Tỏi phòng ung thư chống lão hóa, cách tự chế dầu tỏi bổ dưỡng tại nhà
Tỏi rất giàu allicin có công dụng phòng ung thư, chống lão hóa, bảo vệ tim mạch. Từ xa xưa, tỏi đã đóng một vai trò quan trọng trong ẩm thực và phương diện dùng thuốc của cả phương Đông và phương Tây.
Tỏi rất giàu allicin, phòng ung thư, chống lão hóa
Theo Bác sĩ Lý Gia Lăng (Li Jialing), Giám đốc Phòng khám Trung y Phức Thiên tại Đài Loan, tỏi có nhiều công dụng: phòng ung thư, chống lão hóa, hỗ trợ tiêu hóa, giúp lưu thông máu, giảm cholesterol, giảm kết vón tiểu cầu, tránh xơ cứng động mạch, phòng ngừa bệnh tim mạch…
Điều làm cho tỏi trở nên đặc biệt là “allicin” có tác dụng chống oxy hóa và diệt khuẩn. Hàm lượng allicin trong tỏi tươi nguyên củ rất nhỏ, khi đập dập và băm nhỏ tỏi, các enzym trong tế bào rỗng của tỏi sẽ được giải phóng, và tiền chất tạo mùi thơm “aliin” sẽ tạo thành allicin. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỏi sau khi băm nhỏ sẽ có vị cay và hăng. Vì vậy, để hấp thu hiệu quả allicin, cần phải băm nhỏ tỏi. Nếu tỏi không được băm nhỏ và nấu trực tiếp, hàm lượng allicin sẽ rất thấp.
Trong cuốn sách “Bác sĩ phẫu thuật thần kinh dạy cách dùng dầu tỏi kỳ diệu”, Bác sĩ giải phẫu thần kinh Nhật Bản Shinoura Nobusada đã chỉ ra rằng, allicin có thể kết hợp với vitamin B1, một chất vốn khó hấp thụ, tạo thành “Allithiamine“, cho phép cơ thể hấp thụ vitamin B1 dễ dàng.
Trong quá trình chuyển hóa cacbohydrat thành năng lượng trong cơ thể, vitamin B1 là thành phần không thể thiếu, thiếu vitamin B1 sẽ khiến thể lực suy giảm, dễ mệt mỏi, thậm chí cảm thấy bồn chồn, mất động lực.
Tỏi sống, tỏi đen hay tỏi nấu chín, loại nào tốt hơn?
Sự khác biệt giữa tỏi sống, tỏi nấu chín và tỏi đen do lên men là gì? Trên thực tế, sự khác biệt chính giữa chúng là allicin, tỏi sống có nhiều allicin nhất, tỏi nấu chín có ít allicin nhất và tỏi đen ở mức giữa.
Tỏi sống có mùi hăng và cay hơn do hàm lượng allicin cao. Tỏi nấu chín có ít allicin hơn do đã được đun nóng, ưu điểm là không có vị cay, những người không dám ăn tỏi sống cũng có thể ăn được. Tỏi đen qua quá trình lên men đặc biệt nên độ cay thấp và ít gây kích ứng hơn.
Bác sĩ Lý Gia Lăng cho biết, hàm lượng allicin sẽ ảnh hưởng đến khả năng chống oxy hóa, nếu mong đợi hiệu quả chống oxy hóa tốt thì nên ăn nhiều tỏi sống. Tuy nhiên, nếu có các triệu chứng như dạ dày không tốt, có thể ăn thêm tỏi nấu chín hoặc tỏi đen.
4 trường hợp không nên ăn tỏi
Tỏi có vị cay và tính ấm, những người có thể chất hàn thấp có thể ăn tỏi để từ hàn, trừ thấp. Khi ăn quá nhiều thịt, cũng có thể ăn thêm tỏi để hỗ trợ tiêu hóa. Người khỏe mạnh, thể chất tốt cũng thích hợp ăn tỏi dưỡng sinh, một ngày có thể ăn 1 đến 3 tép. Người thể trạng khỏe mạnh có thể ăn 3 tép mỗi ngày, nhưng người gầy thì nên ăn ít hơn một chút.
Ăn tỏi rất tốt cho sức khỏe, nhưng những người có các triệu chứng sau đây cần chú ý:
1. Những người có dạ dày không tốt nên ăn ít hơn
Những bệnh nhân có các biểu hiện như dạ dày bốc hỏa, viêm dạ dày, dạ dày nhiều acid, viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày… thì nên ăn ít tỏi để tránh làm bệnh nặng thêm. Tuy nhiên, những người có cơ địa hàn thấp, những người có vấn đề về dạ dày do ăn thức ăn sống và lạnh thì có thể ăn một ít tỏi để làm dịu triệu chứng.
2. Ăn tỏi lâu ngày hại gan và mắt, mắt không tốt nên ăn ít đi
Những người có bệnh về mắt hoặc mắt không tốt nên cố gắng không ăn tỏi, chẳng hạn như cao nhãn áp, khô mắt, viêm kết mạc, mắt làm việc nhiều hoặc những người thường xuyên sử dụng các sản phẩm 3C (tên gọi chung của các sản phẩm máy tính, truyền thông và điện tử tiêu dùng, còn được gọi là “thiết bị thông tin”). Mắt và Can (gan) có liên quan đến nhau. “Bản thảo cương mục” ghi rằng “ăn tỏi lâu ngày sẽ hại gan, hại mắt”. Tỏi thuộc tính cay ấm, ăn nhiều hại âm, dễ dẫn đến Can huyết hư, còn có thể trợ hỏa thương mục, khiến bệnh ở mắt thêm trầm trọng
3. Ăn tỏi có thể ngăn ngừa cảm mạo, nhưng loại trừ cảm do nhiệt
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỏi có công dụng ngăn ngừa cảm mạo và sát trùng. Bác sĩ Lý Gia Lăng nói rằng, điều này là chỉ loại phong hàn cảm mạo. Nếu cảm mạo đã chuyển sang cảm nóng, xuất hiện các triệu chứng đau họng, đờm và nước mũi chuyển sang màu vàng thì không thích hợp ăn tỏi.
4. Người bị mẩn ngứa, hỏa vượng không nên ăn nhiều
Tỏi sống có tính kích ứng mạnh và sẽ tăng cường phản ứng viêm trong cơ thể. Do đó, những người hỏa dễ vượng như người thức khuya, mắt đỏ, nổi nhiều mụn và bị bệnh trĩ v.v.. không nên ăn nhiều tỏi. Những người bị bệnh mẩn ngứa hoặc những người thường thích hương vị cay nồng, cũng không thích hợp ăn quá nhiều tỏi.
Bác sĩ Lý Gia Lăng nhìn nhận, điều cấm kỵ chính của tỏi nằm ở số lượng tiêu thụ. Tỏi sống dễ gây kích ứng hơn, vì vậy nên tránh ăn lúc đói hoặc ăn quá nhiều. Những người gặp vấn đề khi ăn tỏi có thể ăn tỏi đen hoặc tỏi nấu chín.
Trung y giới thiệu cách làm dầu tỏi
Bác sĩ Lý chia sẻ cách tự làm dầu tỏi, vừa ít gây kích ứng, vừa có dinh dưỡng của tỏi, sử dụng trong quá trình nấu nướng cũng rất tiện lợi.
Tỏi phi thơm với dầu ăn để allicin tan vào dầu, chỉ cần sau vài phút là có thể ăn được. Bác sĩ Lý cho biết, ông bình thường dùng dầu tỏi xào với rau củ, cảm thấy như vậy rất an tâm.
Nguyên liệu: tỏi, dầu oliu (tỷ lệ 1 tép tỏi: 50cc dầu).
Cách làm: Bóc tỏi và cắt lát mỏng, sau đó phi thơm trên chảo khô hoặc nướng trong lò. Đổ vào hộp đựng dầu ô liu để ngâm, thế là đã hoàn tất.
Dầu tỏi tự làm có thể được ngâm trong dầu ăn thông thường, tốt nhất là dầu ô liu có chứa axit béo không bão hòa omega-3, dầu hạt trà hoặc dầu hạt lanh thì càng tốt.
Vì tỏi ngâm trong dầu quá lâu sẽ bị biến chất, do đó bạn nên xác định lượng dầu tỏi tự làm theo lượng dầu dùng để nấu, để có thể dùng trong vòng một tuần. Sau mỗi lần sử dụng, hãy cho vào tủ lạnh để bảo quản.