Bản tin đặc biệt

Vụ kiện mang tính bước ngoặt tại Tối cao Pháp viện có thể lật ngược các vụ truy tố trong sự kiện ngày 06/01

Phán quyết sẽ ảnh hưởng đến hơn 330 bị cáo và có thể loại trừ được việc Bộ Tư pháp sử dụng luật mới và chưa từng có tiền lệ được thiết lập cho tội phạm thuộc giai tầng cổ cồn trắng.

Quyết định của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ về việc tiếp nhận một vụ kiện trong sự kiện ngày 06/01 phản đối cáo buộc trọng tội phổ biến nhất từ ngày hôm đó có thể sẽ lật ngược hơn 330 vụ án hình sự cũng như tước bỏ vũ khí mạnh mẽ nhất mà Bộ Tư pháp (DOJ) đã sử dụng.

Hôm 13/12, Tối cao Pháp viện đã cấp chứng nhận (certiorari) cho một đơn kháng cáo của bị cáo trong vụ ngày 06/01 — ông Joseph W. Fischer, 57 tuổi, ở Jonestown, Pennsylvania.

Ông Fischer nằm trong số hàng trăm bị cáo trong các vụ án liên quan đến vụ xâm nhập Tòa nhà Capitol vào ngày 06/01/2021, những người bị buộc tội gây cản trở một cách sai trái một “thủ tục chính thức” — phiên họp chung của Quốc hội để kiểm đếm phiếu của Đại cử tri đoàn và lắng nghe ý kiến phản đối từ các thành viên.

DOJ đã đưa những người biểu tình ngày 06/01 vào tầm ngắm bằng việc sử dụng một đạo luật về giả mạo bằng chứng năm 2002 chưa từng có tiền lệ để truy tố họ vì đã trì hoãn việc kiểm đếm phiếu từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Quyết định này của Tối cao Pháp viện có thể loại bỏ hàng trăm vụ truy tố và dập tắt việc sử dụng không đúng cách một đạo luật vốn không được thiết lập để áp dụng cho bất cứ điều gì ngoại trừ các hoạt động kế toán bất chính.

Điều 18, Mục 1512(c) của Bộ luật Hoa Kỳ quy định:

Bất kỳ ai bằng một cách sai trái (1) thay đổi, tiêu hủy, cắt xén, hoặc che giấu hồ sơ, tài liệu, hoặc đồ vật khác, hoặc cố gắng làm như vậy với mục đích làm suy yếu tính toàn vẹn hoặc khả dụng của đồ vật đó trong một thủ tục chính thức; hoặc (2) bằng cách khác gây cản trở, gây ảnh hưởng, hoặc cản trở bất kỳ thủ tục chính thức nào hoặc nỗ lực làm như vậy, sẽ bị phạt theo đề mục này hoặc bị phạt tù không quá 20 năm, hoặc cả hai.

Cáo buộc này đã được đưa ra tại tòa án liên bang đối với các bị cáo nổi tiếng trong sự kiện ngày 06/01, bao gồm cựu Tổng thống Donald Trump, ông Stewart Rhodes III — người sáng lập Oath Keepers, ông Henry “Enrique” Tarrio — cựu chủ tịch Proud Boys, và hàng trăm nhân vật ít được biết đến hơn.

Ngay cả những bị cáo đã đến Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ngay sau khi Quốc hội được sơ tán vào ngày 06/01 cũng bị cáo buộc là gây cản trở một thủ tục chính thức. Một số lập luận không thành công tại phiên tòa cho rằng họ không thể nào cản trở Quốc hội vì họ không có mặt ở Tòa nhà Capitol khi các nhà lập pháp rời khỏi Hạ viện và Thượng viện.

Ông Fischer bị truy tố vào tháng 03/2021 với cáo buộc gây cản trở một thủ tục chính thức; gây rối loạn dân sự; hành hung, chống cự, hoặc cản trở một số viên chức; tiến vào và ở lại trong một tòa nhà hoặc khu vực cấm; gây mất trật tự và gây rối trong tòa nhà hoặc khu vực cấm; gây mất trật tự; và diễn hành, biểu tình, hoặc đứng cản đường trong Tòa nhà Capitol. Ông đã không nhận tội đối với mọi cáo buộc.

Cựu cảnh sát Pennsylvania Joseph W. Fischer (phải) bị cáo buộc đã xô xát với cảnh sát bên trong Tòa nhà Capitol Hoa Kỳ, cùng với các cáo buộc khác, vào ngày 06/01/2021. (Ảnh: Bộ Tư pháp Hoa Kỳ/Ảnh chụp màn hình qua The Epoch Times)
Cựu cảnh sát Pennsylvania Joseph W. Fischer (phải) bị cáo buộc đã xô xát với cảnh sát bên trong Tòa nhà Capitol Hoa Kỳ, cùng với các cáo buộc khác, vào ngày 06/01/2021. (Ảnh: Bộ Tư pháp Hoa Kỳ/Ảnh chụp màn hình qua The Epoch Times)

Áp lực đối với các thỏa thuận nhận tội

Các luật sư bào chữa cho biết mức án tù tối đa 20 năm đi kèm với hành vi vi phạm Mục 1512(c)(2) của Điều 18 Bộ luật Hoa Kỳ đã gây áp lực rất lớn lên các bị cáo trong việc chấp nhận lời đề nghị nhận tội của DOJ thay vì ra tòa.

Mười một trong số 12 thẩm phán địa hạt tại tòa án liên bang Khu vực Hoa Thịnh Đốn đã ủng hộ việc DOJ sử dụng Mục 1512, trong khi Thẩm phán Địa hạt Liên bang Carl Nichols đã bác bỏ cáo buộc trong bảy vụ án về sự kiện ngày 06/01.

Vụ kiện mang tính bước ngoặt tại Tối cao Pháp viện có thể lật ngược các vụ truy tố trong sự kiện ngày 06/01

Các nhà phê bình cho rằng việc các công tố viên sử dụng Mục 1512 đã vũ khí hóa một đạo luật vốn không hề dùng để giải quyết các cuộc biểu tình chính trị hoặc các hoạt động thuộc Tu chính án thứ Nhất. Một nhà nghiên cứu pháp lý gọi điều này là “nguy hiểm.”

“Nếu chủ nghĩa phiêu lưu của DOJ dưới thời chính phủ Tổng thống Biden được phép tiếp tục tồn tại, thì điều này sẽ thay đổi vĩnh viễn năng lực của chính phủ trong việc đàn áp quyền của công dân Mỹ,” ông Jonathon Moseley nói với The Epoch Times. “Mọi người Mỹ sẽ theo ý thích của bất kỳ công tố viên nào để khủng bố họ.”

Ông Moseley cho rằng nếu Tối cao Pháp viện bãi bỏ việc sử dụng Mục 1512 theo cách như vậy, thì điều này có thể dẫn đến các phiên tòa mới.

“Nếu luật sư nộp đơn đề nghị theo Điều lệ 33 để có một phiên tòa mới dựa trên thông tin mới này, thì họ có thể sẽ nhận được điều này, và họ có thể sẽ nhận được một phiên tòa mới mà không cần cáo buộc đó,” ông Moseley nói. “Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu bác bỏ điều này hoàn toàn.”

Trong câu trả lời ngắn gọn của mình, DOJ chỉ trích “cách giải thích hạn hẹp, đoạn chương thủ nghĩa” của các bị cáo đối với Mục 1512, và lập luận về một cách hiểu rộng hơn đối với thuật ngữ “bằng cách khác.”

Tổng biện lý sự vụ Hoa Kỳ Elizabeth Prelogar viết: “Theo đó, theo cách hiểu ‘tự nhiên’ của đạo luật này, Mục 1512(c)(2) cấm gây cản trở một cách sai trái một thủ tục chính thức theo một cách khác biệt hoặc theo cách thức khác so với các hành vi sửa đổi, tiêu hủy, và che giấu tài liệu được nhắm đến trong Mục 1512(c) (1).”

