Trẻ em có đang bị ngộ độc hóa chất không?
Việc gia tăng tiếp xúc với các chất độc hại do lạm dụng quá nhiều các phương pháp không hiệu quả như khẩu trang, sử dụng thường xuyên nước rửa tay, bình xịt khử trùng và lấy mẫu xét nghiệm thường xuyên trong suốt đại dịch sẽ gây ra tác động tạm thời và lâu dài đến sức khỏe của trẻ em và các thế hệ tương lai.
Hơn nữa, việc phong tỏa không hiệu quả đã làm tăng số lượng trẻ em sống dựa vào các gói ngân hàng thực phẩm không thể đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày cho quá trình tăng trưởng và phát triển, cũng như đe dọa trầm trọng đến sức khỏe.
Rối loạn điều hòa chung của hệ miễn dịch có thể xảy ra với các hậu quả khác nhau, từ rối loạn tự miễn dịch đến ung thư. Đối tượng có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất là trẻ em nghèo, suy giảm miễn dịch và tàn tật. Để ngăn chặn bất kỳ thiệt hại nào tiếp theo, các phương pháp [phòng ngừa] nên được dừng lại, đồng thời cần phân tích khẩn cấp về tình trạng ngộ độc và các cách để sửa chữa hệ miễn dịch.
Hóa chất độc hại là một nguy cơ đối với sức khỏe trong tương lai
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết ngộ độc là một trong năm nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong tổng số các thương tích vô ý ở trẻ em. Các cuộc điều tra từ Trung Quốc cho thấy ngộ độc là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em Trung Quốc, đứng thứ 3 trong số các nguyên nhân gây tử vong do tai nạn.
Hàng trăm hóa chất mới được sử dụng và thải ra môi trường mỗi năm nhưng chưa được kiểm chứng về khả năng gây độc hại đối với trẻ em. Trong 50 năm qua, hơn 100,000 hợp chất hóa học hữu cơ tổng hợp đã được thải ra. Đối với phần lớn các hóa chất được sử dụng hàng ngày trong gia đình và thương mại này, hiện mới chỉ có một số hiểu biết hạn chế về cách chúng sẽ hoạt động như thế nào khi được thải vào không khí, nước và đất.
Kết quả là một hỗn hợp các chất độc hại toàn cầu như protein clo hóa, brom hóa và flo hóa cùng với bạc, nhôm, asen, thủy ngân và chì được tìm thấy trong các mẫu máu người và động vật. Các hợp chất tổng hợp giống hormone gây rối loạn nội tiết như PFAS (Per và Polyfluoroalkyl) và PCB (Plychlorobifenyl) đang gây ra thiệt hại nặng nề cho con người và động vật hoang dã, đồng thời can thiệp tới phản ứng hóa học tự nhiên của sinh vật như được mô tả trong cuốn sách “Our Stolen Future: Are We Threatening Our Fertility, Intelligence and Survival? – Tương lai bị đánh cắp: Phải chăng chúng ta đang bị đe dọa đến khả năng sinh sản, trí tuệ và sự sống?” của Colborn và cộng sự. Bên cạnh đó, một số loại thuốc trừ sâu dường như ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, quá trình lão hóa và chức năng sinh sản.
Việc trẻ em tiếp xúc với các hóa chất độc hại có trong môi trường đã góp phần gia tăng tình trạng tàn tật mãn tính và đôi khi đe dọa tính mạng như bệnh ung thư, rối loạn phát triển thần kinh, hành vi và chuyển hóa chất béo. Các căn bệnh về cơ bản gia tăng ở các nước Tây phương và không thể giải thích được bằng các xu hướng trong lối sống, cách ăn uống và hành vi.
Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy ngay cả tiếp xúc với một lượng ít các chất độc hại trong quá trình phát triển của thai nhi và trẻ em cũng có thể gây ra các tác động lâu dài vĩnh viễn. Những trường hợp dễ bị nhiễm độc là bào thai đang phát triển trong ba tháng cuối của thai kỳ khi não bộ đang phát triển nhanh nhất và trong vài năm đầu đời khi hệ miễn dịch chưa ổn định.
Hai năm qua, những mối nguy hiểm sinh học đã gia tăng với hàng núi chất thải dư thừa, trang bị bảo hộ cá nhân không cần thiết chiếm gần một nửa khối lượng chất thải. Khoảng 1/3 thiết bị bảo vệ cá nhân không thể được đóng gói hoặc cất giữ an toàn do có quá ít túi cho chất nguy hiểm sinh học. Trên toàn thế giới, hàng tỷ euro đã được chi cho nguồn khẩu trang bị lỗi và các trang thiết bị bảo hộ cá nhân khác hầu hết có nguồn gốc từ các công ty Trung Quốc không tồn tại trước đại dịch. Mặc dù WHO đã ban hành tình trạng khẩn cấp về nguy cơ ô nhiễm không khí dẫn đến hệ miễn dịch kém, nhiều bệnh truyền nhiễm và các bệnh mãn tính không lây nhiễm (bệnh tim, tiểu đường, béo phì) hơn, nhưng vẫn không có đánh giá giữa lợi ích và rủi ro của các phương pháp phòng bệnh trong đại dịch đang hủy hoại cuộc sống của hàng triệu người.
Phụ nữ mang thai, trẻ em và thanh thiếu niên là những đối tượng dễ bị nhiễm độc hơn
Viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NAS) đã ước tính rằng sự phơi nhiễm chất độc trong môi trường góp phần gây ra 28% các rối loạn hành vi thần kinh ở trẻ em.
Báo cáo của NAS và nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng “thời gian [phơi nhiễm] trong quá trình phát triển ban đầu tạo ra chất độc.”
Ngưỡng nồng độ thấp nhất có thể tạo ra tác dụng có hại, là khác nhau đối với mỗi hóa chất và tùy thuộc vào từng người (độ nhạy cảm). Thời gian tiếp xúc với hóa chất càng lâu thì càng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi hóa chất đó. Tiếp xúc với hóa chất liên tục trong một thời gian dài, thường đặc biệt nguy hiểm vì một số hóa chất có thể tích tụ trong cơ thể hoặc gây tổn thương không phục hồi.
Cơ thể có một số hệ thống, trong đó quan trọng nhất là gan, thận và phổi có chức năng chuyển đổi các chất hóa học thành dạng ít độc hơn và loại bỏ chúng. Những chỗ trên cơ thể mà các hóa chất tiếp xúc đầu tiên thông thường là da, mắt, mũi, họng và phổi. Khả năng chuyển hóa, giải độc và bài tiết các chất độc của trẻ em khác với người lớn. Trẻ em ít có khả năng chống lại các chất độc hóa học hơn vì chúng không có các enzym cần thiết để chuyển hóa và do đó dễ bị tổn thương hơn.
Hệ thống cơ thể đang phát triển của một đứa trẻ rất mỏng manh và không có khả năng sửa chữa những tổn thương do các chất độc hại từ môi trường. Ngay cả khi không có các triệu chứng lâm sàng, một độc tính cận lâm sàng có thể gây ra các bệnh về trí thông minh và thay đổi hành vi. Các cơ quan nội tạng bị ảnh hưởng chủ yếu là gan, thận, tim, hệ thần kinh (kể cả não) và hệ sinh sản.
Có một số chất một khi đã lắng đọng sẽ tồn tại mãi mãi trong cơ thể, ví dụ như sợi amiăng. Các hóa chất độc hại có thể gây tổn thương gen. Hầu hết các hóa chất gây ung thư cũng gây ra đột biến. Đối với một số kim loại hóa học, các biến đổi biểu sinh được coi là một cơ chế có thể tạo nên độc tính và khả năng biến đổi tế bào.Thật không may là hầu hết các hóa chất không hề được kiểm tra.
Hơn nữa, sự tương tác giữa các hóa chất có thể tạo ra bất kỳ tác dụng cộng gộp hoặc tiềm tàng nào vẫn chưa được biết đến. Năm 1997, một nhóm chuyên viên của Tòa Bạch Ốc về sức khỏe và an toàn của trẻ em được thành lập. Và vào năm 2002, Đạo luật Dược phẩm Tốt nhất cho Trẻ em đã trở thành luật, trong đó yêu cầu các loại thuốc được dán nhãn dành cho trẻ em phải được thông qua các nghiên cứu khoa học để đánh giá lợi ích rủi ro và đặc biệt là kiểm tra cụ thể tính mẫn cảm với trẻ em. Mặc dù đã có các quy định về cách tiếp cận các phương pháp phòng ngừa sử dụng hóa chất độc hại nhưng họ [nhóm chuyên viên của Tòa Bạch Ốc] vẫn chưa đạt được mục đích.
Làm thế nào các phương pháp ngừa Covid lại gây ra rủi ro cho sức khỏe tương lai của trẻ em
Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ mắc bệnh Covid-19 nghiêm trọng rất thấp. Các nghiên cứu tập thể cho thấy phản ứng miễn dịch của người lớn và trẻ em đối với nhiễm SARS-CoV-2 nhẹ là tương tự nhau nhưng khác nhau sau khi tiến triển thành bệnh nặng ARDS – Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ở người lớn) và MIS-C – Hội chứng viêm đa hệ thống (ở trẻ em). Hai hội chứng này có sự khác biệt đặc trưng về phản ứng miễn dịch và tình trạng viêm.
Tuy nhiên, các tình trạng bệnh lý tồn tại từ trước đều góp phần làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh Covid-19 ở trẻ em và người lớn. Một số nghiên cứu đã chứng minh mối liên quan giữa thành phần hệ vi sinh vật đường ruột, mức độ cytokine và dấu hiệu viêm, chemokine và chỉ số phản ánh tổn thương mô trong máu ở bệnh nhân Covid-19 và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Kết quả cho thấy sự suy giảm hệ vi sinh vật đường ruột có khả năng điều hòa miễn dịch [ở những bệnh nhân mắc COVID-19 nghiêm trọng]. Có thể là do rối loạn vi sinh vật sau khi điều trị bệnh đã góp phần gây ra các triệu chứng dai dẳng trong hội chứng Covid kéo dài.
Không có bằng chứng nào cho thấy các phương pháp trong thời kỳ đại dịch đối với trẻ em và thanh thiếu niên khỏe mạnh giúp bảo vệ chống lại sự lây nhiễm hoặc lây truyền của virus. Trong khi các tác hại có thể xảy ra bởi sự kết hợp của các chất độc hại có thể có tác dụng hiệp đồng hoặc gây ra tác hại tiềm tàng đối với hiệu quả của hệ miễn dịch là mối quan tâm ngày càng tăng.
Chúng ta càng có thể hình dung rằng việc trẻ em tiếp xúc với hôn hợp các chất độc hại như titanium dioxide, graphene oxide, bạc, natri azide, etanol, metanol, sợi polypropylene trong thời gian dài hơn cùng với sự thay đổi nồng độ carbon dioxide có thể gây ra thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột và quá tải hệ thống giải độc tại gan, thận, phổi và tim.
Sự thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột của trẻ em và thanh thiếu niên khiến chúng phát triển MIS-C và các bệnh mãn tính khác. Các báo cáo ca lâm sàng về các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trong vòng vài phút khi đeo khẩu trang đã được công bố. Đáng chú ý, các chuyên gia của chính phủ, chính trị và tòa án vẫn đang tư vấn các giải pháp ủng hộ việc đeo khẩu trang, ngay cả khi khoa học đã công bố rõ ràng về sự không hiệu quả và không thể đảm bảo an toàn.
Gần đây, Viện nghiên cứu Sciensano của Bỉ đã tìm thấy khối lượng titanium dioxide ước tính trong 24 loại khẩu trang đơn lẻ và có thể tái sử dụng khác nhau dành cho công chúng nói chung vượt quá mức phơi nhiễm có thể chấp nhận được do hít phải khi đeo khẩu trang quá nhiều. Một phần của nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Nature. Tuy nhiên, Sciensano đã không thu hồi bất kỳ loại mặt nạ nào đã được thử nghiệm khỏi thị trường hoặc báo cáo cho công chúng về loại mặt nạ có hàm lượng titanium dioxide cao, trong khi tài liệu có ghi rằng không thể loại trừ nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hơn nữa, hiện vẫn chưa có những thông tin chắc chắn về độc tính di truyền của các hạt titanium dioxide. Ngoài ra, Sciensano cũng cho biết không loại trừ khả năng titanium dioxide có trong các loại khẩu trang khác chứa sợi tổng hợp như khẩu trang y tế ngay cả khi chúng đã được chứng nhận. Cho đến nay, vẫn còn thiếu thông tin chính về đánh giá rủi ro độc tính. Nhìn chung, dữ liệu khoa học về sự xuất hiện của các hạt (nano) trong khẩu trang: đặc tính, mức độ phơi nhiễm và rủi ro đối với dân số còn hạn chế, đặc biệt là các nhóm người dễ bị nhiễm bệnh, người già, phụ nữ mang thai và trẻ em. Hai năm qua, các nhóm này buộc phải đeo khẩu trang kín mít mà không có đánh giá lợi ích và rủi ro cụ thể.
Theo ECHA (Cơ quan Hóa chất Âu Châu), titanium dioxide có mặt trên thị trường EEA (khu vực kinh tế Âu Châu) ở dạng vật liệu nano được Liên minh Âu Châu chấp thuận và bị nghi ngờ có khả năng gây ung thư. Vào tháng 02/2022, chính phủ Bỉ đã công bố rằng titanium dioxide E171 sẽ không được phép tiêu thụ trong thực phẩm kể từ tháng 08/2022 trở đi. Sciensano cũng đang làm việc trong một dự án Agmask, mặc dù kết quả vẫn chưa được công bố rộng rãi. ECHA tuyên bố rằng sự hiện diện của bạc là rất độc đối với đời sống thủy sinh với những ảnh hưởng lâu dài.
Tại Đức, Hà Lan và Canada, hàng triệu chiếc khẩu trang đã bị thu hồi khỏi thị trường do chứa graphene-oxide được biết đến trong ECHA như một chất gây kích ứng mắt, kích ứng da và có thể cả đường hô hấp. Một bài tổng quan đã cho thấy độc tính cơ bản các hạt nano graphene, chẳng hạn như phá hủy thể chất, căng thẳng oxy hóa, tổn thương DNA, phản ứng viêm, chết tế bào theo chương trình, phân hủy và tái tạo tế bào (autophagy) và hoại tử.
Những nguy cơ tiềm ẩn dài hạn vẫn chưa được biết rõ. Thật không may, việc sử dụng chất diệt khuẩn thường xuyên không kiểm soát của các nhà sản xuất khẩu trang và các cuộc thử nghiệm đã làm gia tăng và thậm chí còn kéo dài thêm vấn đề kháng kháng sinh vốn đã tồn tại, như MRSA (Tụ cầu vàng đa kháng). Về vấn đề này, điều quan trọng là cần nhận ra rằng sự phát triển quá mức của vi khuẩn gây ra các vấn đề về da do đeo khẩu trang thường do Tụ cầu vàng. Ngoài ra, Đại học Florida đã tìm thấy 11 loại vi khuẩn gây bệnh có thể gây ra bệnh bạch hầu, viêm phổi và viêm màng não ở bên ngoài khẩu trang của trẻ em.
Mối liên quan giữa chất độc, hệ vi sinh vật đường ruột, sự viêm nhiễm và phản ứng vaccine
Ảnh hưởng của các chất ô nhiễm đến hệ vi sinh vật đường ruột, tính thẩm thấu của ruột và hệ miễn dịch, tăng viêm nhiễm ở phổi, ruột và toàn thân là không thể phủ nhận. Các điều kiện [môi trường] có thể làm gia tăng ảnh hưởng của quá trình viêm với những hậu quả toàn thân. Ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến các thay đổi biểu sinh, căng thẳng oxy hóa và gây mất hoặc dư thừa quá trình methyl hóa các gen, đặc biệt ở những gen liên quan đến các con đường viêm nhiễm.
Nhìn chung, dường như [vấn đề ô nhiễm] có thể gây ra một số bệnh tự miễn dịch do mất cân bằng các dòng tế bào T. Các cơ chế cơ bản và hậu quả lâu dài vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng; do đó, các tác động thậm chí có thể nghiêm trọng hơn mong đợi.
Trong một số trường hợp, tác dụng hiệp đồng có thể xảy ra giữa mầm bệnh và chất ô nhiễm dẫn đến thay đổi phản ứng miễn dịch. Hệ vi sinh vật hoạt động như một bộ điều hòa miễn dịch và tham gia vào phản ứng với chủng ngừa. Nhiều loại vi sinh vật khác nhau bị PFAS ức chế có liên quan đến phản ứng miễn dịch tốt hơn với chích ngừa và kéo dài tuổi thọ.
Tiếp xúc với PFAS có liên quan đến việc giảm đáp ứng miễn dịch dịch thể đối với vắc xin uốn ván, bạch hầu và rubella ở trẻ em và người lớn. Mặt khác, một nghiên cứu cắt ngang ở Trung Quốc cho thấy tác dụng bảo vệ của vaccine cúm đối với tác động của ô nhiễm không khí. Như đã biết trong nhiều thập kỷ, hiệu quả của vaccine phụ thuộc vào tính toàn vẹn của hệ miễn dịch. Con người phải đối mặt với các mối nguy hiểm trong suốt cuộc đời và ảnh hưởng của những sự phơi nhiễm này thường không được nhận ra cho đến nhiều thập kỷ sau.
Trên thực tế, các cá thể được thụ thai trong suốt Nạn đói ở Hà Lan vào cuối Thế chiến thứ hai đã được chứng minh là có sự thay đổi quá trình methyl hóa DNA tại một vị trí đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng vào 60 năm sau. Gần đây, một nghiên cứu dịch tễ học trên toàn bộ bộ gen về mức độ phơi nhiễm BPA (Bisphenol A) và methyl hóa DNA ở bé gái trước tuổi vị thành niên ở Ai Cập cho thấy rằng sự methyl hóa có xu hướng phụ thuộc vào phơi nhiễm.
Phơi nhiễm BPA trong quá trình phát triển có thể liên quan đến trọng lượng cơ thể cao hơn và tăng béo phì hoặc kiểu hình gầy hiếu động. Phải mất đến một thập kỷ từ lúc một nhóm các nhà khoa học Pháp thổi còi cảnh báo về mối liên quan có thể xảy ra giữa việc tiếp xúc với thuốc trừ sâu của công nhân nông trại với nhiều bệnh gây tử vong khác nhau như Parkinson và ung thư máu cho đến khi điều này được công nhận. Môi trường, hành vi, kinh tế xã hội và cách ăn uống góp phần vào sự hình thành nguy cơ khác nhau đối với bệnh tật trong cuộc sống sau này. Kết quả có thể phụ thuộc vào các giai đoạn dễ bị tổn thương (khoảng thời gian nhạy cảm quan trọng) của cuộc đời.
