Đừng rời mắt khỏi Eo biển Đài Loan
Liệu một cuộc chiến ở Eo biển Đài Loan có xảy ra sau các cuộc xung đột gần đây giữa Israel-Hamas và Nga-Ukraine hay không?
Liệu Đài Loan có phải là nơi diễn ra một cuộc chiến kinh hoàng đáng sợ thứ ba?
Đó là câu hỏi trong tâm trí của nhiều người khi một cuộc xung đột tàn khốc khác đang nổ ra trước mắt chúng ta trên trường quốc tế. Và nếu đây không phải là câu hỏi được đặt ra thì đã đến lúc cần phải làm như vậy.
Trong thời gian gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự tàn bạo của quân đội Nga khi họ tìm cách chinh phục người dân Ukraine. Việc này đã phơi bày một phương Tây chưa hoàn toàn cam kết bảo vệ một nền dân chủ đồng minh.
Chúng ta chứng kiến Iran và các chế độ độc tài khác ủng hộ cuộc xâm lược của Nga. Phản ứng im lặng của Bắc Kinh vừa có thể dự đoán trước được và vừa đặc biệt nói lên điều gì đó.
Gần đây hơn, chúng ta đã chứng kiến sự suy đồi của Hamas với cuộc xâm lược vào Israel khiến ngay cả cộng đồng tình báo Israel vốn được nhiều người khen ngợi cũng bị bất ngờ và chật vật để tìm một lời giải thích.
Nhiều quốc gia đã phản ứng mạnh mẽ và rõ ràng, mặc dù phản ứng kêu gọi “cả hai bên kiềm chế” của Ngoại trưởng Úc được công chúng nghe với thái độ hoài nghi.
Nền dân chủ chân chính duy nhất ở Trung Đông đã bị một tổ chức mà chính nước Úc gắn mác là một tổ chức khủng bố tấn công, và đó lại là phản ứng của Úc sao?
May mắn thay là không phải như vậy, vì thủ tướng Úc đã cam kết ủng hộ Israel mạnh mẽ hơn nhiều.
Rõ ràng hơn là tin tức chính thức của Trung Quốc đang nhấn mạnh đến vụ đánh bom của Israel vào Gaza chứ không nhắc nhiều đến cuộc xâm lược và hành động tàn bạo của Hamas.
Tuy nhiên, để không vuột mất cơ hội, [Trung Quốc] đang phát sóng một cách bất thường về “sự can thiệp ác ý” của Hoa Thịnh Đốn vào Trung Đông, khiến những người cả tin nhất không còn nghi ngờ gì về việc cộng sản Trung Quốc sẽ đứng về phía nào.
Đứng trước sự lựa chọn giữa dân chủ và độc tài, chế độ độc tài Trung Quốc sẽ luôn đứng về phía kẻ áp bức.
Đối với Nga, quan điểm của nước này phức tạp hơn, nhưng mối quan hệ khăng khít của nước này với Iran và nhu cầu sử dụng phi cơ không người lái của Iran ở Ukraine sẽ khiến Nga rơi vào tình thế vô cùng khó khăn do nước này đang nỗ lực giữ một lập trường có sắc thái riêng.
Trong toàn bộ tình hình hỗn loạn này với việc các nền dân chủ yêu-tự do đang phải đối mặt [với thách thức] ở nhiều cấp độ và các mối đe dọa khác nhau trên khắp thế giới, sự chú ý [của quốc tế] đã chuyển hướng khỏi sự bắt nạt và các hành vi vi phạm không phận và hải phận của Trung Quốc đối với các nước láng giềng — đặc biệt là Đài Loan.
Sự chú ý cũng đã chuyển hướng khỏi các chương trình tài trợ tham nhũng mang tính độc tài của Trung Quốc cho chính quyền các đảo quốc ở Thái Bình Dương nhằm mở ra các bến cảng và nhiều cơ sở khác để trợ giúp các tham vọng xâm lược của họ.
Úc, Đài Loan chia sẻ lợi ích chung
Trong khi các quốc gia yêu tự do trên thế giới cần ủng hộ người dân Ukraine và Israel, thì họ không thể rời mắt khỏi mối đe dọa gia tăng ở cấp độ chưa từng có của chế độ độc tài cộng sản Trung Quốc đối với Đài Loan và khu vực này nói chung.
Nếu các quốc gia yêu tự do trên thế giới sao nhãng thì họ có thể sẽ phải đối mặt với tình huống bất lợi như người Israel.
Với một nền kinh tế đang suy thoái và mối nghi ngờ ngày càng tăng về tính hợp pháp của chế độ Trung Quốc trong nước, thì một lời kêu gọi với nhận thức sai lầm về chủ nghĩa dân tộc cùng với lời kêu gọi vũ trang có thể giúp tái thiết lập chế độ cộng sản.
Điều đó báo hiệu một mối đe dọa có quy mô vô cùng lớn không chỉ đối với người dân Đài Loan mà còn đối với toàn bộ khu vực bao gồm cả Úc.
Nhật Bản và các đồng minh, cùng với Úc, không thể khoanh tay đứng nhìn.
Nếu một quốc gia xa xôi như Ukraine (12,975 km hoặc 8,062 dặm) đã chiếm được sự quan tâm chính đáng của Úc như một nền dân chủ xứng đáng được viện trợ về quân sự và các hình thức trợ giúp khác, thì tình hình của Đài Loan phải thu hút gấp đôi sự quan tâm và ủng hộ, bởi vì Đài Loan ở gần Úc hơn nhiều (5,600 km).
Với tất cả những cân nhắc này, Úc có nghĩa vụ đứng về phía tự do, dân chủ, và tự chủ.
Mặc dù giao thương với Trung Quốc rất quan trọng đối với sự thịnh vượng của Úc, nhưng điều đó không bao giờ được phép ưu tiên vượt trên những cân nhắc quan trọng hơn về nhân quyền và dân chủ.
Vào thời điểm đó, việc cho phép các nguồn lực của Úc cung cấp năng lượng cho một Trung Quốc đang phục hồi là điều hợp lý, bởi vì chế độ độc tài Trung Quốc được xem là đang thực hiện một chương trình về tự chủ và tự do hóa. Thế giới xem xiệc trợ giúp này là một điều tốt.
Hiện nay, Bắc Kinh đã bộc lộ khuynh hướng theo chủ nghĩa Stalin của mình thì đã đến lúc Úc phải suy nghĩ lại về mặt chiến lược.
Trong khu vực này, sự cảnh giác và thay đổi của Úc là những điều quan trọng hơn bao giờ hết. Chế độ độc tài Trung Quốc phải hiểu rõ ràng rằng Đài Loan là bằng hữu của chúng ta, có chung quy mô dân số, và thậm chí quan trọng hơn, là có chung một loạt các giá trị phổ quát tương tự mà các thế hệ người Úc trước đây đã sẵn sàng chiến đấu trên khắp thế giới để bảo vệ.
Để ngăn chặn một cuộc đại thế chiến thứ ba, đặc biệt là trong khu vực của chúng ta, đòi hỏi phải có sự cảnh giác và quyết tâm mạnh mẽ.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times