Vì sao nguy cơ đau tim cao hơn trong mùa đông?
Một nghiên cứu lớn của Thụy Điển đã xác nhận các cơn đau tim xảy ra thường xuyên hơn vào mùa đông.
Công trình được công bố gần đây trên Tạp chí JAMA Cardiology, nghiên cứu trên 250.000 người cho thấy tỷ lệ đau tim tăng lên khi nhiệt độ không khí thấp hơn, áp suất không khí thấp hơn, vận tốc gió cao hơn và thời gian phơi nắng ngắn hơn.
Họ thấy mối liên hệ rõ rệt nhất với nhiệt độ không khí. Tăng 7,4 độ C (13,32 độ F) có liên quan đến việc giảm 2,8% nguy cơ đau tim.
Thời tiết lạnh tăng nguy cơ đau tim
Các bác sĩ từ lâu đã thừa nhận các cơn đau tim thường dễ xảy ra hơn khi thời tiết lạnh. Mọi sinh viên y khoa trong hơn 5 thập kỷ qua đều từng biết đến tranh minh họa cổ điển của họa sĩ y khoa Frank H Netter về một người đàn ông trung niên ôm ngực khi bước ra khỏi một tòa nhà ấm áp vào đêm đông lạnh giá.
Không phải tất cả các cơn đau tim đều là điển hình nhưng trong suy nghĩ của Netter và các cố vấn y tế của ông thời đó, không có gì điển hình hơn thế.
Bức tranh nổi tiếng của Frank Netter về một người đàn ông ôm chặt ngực trái cho thấy cách các tài liệu y học thời xưa liên kết các cơn đau tim với thời tiết lạnh.
Có nhiều tài liệu cho rằng tỷ lệ đau tim tăng ngay sau một thảm họa thiên nhiên lớn như động đất, núi lửa phun trào hoặc sóng thần. Thực sự sau các thiên tai vài tuần có vài trường hợp đau tim được ghi nhận.
Nhưng thiên tai tất nhiên là không thể đoán trước, vì vậy không thể chuẩn bị phòng ngừa như các hiện tượng tự nhiên theo mùa khác: đêm và ngày, mùa hè hoặc mùa đông, mùa ẩm ướt hoặc mùa khô. Đây là lý do tại sao nghiên cứu xác nhận các yếu tố rủi ro dự đoán được là rất quan trọng.
Dự đoán cơn đau tim
Lý do tại sao một người nào đó dễ bị đau tim thường rõ ràng. Có các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, cholesterol (mỡ máu) bất thường, hút thuốc hoặc bệnh tiểu đường, cũng như các yếu tố môi trường và di truyền tiềm ẩn. Nhưng xác định thời điểm lên cơn đau tim cấp khó hiểu hơn.
Xơ vữa động mạch, quá trình bệnh cơ bản dẫn đến tắc nghẽn động mạch vành và nhồi máu cơ tim, phát triển trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên lý do vì sao cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch hoặc động mạch từ bao lâu nay không vấn đề gì và đột ngột gây nghẽn mạch máu nuôi tim thì chưa ai hiểu rõ. Nó có thể xảy ra trong khi ngủ, căng thẳng về cảm xúc và hoạt động thể chất quá mức – nhưng phổ biến hơn, nó xảy ra rất tự nhiên, khi không có yếu tố nào tác động.
Thậm chí có những người khác bị bệnh động mạch vành giai đoạn cuối mà chưa bao giờ bị nhồi máu cơ tim. Nếu chúng ta biết thêm về các yếu tố nguy cơ, chúng ta có thể giúp những người mắc bệnh mạch vành tránh được cơn đau tim cấp.
Và nếu chúng ta biết được những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người bệnh, chúng ta có thể điều chỉnh các nguồn lực khan hiếm trong hệ thống cấp cứu và y tế để sẵn sàng cho thời kỳ cao điểm bùng phát bệnh.
Tại sao mùa đông lại có nhiều rủi ro hơn?
Có mối liên hệ rõ ràng giữa cảm lạnh và chức năng của động mạch (các mạch máu cung cấp máu có oxy từ tim đến các bộ phận khác của cơ thể).
