10 bí quyết giúp trẻ vượt qua nỗi sợ môn toán
Mọi người có biết rằng lo lắng về toán học là một vấn đề nghiêm trọng? Trên thực tế, thuật ngữ “chứng sợ hãi toán học” là dùng để miêu tả cảm giác sợ hãi, căng thẳng và lo lắng của mọi người về khả năng toán học của bản thân. Nỗi sợ hãi này sẽ ảnh hưởng khả năng học tốt môn toán học của trẻ.
Như vậy, làm thế nào mới có thể giúp đỡ những đứa trẻ có tâm lý sợ hãi đối với môn toán? Triết học gia người Mỹ, ông Ralph Waldo Emerson từng nói: “Hãy luôn làm những việc mà bạn sợ làm”. Đây cũng chính là điều mà bạn cần phải cổ vũ con của bạn đi làm, không nên né tránh môn toán học, mà hãy tích cực đối diện với nó.
Dựa trên lời khuyên từ Tiến sĩ Robinson Thamburaj, giáo sư toán học tại Đại học Madras Christian College, dưới đây là 10 bí quyết giúp con của bạn vượt qua chứng sợ hãi môn toán học.
1. Giữ thái độ tích cực
“Mình học môn toán không tốt, mình thật ngốc”. Ý nghĩ như vậy sẽ làm tổn thương lòng tự trọng và tự tin của trẻ. Hãy giúp con của bạn hiểu được rằng, mỗi người đều có các khả năng khác nhau và nên cảm thấy tự hào về những khả năng đó của mình. Cố gắng nhiều hơn một chút hoặc giúp đỡ trẻ một chút, thì đứa trẻ nhất định sẽ có tiến bộ. Loại khích lệ tích cực này sẽ tăng thêm lòng tự tin cho đứa trẻ, đồng thời giúp trẻ tập trung tinh thần để học tốt môn toán.
2. Thản nhiên đối mặt với thất bại
Hãy cùng ngồi xuống với con và thảo luận về nỗi sợ hãi môn toán của con. Giúp trẻ nhận thức được một sự thật rằng có lẽ trẻ không thích môn toán nhiều như các môn học khác, nhưng tiếp nhận sự thật này là bước đầu tiên để giải quyết các vấn đề.
3. Luyện tập nhiều lần
Luyện tập nhiều lần cũng có ích trong việc nâng cao các kỹ năng về toán học. Bởi vậy, hãy khuyến khích con bạn mỗi ngày dành thời gian làm đề toán. Đầu tư thêm thời gian và nỗ lực sẽ tạo ra những thay đổi khả quan trong thái độ học tập và thành tích học tập của trẻ. Nếu cần, hãy thuê giáo viên dạy môn toán dạy thêm cho con của bạn.
4. Đơn giản hóa phương pháp học tập, để toán học trở nên đơn giản và đầy thú vị
Ngay cả những vấn đề phức tạp cũng có thể được đơn giản hóa bằng cách chia nhỏ chúng thành các bước nhỏ và đơn giản hơn. Hãy cho con của bạn chơi những trò chơi toán học, trò chơi ghép hình và chương trình ứng dụng, để cho trẻ trải nghiệm niềm vui học tập.
5. Xem toán học là một môn học có sức sáng tạo
Trong khái niệm của người bình thường, toán học không có có sự sáng tạo. Tuy nhiên, hãy khuyến khích con của bạn thử nghiệm việc dùng phương pháp khác nhau để giải quyết vấn đề. Đặt ra vấn đề có tính gợi mở, ví như có bao nhiêu cách có thể nhận được kết quả bằng 5 khi sử dụng các số từ 0 đến 9 và phép cộng hoặc trừ. Học toán dựa trên hoạt động, bao gồm gấp giấy và phóng phi tiêu, cũng sẽ đảm bảo tính sáng tạo này.
6. Đưa toán học ứng dụng vào cuộc sống thường ngày
Cố gắng đưa toán học vào cuộc sống thường ngày của trẻ, làm cho nó thực tế và có ý nghĩa hơn. Khi bạn mua sắm, hãy để cho con của bạn trả tiền và tính số tiền được trả lại. Thông qua việc cắt và chia bánh pizza để tăng cường khái niệm về phân số. Lúc cùng nhau nấu cơm, hãy để cho trẻ đo lường phân lượng theo hướng dẫn trong công thức. Đếm số khi đang nhảy dây. Khi vẽ hoa văn truyền thống Kolam hoặc Rangoli (cách thể hiện những hình vẽ trên mặt phẳng hoặc nền đất bằng bột gạo hoặc cát nhuộm màu cùng với bột mì và cánh hoa), dạy trẻ về đặc tính hình học. Các loại hoạt động chân tay này rất có ích đối với phương pháp học tập trải nghiệm.
7. Khuyến khích con học tập cùng bạn bè
Giải quyết các vấn đề toán học bằng cách tìm bạn học và làm việc theo nhóm là một phương pháp hiệu quả tăng cường sự hiểu biết về các khái niệm.
8. Tìm ra nguyên nhân cơ bản của nỗi sợ môn toán, điều này rất quan trọng
Có thể nền tảng toán học ban đầu của con bạn yếu chăng? Hay là giáo viên bộ môn này của bé không đủ nhiệt tình? Trong tình huống không có khái niệm giải thích cơ bản, phải chăng phương pháp dạy học dựa vào công thức và quy trình quá đơn điệu và nhàm chán? Có đôi khi, có thể chỉ là lo lắng cho kỳ thi mà sinh ra sợ hãi. Bởi vậy, hãy cố gắng đừng cường điệu quá mức kỳ kiểm tra. Tương tự, cũng nên tránh việc quy định thời gian kiểm tra, bởi vì tập trung vào tốc độ sẽ làm tăng thêm lo lắng và căng thẳng.
9. Nói cho con biết học tốt toán học thì sẽ giúp ích rất lớn cho cuộc sống sau này
Hãy cho trẻ hiểu rằng, trẻ sẽ cần trợ giúp về các con số khi khai thuế thu nhập hoặc quản lý ngân sách gia đình. Một phần lớn các công việc trong tương lai đòi hỏi kỹ năng về toán học. Có một nền tảng vững chắc về bộ môn này thì sẽ giúp phát triển tư duy logic và năng lực giải quyết vấn đề. Loại động cơ học tập này sẽ đưa đến kết quả tích cực.
10. Bản thân cha mẹ hãy là tấm gương tốt
Thái độ của cha mẹ đối với toán học cũng thường được phản ánh qua bản thân đứa trẻ. Làm cha mẹ, xin đừng nói ra những quan điểm kiểu như “Môn toán quá khó” hoặc là “Ba/mẹ rất ghét toán học”. Ngược lại cần phải khuyến khích con, ví như “Đối với ba/mẹ thì môn toán quả rất khó, bởi vì trước đây ba/mẹ không có được những hỗ trợ đúng mực. Còn bây giờ có rất nhiều video và các hoạt động thú vị chất lượng trên các kênh trực tuyến, những thứ này có thể giúp chúng ta học tốt hơn bộ môn này”.
Thụy Mộc Duyệt biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: