10 loại thuốc Đông y kháng viêm và bảo vệ đường tiêu hóa nên có trong nhà
Mười loại thuốc Đông y dưới đây có thể cất trữ ở nhà và dùng để nấu các món ăn, làm trà uống giúp kháng viêm, chống cảm lạnh, bảo vệ mắt v.v. có rất nhiều lợi ích.
1. Kim ngân hoa
Kim ngân hoa, được mệnh danh là “tiểu tiên của tiệm thuốc”, có vị ngọt và tính lạnh, có thể tìm thấy trong khoảng 30% các đơn thuốc Đông y chữa bệnh cảm.
“Các loại dược liệu như hoa và quả đối với người bình thường là khá dễ sử dụng. Chúng có thể phát huy dược hiệu sau khi được chần qua nước nóng hoặc đun sôi, không giống như các loại dược liệu thân rễ cần đun sôi trong thời gian dài”, Bác sĩ Lâm Bội Trân (Lin Peizhen), giám đốc Phòng khám Trung Y Lý Tưởng tại Đài Loan cho biết. Ví dụ, kim ngân hoa thêm mật ong có thể được pha thành một loại trà hoa, trong chốc lát là có thể uống rồi. Hơn nữa mỗi lần chỉ cần lấy khoảng một muỗng canh là đủ.
Kim ngân hoa thích hợp cho các tình trạng viêm nhiễm như đau họng và ngứa ngoài da v.v. Khi bạn cảm thấy lạnh, cảm giác như sắp ốm nhưng chưa đến mức sợ lạnh, thì uống trà kim ngân hoa có thể bảo vệ cổ họng, cũng sẽ làm giảm tình trạng viêm của cơ thể.
Súc miệng bằng nước kim ngân hoa hoặc uống trực tiếp có thể ngăn ngừa bệnh nha chu và cải thiện tình trạng viêm nướu. Nếu trẻ bị rôm sảy, mẩn ngứa, có thể dùng nước hoa kim ngân đậm đặc hơn để xoa lên.
Vì trà kim ngân hoa có tính hàn, vì vậy nên uống sau bữa ăn, phụ nữ trong ngày kinh nguyệt và người hay bị đau dạ dày không nên uống khi đói. Người bụng yếu, tay chân lạnh thì không nên uống, tuy nhiên nếu bị trúng gió lạnh mà chưa đến mức bị cảm thì vẫn có thể uống được.
2. Hoa cúc
Hoa cúc có vị hơi đắng, tính hàn hơn kim ngân hoa một chút, có tác dụng thanh nhiệt bổ gan, cải thiện thị lực, xua tan phong nhiệt. Hoa cúc có thể giúp giảm huyết áp, cải thiện tình trạng viêm mắt mãn tính, khô mắt, sốt v.v. Những người thường sử dụng sản phẩm 3C (máy vi tính, phương tiện liên lạc, sản phẩm điện tử gia dụng) và bị khô mắt, thì có thể uống trà hoa cúc.
Y học hiện đại cũng phát hiện ra rằng hoa cúc có khả năng chống viêm và chống oxy hóa rất mạnh, có tác dụng điều hòa chức năng miễn dịch.
3. Câu kỷ
Câu kỷ có tác dụng bổ gan thận, sáng mắt, cải thiện chứng ù tai do tuổi già, rất thích hợp cho người già, người có thể chất suy yếu và những người phải dùng đến mắt nhiều.
Câu kỷ có vị ngọt, tính bình nhưng hơi ấm, do đó nên dùng với liều lượng thích hợp. Khi pha trà, 4 hoặc 5 quả là vừa, nếu bạn nấu canh thì 10 đến 20 quả là đủ. Bác sĩ Lâm Bội Trân nhắc nhở: “Nếu bạn ăn quá nhiều Câu kỷ, ngược lại sẽ có hỏa khí, hơn nữa hỏa khí sẽ tập trung tại mắt. Hiện tại số người mắt bị viêm mắt mãn tính rất nhiều, cần phải lưu ý đến liều lượng”. Cô đưa ra một ví dụ, có một trường hợp trẻ nhỏ uống canh gà nhân sâm câu kỷ, kết quả là bị đau mắt hột, nguyên nhân là do hỏa khí tập trung ở mắt dẫn đến viêm.
Câu kỷ thường được dùng với hoa cúc, tỷ lệ là: hoa cúc thường nhiều hơn một chút; Vào mùa đông, câu kỷ có thể nhiều hơn một chút hoặc tỷ lệ tương đương với hoa cúc.
Tuy nhiên, liều lượng cụ thể có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào cảm giác của bạn sau khi dùng. Nếu hoa cúc hơi nhiều, sau khi dùng bụng sẽ có cảm giác khó chịu, thậm chí có thể bị tiêu chảy, có thể là bị lạnh, thì cần giảm lượng một chút. Nếu bạn cảm thấy khô họng, loét miệng và sưng lợi sau khi uống, hãy tăng lượng hoa cúc.
4. Táo đỏ
Táo đỏ có tác dụng bổ huyết, điều chỉnh và bảo vệ dạ dày, ruột, được gọi là “quả bổ tỳ vị”. Nó cũng có thể điều hòa các loại thuốc khác nhau, trong rất nhiều đơn thuốc của Trung Y thường thấy sự xuất hiện của táo đỏ.
Táo đỏ và câu kỷ đều là dược liệu loại trái cây, nhưng táo đỏ ngọt hơn, khá bình tính, được sử dụng rộng rãi hơn. Táo đỏ thường được làm thành các món tráng miệng như bánh táo đỏ và bánh nhân táo. Tuy nhiên, ăn quá nhiều táo đỏ sẽ dễ bị đầy hơi, ngâm một tách trà thêm 2 hoặc 3 trái là đủ, nếu nấu canh thì cho 10 đến 20 trái. Nếu thể chất dễ bị đầy hơi thì liều lượng nên cho ít hơn nữa.
5. Sâm Mỹ
Sâm Mỹ còn gọi nhân sâm Hoa Kỳ, có tác dụng bảo vệ đường hô hấp, tăng cường tinh thần và bồi bổ nguyên khí. Nên uống sâm Mỹ vào trước 3 giờ chiều, uống vào ban đêm có thể sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Do tính mát, bổ mà không nóng, sâm Mỹ thích hợp để làm dược liệu bồi dưỡng sức khỏe hàng ngày. Bác sĩ Lâm Bội Trân chỉ ra: “Mọi người rất dễ có thói quen ăn quá nhiều trong một lần. Nếu dùng thêm các loại khác, rất dễ sẽ bốc hỏa do ăn quá nhiều, thậm chí còn tăng huyết áp”.
Sâm Mỹ phù hợp để hầm hoặc làm trà, một phần trà cho khoảng 3 đến 5 lát là được. Cách tốt nhất là đậy nắp cốc và hấp cách thủy. Đun trực tiếp mặc dù rất thơm, nhưng một số thành phần dễ bay hơi trong sâm sẽ bị mất. Nếu thêm chân gà hoặc xương sườn để hầm, nên nấu thịt trước sau đó mới cho sâm vào đun cách thủy, hoặc chọn ra những miếng thịt nhỏ để trực tiếp nấu cách thủy với dược liệu.
6. Gừng
Gừng non và gừng già đều có thể khiến ra mồ hôi, ấm trong và giảm nôn, ấm phổi giảm ho. Khi nhiệt độ không khí xuống thấp, bị trúng gió hoặc trúng mưa, cảm thấy sắp bị cảm, hơi sợ lạnh nhưng cổ họng vẫn chưa đau, bạn có thể uống trà gừng. Nếu đã bị đau họng và sốt thì không nên uống nữa. Nữ giới có thể chất lạnh cũng có thể uống trà gừng trước và sau kỳ kinh nguyệt để trừ hàn khí.
Gừng là một thực phẩm phổ biến trong nhà bếp. Thức ăn lạnh rất thích hợp để nấu với gừng, chẳng hạn như hải sản. Tuy nhiên, ăn gừng quá nhiều sẽ bị nóng; người thường thức khuya, miệng lưỡi khô không nên ăn quá nhiều gừng.
7. Đương quy
Đương quy tính ngọt, cay và ấm. Nó có tác dụng bổ huyết và điều hòa kinh nguyệt, dưỡng huyết sinh cơ, lưu thông máu giảm đau và nhuận tràng.
Sau kỳ kinh nguyệt, nữ giới có thể dùng bài thuốc Tứ vật thang (trong đó có Đương quy) hoặc canh gà Đương quy. Những người bị suy dinh dưỡng, chân tay lạnh, mặt tái nhợt, dễ chóng mặt và huyết áp thấp, cũng thích hợp để ăn Đương quy. Tuy nhiên, Đương quy tính ấm, những người bị mụn trứng cá và khô miệng không phù hợp dùng.
Đương quy không thể pha, mà cần đun nhừ. Một cái đùi gà và 1-2 lát Đương quy là có thể nấu thành canh gà Đương quy cho một người ăn. Bác sĩ Lâm Bội Trân cho rằng, cả gia đình ăn cùng một chế độ dược thiện giống nhau là không phù hợp, bởi vì tuổi tác và thể chất của mỗi người là khác nhau. Lấy các dược thiện có tính ấm làm ví dụ, nữ giới có tay chân lạnh ăn sẽ được cải thiện, nhưng người cao tuổi ăn có thể dẫn đến tăng huyết áp, vì vậy làm cho một người ăn là phù hợp.
8. Ý dĩ
Ý dĩ có vị ngọt và hơi lạnh, có thể dùng để trừ thấp khí và kiện tỳ. Khi tiêu chảy có thể ăn, táo bón thì nên tạm ngừng, bởi vì tại thời điểm này nước trong cơ thể khá ít, không thể lại bài ra nữa.
Ý dĩ là một loại hạt khá cứng, không phù hợp để nấu với gạo, dễ gây khó tiêu, nhưng lại rất hợp để nấu thành canh với đậu đỏ và đậu xanh. Bác sĩ Lâm Bội Trân kiến nghị rằng nên uống canh ý dĩ đậu đỏ khi trời ẩm và lạnh, vào mùa hè khi trời ẩm thì uống canh ý dĩ đậu xanh, vì đậu đỏ có thể trừ lạnh bổ máu, còn đậu xanh thì có thể thanh nhiệt và giải độc.
9. Hoàng kỳ
Hoàng kỳ vị ngọt và hơi ấm, có thể bổ khí, tăng cường khả năng miễn dịch, tỉnh táo tinh thần và ngăn ngừa cảm lạnh. Nó phù hợp để làm dược liệu bồi dưỡng sức khỏe hàng ngày hoặc cho những người suy yếu, thường cảm mạo, dễ mệt mỏi, khẩu phần cho một người là 3 đến 5 lát.
Nếu bạn đang bị cảm lạnh hoặc dễ bị nóng, chẳng hạn như những người thường thức dậy muộn, khô miệng, loét miệng và dễ bị mụn trứng cá, thì không thích hợp dùng Hoàng kỳ.
10. Sơn dược (củ mài)
Củ mài tính bình, có tác dụng bổ tỳ vị, dưỡng phổi và thận. Nó có thể tăng cảm giác thèm ăn, cải thiện tiêu hóa và tăng cường thể chất. Người già đau mỏi lưng gối, dễ tiểu đêm cũng thích hợp ăn củ từ.
Củ mài thuộc loại cây thân rễ, có hàm lượng tinh bột cao, thích hợp nấu canh hoặc cháo, chẳng hạn canh tứ thần, canh sườn củ mài.
Lý Thanh Phong biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