Vì sao người trung niên dễ bị béo phì?
Bạn có biết rằng trung bình người trẻ Hoa Kỳ thường tăng thêm 30 pound (13.61kg) khi đến 50 tuổi, ngay cả khi hầu hết mọi người có xu hướng ăn ít hơn trong khoảng thời gian này?
Các nhà nghiên cứu từ lâu đã biết rằng việc giảm cân và duy trì tập luyện trở nên khó khăn hơn từ năm 30 đến 40 tuổi. Đây là thời điểm chúng ta bắt đầu bước vào độ tuổi trung niên, và việc rèn luyện cũng ít đem lại hiệu quả.
Nhà khoa học của Viện Y tế Quốc gia, tiến sĩ Jay H. Chung và cộng sự cho rằng họ đã xác định được những thay đổi sinh học giải thích cho tình trạng trên. Trong các nghiên cứu thí nghiệm trên động vật, họ phát hiện thấy một loại enzyme gọi là DNA-PK (protein kinase phụ thuộc DNA), có thể làm chậm quá trình chuyển hóa, khiến chất béo khó bị đốt cháy hơn.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện thấy enzyme DNA-PK trong các cơ của chuột và khỉ không hoạt động nhiều, và chỉ tăng lên đáng kể khi ở độ tuổi trung niên.
Như vậy, liệu việc ngăn chặn quá trình hoạt hóa enzyme có thể hỗ trợ đốt cháy chất béo hay không? Để tìm ra câu trả lời, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một loại thuốc ức chế hoạt động enzyme DNA-PK. Khi ăn nhiều chất béo, những con chuột thừa cân dùng thuốc đã không tăng cân nhiều như những con khác và được bảo vệ khỏi bệnh tiểu đường type 2. Thuốc ức chế hoạt động enzyme DNA-PK cũng làm tăng thể trạng của những con chuột béo phì có tuổi đời trung bình.
Tiến sĩ Chung nói: “Xã hội cho rằng việc tăng cân và ít tập thể dục ở tuổi trung niên (khoảng 30-60 tuổi) chủ yếu là do lối sống kém lành mạnh và thiếu quyết tâm. Tuy nhiên, nghiên cứu này chứng minh rằng hoạt động enzyme quá mức [cũng có thể] gây ra một chương trình di truyền làm tăng cân và suy giảm khả năng tập thể dục ở tuổi trung niên.”
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times