Ủy ban Đặc biệt Điều tra Vụ tấn công vào Tòa nhà Capitol Hoa Kỳ ngày 06/01 họp tại Capitol Hill ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 19/12/2022. (Ảnh: Al Drago/Getty Images)
Ủy ban Đặc biệt Điều tra Vụ tấn công vào Tòa nhà Capitol Hoa Kỳ ngày 06/01 họp tại Capitol Hill ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 19/12/2022. (Ảnh: Al Drago/Getty Images)

‘Sự sỉ nhục to lớn’

Luật sư bào chữa William Shipley, là một công tố viên liên bang trong 22 năm, nói rằng nếu Tối cao Pháp viện bãi bỏ việc sử dụng Mục 1512, thì đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào DOJ — và “thu hút sự săm soi mang tính bất lợi” đối với đa số các thẩm phán khu vực Hoa Thịnh Đốn.

Luật sư bào chữa William Shipley cho biết DOJ đã sử dụng luật về sự cản trở như một cây búa to giáng vào các bị cáo liên quan đến sự kiện ngày 06/01. (Ảnh: Paulio Shakespeare/The Epoch Times)
Luật sư bào chữa William Shipley cho biết DOJ đã sử dụng luật về sự cản trở như một cây búa to giáng vào các bị cáo liên quan đến sự kiện ngày 06/01. (Ảnh: Paulio Shakespeare/The Epoch Times)

“Đây sẽ là một sự sỉ nhục to lớn đối với Bộ Tư pháp, vốn đã mất lý trí với cách giải thích này,” ông Shipley nói với The Epoch Times. “Bởi vì trước đây họ chưa bao giờ sử dụng đạo luật này theo cách tương tự. Đây là một cách sử dụng mới lạ, ngay cả theo [tiêu chuẩn] của DOJ, đối với riêng đạo luật này.

“Đây sẽ là một sự sỉ nhục đối với toàn bộ ban quản lý của cơ quan ủng hộ việc sử dụng đạo luật này.”

Ông Shipley cho biết DOJ đã giải quyết các vụ xâm nhập trái phép và thiệt hại tài sản và biến các vụ việc thành trọng tội 20 năm bằng cách sử dụng Mục 1512(c)(2).

“Và vì vậy, đó chỉ là một cái búa mà họ có thể dùng để giáng vào những người nhận tội để tránh hậu quả của việc ra tòa và [có thể] thua cuộc. Và, nhân tiện thì, họ đã thắng mọi phiên tòa, điều mà họ biết họ sẽ như vậy,” ông nói.

Giáo sư luật Harvard đã về hưu Alan Dershowitz cho biết hầu hết các cuộc biểu tình tại Tòa nhà Capitol đều được bảo vệ là các cuộc biểu tình theo Tu chính án thứ Nhất.

“Xem này, đây không phải là sự cản trở công lý,” ông Dershowitz nói với Newsmax hôm thứ Sáu (15/12). “Đây là những nỗ lực nhằm thực hiện các quyền của Tu chính án thứ Nhất để thỉnh nguyện chính phủ giải quyết những bất bình. Một số người đã đi quá xa và phá hoại tài sản, tuy nhiên những người cố gắng gây tác động đến các phiên điều trần Quốc hội này đang thực hiện quyền Hiến Pháp của họ.”

Vụ kiện mang tính bước ngoặt tại Tối cao Pháp viện có thể lật ngược các vụ truy tố trong sự kiện ngày 06/01

Ông Edward Tarpley, một luật sư bào chữa đại diện cho ông Rhodes trong phiên tòa xét xử nhóm Oath Keepers đầu tiên vào năm 2022, cho biết quyết định của Tối cao Pháp viện nhằm xét xử đơn kháng cáo là một “chiến thắng to lớn.”

