Trà ô long tăng sự nhạy bén, giúp trấn tĩnh và ngủ ngon
Một loại trà Trung Hoa ít phổ biến có liên hệ với tuổi thọ, sự tĩnh tại và giảm cân
Vào năm 2021, một nhóm 12 nhà khoa học đã xuất bản nghiên cứu đáng chú ý trong tập san khoa học được bình duyệt Aging (Lão hóa). Nghiên cứu trên 43 người đàn ông trưởng thành khỏe mạnh, từ độ tuổi 50 đến 72 cho thấy những thay đổi lối sống dựa trên bằng chứng có thể thật sự làm giảm độ tuổi sinh học.
Nhóm thử nghiệm tham gia một chương trình trị liệu bao gồm hướng dẫn về thói quen ăn uống, quy trình ngủ, tập luyện, và thư giãn, cũng như thuốc bổ với lợi khuẩn (vi sinh vật khỏe mạnh cho ruột) và dưỡng chất thực vật (những hợp chất tìm thấy trong thực vật được tin là hữu ích cho sức khỏe con người). Nhóm chứng không nhận sự bất kỳ can thiệp.
Sau tám tuần, các nhà nghiên cứu lấy mẫu nước bọt để đo lường sức khỏe của những người tham gia. Họ thấy rằng nhóm theo phương pháp ăn kiêng và thay đổi lối sống có DNA khỏe mạnh hơn. Trên thực tế, những người trong nhóm trị liệu này dường như trẻ hơn ba tuổi.
3 tách trà ô long mỗi ngày
Nếu nghiên cứu này là chính xác thì những người quan tâm đến cuộc sống khoẻ mạnh và trường thọ sẽ muốn thực hiện theo một số thói quen lành mạnh của nhóm trị liệu.
Uống ba tách trà ô long là trong số các thói quen đó.
Bác sĩ Kara Fitzgerald, một trong các đồng tác giả của nghiên cứu, cũng là người chữa bệnh bằng liệu pháp thiên nhiên ở Connecticut và là tác giả của quyển sách năm 2022 “Bạn trẻ hơn: Giảm tuổi sinh học và sống lâu hơn, tốt hơn.” Trong bài báo trên trang web của mình, cô giải thích rằng trà ô long chứa hợp chất thực vật tên EGCG, hay epigallocatechin gallate. EGCG đã được công nhận giúp bảo vệ khỏi Alzheimer, ung thư, bệnh tim, huyết áp cao, kháng insulin, và bệnh béo phì.
Ô long là gì?
Ô long, trong tiếng Trung nghĩa là “rồng đen”, là trà đến từ Trung Hoa và đặc biệt nổi tiếng ở Đài Loan. Trà được làm từ cây trà. Dựa vào cách cây trà được chế biến, có thể cho trà xanh, trắng, vàng, ô long, đen hay trà phổ nhĩ.
Trà xanh, trắng, và vàng được chế biến bằng cách phơi nắng và hấp nhiệt mà không làm oxy hóa lá trà.
Trà đen, theo cách khác, được oxy hóa đầy đủ. Quá trình oxy hóa này xảy ra trước khi những lá trà được xử lý.
Trà ô long chỉ được oxy hóa cục bộ, từ 10% đến 70%. Phần oxy hóa cho trà vị thảo mộc và dịu, ngon và thanh.
Một số loại trà ô long được oxy hóa một cách nhẹ nhàng gần như trà xanh, mặc dù dịu hơn; trà ô long được oxy hóa phần lớn sẽ có vị đậm hơn.
Mặc dù mỗi loại trà một khác, nhưng nhiều trà ô long chứa ít caffeine hơn trà đen.
Các loại trà ô long nổi tiếng
Có nhiều chủng loại trà ô long. Chẳng hạn như: trà ô long Đại Hồng Bào từ ngọn núi Vũ Di nổi tiếng ở Trung Hoa. Trà ô long Thiết Quan Âm có nguồn gốc từ An Khê, Trung Hoa, hay Mộc Sách, Đài Loan.
Trà ô long Cao Sơn từ vùng núi A Lý Sơn, Đài Loan.
Đông Phương Mỹ Nhân là loại trà ô long mang cái tên mỹ miều. Người ta nói rằng Nữ hoàng Elizabeth II thật sự thích loại trà này nên bà đã đặt tên cho loại trà này.
Những lợi ích sức khỏe của trà ô long
Uống trà ô long mỗi ngày đem lại nhiều lợi ích sức khỏe. Trên thực tế, một bài tổng quan y văn 11 trang được xuất bản vào tháng 05/2022 trong tập san được bình duyệt Khoa học thực phẩm và Sức khỏe con người cho thấy các loại trà ô long có chất chống oxy hóa, các thuộc tính kháng viêm, chống ung thư, kháng sinh, và chống béo phì.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Người ta cũng khám phá sự cải thiện hệ vi sinh vật ruột và bảo vệ trái tim và lá gan của loại trà này.
“Mặc dù trà nổi tiếng ở các quốc gia châu Á, những nghiên cứu về tác động có lợi cho sức khoẻ của trà ô long và nhiều hợp chất đặc trưng trong đó … thu hút sự chú ý hạn hẹp so với hiểu biết về khả năng phòng và trị bệnh của trà đen và trà xanh,” bài báo viết.
Hầu hết các nghiên cứu trong bài tổng quan là những thí nghiệm trên động vật có đối chứng; tuy nhiên, một số nghiên cứu khác cũng đã quan sát thấy nhiều lợi ích cho sức khỏe trên con người.
Các hợp chất có lợi
Những lợi ích sức khoẻ này này có lẽ nhờ vào nhóm các hợp chất quan trọng trong trà tên là theasinensins. Từ “theasinensins” được tạo thành bởi từ ”thea” nghĩa là trà, và tên Latin loài của cây trà, “sinensis”.
Theasinensin A là hợp chất tự nhiên được tìm thấy trong trà ô long. Theo nghiên cứu năm 2015 được thực hiện về những lợi ích sức khỏe và hoá học của trà ô long và theasinensin, thì các phương pháp chế biến cây trà khác nhau làm thay đổi những phân tử này theo các cách khác nhau, mang cho các loại trà như trà xanh, trà đen, và trà ô long các hiệu ứng sinh hóa khác nhau.
Theasinensin giúp ổn định đường huyết (là tác dụng chống tiểu đường) và có thể hỗ trợ cơ thể phục hồi một cách nhanh chóng sau một bài tập cường độ cao.
Có lợi cho sức khỏe tim mạch?
Trà ô long cũng chứa GABA là hợp chất có lợi khác, và theanine. Những chất này bổ trợ cho caffeine, nên những người uống trà ô long có xu hướng cảm thấy điềm tĩnh, tỉnh táo thay vì dễ kích thích như khi uống cà phê.
Nhận thức được các lợi ích của GABA (và tìm thị trường cho thực phẩm giàu GABA ở châu Á), các nhà khoa học đã tìm ra cách để nhân lượng GABA trong trà là qua lên men trong khí nitro, không có khí oxy. Những loại trà này được sản xuất ở Đài Loan và Nhật Bản đồng thời rất phổ biến ở cả hai quốc gia này.
Một nghiên cứu cứu năm 2019 tìm hiểu những tác dụng của trà ô long giàu GABA với sức khỏe tim mạch và mức độ căng thẳng. Tim của những người tham gia được theo dõi bằng điện tâm đồ. Người tham gia cũng được hỏi về cảm xúc căng thẳng hiện tại và được làm bài kiểm tra về tính nhẩm, tương đương với một tác nhân gây stress.
Sau khi được uống một tách trà ô long mới pha, trong đó một nửa uống trà ô long giàu GABA và một nửa uống trà thông thường, mức độ căng thẳng của những người tham gia thấp hơn một cách đáng kể sau khi dùng trà giàu GABA, chẳng hạn như biên độ nhịp tim – một thước đo quan trọng cho sức khỏe tim và tính thích ứng, đặc biệt là khi phản ứng với căng thẳng.
Có nên uống trà ô long cả ngày?
Nghiên cứu này có thể mang đến ấn tượng rằng trà ô long tốt cho bạn bất cứ khi nào, bất kỳ nơi đâu, và bạn nên uống cả ngày.
Nhưng có vài điều kiện. Cố gắng đừng uống trà ô long khi bụng đói. Làm vậy có thể khiến bạn đói và chóng mặt, một trạng thái khó chịu đôi khi còn được gọi là “say trà”.
Tốt hơn không nên uống trà ô long trong ba hay bốn giờ trước khi đi ngủ. Dù trà có tác dụng trấn tĩnh, caffeine trong trà vẫn có thể khiến bạn dễ bị kích thích và khó ngủ.
Đồng thời, trải nghiệm uống trà dễ chịu và ngon nhất, là thưởng thức trà ô long khi còn ấm.
Ngọc Thuần biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times