Vị trí mụn trên cơ thể tiết lộ các vấn đề sức khỏe
Tất cả mọi người đều có lúc bị mụn, thậm chí có thể phải chịu đau đớn. Một số người nổi mụn trên mặt, trong khi những người khác lại nổi mụn trên cơ thể. Sự khác biệt này có thể tiết lộ các vấn đề gì sức khỏe?
Bác sĩ Dawei Guo, giám đốc Phòng khám Trung Y Fu Yuan ở Đài Loan, người có nhiều kinh nghiệm trong việc điều trị mụn trứng cá, nói rằng việc nổi mụn trứng cá ở trên các bộ phận khác nhau của cơ thể cho thấy những cảnh báo khác nhau về sức khỏe.
Dưới đây là những chia sẻ của ông về tám cách điều trị mụn trứng cá trên các bộ phận khác nhau của cơ thể.
Mụn trứng cá ở nhân trung
Nhân trung là vùng da nối giữa môi trên và mũi
Trong Trung y, nhân trung có liên quan đến hệ sinh dục tiết niệu, bao gồm bàng quang, tử cung và buồng trứng.
Nếu xuất hiện mụn trứng cá ở nhân trung, phụ nữ cũng có thể gặp một số vấn đề về kinh nguyệt. Ví dụ, kinh nguyệt có thể không đều và/hoặc gây đau đớn.
Bác sĩ Kuo khuyên những bệnh nhân như vậy nên hạn chế thức uống lạnh, thức ăn cay, cà phê và trà. Những thực phẩm này làm tăng lưu lượng máu đến buồng tử cung và có thể dẫn đến u xơ tử cung.
Xoa bóp và giữ ấm huyệt Khí hải và huyệt Quan nguyên cũng sẽ giúp giảm nguy cơ mọc mụn trứng cá tại nhân trung.
Bác sĩ Kuo khuyến nghị các phương thuốc như súp thảo dược Si Wu và Zhong Jiang. Dùng hai bài thuốc này sau kỳ kinh có thể điều hòa kinh nguyệt, dưỡng huyết, bồi bổ tử cung và buồng trứng. Tuy nhiên, cần phải tham khảo ý kiến của thầy thuốc Trung Y trước khi uống. Ngoài ra, bạn nên uống sau kỳ kinh là tốt nhất, vì nếu uống trong kỳ kinh sẽ làm giảm lượng kinh, gây đầy hơi, đau bụng.
Mụn trứng cá ở cổ
Thường rất khó để loại bỏ mụn trứng cá trên cổ vì da vùng cổ tiết rất nhiều mồ hôi. Da tại vị trí này thường bị bám đầy bụi bẩn từ quần áo và tóc, dẫn đến viêm nhiễm.
Những người bị mụn ở cổ nên ăn ít đường, vì đường tinh luyện có thể gây viêm nhiều hơn.
Xoa bóp huyệt Hợp cốc trên bàn tay và Thái xung trên bàn chân cũng có thể hữu ích. Bốn huyệt này kết hợp với nhau tạo thành “bốn huyệt cửa.” Mở bốn cánh cổng này có thể khai thông các kinh mạch, cũng như lưu thông khí huyết ở cổ.
Theo bác sĩ Kuo, những người bị mụn ở cổ có thể uống trà ngưu bàng và trà bạc hà, có tác dụng bồi bổ phổi và giảm nóng trong ngực. Các nguyên liệu bao gồm rễ ngưu bàng khô, chà là khô, lá bạc hà và rễ cam thảo rang mật ong.
Mụn trứng cá ở ngực
40% đến 50% những người bị mụn trên mặt cũng nổi mụn ở ngực và lưng. Điều này một phần là do mồ hôi và bụi bẩn làm bít lỗ chân lông.
Mụn trên ngực thường liên quan đến đường ruột. [Vì vậy,] các triệu chứng khác có thể bao gồm tiêu chảy và/hoặc hội chứng ruột kích thích. Những người này không nên ăn các loại hạt, thức ăn cay, rán, nướng để tránh ứ dịch, nóng bao tử và ruột.
Để kiểm soát tình trạng viêm, có thể xoa bóp huyệt Thượng cự hư và Hạ cự hư ở chân.
Trà hoa bồ công anh và hoa cúc cũng có thể giúp tiêu viêm và giảm mụn ở ngực. Các nguyên liệu bao gồm bồ công anh khô, hoa cúc và rễ cam thảo nướng mật ong..
Mụn trứng cá ở lưng
Mụn ở lưng có nguyên nhân tương tự như
mụn ở ngực. Việc giảm viêm chính là chìa khóa để điều trị.
Xoa bóp huyệt Trúc tân và huyệt Phong long ở chân có thể có tác dụng giải độc. Huyệt Trúc tân là một điểm chính để giải độc trong Trung Y.
Những người bị mụn ở lưng nên tập thể dục nhiều hơn và ăn ít thức ăn cay, chiên giòn hoặc nướng.
Bác sĩ Kuo khuyên những người này nên uống trà bồ công anh, được làm từ bồ công anh, rễ cây ngưu bàng, câu kỷ tử và táo tàu. Bồ công anh và rễ cây ngưu bàng có thể làm sạch phổi, trong khi câu kỷ tử và táo tàu giúp dưỡng gan và thận.
Mụn trứng cá ở vai
Ngoài tắc nghẽn lỗ chân lông, nội tiết tố là một nguyên nhân khác khiến một số người trẻ bị mụn trên vai.
Các loại thuốc như kháng sinh và kháng histamine cũng có thể gây ra mụn ở vai.
Xoa bóp huyệt Huyết hải và huyệt Khúc trì có thể làm giảm bớt nhiệt ở vùng vai, cũng như điều trị nổi mề đay và viêm da dị ứng.
Ngoài ra, cũng có thể dùng trà thảo mộc với 2g hoàng kỳ, 1g quế, 1g sâm Mỹ, 1g ké đầu ngựa, và 3 lát gừng. Hoàng kỳ và quế có thể cải thiện lưu thông máu, trong khi nhân sâm Mỹ và ké đầu ngựa giúp dưỡng phổi.
Mụn trứng cá ở cánh tay
Đầu tiên chúng ta cần phân biệt mụn trứng cá với bệnh dày sừng nang lông, là những nốt xuất hiện ở cánh tay nhưng không đau hoặc ngứa.
Để trị mụn ở cánh tay, có thể xoa bóp huyệt Huyết Hải ở chân và huyệt Thái Uyên ở cổ tay. Cả hai đều có thể giúp bồi bổ phổi.
Lá dâu tằm và hoa cúc làm thành một loại trà tuyệt vời để thanh nhiệt, giải độc, dưỡng phổi, sáng mắt. Các nguyên liệu bao gồm lá dâu tằm, hoa cúc, kinh giới và quả liên kiều (forsythia).
Mụn trứng cá ở mông
Mụn ở mông có thể là do ngồi lâu hoặc hệ tiêu hóa có vấn đề. Vì vậy, cần tránh đồ uống lạnh và tăng tập luyện các bài tập để cải thiện lưu thông máu.
Xoa bóp huyệt Âm lăng tuyền và Ngoại quan cũng giúp ích trong trường hợp này.
Những người phải làm việc bàn giấy nên đứng lên và đi lại sau mỗi 1 đến 2 giờ để lưu thông máu ở phần dưới của cơ thể tốt hơn và giảm tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông.
Lá dâu tằm và trà hoa cúc đã đề cập trước đó cũng hữu ích trong việc điều trị mụn ở mông.
Mụn do căng thẳng
Mụn trứng cá không chỉ gặp ở những người trẻ tuổi mà còn ở những người trong độ tuổi 40-50. Căng thẳng hoặc tâm trạng không tốt có thể dẫn đến nổi mụn. Nhiều người có xu hướng ăn nhiều đồ ngọt, các loại hạt và/hoặc đồ chiên khi bị căng thẳng. Thậm chí đường cũng có thể gây nổi mụn.
Để tránh việc mọc mụn do căng thẳng, có thể xoa bóp huyệt Nhĩ Môn trên tai, huyệt Thái Xung ở bàn chân để bổ gan, huyệt Bá Hội để cải thiện mức năng lượng, và huyệt Thần Đình trên trán để giảm căng thẳng.
Nam Khanh biên dịch
Quý vị có thể tham khảo thêm tại The Epoch Times