“Hầu như tất cả mọi người đều đồng ý rằng luật này chưa bao giờ có chủ định được sử dụng theo cách mà DOJ đã sử dụng để chống lại những bị cáo của sự kiện 06/01,” ông Tarpley nói với The Epoch Times.

Các cảnh sát bắt giữ một người ủng hộ của cựu Tổng thống Donald Trump biểu tình bên ngoài Tòa nhà Capitol Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 06/01/2021. (Ảnh: Roberto Schmidt/AFP qua Getty Images)
Các cảnh sát bắt giữ một người ủng hộ của cựu Tổng thống Donald Trump biểu tình bên ngoài Tòa nhà Capitol Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 06/01/2021. (Ảnh: Roberto Schmidt/AFP qua Getty Images)

Lịch sử của Mục 1512(c)(2)

Đây là một phần của Đạo luật Sarbanes-Oxley vô cùng rộng lớn, nhằm chống gian lận trong doanh nghiệp và tăng cường trách nhiệm giải trình trong việc tiết lộ [thông tin] tài chính của các công ty giao dịch công khai. Thượng nghị sĩ Paul Sarbanes (Dân Chủ-Maryland) và Dân biểu Michael Oxley (Cộng Hòa-Ohio) đồng soạn thảo dự luật này.

Dự luật Sarbanes-Oxley (HR 3763) đã được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 423–3 tại Hạ viện và 99–0 tại Thượng viện. Ngày 30/07/2002, tại Phòng phía Đông của Tòa Bạch Ốc, Tổng thống George W. Bush đã ký đạo luật này thành luật.

“Tội phạm doanh nghiệp sẽ không còn dễ dàng kiếm tiền nữa, mà là thời kỳ khó khăn rồi,” cựu Tổng thống Bush cho biết tại buổi ký đạo luật này. “Thời đại của những tiêu chuẩn thấp và lợi nhuận bất lương đã đi qua. Không một doanh nghiệp nào ở Mỹ có thể vượt trên luật pháp.”

Sarbanes-Oxley một phần xuất phát từ sự phẫn nộ của công chúng đối với các vụ bê bối gian lận doanh nghiệp tại Enron Corp., WorldCom Inc., Tyco International Ltd., Adelphia Communications Corp., và các doanh nghiệp khác.

Vụ kiện mang tính bước ngoặt tại Tối cao Pháp viện có thể lật ngược các vụ truy tố trong sự kiện ngày 06/01

Đại công ty năng lượng Enron đã sử dụng các phương pháp kế toán đáng ngờ nhằm che giấu lợi nhuận đang sụt giảm của mình và thổi phồng thu nhập. Công ty tiếp tục loại bỏ tài sản khỏi sổ sách bằng cách chuyển tài sản sang “các tổ chức với mục đích đặc biệt” (SPE) — hợp tác với các tổ chức bên ngoài.

Các điều khoản của Mục 1512(c) được sử dụng chống lại các bị cáo trong sự kiện 06/01 được nêu trong một phần của Đạo luật Sarbanes-Oxley có tiêu đề “Đạo luật Trách nhiệm giải trình về Gian lận trong Doanh nghiệp năm 2002.”

Sau khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch bắt đầu điều tra việc Enron sử dụng SPE vào năm 2001, một số nhân viên tại công ty Arthur Andersen LLP đã bắt đầu hủy bỏ các tài liệu liên quan đến các cuộc kiểm toán của Enron. Công ty Arthur Andersen từng là bên kiểm toán của Enron và là nhà tư vấn cho công ty. Cổ phiếu của Enron nhanh chóng rơi tự do. Vào tháng 12/2001, công ty trị giá 60 tỷ USD này đã khai phá sản tại tòa án.

Luật sư bào chữa Joseph McBride cho biết ông tin rằng việc DOJ sử dụng luật theo cách mới là bởi vì “tham nhũng và hận thù chính trị.”

