Câu chuyện Trung y: Lòng tốt cuối cùng sẽ được đền đáp
Trên thế giới này có rất nhiều câu chuyện cảm động lòng người. Một bà mẹ 80 tuổi, vì đau lưng, chân yếu, đã tìm đến mấy bác sĩ Đông-Tây y để chữa trị. Nhưng bà vẫn cảm thấy không hài lòng nên giục con mình đưa đến một bác sĩ Đông y ở miền Trung được người bạn giới thiệu. Người con cho rằng bệnh tình của mẹ chỉ là hiện tượng lão hóa mà thôi, chỉ cần phục hồi chức năng là đủ, sao lại phải đi xa như thế để chữa trị, hơn nữa mọi người cũng đều rất bận rộn với sự nghiệp của mình.
Người mẹ giận dỗi, mấy ngày không nói nhiều, lộ rõ vẻ mặt không vui, bà tự lẩm bẩm: Đều là những đứa con vô tâm! Cuối cùng, cô con gái nuôi lớn của bà quyết định đưa mẹ từ miền Nam tới miền Trung gặp bác sĩ. Thế nhưng các em đều nghi ngờ, cho rằng chị cả có ý đồ khác, phải chăng là vì muốn tranh giành tài sản? Người chị cả đau đến xé lòng, nuốt nước mắt vào trong, để đền đáp công ơn nuôi dưỡng của mẹ nuôi, cô quyết tâm làm đến cùng, hao tâm tổn trí thu xếp cho toàn bộ cuộc hành trình.
Sau 2 tháng điều trị, người mẹ mặc dù vẫn chưa khỏi hẳn nhưng cũng không còn vấn đề gì nghiêm trọng, nghĩ đến tuổi già, các con khuyên mẹ nên trở về điều trị ở gần nhà. Còn người chị cả vốn có lòng tốt lại bị hiểu lầm, bị cho là lòng lang dạ thú. Nhưng lòng tốt cuối cùng sẽ được đền đáp, người chị xúc động khi thấy mẹ đang hồi phục sức khỏe tốt. Cô cho biết, khi cô đưa mẹ tới khám, hầu hết các bác sĩ đều không dám châm cứu cho người già, châm cứu nhiều nhất cũng chỉ mấy kim. Lần đầu tiên cô cảm thấy kinh ngạc vì phương pháp châm cứu của bác sĩ vô cùng thành thục, cụ già không cảm thấy đau, hơn nữa châm kim là khỏi bệnh. Điều này đã loại bỏ nỗi sợ hãi của cô về châm cứu.
Người chị cả bị ho hơn 10 năm, cô băn khoăn không biết có nên châm cứu một chút không. Bác sĩ cho biết cô bị viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, rất không tốt, cần uống thuốc suốt đời, trừ khi chuyển đến nơi có không khí tốt. Người chị nghĩ thầm, mọi người đều sống cùng một nơi, nhưng người khác lại không mắc bệnh như vậy, hơn nữa việc chuyển nhà đâu có thể nói chuyển là chuyển ngay, huống hồ, bây giờ tìm đâu là miền đất tịnh thổ? Người chị đã uống thuốc Tây hơn 10 năm rồi mà vẫn bị ho. Hầu như mọi người đều lảng tránh khi nhìn thấy cô, điều này khiến cô ấy rất buồn!
Khi người chị đến khám, mô tả tình trạng bệnh, còn có các triệu chứng khác, như thường xuyên bị tức ngực, khi nói chuyện lâu một chút thì suyễn, đi bộ nhiều một chút cũng bị suyễn, sau khi vận động suyễn càng nặng, buổi tối vì hô hấp không tốt nên ngủ cũng không ngon, có lúc ho một trận, ho đến co thắt, khàn tiếng, rất là khổ não.
Liên quan đến bệnh phổi suốt 10 năm không khỏi của người chị cả này, bác sĩ Trung y Ôn Tần Dung cho biết:
Cơ quan lớn nhất trong cơ thể con người – Phổi
* Phổi được cấu tạo bởi các thuỳ, phế quản, tiểu phế quản, các ống phế nang và các phế nang.
* Phổi phải: được chia thành thùy trên, thùy giữa và thùy dưới. Các thùy phổi giống như miếng bọt biển ướt.
