Trí tuệ của vô vi

Vô vi khiến cuộc sống và bản thân chúng ta thăng hoa

Những người thường xuyên bận rộn rất khó hình dung một cuộc sống chậm rãi là như thế nào.

Cuộc sống vốn luôn cần sự cố gắng và nỗ lực để mọi thứ được diễn ra suôn sẻ. Chúng ta luôn đẩy bản thân về phía trước để bắt kịp, để vượt qua quán tính và cố gắng để đứng đầu mọi thứ. Vậy thì một phương thức sống được gọi là “vô vi” có vẻ như hơi có chút vô nghĩa.

Nhưng nếu đây là bạn, thì bạn hãy để ý xem bạn đã bị căng thẳng như thế nào trong hầu hết thời gian trong ngày. Xương hàm của bạn có thể bị đau do răng phải nghiến chặt, phần thân trên của bạn có thể bị căng cứng hoặc có lẽ bạn đang mệt mỏi vì quá nhiều hoạt động trong ngày. Mọi thứ có vẻ giống như đang trong một cuộc chiến.

Sẽ như thế nào nếu cuộc sống của bạn chậm rãi hơn, nếu bạn cảm thấy tinh thần thoải mái hơn và tin tưởng hơn vào cách mà mọi thứ sẽ diễn ra?

Hãy cùng tôi khám phá điều này và xem chuyện gì có thể xảy ra.

Để bắt đầu, hãy để tôi nói cho bạn biết rằng: Bài viết này không dành cho ai cả, không dành cho những người vẫn còn mong muốn sử dụng thêm dù chỉ là một chút nỗ lực. Nếu bạn thấy tinh thần thư thái và thoải mái trong cuộc sống nhưng lại cảm thấy không thể đảm nhận được những việc khó khăn theo yêu cầu, thì đây không phải là phương thức mà bạn cần. Nếu bạn thấy cần phải nỗ lực hơn dù chỉ là một chút vào mọi việc thì bạn sẽ cần đến một phương thức tiếp cận khác. Tìm ra được phương thức tiếp cận phù hợp với bạn chính là khi bạn có được một “nỗ lực đúng đắn” – không quá nhiều và cũng không quá ít.

Vô vi nghĩa là gì?

Thật khó có thể diễn tả được một cách cụ thể về thế nào là vô vi bởi vì đó không phải là một trạng thái vật chất. Điều đó giống như cố gắng mô tả về sự vô hình – định nghĩa về nó cũng giống như là về những gì không có ở đó.

Vì vậy, hãy lấy một vài ví dụ về việc vô vi để xem vô vi có thể là như thế nào…

Thiền định

Thiền nỗ lực là dồn nhiều năng lượng để giữ sự tập trung của bạn vào một điểm, nhưng bạn sẽ cảm thấy thất vọng với bản thân khi tâm trí bạn lang thang khỏi điểm đó và đổ mồ hôi hột khi bạn cố gắng thực hiện theo đúng yêu cầu.

Thiền vô vi là ngồi một cách thư thái, chú ý đến những gì đang xảy ra trong thời điểm hiện tại, để ý xem khi nào sự chú ý của bạn lang thang đến những ý nghĩ, để ý về những ý nghĩ đó trong giây lát với sự tò mò như nhìn một đám mây trôi qua, nhưng sau đó sẽ dễ dàng quay trở lại khoảnh khắc hiện tại. Đó không phải là nỗ lực bằng không, nhưng việc thực hành theo phương thức này sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Viết

Vô vi là bỏ công việc lại để đi dạo và để ý xem trong lúc đi dạo thì ý tưởng gì về bài viết đã nảy sinh và hãy tin tưởng vào điều đó. Sau đó, ngồi trong một không gian yên tĩnh, không bị phân tâm và để cho dòng chảy của chủ đề đó hiện ra qua ngòi bút của bạn.

Đôi khi có thể sẽ không có ý tưởng gì xuất hiện, vậy thì bạn nên ngồi yên một lúc và hít thở một cách thoải mái cho đến khi điều gì đó đến. Sau đó, bạn sẽ để điều đó chạy ra từ đầu ngón tay của bạn. Đó không phải là nỗ lực bằng không, nhưng đó là một phương thức giúp bạn không phải quá căng thẳng với sự nỗ lực.

