Bản tin đặc biệt

Tranh chấp Hoa Kỳ-Mexico về độ an toàn của bắp biến đổi gene có thể làm thay đổi nền nông nghiệp Mỹ quốc

Mexico cho biết bắp biến đổi gene (GM) là một mối đe dọa đối với thức ăn thường ngày mang văn hóa độc đáo của nước này cùng các giống bắp bản địa — và rất có thể đối với cả sức khỏe của người dân nước này.

Nỗ lực của Mexico nhằm ngăn chặn bắp biến đổi gene tránh xa khỏi nước này đang gây ra tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ và Canada mà có thể ảnh hưởng đến tương lai của ngành nông nghiệp.

Cuộc tranh chấp thương mại này xoay quanh một câu hỏi quan trọng: liệu bắp biến đổi gene (GM) có gây ra mối đe dọa cho sức khỏe con người hay không.

Các đại diện thương mại của Hoa Kỳ cho rằng loại bắp này không gây ra mối đe dọa nào và muốn bắt buộc đưa bắp biến đổi gene vào Mexico. Do hạt giống biến đổi gene được sử dụng trong 90% cây trồng ở Hoa Kỳ, nên tranh chấp này có thể có tác động sâu rộng nếu Mexico giành chiến thắng. Ngoài lĩnh vực nông nghiệp của Hoa Kỳ, việc này có thể gây thiệt hại cho các công ty của Đức và Trung Quốc chuyên sản xuất và bán những hạt giống đó.

The Epoch Times đã liên lạc với Bayer, công ty đã mua lại đại công ty hạt giống Monsanto, và Syngenta thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, nhưng vẫn chưa nhận được phúc đáp.

Cuộc chiến về công nghệ sinh học

Bắp đã góp phần vào các cuộc chiến thương mại trước đây giữa Mexico và Hoa Kỳ, với việc các nhà sản xuất Mexico trước đây phản đối Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vì cho phép bắp của Mỹ vào mà không bị hạn chế. Trong hồi mới nhất [của cuộc chiến này], Mexico đã một ban hành nghị định tổng thống hồi tháng 02/2023 cấm bắp biến đổi gene trong bánh bắp và bột nhào, và báo hiệu ý định của nước này nhằm thay thế dần bắp biến đổi gene trong tất cả các loại thực phẩm dành cho con người và động vật.

Người Mexico tuần hành tại thành phố Mexico vào ngày 31/01/2008, trong một cuộc tuần hành của hàng trăm nhà sản xuất bắp phản đối NAFTA, hiệp định cấp quyền tự do nhập cảng bắp từ Hoa Kỳ kể từ ngày 01/01/2018. Bắp đã trở thành một điểm xung đột giữa Mexico và Hoa Kỳ. (Ảnh: Luis Acosta/AFP qua Getty Images)
Người Mexico tuần hành tại thành phố Mexico vào ngày 31/01/2008, trong một cuộc tuần hành của hàng trăm nhà sản xuất bắp phản đối NAFTA, hiệp định cấp quyền tự do nhập cảng bắp từ Hoa Kỳ kể từ ngày 01/01/2018. Bắp đã trở thành một điểm xung đột giữa Mexico và Hoa Kỳ. (Ảnh: Luis Acosta/AFP qua Getty Images)

Cả Hoa Kỳ lẫn Canada, quốc gia hội nhập sâu vào thương mại nông nghiệp của Hoa Kỳ và Mexico, đều phản đối lệnh cấm đó.

Trong 25 năm qua, Mexico đã cấm trồng bắp biến đổi gene nội trong biên giới nước này trong nỗ lực bảo vệ cả sức khỏe của người dân lẫn các giống bắp cổ xưa. Bắp là loại cây trồng chủ yếu được sử dụng trong 89% bữa ăn của người Mexico.

Hoa Kỳ phần lớn không màn đến những lo ngại về sức khỏe phát sinh từ cây trồng biến đổi gene và đã dành cả năm qua để chứng minh nghị định năm 2023 của Mexico vi phạm Thỏa thuận Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA).

Các hạn chế này, ban đầu dự kiến ​​sẽ có hiệu lực trong năm nay, đã gây ra sự bất đồng trong hội đồng thương mại USMCA sau khi Mexico và Hoa Kỳ không giải quyết được thông qua đàm phán.

Hoa Kỳ cho rằng không có bằng chứng khoa học nào cho thấy bắp biến đổi gene không an toàn khi ăn, còn Mexico thì bác bỏ tuyên bố này. Mexico cho biết Hoa Kỳ không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào về độ an toàn lâu dài của bắp biến đổi gene, đặc biệt khi tiêu thụ ở các mức lớn.

Tiêu thụ bắp ở Mexico cao hơn 10 lần, gây ra những lo ngại trong giới lãnh đạo y tế và chính phủ nước này về nghiên cứu liên kết cây trồng biến đổi gene với các vấn đề sức khỏe.

Xung đột tầm nhìn và tương lai của ngành nông nghiệp

Sự bất đồng về thương mại này làm nổi bật sự xung đột trong các giá trị và lợi ích về ý thức hệ. Mexico có những lo ngại về sức khỏe cộng đồng và bắp bản địa. Hoa Kỳ đặt mục tiêu bảo vệ nông dân Mỹ, an ninh lương thực, và tương lai của công nghệ sinh học nông nghiệp.

Bà Lucy Sharratt, điều phối viên của Mạng lưới Hành động Công nghệ sinh học Canada (Ảnh: Lucy Sharratt)
Bà Lucy Sharratt, điều phối viên của Mạng lưới Hành động Công nghệ sinh học Canada (Ảnh: Lucy Sharratt)

Cuối cùng, hội đồng USMCA gồm ba thành viên phải lục tìm trong các lập luận, khoa học, và các điểm tốt hơn về quyền hợp pháp của Người bản địa để đưa ra quyết định. Bà Lucy Sharratt, điều phối viên của Mạng lưới Hành động Công nghệ sinh học Canada, cho biết quyết định này có thể tạo ra những làn sóng chấn động về văn hóa và môi trường.

“Nếu hội đồng chú ý đến khoa học, họ cần đưa ra kết luận giống như chính phủ Mexico. Nếu họ bị ảnh hưởng bởi chính trị và quyền lực đằng sau công nghệ, thì họ sẽ khó nhìn ra được sự thật của khoa học,” bà nói với The Epoch Times. “Đây là một quyết định vô cùng quan trọng mà hội đồng từng phải đối mặt.”

Mạng lưới Hành động Công nghệ sinh học Canada, một nhóm nâng cao kiến thức về kỹ thuật di truyền thực phẩm, ban đầu được mời chia sẻ quan điểm của họ với tòa án thương mại, nhưng lời đề nghị đó đã bị hủy bỏ theo yêu cầu của chính phủ Hoa Kỳ và Canada.

Vụ kiện của Mexico

Mexico đã đệ trình một phúc đáp dài 200 trang cho khiếu nại vi phạm thương mại của Hoa Kỳ, điều mà nhiều nhà quan sát cho rằng đã hoàn thành trách nhiệm đưa ra lập luận của nước này. Phúc đáp đó đưa ra 66 bài báo trên các tạp chí được bình duyệt nêu ra những rủi ro sức khỏe liên quan đến bắp biến đổi gene bao gồm tăng tổn thương cho các cơ quan, ung thư, kháng kháng sinh, và giảm hàm lượng dinh dưỡng.

Nghị định của Mexico cũng bao gồm một lệnh cấm [thuốc diệt cỏ] glyphosate nguyên dự định có hiệu lực vào ngày 01/04, nhưng chính phủ nước này đã lùi ngày đó lại trong khi nghiên cứu các chất thay thế có sẵn với số lượng phù hợp.

Bắp biến đổi gene gắn chặt với glyphosate, thành phần chính trong [thuốc diệt cỏ có tên thương mại là] RoundUp và các chất diệt cỏ khác. Đó là bởi vì một trong những đặc điểm nổi bật nhất của bắp biến đổi gene là khả năng kháng glyphosate, thành phần chính trong RoundUp. Monsanto, công ty Đức sản xuất phần lớn bắp biến đổi gene được trồng ở Hoa Kỳ, gọi loại bắp này là “Roundup Ready.” Việc gia tăng sử dụng glyphosate diễn ra song song với việc gia tăng sử dụng hạt giống bắp biến đổi gene.

Tỷ lệ trồng bắp chịu thuốc diệt cỏ và sử dụng glyphosate
Tỷ lệ trồng bắp chịu thuốc diệt cỏ và sử dụng glyphosate

Ngoài ra, báo cáo của Mexico bao gồm 74 nghiên cứu và bài báo về rủi ro của glyphosate, cho thấy dư lượng mà nghiên cứu dẫn chứng được tìm thấy trên bắp biến đổi gene và lo ngại rằng lượng bắp mà người Mexico tiêu thụ sẽ tạo ra nhu cầu về một tiêu chuẩn an toàn khác. Nghị định của Mexico không phải là một lệnh cấm thương mại hoàn toàn nhưng tạo ra nhu cầu về các chất thay thế phù hợp cho cả bắp biến đổi gene và glyphosate.

Mặc dù ngôn ngữ còn mơ hồ, nhưng nghị định này yêu cầu các công ty nông nghiệp phải cung cấp dữ liệu cho các cơ quan Mexico về cách thiết lập, quảng bá, và khai triển những giải pháp thay thế cho glyphosate.

Vấn đề về glyphosate

Glyphosate đã trở thành một chủ đề nghiên cứu quan trọng, và các nghiên cứu hiện nay cho thấy loại thuốc này có một số hậu quả tiềm ẩn đối với sinh lý con người.

Một nghiên cứu vào năm 2014 được công bố trên Tạp chí Hệ thống Hữu cơ đã xem xét thông tin trong hai thập niên về tỷ lệ gia tăng của các bệnh kinh niên và mối liên hệ của các căn bệnh này với việc sử dụng glyphosate. Hệ số tương quan không chứng minh được mối quan hệ nguyên nhân-kết quả, nhưng một loạt biểu đồ về dữ liệu dịch tễ học của 22 căn bệnh cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ [của các căn bệnh] trùng khớp với việc gia tăng sử dụng glyphosate.

Nghiên cứu này đã tìm thấy hệ số tương quan rất đáng kể giữa việc sử dụng glyphosate và bệnh tăng huyết áp, đột quỵ, sự phổ biến và tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường, béo phì, Alzheimer, tự kỷ, bệnh đa xơ cứng, viêm ruột, một số loại ung thư, nhiễm trùng đường ruột, v.v. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng hệ số tương quan Pearson, cách thức để đo hệ số tương quan phổ biến nhất.

Ngoài ra, bắp và đậu nành hiệu Roundup Ready ở Hoa Kỳ cũng bị phát hiện là có mối liên quan rất đáng kể với nhiều bệnh tương tự. Các tác giả kết luận rằng những kết quả này chứng thực cho nghiên cứu bổ sung về các mối liên quan này.

Một nghiên cứu được thực hiện ở Mexico đã phát hiện glyphosate có trong nước tiểu của trẻ em và người lớn, cũng như bằng chứng về loại thuốc diệt cỏ này trong thực phẩm công nghiệp và thực phẩm bản địa.

Thuốc diệt cỏ hiệu Roundup (glyphosate) thường được phun trên cánh đồng trước khi gieo trồng để diệt cỏ dại. Với các loại hạt giống hiệu Roundup Ready, thuốc diệt cỏ này có thể được áp dụng cho giai đoạn cây còn non để tiêu diệt cỏ dại ăn mòn chất dinh dưỡng. (Ảnh: Jean-Francois Monier/AFP qua Getty Images)
Thuốc diệt cỏ hiệu Roundup (glyphosate) thường được phun trên cánh đồng trước khi gieo trồng để diệt cỏ dại. Với các loại hạt giống hiệu Roundup Ready, thuốc diệt cỏ này có thể được áp dụng cho giai đoạn cây còn non để tiêu diệt cỏ dại ăn mòn chất dinh dưỡng. (Ảnh: Jean-Francois Monier/AFP qua Getty Images)
Tỷ lệ mắc ung thư gan và ống mật trong gan
Tỷ lệ mắc ung thư gan và ống mật trong gan

Không hài lòng với khoa học

Mexico đã phản đối một số nghiên cứu mà Hoa Kỳ đã viện dẫn trong các cuộc đàm phán, bao gồm các nguồn chưa được bình duyệt, được nghiên cứu từ cả một thập niên trước, hoặc được tài trợ bởi các công ty công nghệ sinh học. Theo ông Timothy A. Wise, cố vấn cấp cao của Viện Chính sách Nông nghiệp và Thương mại (IATP), Mexico cũng nêu lên mối lo ngại về việc thiếu các nghiên cứu trong dài hạn về việc con người ăn bắp biến đổi gene.

Ông Timothy A. Wise, cố vấn cấp cao, Viện Chính sách Nông nghiệp và Thương mại (Ảnh: IATP)
Ông Timothy A. Wise, cố vấn cấp cao, Viện Chính sách Nông nghiệp và Thương mại (Ảnh: IATP)

“Chưa có ai thực hiện những nghiên cứu đó, và chính phủ Hoa Kỳ biết rằng chúng không tồn tại,” ông chia sẻ với The Epoch Times. “Và họ không muốn các nghiên cứu này tồn tại, bởi vì điều duy nhất sẽ xảy ra nếu chúng tồn tại đó là làm đảo lộn ngành công nghệ sinh học.”

Liên đoàn Cục Nông trang Hoa Kỳ cho biết tranh chấp này ảnh hưởng đến cuộc sống của cả hai đầu biên giới, đồng thời phủ nhận việc “các gia đình ở Mexico đang sử dụng thực phẩm an toàn và giá cả phải chăng.”

Hoa Kỳ đã từ chối một đề xướng thực hiện một nghiên cứu chung với Mexico về tác động sức khỏe của bắp biến đổi gene trong những nỗ lực ngay từ ban đầu để giải quyết bất đồng về giao thương.

Ông Fernando Bejarano, giám đốc điều hành của Mạng lưới Hành động chống Thuốc trừ sâu (Pesticide Action Network) ở Mexico, nói với The Epoch Times rằng việc từ chối đề xướng này khiến Mexico có lý do để nghi ngờ Hoa Kỳ sẽ công nhận những rủi ro tiềm ẩn do glyphosate và bắp biến đổi gene gây ra. Ông nói, Mexico đã quyết định đúng đắn khi cho rằng việc ngăn chặn các vấn đề liên quan đến glyphosate sẽ tốt hơn là chọn những rủi ro mà không thể chịu trách nhiệm. Điều này đối lập với chiến thuật của Hoa Kỳ, vốn dựa vào bằng chứng về tác hại sau khi sự việc đã xảy ra.

Một người bán hàng rong cân những chiếc bánh bắp truyền thống ở Mexico, vào ngày 18/06/2008. Sự phổ biến của bắp trong các bữa ăn ở Mexico khiến tỷ lệ tiếp xúc với bắp biến đổi gene và glyphosate tăng lên. (Ảnh: Ronaldo Schemidt/AFP qua Getty Images)
Một người bán hàng rong cân những chiếc bánh bắp truyền thống ở Mexico, vào ngày 18/06/2008. Sự phổ biến của bắp trong các bữa ăn ở Mexico khiến tỷ lệ tiếp xúc với bắp biến đổi gene và glyphosate tăng lên. (Ảnh: Ronaldo Schemidt/AFP qua Getty Images)

Hoa Kỳ phải đệ trình bằng chứng bác bỏ lên tòa án thương mại trước ngày 26/03. Hôm 02/04, phía Mexico của ban thư ký USCMA chia sẻ với The Epoch Times rằng họ chưa nhận được đơn bác bỏ nào của Hoa Kỳ và rằng “các bên đang trong quá trình xem xét lại thời gian,” mà thời gian này sẽ được công bố khi lịch trình mới được phê chuẩn. Dự kiến rằng quyết định cuối cùng về cuộc tranh chấp này sẽ được đưa ra trong tháng Mười Một năm nay.

Một số tổ chức phi chính phủ đã được yêu cầu trình bày quan điểm của họ trước hội đồng tòa án thương mại này. Một số đã được chấp thuận và đã bắt đầu công khai những tài liệu đó.

Một trong số các tổ chức đó là Trung tâm An toàn Thực phẩm (CFS), một tổ chức bất vụ lợi vì lợi ích của công chúng và vận động môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe con người. CFS đã nêu lên vấn đề về độ tin cậy của hệ thống quản lý này của Hoa Kỳ.

CFS cho biết Mexico không nên dựa vào những tuyên bố do Hoa Kỳ đưa ra rằng bắp biến đổi gene là an toàn vì không có sự giám sát nào trong hệ thống quản lý “giả tạo” của Hoa Kỳ vốn đầy “lỗ hổng” và “không nhất quán.” CFS đã chia sẻ báo cáo trực tuyến của họ hôm 24/03.

CFS đề cập đến chương trình tư vấn công nghệ sinh học thực vật của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, trong đó đặt trách nhiệm bảo đảm an toàn lên các tập đoàn sản xuất thực phẩm.

“Khi sự xem xét của chính phủ là tùy chọn; và ngay cả khi điều này được tiến hành, bắt đầu và kết thúc với sự cam kết an toàn của công ty được quản lý — vậy thì mục đích là gì?” ông Bill Freese, giám đốc khoa học của CFS và chuyên gia quản lý công nghệ sinh học, đặt nghi vấn trong một thông cáo báo chí. “Mục đích là để dập tắt những lo ngại và thúc đẩy sự chấp nhận sinh vật biến đổi gene (GMO), cả trong và ngoài nước, thay vì đánh giá nghiêm túc về độc tính hoặc khả năng gây dị ứng.”

Trận chiến khoa học

Cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn giữ vững lập luận rằng độ an toàn của GM đã được chứng minh, và những người ủng hộ hành động của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã chỉ trích Mexico vì không thực hiện đúng theo khoa học.

“Chúng ta phải tiếp tục sử dụng mọi lựa chọn có sẵn để ngăn chặn lệnh cấm bắp biến đổi gene gây thiệt hại kinh tế và phi khoa học này trở nên có hiệu lực,” Thượng nghị sĩ Deb Fischer (Cộng Hòa-Nebraska), thành viên Ủy ban Nông nghiệp Thượng viện, nói trong một tuyên bố. “Như tôi đã nói trước đây, không thể có bất kỳ sự thỏa hiệp nào với Mexico về vấn đề này.”

Thượng nghị sĩ Chuck Grassley (Cộng Hòa-Iowa) đã đăng tweet nói rằng lệnh cấm của Mexico là phi khoa học và nếu các chuyên gia cần bằng chứng cho thấy bắp biến đổi gene là an toàn, họ có thể xem ông như một trường hợp nghiên cứu vì ông đã ăn thực phẩm biến đổi gene trong 30 năm qua. Bài đăng được chia sẻ trên trang web của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR).

Ông Lin Warfel, nông dân (Ảnh: Lin Warfel)
Ông Lin Warfel, nông dân (Ảnh: Lin Warfel)

Ông Lin Warfel, một nông dân 83 tuổi đến từ Illinois, nói với The Epoch Times rằng ông đã sử dụng glyphosate trên cây trồng của mình kể từ khi loại thuốc này được tung ra thị trường vào năm 1996 và hoàn toàn khỏe mạnh — cũng như nhiều đồng nghiệp của ông. Ông nghi ngờ các vụ kiện về bệnh tật liên quan đến hóa chất này là có liên quan đến việc xử lý sai chất này.

“Bắp biến đổi gene là an toàn. Dù quý vị ăn 1 pound (khoảng 450g) hay 10 pound (khoảng 4.5kg) thì cũng không có gì khác biệt,” ông nói.

Ông Warfel mô tả hạt giống biến đổi gene là một điều may mắn đã cho phép ông tăng sản lượng, cung cấp lương thực cho nhiều người hơn, và giảm bớt việc sử dụng hóa chất.

Việc chỉnh sửa gene có liên quan đến việc chèn gene từ các sinh vật có đặc điểm mong muốn — chẳng hạn như khả năng chống chọi lại côn trùng, hạn hán, hoặc thuốc diệt cỏ — vào hạt giống để tạo ra những đặc điểm đó. Đơn cử, một loại vi khuẩn trong đất có tên Bacillus thuringienus (Bt) là một đặc điểm được biến đổi gene phổ biến vì vi khuẩn này tạo ra thuốc trừ sâu tự nhiên.

Theo FDA, cần giảm bớt sử dụng hóa chất hơn đối với bắp biến đổi gene, vốn là điều mà ông Warfel cho biết đã được chứng minh là đúng ở trang trại của ông.

Trong khi có một số cải tiến trên hạt giống nhằm giảm việc sử dụng thuốc diệt cỏ, thì một số cải tiến khác lại giúp cây trồng chịu được thuốc diệt cỏ thậm chí còn nhiều hơn. (Ảnh: maRRitch/Shutterstock)
Trong khi có một số cải tiến trên hạt giống nhằm giảm việc sử dụng thuốc diệt cỏ, thì một số cải tiến khác lại giúp cây trồng chịu được thuốc diệt cỏ thậm chí còn nhiều hơn. (Ảnh: maRRitch/Shutterstock)

Dư lượng độc hại đang gia tăng

Trong khi nghiên cứu khoa học xung quanh bắp bắp biến đổi gene đang được tranh luận và ảnh hưởng mà loại cây trồng này đến việc canh tác thực tế là rất khác nhau, một số chuyên gia cho rằng điều đó không nên thay đổi liệu Mexico có thể cấm các chất có hại xâm nhập vào đất nước của họ hay không.

“Mỗi quốc gia đều có quyền hạn về chủ quyền trong việc xác định công nghệ nào, loại GMO nào [sinh vật biến đổi gene] sẽ được phép tồn tại ở quốc gia của họ,” ông Chuck Benbrook, chuyên gia tư vấn về thực phẩm biến đổi gene và an toàn thực phẩm, nói với The Epoch Times. “Chính phủ Hoa Kỳ đã rất tích cực trong việc cố gắng đưa công nghệ này đến các nước trên thế giới.”

Bất luận là các giống bắp biến đổi gene mới, các nhà quan sát cho biết lượng chất độc hại đối với các trang trại đã tăng lên kể từ khi hạt giống biến đổi gene được đưa ra thị trường. Ông Benbrook cho biết còn rất nhiều điều chưa biết về công nghệ này.

Ông Chuck Benbrook, chuyên gia tư vấn về thực phẩm biến đổi gen và an toàn thực phẩm (Ảnh: Chuck Benbrook)
Ông Chuck Benbrook, chuyên gia tư vấn về thực phẩm biến đổi gene và an toàn thực phẩm (Ảnh: Chuck Benbrook)

Ông cho biết, thứ nhất, công nghệ đang phát triển dưới sự phê chuẩn ban đầu mà không có thử nghiệm an toàn nào được cập nhật. Nhiều đặc điểm đang được phát triển khi những đặc điểm cũ hơn được phát hiện là không còn hoạt động nữa. Ngoài ra, mức độ an toàn dựa trên mức độ tiếp xúc với chất độc thấp hơn nhiều so với mức mà ngay cả người Mỹ hiện đang tiếp xúc.

Ông Benbrook hy vọng cuộc tranh chấp này sẽ buộc chính phủ Hoa Kỳ cũng như các công ty công nghệ sinh học và thực phẩm phải tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Ông cho rằng vấn đề biến đổi gene nói chung không nhận được nhiều sự quan tâm trong 15 năm qua.

Ông Benbrook đã giúp viết báo cáo cho Friends of the Earth — một trong tám tổ chức phi chính phủ được mời gửi ý kiến đóng góp cho hội đồng thương mại.

Báo cáo kết luận rằng Hoa Kỳ chủ yếu đang yêu cầu Mexico tin tưởng vào các đánh giá an toàn được thực hiện từ 30 năm trước. Báo cáo viết: “Chính phủ Mexico vừa khôn ngoan vừa có cơ sở vững chắc khi từ chối cho phép người dân của mình tham gia vào cuộc thử nghiệm mà chính phủ Mỹ đang tìm cách áp đặt đối với Mexico.”

Báo cáo cũng lưu ý rằng lượng thuốc trừ sâu và chất độc trong việc sản xuất bắp đã tăng gần gấp 4 lần kể từ đầu những năm 1990. Tổng số lượng thuốc trừ sâu và hợp chất trừ sâu được sử dụng trên một mẫu Anh ở Hoa Kỳ là 2.6 vào năm 1990 và tăng lên 13.4 vào năm 2023, cho thấy sự phụ thuộc ngày càng tăng — và tiếp xúc của con người — với chất độc.

“Không có bằng chứng khoa học nào để chính phủ Hoa Kỳ có thể cho thấy rằng điều đó thậm chí gợi ý về mức độ tiếp xúc cao hơn với nhiều loại chất độc, thay vì chỉ một hoặc hai loại, sẽ không gây ra rủi ro cao hơn đáng kể,” ông Benbrook nói. “Họ cho rằng đó là trường hợp này. Họ hy vọng đó là trường hợp này, nhưng họ không có cơ sở khoa học để chứng minh điều đó.”

Mối nguy hại của glyphosate

Ngày càng có nhiều lo ngại xung quanh glyphosate xuất phát từ các nghiên cứu cho thấy hợp chất này phá vỡ hormone. Hiệp hội Nội tiết là đồng tác giả một báo cáo vào tháng Hai, phân loại glyphosate trong số bốn hóa chất gây rối loạn nội tiết có tính đe dọa nhất — nghĩa là nó có tác hại đến hormone — vốn có vai trò trong nhiều chức năng và quá trình của cơ thể. Theo báo cáo, glyphosate có 8 trong số 10 đặc tính của một hóa chất gây rối loạn nội tiết.

Năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã phân loại glyphosate là “có thể gây ung thư cho con người” — dựa trên bằng chứng “hạn chế” về bệnh ung thư ở người và bằng chứng “đầy đủ” trong các nghiên cứu trên động vật. Cơ quan này cũng tìm thấy bằng chứng mạnh mẽ về độc tính trên gene.

Bà Lynne Finnerty, giám đốc cao cấp Công vụ của Tổ chức Đổi mới Công nghệ sinh học (BIO), nói với The Epoch Times trong một thư điện tử rằng báo cáo của IARC đã bị nghi ngờ và các tổ chức khác đã tuyên bố rằng thực phẩm từ cây trồng được xử lý bằng glyphosate là an toàn. Những tổ chức này bao gồm Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ và Cơ quan An toàn Thực phẩm Âu Châu.

“Đã có hàng ngàn nghiên cứu góp phần tạo nên sự đồng thuận toàn cầu và phát hiện của các cơ quan chính phủ trên khắp thế giới rằng thực phẩm công nghệ sinh học là an toàn để tiêu thụ,” bà Finnerty cho biết. “Cần bao nhiêu nghiên cứu nữa? Mexico đang tìm kiếm một vấn đề mà hoàn toàn không tồn tại.”

Bà Finnerty nói thêm rằng lập luận không mấy quan trọng của Mexico về việc nhập cảng thực phẩm biến đổi gene đe dọa bắp bản địa của nước này là không có giá trị vì hạt giống biến đổi gene không được bán ở Mexico. Bà cho biết không có mối đe dọa nào rằng hàng nhập cảng có thể gây ra hiện tượng lai chéo với giống bắp bản địa của họ.

BIO cho rằng Mexico đang hoàn toàn đưa ra các quyết định chính trị. BIO cho biết trong một thông cáo báo chí rằng nghị định này không có sự thay đổi chính thức về chính sách an toàn hoặc quy định mà chỉ là sự thay đổi về quản lý. Theo BIO, trên thực tế, không có gì thay đổi về khoa học biến đổi gene.

Bà Nancy Travis, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế của BIO, cho biết: “Quy định thương mại có thể dự đoán được và dựa trên khoa học đối với các sản phẩm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi là rất quan trọng để bảo đảm dòng chảy thương mại đáp ứng nhu cầu thực phẩm của thế giới.”

Ông Wise lưu ý rằng phản ứng của chính phủ Hoa Kỳ đối với nghị định của Mexico dường như cũng hoàn toàn mang tính chính trị.

“Ngành công nghệ sinh học và những người nông dân tham gia công nghệ sinh học ở Hoa Kỳ đang kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ ngăn chặn Mexico đưa ra các hạn chế đối với cây trồng biến đổi gene đối với bất kỳ thứ gì, bất kể thị trường nhỏ đến đâu, bất kể tác động nhỏ đến đâu. Tôi nghĩ Hoa Kỳ hoàn toàn đồng tình với ngành công nghệ sinh học trong trường hợp này,” ông nói.

Ảnh hưởng đến nông nghiệp Hoa Kỳ

Cho đến nay, Mexico vẫn chưa thực thi lệnh cấm liên quan đến nhập cảng, nhưng nếu có, ông Warfel cho biết điều đó có thể ảnh hưởng đến giá bắp mà ông có thể bán trên thị trường và liệu trang trại của ông chỉ hòa vốn hay kiếm được lợi nhuận.

Theo một báo cáo tháng 09/2022 do World Perspectives soạn thảo, chính sách do Mexico đề xướng sẽ làm mất hơn 30,000 việc làm ở Mỹ và giá bắp ở Mexico sẽ tăng 19% trong 10 năm tới.

Nông dân thu hoạch bắp vào ngày 31/10/2023, gần McIntire, Iowa. Lệnh cấm bắp biến đổi gen có thể gây ra làn sóng chấn động trong ngành nông nghiệp Mỹ. (Ảnh: Scott Olson/Getty Images)
Nông dân thu hoạch bắp vào ngày 31/10/2023, gần McIntire, Iowa. Lệnh cấm bắp biến đổi gene có thể gây ra làn sóng chấn động trong ngành nông nghiệp Mỹ. (Ảnh: Scott Olson/Getty Images)

Các nhóm ngành nông nghiệp ở đây ca ngợi USTR vì đã theo đuổi tranh chấp với USMCA.

“Các quan chức Hoa Kỳ đã tìm mọi cách để cố gắng giải quyết xung đột này và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhờ đến hội đồng bên thứ ba với hy vọng nhanh chóng khắc phục vấn đề. Chúng tôi đánh giá cao USTR vì đã đứng lên bảo vệ những người trồng bắp ở Mỹ,” Hiệp hội những người trồng bắp quốc gia cho biết trong một tuyên bố.

Chỉ có 2 lựa chọn?

Tuy nhiên, những người khác nhận xét rằng Hoa Kỳ đã không hành động một cách thiện chí để giải quyết vấn đề này.

Bà Sharratt cho biết sẽ không quá phức tạp nếu Hoa Kỳ hợp tác với Mexico bằng cách điều chỉnh loại bắp trắng mà nước này trồng và xuất cảng để không bị biến đổi gene — cho phép đạt được một thỏa hiệp có thể mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia.

Bắp được trồng trên đất chung ở khu San Miguel Xicalco, Mexico City, vào ngày 04/10/2022. Mexico trồng nhiều giống bắp bản địa. (Ảnh: Alfredo Estrella/AFP qua Getty Images)
Bắp được trồng trên đất chung ở khu San Miguel Xicalco, Mexico City, vào ngày 04/10/2022. Mexico trồng nhiều giống bắp bản địa. (Ảnh: Alfredo Estrella/AFP qua Getty Images)

“Đưa bắp GMO vào Mexico là một hành động chính trị. Đó không phải là một hành động cần thiết đối với nông dân Hoa Kỳ. Có những lựa chọn thay thế chắc chắn khác,” bà cho biết.

Ông Bejarano lưu ý rằng nghị định của Mexico thực sự sẽ mang lại lợi ích cho những nông dân đang trồng bắp trắng hữu cơ, không biến đổi gene ở Hoa Kỳ.

“Mexico có quyền quyết định loại hình bảo vệ nào là cần thiết,” ông nói. “Chúng ta có thể có thương mại tự do mà không phải hy sinh nghĩa vụ hiến định của chính phủ để bảo vệ người dân của mình.”

Nếu Mexico thắng trong cuộc tranh chấp thương mại này, chắc chắn người tiêu dùng Mỹ sẽ không chú ý đến điều này. Một phán quyết nặng nề như vậy cũng có thể sẽ dẫn đến sự xem xét kỹ lưỡng hơn về khoa học xung quanh bắp biến đổi gene và các loại cây lương thực biến đổi gene khác. Cuối cùng, Mexico có thể trở thành điềm báo cho sự suy giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào các công ty hạt giống ngoại quốc cũng như thuốc diệt cỏ kết hợp rất tốt với các sản phẩm biến đổi gene của họ.

Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Form Newsletter Subscription
Form Newsletter Subscription