* Phổi trái: được chia thành thùy trên và thùy dưới, mặt trong của phổi trái ôm lấy tim, so với phổi phải thì thể tích nhỏ hơn.
* Khí quản có hình giống chữ Nhân (人), được chia thành hai phế quản lớn, mỗi phế quản đi vào một lá phổi, giống như nhành cây phân nhánh đến các tiểu phế quản hô hấp, liên kết với các phế nang. Từ khí quản đến phế nang, phân cấp đến 23 tầng, giống như một mạng lưới mạch máu kế thừa nhau. Đặc tính của phổi là tạng yếu.
* Hình dạng của phế nang: Là một tổ chức rất mỏng giống như túi, dài khoảng 0,2 mm.
*Chức năng của phế nang: Trao đổi oxy và carbon dioxide trong máu với không khí hít vào.
* Tổng số phế nang: khoảng 300 triệu đến 500 triệu, với diện tích ước khoảng 70 đến 90 mét vuông, khoảng 21 đến 27 ping (đơn vị đo diện tích tại một số nước như Đài Loan, Nhật Bản, 1 Ping = khoảng 3.305 785 mét vuông), rộng bằng một ngôi nhà nhỏ bình thường của một gia đình. Diện tích phế nang lớn hơn tổng diện tích bề mặt da (khoảng 1,6 – 1,9 mét vuông).
Nhiệm vụ khó khăn của phổi
* Để hoàn thành các hoạt động sống của các tổ chức cơ quan khác nhau, vận động cơ bắp, trao đổi chất… máu của cơ thể con người phải liên tục cung cấp oxy cho các loại tế bào khác nhau. Các tế bào trải qua các phản ứng hóa học, và carbon dioxide được tạo ra cũng phải được máu vận chuyển. Nhiệm vụ của cơ quan hô hấp là cung cấp oxy và thải khí cacbonic ra ngoài.
* Chức năng phổi tăng dần theo tuổi tác, đạt đến đỉnh điểm vào khoảng 20-30 tuổi, sau đó bắt đầu suy giảm. Khi cơ thể con người bị thiếu oxy từ 1-2 phút, tim sẽ ngừng đập do thiếu oxy, các tế bào não do thiếu oxy mà hôn mê.
Viêm phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?
* Đường thở của phổi, dòng khí lưu thông bị tắc nghẽn, oxy và khí carbon dioxide không thể ra vào đường thở một cách thuận lợi, là một loại bệnh mà không thể dùng thuốc chữa khỏi hoàn toàn được.
* Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán vào năm 2020, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba trên thế giới sau bệnh tim và đột quỵ.
* Hàng năm trên thế giới có khoảng 3 triệu người chết vì viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, chiếm khoảng 5% số ca tử vong toàn cầu. Khoảng 1/10 dân số thế giới trên 40 tuổi bị viêm phổi tắc nghẽn mạn tính. Cứ 10 giây trên thế giới lại có một người chết vì bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính.
*Ở Đài Loan có khoảng 5,000 người chết vì viêm phổi tắc nghẽn mạn tính mỗi năm. Năm 2018, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính đứng thứ 7 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Đài Loan.
Các triệu chứng của bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính:
* Ho lâu ngày, ho ra máu. Vào sáng sớm, vào mùa đông, tình trạng càng tồi tệ hơn.
* Đờm nhiều, khó khạc ra, đường hô hấp bị viêm lâu ngày, làm dịch nhớt phổi tăng tiết đờm.
* Hô hấp gắng sức, thường cảm thấy hít vào không đủ khí, khi vận động dễ thở gấp và suyễn.
* Thùng ngực (lồng ngực tròn như cái thùng), tức ngực, đau ngực vùng gần màng phổi.
* Ngón tay dùi trống, chi dưới phù nề.
Tại sao bị viêm phổi tắc nghẽn mạn tính?
* Hút thuốc lá: Đây là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất, chiếm 80% đến 90%, chất nicotin ức chế sự chuyển động của lông mao gây khó khạc ra đờm. 15% người hút thuốc bị viêm phổi tắc nghẽn mạn tính. Nhưng có 40% những người được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính vẫn nằm trong “đội cảm tử” và tiếp tục hút thuốc.
