Sáu lý do khiến việc biến Canberra trở thành một thành phố ‘chỉ chạy xe điện’ là một ý tưởng tồi
Các nhà hoạch định chính sách ở các thành phố thủ đô của chúng ta đang suy tính điều gì?
Thủ đô Úc và chính quyền của mình — Hội đồng Lập pháp của Lãnh thổ Thủ đô Úc (ACT) — đang nghiêm túc tìm cách đào sâu thêm hố ngăn cách lớn như Grand Canyon giữa người dân và những ý tưởng cao xa của họ.
Hiện tại, ý tưởng mới đây nhất của Hội đồng Lập pháp của ACT là ngoài xe hơi điện ra thì các xe cơ giới chạy bằng xăng và dầu diesel đều bị cấm vào trung tâm thành phố Canberra. Nhờ tỷ lệ dân số thấp, Canberra có thể tự hào là thành phố có không khí sạch nhất trong số các thủ phủ ở Úc.
Tuy nhiên, ý tưởng này đậm “tính đạo đức giả” của các vị lãnh đạo thành phố bằng cách chạy theo mạng lưới có tên gọi “Các Thành phố C40” của Thị trưởng thành phố London, ông Sadiq Khan. Đây là một “mạng lưới toàn cầu…bao gồm các thành phố hàng đầu trên thế giới kết nối hành động để ứng phó với khủng hoảng khí hậu.”
Và thế là, chúng ta có một tuyên bố.
Canberra hiện đang thể hiện mình là một “thành phố hàng đầu đẳng cấp thế giới.” Ai có thể cưỡng lại sức cám dỗ của một danh xưng hấp dẫn như vậy ngay cả khi đó là tự phong cho mình?
Sáu lý do tại sao cơn sốt này là một ý tưởng tồi
Đầu tiên, phải nhắm mắt làm ngơ trước nguồn năng lượng tạo ra điện trong pin.
Thực tế về việc pin được sạc bằng một trạm nhiệt điện than bị né tránh một cách có chủ ý vì điều đó sẽ phá hỏng câu chuyện này.
Thông thường, các nhà hoạch định chính sách tỏ vẻ đạo đức sẽ tránh cho bản thân mình bị cắn rứt lương tâm bằng cách chấp nhận những câu nói tẻ nhạt mà ai cũng biết và phớt lờ những câu hỏi hóc búa.
Họ dùng những từ dán nhãn như “người phủ nhận” hoặc những lời lẽ liến thoắng mang tính miệt thị khác để tránh phải đi vào các dữ kiện và chi tiết quan trọng.
Lý do thứ hai và cốt yếu hơn chính là nguồn gốc xuất hiện của xe điện.
Để có được Lithium và các vật liệu khác cần thiết cho việc chế tạo một chiếc xe điện đòi hỏi các hoạt động khai thác cốt lõi tiêu tốn hàng tấn nhiên liệu hóa thạch và những người lao động hầu như luôn được trả lương rẻ mạt, bao gồm cả những trẻ em sống trong điều kiện khốn khổ và nghèo đói.
Những tình huống hết sức nan giải vốn là những sự thật không mấy dễ chịu này đã đơn giản là bị phớt lờ như thể sự tồn tại của chúng chỉ mang lại phiền não. Tuy nhiên, chúng thực sự có tác dụng trong việc vạch trần thói đạo đức giả và sự đáng ngờ về mặt đạo đức liên quan đến xe điện.
Việc duy trì chất lượng không khí của Canberra ở mức độ tốt, thậm chí còn vượt trên cả tiêu chuẩn có biện minh được cho việc sử dụng lao động trẻ em, bóc lột tiền lương, và phá hoại môi trường không?
Có một cái giá đắt về mặt đạo đức đối với kiểu tỏ vẻ cao đạo mà thiếu suy nghĩ như thế này, chỉ chăm chăm nhìn vào sự ô nhiễm ở đâu đó trong khi phá hoại cuộc sống và môi trường ở các nước thứ ba.
Thứ ba, chi phí của xe điện nằm ngoài tầm với của những người có thu nhập trung bình ở Úc, chứ chưa nói đến nhóm dân số có mức thu nhập thấp.
Đổi lại, điều này có nghĩa là các dịch vụ và điểm tham quan của thủ đô quốc gia Úc, thành phố Canberra, sẽ là khu vực không dành cho những người không đủ khả năng để mua xe hơi điện. Nhiều cư dân có thu nhập thấp sẽ không đến được những nơi dễ tiếp cận và giá cả phải chăng ngay tại thành phố của họ và các dịch vụ mà họ rất cần.
Thứ tư, khách du lịch không may, hay những người cao niên về hưu, đi du lịch vòng quanh đất nước của mình sẽ bị từ chối nhập cảnh vào thủ đô của quốc gia họ. Ngay cả những người Úc giàu nhất cũng sẽ nhận thấy đó là một thách thức lớn, nếu không muốn nói là bất khả thi, khi đi du lịch vòng quanh nước Úc trên một chiếc xe cắm trại hoặc xe caravan (nhà di động) có động cơ chạy bằng điện.
Thứ năm, khi Úc phải đối mặt với tình trạng thiếu điện ngày càng gia tăng do chính sách bắt nguồn từ Canberra, thì các mạng lưới điện sẽ phải chịu áp lực và căng thẳng thậm chí còn lớn hơn vì lượng điện từng được cung cấp bên ngoài những mạng lưới này sẽ cần phải đi qua lưới điện vốn đã quá tải.
Việc bắt buộc sử dụng xe điện sẽ chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề năng lượng mà Úc đang phải đối mặt, qua việc ngừng sử dụng điện than để ủng hộ các ngành năng lượng bấp bênh như quang năng và phong năng.
Thứ sáu, nếu ngành sản xuất xe hơi vắng bóng ở Úc và người dân bị bắt buộc phải dùng xe điện, thì các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc sẽ hết sức vui mừng về vận may của họ, nhờ vào chính sách chẳng quan tâm gì tới người dân này ở Canberra.
Hãy nhớ rằng, cũng chính những người này sẽ ra vẻ cao đạo dán các nhãn nhựa lên xe hơi của mình để lên án tình trạng lao động trẻ em, lương thấp, những con quỷ của Tây phương đang lợi dụng và khai thác tài nguyên của các nước thế giới thứ ba, và chi phí sinh hoạt. Và cũng đừng quên “việc làm của ngành du lịch vượt trên cả việc làm của ngành tài nguyên.”
Người ta luôn hoan nghênh và khuyến khích quản lý môi trường hợp lý, nhưng điều đó trở nên khó khăn hơn vì những cơn sốt phản tác dụng với mức giá khổng lồ kèm theo việc phân biệt đối xử với những người có mức thu nhập thấp hơn.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times