Ngăn ngừa sự phát triển tiềm ẩn của bệnh tật trong cuộc sống sau này
Các tín hiệu đủ rõ ràng để chúng ta bắt đầu đặt ra những nghi vấn và tìm kiếm sự thật. Một bài báo gần đây trên tờ Daily Mail ở Anh cho biết hội chứng Covid kéo dài có thể không thực sự gây ra sự mệt mỏi ở trẻ em, vì các triệu chứng này cũng phổ biến ở những thanh niên chưa bao giờ nhiễm virus. Các giáo viên nói rằng trẻ em tại Hoa Kỳ đang mất dần động lực và sự sáng tạo. Các vấn đề bao gồm trầm cảm, kém hiệu quả, mất kết nối và sợ hãi.
Một nghiên cứu tại Anh gần đây cho thấy ở học sinh giảm 23% khả năng học sớm, giảm khả năng tập trung và giao tiếp bằng lời và không lời. Một bài báo khác đã quan sát thấy một đại dịch não bộ: viêm thần kinh ở những người không bị nhiễm bệnh trong đại dịch Covid-19. Sự gia tăng tỷ lệ mệt mỏi, sương mù não, trầm cảm và các hành vi bệnh tật khác như các triệu chứng liên quan đến rối loạn điều hòa thần kinh miễn dịch. Nghiên cứu mới nhất đã chứng minh nguy cơ viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim tăng lên ở thanh thiếu niên sau khi chủng ngừa. Các tác giả khuyên nên đánh giá lợi ích – rủi ro của mỗi cá nhân trước khi chủng ngừa. Một nghiên cứu của Lancet đã báo cáo một hội chứng viêm đa hệ thống hiếm gặp ở trẻ được chủng ngừa.
Mặc dù vẫn chưa rõ điều gì sẽ là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm nhiễm và hoạt động quá mức của hệ miễn dịch, cũng như mệt mỏi, mất sức lực và hứng thú, nhưng không thể loại trừ tác dụng hiệp đồng hoặc ảnh hưởng tiềm tàng của nồng độ cao các chất độc hại khác nhau. Cần có một giai đoạn tư duy mới và trang bị lại quy trình đánh giá rủi ro của các phương pháp ngăn ngừa Covid để cân nhắc đến mức độ dễ bị tổn thương gia tăng của phụ nữ mang thai và trẻ em đối với các chất độc hại.
Chính phủ và các tổ chức khác đã phân tích sự hiện diện của các chất độc hại trong khẩu trang, xét nghiệm, găng tay và các thiết bị bảo hộ cá nhân khác, cần khẩn cấp công bố dữ liệu và phân tích sẵn có của họ để mở ra cuộc thảo luận về tác hại có thể xảy ra đối với trẻ em do các giải pháp chống đại dịch. Một bài báo mới đã chứng minh rõ ràng rằng đeo khẩu trang ở trường không ngăn chặn được sự lây truyền của virus. Mặc dù bằng chứng về việc che giấu công chúng và trẻ em vẫn còn nghèo nàn, nhưng đã được biết đến trong một thời gian. Cần chấm dứt ngay hành vi ngược đãi trẻ em bằng cách bắt trẻ em phải đeo khẩu trang từ hai tuổi trở lên để tránh làm giảm chất lượng cuộc sống, sức khỏe và mất khả năng lao động khi về già.
Hơn nữa, các nhóm trẻ em ở mọi lứa tuổi phải đeo khẩu trang trong thời gian dài, sử dụng quá nhiều chất khử trùng tay, xịt khử trùng và lấy mẫu xét nghiệm thường xuyên cần được phân tích về sự hiện diện của các chất độc hại hoặc chất chuyển hóa trong cơ thể.
Chúng ta cần một chương trình để giải độc và phục hồi hệ miễn dịch và một cuộc sống lành mạnh với đầy đủ dinh dưỡng. Đây là những gì cần thiết để trả lại một tương lai đã bị đánh cắp cho những người trẻ tuổi để sống một cuộc sống tự do, kết nối, sáng tạo và hòa hợp với thiên nhiên.
Bài viết trên được xuất bản lại từ Viện Brownstone.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là quan điểm của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.