* Tiếp xúc lâu dài với các chất độc hại trong môi trường: khói thuốc, ô nhiễm không khí, silic, than, bông gòn, bụi công nghiệp, ô nhiễm công nghiệp hóa dầu, ô nhiễm hóa chất.
* Di truyền: bẩm sinh bị thiếu chất antitrypsin bảo vệ phổi.
* Viêm phế quản mạn tính: Ở phế quản phổi nổi bọt nhầy trắng, tăng bài tiết, viêm mạn tính liên tục trên 2 năm.
* Viêm đường hô hấp lâu ngày: Oxy và khí carbon dioxide không thể ra vào đường hô hấp một cách thuận lợi khiến các phế quản và phế nang bị viêm nhiều lần trong thời gian dài, dẫn đến tắc nghẽn đường thở không hồi phục.
* Người già: Chức năng phổi bị suy giảm, người trung niên và người già là nhóm nguy cơ.
Các biến chứng của viêm phổi tắc nghẽn mạn tính
* Chứng thiếu khí: chóng mặt, nhức đầu, mất ngủ, ngủ mê man, thần trí mơ hồ, tím tái (móng tay trở nên tím), nhịp tim không đều, suy tim.
* Dễ nhiễm viêm phổi: do tích tụ dịch tiết đường hô hấp nên khó thải ra ngoài.
* Khí phế thũng: Các tiểu phế quản và phế nang phổi, do tắc nghẽn đường thở, khí ngưng lại, phế nang bị vỡ tạo thành các túi khí lớn, dẫn đến sưng tấy. Khả năng đàn hồi của phổi vì thế mà bị suy yếu, thở ra khó khăn, không dễ ho khạc.
* Dễ tràn khí màng phổi tự phát: Sau khí phế thũng, các phế nang bị tổn thương, không khí tràn vào khoang màng phổi, gây tràn khí màng phổi.
* Rối loạn nhịp tim mạn tính: Tăng huyết áp động mạch phổi, cùng với độ nhớt của máu tăng, làm cho tâm thất phải mở rộng, khối lượng công việc tiếp tục tăng, làm việc quá sức cuối cùng dẫn đến suy thất phải.
* Bệnh tim mạch: Khoảng 1/3 số bệnh nhân viêm phổi tắc nghẽn mạn tính cũng mắc bệnh tim mạch.
* Ngưng thở khi ngủ: lượng oxy trong máu thấp khi ngủ, lượng hô hấp không đủ, khó ngủ.
* Tất cả các cơ quan tổ chức đều bị tổn thương: Khi chức năng trao đổi khí của phổi bị giảm sút, chức năng hô hấp dần chuyển biến xấu, các tổ chức tế bào của toàn cơ thể không thể thu nhận đầy đủ oxy, điều này ảnh hưởng đến hoạt động của các tế bào.
* Dinh dưỡng không đầy đủ: do tiêu thụ lượng lớn năng lượng, ăn uống kém
Tiên lượng bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính
* Gầy sút do bệnh lý: tắc nghẽn phổi nặng, giảm khối lượng cơ và loãng xương.
* Phản ứng viêm toàn thân: Tắc nghẽn phổi nặng làm tăng khả năng mắc bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch và tiểu đường.
* Chuyển biến xấu cấp tính: Viêm phổi tắc nghẽn mạn tính vừa phải, cứ 3 năm lại có khoảng 2 đợt trở nên xấu, phần lớn do đường hô hấp bị nhiễm bởi rhinovirus, adenovirus, Streptococcus pneumoniae, cảm lạnh, viêm phổi và viêm phế quản.
* Suy thất phải: Ở giai đoạn cuối, hàm lượng oxy trong máu quá thấp, khí carbon dioxide quá nhiều, trường hợp nặng sẽ gây ra suy thất phải.
* Bệnh toàn thân: Các phế nang bị viêm nhiều lần trong thời gian dài, gây tổn thương vĩnh viễn không sửa chữa được, cuối cùng tiến triển thành bệnh toàn thân.
* Đặt nội khí quản dựa vào máy thở: Giai đoạn cuối, do suy hô hấp, đặt nội khí quản dựa vào máy thở, cuối cùng có thể không qua khỏi.
Điều trị bằng châm cứu
“Nội Kinh” nói: “Phế (phổi) là cái ô của tạng.” Phổi là Hoa Cái, tức Phổi có địa vị cao nhất, bao phủ bảo vệ nội tạng, chống lại ngoại tà. Để đánh thức chức năng Hoa Cái của phổi, châm cứu huyệt Hoa Cái, sau lần châm thứ 3 thì lưu kim trong 3 ngày. Tức ngực, châm huyệt Đản Trung. Đau ngực thì tìm điểm đau gần màng phổi, châm cứu tại huyệt A Thị.
Tắc nghẽn đường hô hấp, ấn vào xương ức dọc theo mạch Nhâm để tìm điểm đau nhất, hoặc có lực cản, độ dày, sưng tấy dưới ngón tay, rồi dùng điểm chích hoặc trực tiếp châm tại huyệt A Thị. Tắc nghẽn đường hô hấp, tất có ứ trệ, hóa ứ, châm huyệt Huyết Hải, Tam Âm Giao. Bị bệnh lâu ngày hư nhiều, thì bổ hư, châm huyệt Bách Hội, Quan Nguyên. Mũi là khiếu của Phế, tuyên Phế, tăng cường sự thông suốt của đường hô hấp, châm huyệt Nghinh Hương. Hô hấp không thuận, châm huyệt Nội Quan, Đản Trung.
Ho dễ hen suyễn, châm huyệt Trung Phủ, Ngư Tế. Hóa đờm, châm huyệt Phong Long, Túc Tam Lý. Giúp long đờm, châm các huyệt Phế Du, Quyết Âm Du, Tâm Du, Trung Phủ, Đản Trung, Cự Khuyết, dùng luân chuyển, trong đó huyệt Phế Du còn có thể kích thích thần kinh giao cảm và làm giãn ống phế quản, huyệt này không được châm sâu, để tránh vô tình châm vào khoang ngực gây tổn thương phổi, cũng có thể châm nhanh chóng, không lưu kim. Phòng chống cảm mạo, châm huyệt Phong Trì, Khúc Trì, Hợp Cốc, Túc Tam Lý .
Khi bị phù chi dưới, châm huyệt Âm Lăng Tuyền, Tam Âm Giao, Thái Khê. Ngủ không yên, châm huyệt Ấn Đường, Nội Quan. Trong trường hợp ngưng thở, châm huyệt Thiên Đột, không lưu kim, châm thêm Ngoại Kim Tân, Ngọc Dịch, Liêm Tuyền. Bệnh lâu ngày dễ bị suy dinh dưỡng, châm các huyệt Tam Âm Giao, Công Tôn, Túc Tam Lý, Nội Quan
Lời khuyên đặc biệt
* Phế là kiều tạng (tạng mềm yếu), không thích lạnh, vì vậy dùng ít đồ uống lạnh có đá, thức ăn lạnh. Chú ý giữ ấm vùng trước ngực, sau lưng, vùng cổ.
* Dùng ít thức ăn và đồ uống có đường. Các loại đường tạo ra khí carbon dioxide cao hơn so với chất béo và chất đạm.
* Ăn ít thực phẩm giàu chất béo, để tránh carbon dioxide trong máu quá cao. Thường xuyên ăn nhiều bữa nhỏ.
* Sử dụng ít đồ uống có cồn và đồ uống có chứa cafein để ngăn ngừa tiêu thụ quá nhiều, lợi tiểu thái quá mà mất nước.
* Dùng ít thức ăn sinh khí, giảm chướng bụng, ảnh hưởng đến hô hấp. Cũng nên dùng ít sữa vì dễ sinh đờm.
* Để giúp long đờm, xoa bóp các bộ phận hoặc huyệt của phổi liên quan đến lưng trên, các huyệt Phế Du, Quyết Âm Du đến Trung Phủ, Đản Trung trước ngực. Hoặc tay nắm không vỗ vào phần dưới của xương đòn, 36 lần.
* Hóa khí ứ trệ, ấn dọc mép mạch Đốc sau lưng, nếu có chỗ cứng hoặc đau thì xoa bóp cho đến khi hết cứng trở nên mềm, hoặc đỡ đau hơn.
* Hầu họng là cửa ngõ của phổi, ca hát nhiều để dưỡng phổi tuyên phế. Khi hát dùng bụng để hô hấp.