Điều này có thể được minh họa bằng một thao tác phổ biến trong phòng thí nghiệm sinh lý học được gọi là thử nghiệm áp suất lạnh. Mọi người được yêu cầu đặt cẳng tay của họ vào nước đá. Huyết áp tăng ngay lập tức vì các động mạch co lại, có lẽ để duy trì nhiệt độ cơ thể ở mức bình thường.
Kiến thức vật lý cơ bản dễ dàng giải thích khi mạch máu co lại, các chỗ bị hẹp sẽ dễ dàng bị tắc nghẽn. Ở một số người bị bệnh mạch vành, thử nghiệm áp suất lạnh là đủ để làm cho động mạch co lại và ngừng dòng chảy cho đến khi động mạch giãn trở lại.
Nhưng có những yếu tố khác khiến cơn đau tim vào mùa đông nhiều hơn mùa hè. Ở nhiều nơi, ô nhiễm không khí phổ biến hơn và có nhiều bằng chứng cho thấy một số hạt trong không khí có liên quan đến bệnh tim. Mùa đông cũng là mùa cúm, khiến những người vốn đã có nguy cơ mắc bệnh tim càng dễ bị tổn thương hơn.
Và cuộc sống của chúng ta vào mùa đông rất khác so với mùa hè. Tiến sĩ Gillian Deakin dành một năm ở Nam Cực đã chứng minh điều này. Trong mùa đông, trời luôn tối và thời tiết ngăn cản con người hoạt động ngoài trời; họ có xu hướng tăng cân và uống nhiều rượu hơn.
Nhóm nghiên cứu của cô đã không thể ra ngoài vào mùa đông vì thời tiết khắc nghiệt, nên tâm trạng của họ khá khó chịu. Không có gì ngạc nhiên khi sức khỏe tim mạch của họ trở nên xấu đi sau mùa đông. Huyết áp cao hơn và mô hình trao đổi chất trong máu của họ kém lành mạnh hơn. Điều này có thể được khắc phục bằng một chương trình tập thể dục có giám sát thường xuyên.
Vào mùa hè, hầu như ai cũng có một cảm giác chung là “cuồng chân”, đoàn thám hiểm tiến hành hầu hết các công việc trong thời gian này như chuyến đi bộ đường dài, phải mang theo nhiều hành lý cồng kềnh và các hoạt động đòi hỏi thể chất tốt. Nhiều ánh sáng hơn và thời tiết ôn hòa hơn cũng cho phép mọi người có nhiều thời gian hơn cho các hoạt động giải trí bên ngoài khi họ khám phá cảnh quan và động vật đặc trưng của Nam Cực.
Huyết áp và sự trao đổi chất của họ được cải thiện rõ rệt. Chương trình tập thể dục tương tự mà họ đã thực hiện trong mùa đông không cải thiện được nhiều hơn nữa vì họ đã ở trạng thái thể lực cao nhất hoặc gần đạt đỉnh.
Còn về nhiệt độ cao thì sao?
Đây là một ví dụ điển hình về những gì xảy ra với nhiều người trong chúng ta ở vùng khí hậu ôn đới qua các mùa và hầu hết các nghiên cứu nhỏ hơn đã báo cáo một mô hình tương tự như Thụy Điển. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột dường như cũng liên quan đến các cơn đau tim.
Ở Thụy Điển và Nam Cực, có mùa đông rất lạnh và mùa hè ấm hơn nhiều. Còn ở vùng nhiệt đới, có đặc điểm là khí hậu rất nóng. Một nghiên cứu ở Pakistan cũng cho thấy số người nhập viện vào các đơn vị chăm sóc mạch vành vào mùa đông là cao điểm nhất. Tuy nhiên, có một đỉnh điểm khác vào giữa mùa hè khi nhiệt độ cao nhất.
Vì vậy, hãy giữ ấm và thoải mái vào mùa đông — nhưng hãy ra ngoài và vận động một chút. Theo dõi các yếu tố nguy cơ của bạn và đến gặp bác sĩ thường xuyên để kiểm tra tim mạch.
Tác giả Garry Jennings là giáo sư y khoa tại Đại học Sydney ở Úc. Bài báo này được xuất bản lần đầu trên The Conversation.