Thực phẩm ngày nay liệu có kém bổ dưỡng?
So với thế kỷ trước, hoa quả, rau củ, và thịt ngày nay đã trở nên to lớn và trông đẹp mắt hơn. Tuy nhiên, nhiều người già vẫn nói “hoa quả ngày xưa ít và nhỏ, nhưng thơm ngon bổ dưỡng hơn đồ trong siêu thị ngày nay”. Các nghiên cứu trả lời sao về điều này?
Một nghiên cứu hoàn thành vào năm 2004 đã đánh giá sự thay đổi giá trị dinh dưỡng của 43 loại cây trồng khác nhau từ năm 1950 đến 1999. Kết quả cho thấy, lượng protein trung bình giảm xuống khoảng 6%, vitamin B2 giảm xuống 38%, và vitamin C giảm 15%, sắt và canxi cũng đồng thời giảm một lượng đáng kể.
Cây “ăn no quá” cũng giảm chất lượng
Thực vật phát triển nhanh hơn và to lớn hơn, đây có thể là kết quả đạt được nhờ quá trình chọn giống. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận thấy những cây dại như cúc hoàng anh, mặc dù không trải qua quá trình nhân giống chọn lọc, nhưng hàm lượng chất dinh dưỡng vẫn giảm sút.
Chúng ta đều biết cây cối hấp thụ CO2 và nhả ra O2, có thể nói CO2 là thức ăn của thực vật. Thuận theo quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, lượng CO2 cũng tăng lên nhiều.
Các khoa học gia đã tiến hành thí nghiệm như sau: họ bơm nhiều CO2 vào một vùng thực vật, sau đó đánh giá thay đổi dinh dưỡng của thực vật trong vùng. Tại Nhật Bản và Trung Quốc, các nhà khoa học đã phát hiện: hàm lượng đường và tinh bột tăng, nhưng lượng protein giảm 10%, sắt giảm 8% và kẽm giảm 5%.
Thức ăn nhiều nhưng đang “rỗng” đi
Khi đang nghiên cứu cho luận án tiến sĩ của mình, Irakli Loladze tình cờ bắt gặp 1 hiện tượng kỳ lạ liên quan đến động vật phù du, vốn là những sinh vật cực nhỏ ăn tảo. Để cung cấp thêm nhiều thức ăn cho động vật phù du, các nhà khoa học nghĩ ra một cách thật đơn giản, chiếu sáng cho tảo – vì khi đó chúng sẽ phát triển nhanh đáng kể.
Nhưng sau sáng tạo đơn giản đó, họ phát hiện ra phù du mặc dù được ăn rất nhiều tảo, nhưng lại phải vật lộn để sinh tồn. Tại sao?
Đó là bởi vì tảo đã không còn nhiều dưỡng chất như trước nữa. Mặc dù khối lượng thức ăn tăng lên và phù du đã ăn rất nhiều, nhưng cũng không đủ đáp ứng được lượng dinh dưỡng cần thiết. Đây cũng là lý do tại sao số lượng ong trên toàn thế giới đã giảm đi đáng kể. Chúng ta có nhiều thức ăn hơn bao giờ hết, nhưng hầu hết chúng đều đang bị “rỗng” đi.
Trong buổi diễn thuyết trên TED Talk, diễn giả Kristie Ebi đã nói: “Khi cung cấp không đủ dinh dưỡng cho cơ thể, ví dụ khi thiếu sắt, chúng ta có thể cảm thấy mệt mỏi, tim suy yếu, thở khó khăn, và chậm chạp trong mọi việc”.
Nếu bạn thiếu kẽm, hệ miễn dịch của bạn bị suy giảm, và thời gian lành vết thương bị kéo dài. Nếu bạn thiếu vitamin B, chức năng của hệ thần kinh sẽ bị ảnh hưởng, và chức năng giúp ngăn nhiễm trùng cũng như chuyển hóa thức ăn thành năng lượng cũng thế.
Đặc biệt đối với những vùng nghèo đói, sự thiếu thốn nguồn lương thực kết hợp với thực phẩm kém chất lượng lại càng khiến tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng hơn; đi đôi với đó là khả năng chống chọi với bệnh tật cũng kém hơn.
Nhiều nhà khoa học vẫn liên tục nói về lợi ích của việc nhân giống, thực phẩm biến đổi gen, và thay đổi đất trồng. Tuy nhiên nhiều nghi vấn được đặt ra: Liệu họ có đang bị chi phối bởi những công ty như Mosanto hay Bayer không? Liệu canh tác theo cách tự nhiên, cho phép đất trồng mang lại chất dinh dưỡng có tốt hơn?
Chúng ta đã có nhiều nghiên cứu, nhưng là chưa đủ để có thể đưa đến kết luận chính xác. Nhưng những gì chúng ta đang đối mặt hiện tại chính là kết quả của những hành động chúng ta đã gieo trong quá khứ. Và để sống tốt hơn trong tương lai, ngày hôm nay chúng ta cần suy nghĩ và lên kế hoạch một cách thiết thực hơn.