*Nên tập thể dục vừa sức, không vận động quá mạnh. Trong khi vận động bị chóng mặt, suyễn, tim đập nhanh, hô hấp không lợi, móng tay chuyển đen, hãy ngừng tập ngay lập tức.
* Không nuôi thú cưng, để tránh mảnh da, lông, gây dị ứng, hen suyễn.
* Chú ý trong gia đình tránh ẩm thấp quá cao. Giảm khom lưng để nâng vật nặng. Duy trì đại tiện thông suốt mỗi ngày.
* Tránh chụp X-quang thường xuyên, Giáo sư Masahiko Okada đến từ Nhật Bản đã chỉ ra rằng, chụp X-quang làm tăng 5,4% tỷ lệ ung thư phổi. Chụp X-quang là nguyên nhân thứ 4 gây ung thư.
Phương pháp luyện thở
* Bản thân phổi không có năng lực mở rộng, mà phải do sự mở rộng lồng ngực, vận động của cơ hoành, tiến hành co giãn, hít vào thở ra.
* Nhịp thở bình thường, khoảng 15-20 lần mỗi phút, có thể thay đổi bằng ý thức. Tuổi càng nhỏ, số lần hô hấp càng nhiều. Nhịp thở có thể tăng lên do hưng phấn, tập thể dục, sốt, v.v.
* Thở vô thức chỉ sử dụng 50% chức năng của phổi. Thở có ý thức có thể điều chỉnh hệ thống thần kinh tự chủ và cân bằng thần kinh giao cảm và phó giao cảm.
* Thời gian dưỡng phổi tốt nhất trong ngày là từ 7-9 giờ sáng, nên tập thể dục nhịp điệu, tập thở.
* Luyện tập hô hấp, tần suất ban đầu nhỏ, sau tăng dần, không làm vội vàng, cách tiến hành là hít vào, nín thở và thở ra nhiều hơn.
* Thở bằng bụng: lấy cử động của cơ hoành và cơ bụng làm chủ. Khi hít vào bằng mũi, vùng bụng nhô ra ngoài. Khi thở ra, chu miệng lại và hóp bụng vào trong.
* Thở bằng lồng ngực: lấy cử động mở rộng lồng ngực làm chủ. Khi hít vào mở rộng lồng ngực, khi thở ra thì trở lại bình thường.
* Thở chi trên: hai tay đưa lên cao, hít vào, hai tay hạ xuống, thở ra. Ngày 3 lần, mỗi lần 10 phút.
* Đi bộ hít thở: khi đi thì thở ra, khi dừng thì hít vào. Thực hiện khoảng 15 phút mỗi ngày.
* Leo cầu thang hít thở: khi leo lên thì thở ra, khi dừng lại thì hít vào. Thực hiện khoảng 10 phút mỗi ngày.
* Thở bằng mũi: Dùng tay ấn vào một bên lỗ mũi, hít vào thở ra bằng lỗ mũi còn lại, trái phải luân phiên.
***
Người chị rất mạnh dạn châm cứu, sau lần châm cứu đầu tiên, cô cảm thấy thoải mái nói không nên lời, vui sướng dễ chịu khi lồng ngực thông suốt. Sau đó, châm cứu mỗi tuần một lần, kết hợp cùng với thuốc sắc. Sau lần châm cứu thứ hai, cơn ho đã thuyên giảm rất nhiều, lẫn nữa lấy lại được niềm hy vọng vào cuộc sống, không còn khó chịu buồn phiền, không cần trốn tránh mọi người, người thân và bạn bè. Nhưng một khi ăn trái cây ướp lạnh, thức đêm, cảm xúc kích động, thì sẽ ngay lập tức ho dữ dội, khiến cô cảm thấy sợ hãi! Từ đó, cô học cách thư giãn có ích cho lồng ngực.
Sau 2 tháng châm cứu, do gặp đợt dịch COVID-19, cô không dám đi ra ngoài vì sợ nếu ho sẽ khiến người khác sợ hãi, cho nên cô dừng châm cứu, uống thuốc trong một tháng để duy trì. Sau đó, tự mình chú ý dưỡng sinh, từ đó mọi thứ đều thuận lợi bình an.
Lý Quân biên tập
Lâm Mộc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