Dự án

Bạn mời người khác cùng làm việc trong dự án, thiết lập cơ cấu dự án và sau đó sẽ cùng nhau thảo luận. Việc thực hiện dự án có thể giống như chơi một trò chơi. Sau đó, bạn sẽ lập ra danh mục các việc cần làm trong thời gian giữa các cuộc họp và tiếp đến cuộc họp khác trong tương lai gần. Mỗi bước đi trên con đường thực hiện dự án, bạn có thể vừa làm vừa sáng tạo.

Bạn đưa ra quyết định dễ dàng bằng cách lựa chọn từ trái tim và tin tưởng vào bản thân. Dự án được bắt đầu và phát triển như một khu vườn được chăm sóc một cách hứng khởi.

Đây không phải là những định nghĩa chính xác về phương thức vô vi. Đây chỉ là những ví dụ để chúng ta tham khảo về cách nó có thể trông như thế nào. Thực ra, nó trông như thế nào sẽ được thể hiện rõ khi bạn thực hành, thậm chí bao gồm cả một chút nỗ lực nữa.

Thấy được trí tuệ trong vô vi

Vô vi không chỉ là làm cho mọi việc trở nên dễ dàng hơn cho chính bạn – mà còn là một lợi ích to lớn cho bạn nữa. Mọi thứ trở nên ít khó khăn hơn, và còn hơn thế nữa.

Một cái gì đó khác sẽ xuất hiện khi bạn thư giãn trong trạng thái vô vi. Không chỉ là một loại kết quả khác, mà còn là một loại trí tuệ khác.

Trong ví dụ về thiền định được nêu ở phần trên, trong mô hình nỗ lực đầu tiên, bạn thực sự có thể trở nên tốt hơn nhiều khi tập trung vào một điểm. Nhưng trong mô hình thứ hai với phương thức vô vi thì bạn lại tiếp cận được phần đáng tin cậy của bản thân, phần này liên quan đến thế giới theo một cách khác. Điều này đã giúp bạn nhìn thấy vẻ đẹp của thế giới đúng như bản chất của nó và hiểu mình là một phần của điều kỳ diệu đang sống, đang thở đó.

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta bắt đầu vun đắp mối quan hệ như vậy với cuộc sống, bằng cách thư giãn một chút, ít thúc đẩy hơn và lấy lại vị trí của mình trong dòng chảy cuộc đời?

Cách thực hành vô vi

Nếu bạn tò mò về cách tiếp cận này hoặc nhìn thấy tiềm năng cho chính mình thì bạn có thể tự hỏi làm thế nào để thực hiện được điều này.

Bước đầu tiên là phải để ý khi bạn bắt đầu nỗ lực. Điều này không nhất thiết là sai, nhưng bạn có thể nhận thấy mình đang bị đau bụng, quai hàm siết chặt, lông mày nhíu lại hoặc căng thẳng nói chung. Nỗi sợ hãi nào đang thúc đẩy những hiện tượng này xảy ra? Có phải bạn đang chịu đựng sự sợ hãi ?

Tiếp theo, bạn nên tạm dừng, hít thở một lúc và thả lỏng cơ thể. Hãy để bản thân cởi mở với bất cứ điều gì đang có trong hiện tại: cảm xúc, nỗi sợ hãi, suy nghĩ của bạn hoặc mong muốn hoàn thành công việc này.

Sau đó, hãy xem những gì sẽ xuất hiện khi bạn không nỗ lực gì cả (vô vi). Khi bạn thư giãn, hít thở sâu và tin tưởng rằng điều gì đó sẽ xuất hiện thì những thay đổi nào xuất hiện? Thông thường, đó sẽ là một ý tưởng hoặc một đường đi nước bước rõ ràng nào đó cho định hướng mà bạn muốn thực hiện.

Ban nên tin vào điều đó. Hãy để điều đó được khơi mở. Bạn sẽ hành động theo hướng dẫn đó nhưng hãy để những hành động đó được thực hiện xuất phát từ một tư tưởng thoải mái và tận tâm.

Bạn nên thực hành việc đó. Và đó là thực hành phương thức vô vi – chỉ đơn giản là thư giãn và để bản thân bạn trôi vào vô vi hết lần này đến lần khác.

Khánh Nam biên dịch.

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Leo Babauta
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Anh Leo Babauta là tác giả của 6 cuốn sách; là tác giả của blog Zen Habits với hơn 2 triệu người đăng ký, và cũng là chuyên gia của một số chương trình trực tuyến giúp bạn làm chủ thói quen của mình. Truy cập ZenHabits.net.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn