Tinh thần lạc quan có thể bảo vệ người lính khỏi những cơn đau mạn tính
Một nghiên cứu mới cho thấy những người lính thể hiện sự lạc quan cao trước khi được gửi đến chiến trường tại Afghanistan hoặc Iraq sẽ có ít nguy cơ bị đau mạn tính hơn những người thể hiện sự bi quan.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu trên tập san JAMA Network Open, những người lính Mỹ bi quan nhất có khả năng bị đau lưng, đau khớp hoặc đau đầu thường xuyên sau khi trở về, cao hơn 35% so với những người lạc quan nhất.
Tác giả chính của nghiên cứu Afton Hassett, một nhà khoa học nghiên cứu thuộc khoa Gây mê tại Đại học Michigan ở Ann Arbor, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng sự lạc quan sẽ bảo vệ binh lính ngay cả khi họ phải chiến đấu hoặc bị thương trong khi triển khai chiến đấu.
“Điều đáng ngạc nhiên nhất là ngay cả khi chúng tôi đã xem xét các yếu tố nhân khẩu học như trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân và cho dù người lính là sĩ quan hay người nhập ngũ, tác động của sự lạc quan vẫn rất mạnh mẽ.”
Hassett nói: Mặc dù lạc quan có vẻ là một đặc điểm bẩm sinh, nhưng nó có thể được cải biến bằng các liệu pháp phù hợp.
“Chúng tôi không muốn đổ lỗi cho mọi người vì đã không đủ lạc quan,” cô nói thêm. “Nhưng có lẽ chúng ta cần suy nghĩ về việc xác định những người lính có mức độ lạc quan thấp và có thể giúp họ bằng một số chương trình trước khi triển khai lực lượng.”
Hassett cho biết những người có cái nhìn tiêu cực về thế giới có thể được hướng dẫn để có cái nhìn lạc quan hơn thông qua liệu pháp hành vi nhận thức. Cô giải thích: “Thường thì sự bi quan sinh ra từ những niềm tin sai lầm tiêu cực. Nếu bạn có thể chống lại những niềm tin đó, thường liên quan đến cách một người nào đó đã được nuôi dạy, thì mọi người có thể có động lực để suy nghĩ khác đi một chút”.
Hassett và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu từ 20,734 binh sĩ Quân đội Hoa Kỳ, 37% trong số họ báo cáo bị đau ở ít nhất một vùng mới trên cơ thể sau khi triển khai lực lượng tham chiến.
Tất cả đều đã điền vào bảng câu hỏi trước lúc triển khai lực lượng tham chiến để đánh giá mức độ lạc quan thông qua các câu trả lời trên thang điểm 5 cho thấy mức độ đồng ý của một người lính với bốn câu hỏi khảo sát
- Trong những thời điểm nguy khốn, tôi thường mong đợi điều tốt nhất
- Tôi hiếm khi tin tưởng vào những điều tốt xảy ra với tôi
- Nhìn chung, tôi mong đợi nhiều điều tốt đẹp xảy ra với tôi hơn là điều tồi tệ
- Nếu điều gì đó có thể xảy ra với tôi, nó sẽ xảy ra.
Những người lính trước đó đã mắc một số bệnh đau mạn tính đã bị loại ra để giữ độ chính xác của nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu cũng có thể kết hợp các thông tin về cường độ chiến đấu của những người lính, cùng với năm sự kiện có thể gây chấn thương tâm lý trong quá trình triển khai lực lượng tham chiến: gặp xác chết hoặc nhìn thấy người bị giết hoặc bị thương, cảm thấy có nguy cơ bị giết, tham gia trực tiếp chiến đấu liên quan đến việc nổ súng, trải qua một vụ nổ và trải qua một vụ tai nạn xe cộ.
Sau khi triển khai lực lượng, 25% binh sĩ báo cáo có cơn đau lưng mới xuất hiện, 24% báo cáo có đau khớp mới và 12% báo cáo những cơn đau đầu mới thường xuyên.
Trong khi nghiên cứu mới chỉ xem xét sự phát triển của chứng đau mạn tính trong quân đội, “điều này không riêng biệt đối với binh lính,” Hassett nói. “Có nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ rất chặt chẽ giữa tinh thàn lạc quan và cơn đau.
Tiến sĩ John Hache có thể thấy những ý nghĩa rộng lớn hơn của những phát hiện mới.
“Đó là một nghiên cứu khá thú vị,” Hache, một trợ lý giáo sư lâm sàng của Chương trình Thuốc giảm đau tại Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh ở Pennsylvania cho biết. “Một trong những điều chúng ta đang cố gắng giải quyết là làm thế nào chúng ta có thể kiểm soát được “đại dịch khổng lồ”- đó là chứng đau mạn tính, đặc biệt là trong bối cảnh của đại dịch thuốc giảm đau nhóm opioid (thuốc giảm đau có nguồn gốc từ thuốc phiện)
Điều thực sự thú vị là họ đã xác định được điều mới mẻ để có thể thay đổi. Hầu hết các yếu tố rủi ro khác được xác định trong bài báo là những thứ bạn không thể thay đổi, chẳng hạn như người lính ở trong một vị trí chiến đấu căng thẳng.