Vì sao TT Biden vẫn dương tính với COVID sau 4 liều vaccine và Paxlovid?
Nếu bản thân bạn, gia đình hoặc bạn bè đang lo lắng về việc nhiễm COVID, trước tiên bạn nên biết những điều này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xác nhận bị nhiễm COVID-19 vào ngày 21/07/2022. Biden đã chích bốn liều vaccine, nhưng vì sao ông vẫn nhiễm COVID?
Hơn nữa, chỉ vài ngày sau phục hồi [từ lần lây nhiễm] ban đầu, vào ngày 30/07, Biden tiếp tục dương tính với COVID-19. Bác sĩ Tòa Bạch Ốc Kevin O’Connor nói rằng đó là một trường hợp tái dương tính sau điều trị bằng Paxlovid. Tại sao thuốc kháng virus này lại không hiệu quả với Biden?
Điều gì khiến việc nhiễm biến thể Omicron BA.5 của Biden rất khó điều trị?
Liệu có còn phương thức điều trị hiệu quả nào khác không?
Tiến sĩ Đồng Vũ Hồng, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và phát triển thuốc kháng virus, sẽ đưa ra câu trả lời chuyên sâu về vấn đề này.
BA.5 có tốc độ lây nhiễm gấp 18 lần so với biến thể thông thường
Biden nhiễm biến thể BA.5, vốn đang tạo nên một làn sóng dịch bệnh mới tại Hoa Kỳ.
Ngay khi biến thể Omicron trở nên phổ biến trên toàn cầu vào đầu năm 2022, ba biến thể khác đã xuất hiện, bao gồm BA.1, BA.2 và BA.3. Các chuyên gia virus Nhật Bản gợi ý rằng BA.2 đã đủ tiêu chuẩn để được coi là một chủng virus mới, do sự khác biệt đáng kể với các biến thể khác. Tuy nhiên, vì BA.2 được coi là một biến thể của BA.1, nên vẫn được xem là một phần của họ Omicron.
BA.2 gần như là một virus mới, và BA.4 cùng BA.5 vốn bắt nguồn từ BA.2 nhưng có nhiều đột biến hơn, vì vậy chúng ta có thể hình dung rằng BA.4 và BA.5 rất khác so với BA.1.
Một nghiên cứu của Nhật Bản đã cho thấy rằng, giá trị Re (hệ số lây nhiễm hiệu dụng) của BA.4 và BA.5 cao hơn 1,2 lần so với BA.2. Hệ số lây nhiễm hiệu dụng thể hiện khả năng lây lan của virus. Và hiện tại, BA.4 và BA.5 đã thay thế BA.2 một cách nhanh chóng để trở thành biến thể phổ biến nhất trên toàn cầu.
BA.4 và BA.5 có khả năng lây nhiễm cao gấp 18,3 lần so với BA.2, và hiện là những biến thể có tốc độ lây nhiễm mạnh nhất.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, BA.4 và BA.5 đã dần thay thế BA.2 để trở thành biến thể phổ biến nhất kể từ tháng 04/2022.
Trong các thí nghiệm trên động vật, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phát hiện rằng BA.4 và BA.5 cũng có khả năng gây bệnh cao hơn so với BA.2.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích mô bệnh học với mẫu phổi bên phải của chuột hamster bị nhiễm lần lượt BA.2, BA.4 và BA.5. Họ phát hiện rằng, ở phổi của chuột bị nhiễm BA.4 và BA.5, tình trạng viêm nhiễm, xuất huyết, tắc nghẽn và tổn thương phế nang cao hơn đáng kể so với chuột bị nhiễm BA.2.
Biến thể BA.5 hiện tại đã có những thay đổi mới, và có thể không còn là loại biến thể Omicron nhẹ với khả năng gây bệnh yếu như chúng ta nghĩ. Do dữ liệu bệnh lý này lấy từ các mô hình động vật, chúng ta cũng nên lưu ý về những thay đổi ở trên người.
Hai lý do chính khiến Biden tái nhiễm COVID-19 dù đã chích 4 liều vaccine
1. Khả năng bảo vệ của vaccine đối với BA.5 đã suy giảm
Các loại vaccine COVID-19 hiện nay đều được phát triển dựa trên chủng COVID ban đầu, vì vậy, khả năng bảo vệ của chúng đối với các biến thể mới như Omicron đã suy giảm đáng kể, và khả năng bảo vệ của vaccine chống lại BA.5 có thể còn thấp hơn nữa.
Trong nghiên cứu sơ bộ của Trường Đại học Tokyo, 16 bệnh nhân đã chích 2 hoặc 3 liều vaccine đang điều trị BA.1 được lấy huyết thanh từ máu ngoại vi để kiểm tra ái lực liên kết với các biến thể Omicron khác, như BA.4 và BA.5.
Kết quả cho thấy, hiệu giá kháng thể trung hòa huyết thanh với BA.4 và BA.5 ở những người được chích 2-3 liều COVID-19 và sau đó bị nhiễm BA.1, là thấp hơn đáng kể so với những người nhiễm BA.2, thấp hơn khoảng 2,3 lần.
Vì vậy, cần lưu ý rằng, việc chích ngừa đầy đủ và nhiễm BA.1 dường như không giúp ích gì cho việc bảo vệ chống lại BA.4 hoặc BA.5.
Nhiều người có thể nghĩ rằng khả năng miễn dịch từ việc chích ngừa và tái nhiễm có thể mang lại sự bảo vệ mạnh mẽ cho cơ thể, nhưng điều này có thể không đúng với các biến thể Omicron, vốn rất dễ biến đổi.
Nhiều người khác cho rằng mặc dù vaccine không có tác dụng phòng ngừa lây nhiễm, nhưng vẫn có một số tác dụng trong việc ngăn bệnh trở nặng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng không nên lấy “tỷ lệ phòng bệnh nặng” hiện có của vaccine để ủng hộ cho việc chích ngừa, đặc biệt là với thanh niên và trẻ em.
Vào năm 2021, nhiều chuyên gia y tế đã lên tiếng phản đối việc chích liều vaccine thứ ba cho những người trẻ tuổi, cho rằng nó có thể gây “hại nhiều hơn lợi”. Một bài báo được xuất bản trên tạp chí The Lancet nói rằng không nên chích các mũi bổ sung cho những người trẻ khỏe. Các tác giả của bài báo bao gồm: Marion Gruber (cựu giám đốc Văn phòng Nghiên cứu & Đánh giá Vaccine của FDA), Phil Krause (cựu phó giám đốc Văn phòng Nghiên cứu & Đánh giá Vaccine) và một số nhà khoa học từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Gần đây, ông Marty Makary, một nhà nghiên cứu chính sách công cộng và là giáo sư tại Đại học Johns Hopkins, đã viết rằng nhiều nhà khoa học cấp cao đã rời FDA, CDC, Viện Y tế Quốc gia (NIH) và các cơ quan khác. Họ cho rằng chính sách vaccine trong hơn một năm qua là “không khoa học” và việc triển khai vội vàng cho công chúng và thậm chí cho trẻ em là không hợp lý.
Vì tình trạng sức khỏe thể chất của những người chích vaccine là rất khác nhau, nhiều người trẻ khỏe đã bị viêm cơ tim, viêm dây thần kinh, huyết khối não, và thậm chí tàn tật sau khi chích ngừa. Do vậy, việc đánh giá lợi ích và rủi ro của việc chích ngừa COVID-19 phải được cá nhân hóa và không thể triển khai trên diện rộng một cách đơn giản cho tất cả mọi người.
Đánh giá rủi ro – lợi ích của việc sử dụng thuốc ở bệnh nhân mang ý nghĩa tích cực hơn. Lợi ích thường lớn hơn rủi ro, vì những dữ liệu của thử nghiệm lâm sàng pha III thường cho thấy hiệu quả của thuốc thường vượt trên tỷ lệ mắc bệnh và mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ.
Tuy nhiên, đánh giá rủi ro và lợi ích của vaccine là một khái niệm khác.
Vì vaccine được dùng cho những người khỏe mạnh bình thường, nhưng có thể trạng không đồng nhất, nên rất khó để đưa ra phương pháp tiếp cận một cách phù hợp với tất cả mọi người. Đồng thời, dữ liệu từ một nhóm người nhất định sẽ rất khó để khái quát hóa, vì trạng thái sức khỏe thể chất cơ bản của các nhóm khác nhau có thể hoàn toàn khác nhau.
Ví dụ, những người trẻ tuổi có sức khỏe tốt thường ít ốm đau, họ có khả năng miễn dịch tốt, và sẽ không bị nhiễm COVID-19. Nhưng nếu chích vaccine, họ có thể bị viêm cơ tim, viêm dây thần kinh, thậm chí tàn tật suốt đời, hoặc huyết khối não, và không thể hồi phục sức khỏe như ban đầu. Vì vậy, rủi ro cao hơn lợi ích.
Do đó, việc đánh giá lợi ích và rủi ro của vaccine sẽ rất khác nhau giữa người với người, và sự khác biệt giữa các cá nhân là rất lớn.
Theo những lập luận trên, chúng tôi đặc biệt khuyến khích rằng không thể bắt buộc thực hiện các chương trình chích ngừa COVID-19, tuyệt đối không thể, không thể có loại vaccine phù hợp cho tất cả. Thứ được coi là có lợi đối với một người, có thể gây hại cho người khác, thậm chí là đe dọa tính mạng.
Vaccine giúp ngăn ngừa COVID-19 nghiêm trọng hơn 90%, nhưng chỉ áp dụng với các chủng virus cũ. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nghiêm trọng của biến thể Omicron thấp hơn nhiều so với chủng cũ, và liệu vaccine có thể ngăn bệnh trở nặng hay không lại là một câu chuyện khác. Thậm chí rất khó để nói các mũi vaccine có thể bảo vệ cơ thể chống lại các biến thể phụ gây bệnh nghiêm trọng BA.4 và BA.5 của Omicron.
2. Thiếu hụt khả năng miễn dịch tự nhiên
Khả năng lây nhiễm của BA.5 mạnh mẽ đến mức đã vượt xa các biến thể Omicron còn lại.
Tại thời điểm này, mọi người cần có một hệ miễn dịch tự nhiên đủ mạnh để chống lại sự xâm nhập của virus.
Hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể người là không đặc hiệu với chức năng loại bỏ tất cả các loại virus nói chung.
Vaccine được sử dụng nhằm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể để chống lại một loại virus nhất định. Chẳng hạn, vaccine sẽ ‘huấn luyện’ hệ miễn dịch sản xuất một số lượng lớn các kháng thể đặc hiệu để chống lại loại virus X. Tuy nhiên, loại miễn dịch đặc hiệu này sẽ không ảnh hưởng đến các virus khác ngoài X.
Đây là một ví dụ tương tự. Ở trường, các học sinh được dạy học để chuẩn bị cho kỳ thi. Nếu giáo viên dạy một học trò: 1 + 1 = 2. “Hãy thực hiện phép tính này 100 lần.” Cậu bé chắc chắn sẽ ghi nhớ. Nhưng khi đề kiểm tra hỏi: 2 + 3 =?. Câu trả lời sẽ là: “Xin lỗi, cháu không biết, không ai dạy cháu cách thực hiện phép tính 2 + 3.”
Điều căn bản của việc dạy học là không lặp lại cùng một bài toán nhiều lần. Điểm mấu chốt là cần rèn luyện khả năng tự trả lời của một người đối với bất kỳ câu hỏi nào thuộc loại này và cả trong các trường hợp khác.
Giống như câu nói rằng: Khi cho một người con cá, anh ta sẽ lại đói vào ngày mai; nếu dạy người đó câu cá, anh ta có thể tự nuôi chính mình.
Nguyên tắc của việc chích ngừa COVID-19 tương tự như việc trực tiếp cung cấp một con cá (kháng thể) chắc chắn sẽ được giải quyết cơn đói, nhưng sau khi ăn hết cá (cuối cùng kháng thể sẽ biến mất) thì không còn gì nữa.
Một điều quan trọng không kém là dạy mọi người kỹ năng “câu cá”. Họ sẽ có một nguồn thức ăn ổn định và tự nuôi sống bản thân. Vậy, cho một con cá hay dạy cách câu cá, điều nào thông minh hơn?
Tăng khả năng miễn dịch của chính bạn cũng giống như học ‘cách câu cá’
Ngoài vaccine, con người cần phải tăng khả năng miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Đó chính là cách tốt nhất để chống lại sự đột biến và lây nhiễm nhanh chóng của virus.
Mỗi người đều có khả năng bẩm sinh chống lại virus (bao gồm các interferon, tế bào tiêu diệt tự nhiên, đại thực bào, v.v.), và chúng hoạt động như một hệ thống phòng thủ tự nhiên, mạnh hơn nhiều so với Paxlovid.
Paxlovid giống như một chiến binh ngoại lai đơn độc. Paxlovid không phải một loại thuốc thần kỳ, mà vẫn cần dựa vào chức năng bình thường của miễn dịch bẩm sinh như một điều kiện tiên quyết để có thể hoạt động.
Nói cách khác, nếu khả năng miễn dịch kháng virus của chúng ta không hoạt động bình thường, thì thuốc hỗ trợ bên ngoài cũng không thể làm gì được. Điều này rất có thể là một trong những lý do chính khiến Biden trải qua “sự tái nhiễm sau Paxlovid.”
Interferon là thành phần quan trọng của hệ miễn dịch tự nhiên và là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại virus. Interferon kích hoạt các tế bào tuyến đầu ở đường hô hấp chuyển sang trạng thái kháng virus. Nhưng bằng cách nào?
Interferon (IFN) type I và III có tác dụng kháng virus, trong khi interferon type II kháng cả virus, vi khuẩn, động vật nguyên sinh và ký sinh trùng.
Sau khi interferon type I và III liên kết với các thụ thể tế bào, chúng sẽ kích thích tế bào tiết ra protein kháng virus hoạt hóa enzyme oligoadenylate synthetase (OAS). Khi được hoạt hóa, OAS sẽ trùng hợp để tạo thành tetramer và tiếp tục kích thích phân hủy mRNA của virus. Khi không có RNA, virus không thể tồn tại, do đó ức chế được sự nhân lên của virus.
Hơn nữa, interferon còn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh nặng. Mức độ biểu hiện của interferon càng cao trong thời kỳ đầu nhiễm bệnh thì tỷ lệ mắc bệnh nặng càng thấp.
Trong một thử nghiệm lâm sàng, 58 bệnh nhân COVID-19 không phải nhập viện đã được điều trị bằng cách tiêm dưới da một mũi interferon pegyl hóa hoặc giả dược nước muối. Ở nhóm giả dược, trong số ba loại đơn bội (kiểu gen đơn bội, một sự kết hợp của nhiều alen gen trên cùng một nhiễm sắc thể) của protein kháng virus OAS ở người, loại AAA có khả năng thanh thải virus kém hiệu quả nhất và có liên quan đến việc tăng nguy cơ nhập viện.
Tuy nhiên, việc điều trị bằng interferon pegyl hóa có thể khắc phục tình trạng thanh thải virus kém của kiểu gen này.
Đi bộ đường dài trong rừng hàng tháng giúp tăng ‘vaccine tự nhiên’ của cơ thể
Việc củng cố hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể là cách tốt nhất để bảo vệ chúng ta khỏi mọi loại virus lâu dài. Vậy, làm thế nào để củng cố hệ miễn dịch một cách hiệu quả nhất?
Cách ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và tinh thần vị tha đều có thể giúp tăng sản xuất interferon và củng cố khả năng chống lại virus. Ngoài ra, còn có nhiều cách khác nữa để củng cố “hệ miễn dịch tự nhiên” của cơ thể cho cả người già và người trẻ.
Ví dụ, thỉnh thoảng, bạn có thể đi bộ đường dài trong rừng.
Trên hết, tập thể dục sẽ giúp tăng mức độ interferon trong cơ thể bạn.
Trong một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên tạp chí PLOS ONE, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng, với những con chuột béo phì bị nhiễm virus cúm A, tập thể dục không những làm tăng mức độ biểu hiện interferon type I ở phổi, tăng khả năng kháng virus mà còn giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Trong một nghiên cứu khác, 16 người đàn ông khỏe mạnh đã tham gia vào một chương trình tập thể dục vừa phải và thường xuyên trong một thời gian. Sau đó, mẫu máu ngoại vi của họ được kiểm tra sau mỗi lần tập luyện. Kết quả cho thấy, mức độ biểu hiện interferon (Interferon type II ở biểu đồ bên trái, tỷ lệ Interferon type II/IL4 ở biểu đồ bên phải) đã tăng lên đáng kể (cột màu xanh lá) và chỉ trở về mức độ trước đó sau hai tháng ngừng tập thể dục (cột màu xanh dương).
Tập thể dục trong rừng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Một nghiên cứu của Nhật Bản được công bố vào năm 2007 trên Tạp chí Quốc tế về Miễn dịch và Dược học đã tìm hiểu tác động của chuyến đi rừng đối với chức năng miễn dịch ở người. Các đối tượng tham gia sẽ thực hiện một chuyến đi rừng trong 3 ngày 2 đêm. Kết quả, số lượng và chức năng của các tế bào tiêu diệt tự nhiên ở những người này đã tăng lên đáng kể so với giai đoạn trước chuyến đi.
Tác dụng có lợi đối với tế bào tiêu diệt tự nhiên của việc đi rừng có thể kéo dài hơn một tuần và đến một tháng.
Có một sự tương tác chặt chẽ giữa interferon (IFN) type I và tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK) giúp đảm bảo khả năng bảo vệ hiệu quả chống lại virus của cơ thể.
Trong giai đoạn đầu của nhiễm trùng, IFN type I sẽ kích thích tế bào NK sản xuất IFN-gamma có tác dụng kháng virus một cách toàn diện. Trong giai đoạn cuối của nhiễm trùng, việc sản xuất IFN-gamma bị giảm xuống, nhưng chức năng gây độc tế bào của tế bào NK tăng lên, giúp trực tiếp tiêu diệt virus.
Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người phải ở nhà trong hai năm qua, khiến khả năng miễn dịch bị suy giảm đáng kể. Do đó, việc một gia đình hoặc nhóm bạn bè thường xuyên đi bộ đường dài trong rừng có thể mang lại rất nhiều lợi ích đối với việc tăng khả năng miễn dịch và giảm căng thẳng kinh niên.
Thiền định mang lại khả năng chữa lành mạnh mẽ cho hệ miễn dịch
Một nghiên cứu về gen trên quy mô lớn đã cho thấy sự kích hoạt mạnh mẽ của hệ miễn dịch ở những người sau khi thực hiện một khóa thiền định nâng cao nội tâm.
Các nhà khoa học nhận thấy rằng đáp ứng của cơ thể đối với căng thẳng oxy hóa, thải độc và các con đường điều hòa chu kỳ tế bào đã giảm xuống sau khi thiền định.
Đáng chú ý, thiền định làm tăng biểu hiện 220 gen liên quan trực tiếp đến phản ứng miễn dịch, bao gồm 68 gen liên quan đến tín hiệu interferon. Không có sự thay đổi đáng kể nào ở các gen gây viêm. Tuy vậy, mạng lưới đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ dưới tác dụng của thiền định lại bị rối loạn đáng kể ở bệnh nhân đa xơ cứng và bệnh nhân mắc COVID-19 nghiêm trọng.
Cho dù bạn có chích bao nhiêu liều vaccine, hoặc dùng bao nhiêu thuốc kháng virus, đó chỉ là một giải pháp đơn lẻ để ngăn chặn virus hoặc như một hỗ trợ từ bên ngoài để tiêu diệt virus.
Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều có một hệ thống bẩm sinh mạnh mẽ do Thượng đế ban tặng, giúp chống lại tất cả các loại virus và các dị vật ngoại lai. Nếu chúng ta duy trì hợp lý và bảo vệ thích hợp, hệ miễn dịch tự nhiên sẽ hoạt động hiệu quả mọi lúc mọi nơi.
Khi chúng ta hiểu ngày càng rõ hơn về các cơ chế kỳ diệu của cơ thể giúp chống lại virus, chúng ta sẽ biết làm thế nào để củng cố hệ miễn dịch tự nhiên một cách tốt nhất.
Quan điểm được trình bày trong bài viết trên là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh các cuộc thảo luận chuyên môn và tranh luận thân thiện. Để gửi ý kiến, vui lòng làm theo các hướng dẫn và gửi thông qua biểu mẫu của chúng tôi tại đây.
Tiến sĩ Đổng Vũ Hồng (Yuhong Dong), bác sĩ y khoa và tiến sĩ về các bệnh truyền nhiễm, là Giám đốc Khoa học kiêm người đồng sáng lập của một công ty công nghệ sinh học Thụy Sĩ, đồng thời là cựu Chuyên gia Khoa học Y tế Cao cấp về Phát triển Thuốc Kháng Virus tại Novartis Pharma ở Thụy Sĩ.
Health 1+1 là nền tảng thông tin y tế và sức khỏe của Trung Quốc có uy tín nhất ở ngoại quốc. Thứ Ba đến thứ Bảy hàng tuần, từ 9 đến 10 giờ sáng theo giờ chuẩn miền Đông trên truyền hình và trực tuyến, chương trình gồm có những thông tin mới nhất về virus corona, phòng ngừa, điều trị, nghiên cứu khoa học và chính sách, cũng như bệnh ung thư, bệnh mãn tính, sức khỏe tình cảm và tinh thần, miễn dịch, bảo hiểm y tế, và các khía cạnh khác để cung cấp cho quý vị sự chăm sóc, trợ giúp đáng tin cậy và chu đáo.