Tổng thống George W. Bush ký Đạo luật Sarbanes-Oxley khi (từ trái qua phải) Tổng Chưởng lý John Ashcroft, Dân biểu Michael Oxley (Cộng Hòa-Ohio), Bộ trưởng Thương mại Donald Evans, Thượng nghị sĩ Paul Sarbanes (Dân Chủ-Maryland), Lãnh đạo Thiểu số tại Thượng viện Trent Lott (Cộng Hòa-Mississippi), và Lãnh đạo Đa số tại Thượng viện Tom Daschle (Dân Chủ-South Dakota) theo dõi, tại Phòng phía Đông của Tòa Bạch Ốc vào ngày 30/07/2002. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)
Tổng thống George W. Bush ký Đạo luật Sarbanes-Oxley khi (từ trái qua phải) Tổng Chưởng lý John Ashcroft, Dân biểu Michael Oxley (Cộng Hòa-Ohio), Bộ trưởng Thương mại Donald Evans, Thượng nghị sĩ Paul Sarbanes (Dân Chủ-Maryland), Lãnh đạo Thiểu số tại Thượng viện Trent Lott (Cộng Hòa-Mississippi), và Lãnh đạo Đa số tại Thượng viện Tom Daschle (Dân Chủ-South Dakota) theo dõi, tại Phòng phía Đông của Tòa Bạch Ốc vào ngày 30/07/2002. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)

“Vì Chúa, Đạo luật Sarbanes-Oxley và các cuộc biểu tình liên quan đến bầu cử thì có liên quan gì với nhau chứ?” ông McBride nói với The Epoch Times. “Tôi muốn nói với quý vị — rằng hoàn toàn không liên quan.”

Thẩm phán Nichols bác bỏ cáo buộc cản trở đối với ông Fischer và các bị cáo Edward Jacob Lang, 28 tuổi, ở New York, và Garret A. Miller, 37 tuổi, ở Texas. Ông Miller và ông Lang đều nộp đơn kháng cáo tương tự lên Tối cao Pháp viện nhưng các thẩm phán chỉ đồng ý thụ lý vụ của ông Fischer.

Trong bản ý kiến ​​thông tri hồi tháng 03/2022, Thẩm phán Nichols cho biết cáo buộc đối với ông Miller “yêu cầu bị cáo phải thực hiện một số hành động đối với một tài liệu, hồ sơ, hoặc đồ vật khác nhằm cản trở, ngăn cản, hoặc gây ảnh hưởng một cách sai trái đến một thủ tục chính thức.”

“Tuy nhiên, ông Miller không bị cáo buộc là đã thực hiện hành động như vậy,” ông nói.

Thẩm phán Nichols cho biết ông đang phải đối mặt với “sự mơ hồ nghiêm trọng trong luật hình sự.” Ông cho rằng, các tòa án liên bang trước giờ luôn thận trọng khi đánh giá phạm vi của một đạo luật và áp dụng điều lệ khoan dung để giải quyết bất kỳ sự nhập nhằng nào có lợi cho bị cáo.

Hồi tháng Tư, một hội đồng gồm ba thẩm phán của Tòa Phúc thẩm Liên bang cho Khu vực Hoa Thịnh Đốn đã làm xáo trộn tình hình với quyết định 1–1–1 không rõ ràng. Chỉ một phần đồng thuận của một trong các thẩm phán có vẻ như đảo ngược [phán quyết của] Thẩm phán Nichols và ủng hộ cách diễn giải luật mới của DOJ.

Một trong các điểm phức tạp của vụ kiện là việc thiếu định nghĩa cho thuật ngữ “sai trái” và liệu thuật ngữ “bằng cách khác” trong Mục 1512(c)(2) có đề cập đến hành vi được liệt kê trong Mục 1512(c)(1) — thay đổi, phá hủy, cắt xén, hoặc che giấu hồ sơ, tài liệu hoặc đồ vật khác — hoặc có ý nghĩa rộng hơn như vậy.

Thẩm phán Nichols cho biết “lịch sử lập pháp ủng hộ cách hiểu hẹp về tiểu mục (c)(2).”

Tuệ Minh và Tuệ Chân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Form Newsletter Subscription
Form Newsletter Subscription