Trong việc giảm cân, cách tư duy định hình cơ thể chúng ta
Chúng ta đều biết những thứ gì nên tránh: đường, chất béo bão hòa, lối sống ít vận động, và những yếu tố khác đã được tuyên truyền là những yếu tố góp phần vào bệnh béo phì. Vậy tại sao chúng ta vẫn tiếp tục béo lên? Theo biên tập viên sức khoẻ Nancy L. Bryan, đó là vì chúng ta đang bỏ qua phần gốc rễ của vấn đề: tư duy của chính mình.
Một trong những trớ trêu lớn nhất của thời hiện đại: Chúng ta đang là một nền văn hoá bị ám ảnh bởi việc giữ dáng, và chúng ta lại béo hơn chúng ta hồi xưa. Từ những năm 1980, tỷ lệ người trưởng thành béo phì đã tăng gấp đôi, và tỷ lệ trẻ em béo phì tăng lên gấp ba.
Sự ảnh hưởng của tư duy lên cơ thể là một chủ đề đã hấp dẫn bà Bryan nhiều thập kỷ qua. Cuốn sách “Mảnh mai là một trạng thái của tâm trí: Hướng dẫn cách giảm cân không căng thẳng” của bà đã được xuất bản lần đầu vào năm 1980. Bà nói ý tưởng của bà hồi đó được coi là mốt, nhưng chúng đã mai một đi đáng kể.
Trải qua 40 năm, nhiều quan sát của bà đã được nghiên cứu xác nhận.
“Bây giờ nó là những ý tưởng chính thống,” bà Bryan nói.
Tựa đề sách của bà Bryan không có nghĩa là bạn chỉ ngồi mơ ước bản thân gầy đi. Thay vào đó, bà chỉ ra bằng chứng rằng những suy nghĩ của chúng ta thật sự định hình được cơ thể.
Ví dụ, sự căng thẳng và lo lắng có thể kích thích các chất thúc đẩy chất béo như cortisol gia tăng. Hormone căng thẳng này cũng được gọi là hormone béo bụng bởi vì vùng bụng của chúng ta thường to lên với sự gia tăng mãn tính của cortisol.
Các nhà khoa học không biết chắc tại sao việc này xảy ra. Một giả thuyết được đặt ra là khi tổ tiên của chúng ta trải qua cơn căng thẳng dài, có nghĩa là sự sống của họ đã gặp nguy hiểm, vì vậy cơ thể của họ phản ứng bằng cách tạo ra một phần mỡ bụng thêm để bảo vệ những cơ quan quan trọng.
“Mặc dù về nhiều phương diện, cuộc sống ngày nay dễ dàng hơn so với cuộc sống trước đây, nhưng chúng ta vẫn đối mặt với nhiều thứ làm ta phát điên, và ít kiên nhẫn hơn khi giải quyết chúng.”
Phản ứng của sự căng thẳng liên quan đến sự sinh tồn hoặc kích hoạt trạng thái chiến đấu hay bỏ chạy, một phản ứng cực độ dành cho những tình huống khẩn cấp. Nhưng ngày nay, nó có vẻ như không bao giờ dừng lại. Mặc dù về nhiều phương diện, cuộc sống này dễ dàng hơn so với cuộc sống trước đây, nhưng chúng ta vẫn đối mặt với nhiều thứ làm ta phát điên, và ít kiên nhẫn hơn khi giải quyết chúng. Nợ nần, giao thông, chính trị phân cực, vô số điều phiền phức, và những tin tức chi tiết về các cuộc khủng hoảng mới nhất từ các bản tin 24 giờ có thể gây khó chịu, kích thích chúng ta sản xuất cortisol tăng đều đặn trong suốt cả ngày.
Sự bất mãn với cơ thể chúng ta được thêm vào bối cảnh căng thẳng hiện đại này. Thật khó chịu khi bị béo, đặc biệt là trong một nền văn hoá chú trọng về hình ảnh cho rằng mũm mĩm là một cái tội. Chúng ta có thể tự nhủ rằng ngoại hình không quan trọng, nguyền rủa những tiêu chuẩn vẻ đẹp phi thực tế, hoặc ngụy trang bản thân dưới bộ quần áo tối màu và rộng thùng thình, nhưng chúng ta không bao giờ có thể thoát khỏi sự phán xét, đặc biệt là của chính mình.
Tư duy căng thẳng và sợ hãi này xuất hiện khi chúng ta quyết định giảm cân bằng phương pháp tự trừng phạt: Buộc bản thân phải tập những bài tập hằng ngày thái quá, hạn chế khẩu phần ăn tới một lượng khổ sở, và cảm thấy vô dụng khi không thể tuân thủ theo những phác đồ nghiêm khắc này. Mỗi lần thất vọng lại tạo thêm lượng cortisol khác.
“Chúng ta đã thiết lập hoàn toàn trạng thái tâm trí sai lầm,” Bryan nói. “Chúng ta nỗ lực để thất bại.”
Tư duy phản ứng
Ăn quá nhiều và ít tập thể dục là những yếu tố quan trọng trong việc tăng cân, nhưng Bryan cho rằng chúng là triệu chứng thay vì nguyên nhân.
Lấy ví dụ, khi phản ứng của sự căng thẳng kích hoạt, tình trạng viêm tăng lên, dẫn đến các cơ bắp và khớp nối bị đau. Nếu đau đớn khi di chuyển, bạn sẽ có ít hoặc có thể là không còn động lực để tập thể dục.
Sự căng thẳng cũng gợi cho ta về việc tìm sự thoải mái, và đối với nhiều người thì nó là đồ ăn.
Bà Bryan nhớ lại một khuôn mẫu trong suốt cuộc đời bà là ăn quá nhiều mỗi khi cuộc sống gặp khó khăn. Đợt căng thẳng ăn uống gần nhất của bà bắt đầu bốn năm trước sau cái chết của chồng. Bà nhận thấy được rằng mình đang dần mập hơn, nhưng bà đã quá đau lòng để dừng lại.
“Rồi một ngày, tôi nhận ra rằng vào thời điểm đặc biệt này trong cuộc đời mình, tôi đang ăn để loại bỏ nỗi đau của mình,” bà nói. “Tôi đã sử dụng thức ăn như một chất gây mê.”
Theo bà Jacquie Lavin, trưởng bộ phận dinh dưỡng và nghiên cứu tại Slimming World, một tổ chức giảm cân tại Anh quốc, và cũng hoạt động tại Hoa Kỳ, kiểm tra nguyên nhân cảm xúc đằng sau vấn đề tại sao ham mê những thứ không nên là một điều cần thiết để chúng ta vượt qua những thôi thúc không lành mạnh này.
“Không cần khám phá các yếu tố kích thích cảm xúc khiến chúng ta béo lên, chiến lược duy nhất mà chúng ta có là sức mạnh ý chí: Một tư duy dựa trên sự phủ nhận bản thân mà không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của sức mạnh.”
“Bạn phải bình tĩnh và suy nghĩ: Bạn cần điều gì hỗ trợ cho cuộc đời của mình? Bạn có thể làm gì để tăng sự tự tin của bản thân? Làm cách nào bạn có thể giải quyết căng thẳng và lo lắng? Bằng cách làm điều đó, bạn sẽ có thể cảm nhận được quá trình giảm cân trở nên dễ dàng hơn nhiều,” bà Lavin nói.
Không cần khám phá các yếu tố kích thích cảm xúc khiến chúng ta béo lên, chiến lược duy nhất mà chúng ta có là sức mạnh ý chí: Một tư duy dựa trên sự phủ nhận bản thân mà không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của sức mạnh. Một số người có thể chiến đấu bằng ý chí trong nhiều năm, nhưng nó không phải là giải pháp bền vững cho chặng đường dài. Rồi khi ý chí cuối cùng cũng dập tắt, và nó luôn luôn như thế, khi ấy cân nặng tất yếu sẽ quay trở lại.
Trong quá trình áp dụng một tư duy lành mạnh mới, bạn phải vượt qua được rào cản từ những tập quán cũ. Bà Lavin nhìn thấy hai rào chắn thường gặp trong những người đang vật lộn với cân nặng của họ: sự cầu toàn và nổi loạn.
Những người cầu toàn nhìn việc giảm cân như thể là một nỗ lực “được ăn cả ngã về không”, mà việc chỉ ăn một chiếc bánh quy được coi là một tai họa khủng khiếp. Bị đánh bại bởi một thất bại nhỏ này thôi là họ từ bỏ và trở lại với thói quen cũ.
Những người nổi loạn tìm mọi lý do để tránh né làm điều mà họ được dặn là phải làm. Thậm chí một bài tập thể dục và chế độ ăn uống được thiết lập có hiệu quả với những người khác, người nổi loạn chắc chắn sẽ phá hỏng nó. Bởi vì họ không tự tin vào khả năng tuân thủ quy định của mình, họ thường xuyên phá hoại tiến độ của mình.
Bà Lavin nói, để xoa dịu người cầu toàn, chúng ta cần phải nhẹ nhàng và quan tâm. Thay vì phục tùng bản thân trước những lời chỉ trích gay gắt bên trong, chúng ta nên đối xử với bản thân như một người bạn tốt.
“Trong quá trình áp dụng một tư duy lành mạnh mới, bạn phải vượt qua được sức cản từ những tập quán cũ.”
“Bởi vì bạn sẽ không bao giờ làm bạn của mình suy sụp cả, đúng không?” bà nói. “Nếu bạn phát hiện bạn mình đang ăn bánh donut, bạn sẽ hỗ trợ và trấn an bạn ấy. Bạn sẽ nói, ‘Cậu đã lệch nhịp một tí, nhưng mà cậu sẽ trở lại tiến trình vào ngày mai thôi.’ Hãy cứ tự nhủ với bản thân điều đó.”
Để chế ngự những người nổi loạn, bà Lavin khuyến nghị rằng mọi người nên thấu hiểu những yếu tố cá nhân của chính họ và phát triển kế hoạch riêng để vượt qua nó.
“Khi con người tự mình quyết định sẽ làm hành động nào, nó làm họ cảm thấy có khả năng hoàn thành hơn, vì đó là của riêng họ,” bà nói.
Hãy cho nó thời gian
Liệu cách tiếp cận quan tâm này có mang lại cho bạn cơ thể như mơ ước vào mùa hè? Có lẽ là không, đặc biệt nếu bạn đã chịu đựng nhiều năm tự chê trách và có thói quen sử dụng thực phẩm như nguồn an ủi chính của mình. Những thay đổi trong cơ thể và tư duy sẽ cần tốn thời gian.
Nhưng thời gian là một thứ xa xỉ mà nhiều người trong chúng ta cảm thấy mình không thể mua được. Những người phải vật lộn với cân nặng thường bận rộn chăm sóc người khác và tin rằng họ không có thời gian cũng như năng lượng để trả lại cho bản thân.
Tuy nhiên, bà Lavin phát biểu rằng nếu chúng ta đầu tư một chút thời gian cho bản thân, nó có thể giúp ta cảm thấy kiểm soát được cuộc sống của mình nhiều hơn.
“Mặc dù có thể giảm cân trong khoảng thời gian ngắn, nhưng các chuyên gia cho biết rằng những người giảm cân chậm rãi thì có khả năng giữ vóc dáng trong thời gian dài.”
“Nếu bạn đang ăn kiêng lành mạnh, ngủ tốt hơn, và giảm được cân, tất cả những điều này sẽ giúp bạn giảm sự căng thẳng và giúp bạn thoát khỏi vòng luẩn quẩn này,” bà Lavin nói.
Mặc dù có thể giảm cân trong khoảng thời gian ngắn, nhưng các chuyên gia cho biết rằng những người giảm cân chậm rãi thì có khả năng giữ vóc dáng trong thời gian dài. Nếu chúng ta áp dụng thêm được một thói quen hợp lý, và học cách đứng lên từ những thất bại, chúng ta có thể tạo ra một phong cách sống lâu dài.
Bà Bryan khuyên mọi người nên học thiền định để hỗ trợ quá trình này vì nó có thể xoa dịu tư duy phản ứng và giúp ta kết nối với con người thật của mình.
Thiền định cũng thúc đẩy cách suy nghĩ bao quát. Khi chúng ta cảm nhận cân nặng của mình bị căng thẳng kích thích, chúng ta có thể tha thứ cho bản thân hơn. Nó cho phép chúng ta có thêm không gian để hình thành một tư duy mới.