ông Uông là một chuyên gia trong các nhiệm vụ tuần tra và trinh sát ở địa hình đồi núi.
Ông Hải Giang cũng đã cho xuất bản một số bài báo về “các khía cạnh vật chất và chiến thuật” của việc huấn luyện ở các vùng núi cũng như tầm quan trọng của các công trình phòng thủ trong Quân khu Tây Tạng (TMD), một chi nhánh trực thuộc Chiến khu Tây bộ.
Hai người tiền nhiệm trước đó của ông Hải Giang đã bị ông Tập sa thải mà không có bất kỳ lời giải thích nào. “Và phải có một lý do cụ thể, nhưng cho đến nay lý do tai sao ấy vẫn chưa được tiết lộ. Có thể họ đã tìm cách khơi dậy sự tức giận, sợ hãi hoặc nghi ngờ bị hãm hại của ông Tập về việc phản bội ông ấy hoặc dính líu đến một cuộc đảo chính nào đó,” ông Lehberger nói.
Theo ông Lehberger, người tiền nhiệm trực tiếp của ông Uông Hải Giang, chỉ huy trưởng của Chiến khu Tây bộ, tướng Từ Khởi Linh (Xu Qiling), đã bặt vô âm tín từ cuối tháng Bảy chỉ sau hai tháng làm việc. Ông Lehberger cho biết chế độ cộng sản Trung Quốc không đưa ra lời giải thích nào về vấn đề này.
“Cần phải nhấn mạnh ở đây rằng những hành động bãi nhiệm nối đuôi nhau và khó lý giải tựa như nhau cộng với sự biến mất của các nhà lãnh đạo hàng đầu của PLA là chưa từng xảy ra trong toàn bộ lịch sử của CHND Trung Hoa và PLA từ năm 1949 đến nay. Những sự kiện này có ý nghĩa rất đặc biệt vì chuyện này là có một không hai trong lịch sử quân sự Trung Quốc cộng sản,” ông nói thêm rằng vẫn còn phải xem ông Uông, người trước đó đã đóng quân ở khu vực biên giới tranh chấp giữa Trung Quốc với Ấn Độ và Bhutan tại Doklam từ năm 2016-2019, sẽ duy trì được bao lâu trong vai trò mới của mình.
Doklam, Trung Quốc gọi là Động Lãng (Donglang), là địa điểm diễn ra cuộc giao tranh quân sự giữa PLA và quân đội Ấn Độ trong vòng hai tháng vào năm 2017.
“Vào tháng 04/2019, ông Hải Giang đã được công chúng khen ngợi vì đã phối hợp thành công trong việc xây dựng xa lộ và các khu định cư biên giới quân sự nổi tiếng của Tây Tạng ở độ cao [3,962 m], trong những tháng mùa đông khắc nghiệt của năm 2017 ở Doklam,” ông Lehberger cho hay và nói thêm rằng nỗ lực của vị tướng này đã dẫn đến việc đóng trại đầu tiên ở khu vực không thể sinh sống của Doklam trong mùa đông khắc nghiệt và điều này dẫn đến việc ông được thăng quân hàm Trung tướng sớm hơn vào năm 2019.
“Tất cả chuyên môn và tính chuyên nghiệp này của ông Hải Giang có thể trở nên nguy hiểm đối với quân đội Ấn Độ, vì ông Tập chắc chắn đang cố gắng bằng cách nào đó trả thù cho sự bẽ mặt mà cá nhân ông ấy phải chịu tại Galwan năm ngoái. Vì vậy, Ấn Độ phải luôn cảnh giác.” Vào ngày 15/06/2020, tại Galwan, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã tham gia vào một trận đấu tay đôi, trong đó 20 binh sĩ Ấn Độ và 43 binh sĩ Trung Quốc được đưa tin là đã thiệt mạng.
“Tôi đoán cuộc xâm nhập này vào hoặc ngay trước ngày 30/08, sau trò chơi chiến tranh lớn Mission Snow-Land 2021 này vốn được tổ chức và giám sát bởi ông Hải Giang với tư cách là thủ lĩnh của Chiến khu Tây bộ vào khoảng ngày 25/08, là lựa chọn của ông Hải Giang, hoặc một trong số các môn đồ của ông chịu trách nhiệm về Quân khu Tây Tạng đang bắt chước ông Hải Giang,” ông Lehberger nói. Cuộc tấn công Barahoti có thể là “lễ vật quý đích thân làm để lấy lòng ông Tập,” ông cho biết.
“Điều này cũng có thể giải thích cho hành động thăng quân hàm cho ông Hải Giang một cách vội vàng và không theo lịch trình của ông Tập. Các hoạt động quảng bá quân sự ở Trung Quốc chỉ được thực hiện chặt chẽ vào khoảng ngày [kỷ niệm thành lập] PLA 01/08, không bao giờ trước hoặc sau vài tháng,” ông cho hay.
Cô Venus Upadhayaya đưa tin về nhiều chủ đề. Lĩnh vực chuyên môn của cô là về địa chính trị Ấn Độ và Nam Á. Cô đã đưa tin từ biên giới Ấn Độ-Pakistan đầy biến động và đã đóng góp cho các phương tiện truyền thông in ấn chính thống ở Ấn Độ trong khoảng một thập kỷ. Truyền thông cộng đồng, phát triển bền vững, và lãnh đạo là những lĩnh vực cô quan tâm.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: