Thảo mộc truyền thống Trung Quốc giúp giảm thiểu tác dụng phụ của điều trị ung thư
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Adelaide phát hiện ra rằng sự kết hợp của các loại thảo mộc truyền thống Trung Quốc làm giảm mức độ nghiêm trọng của chứng viêm niêm mạc đường tiêu hóa do bức xạ (GIM). Điều này có thể mang lại nhiều ý nghĩa trong việc giảm nhẹ tác dụng phụ của xạ trị trên các bệnh nhân ung thư.
GIM có thể gây viêm, đau bụng, đầy hơi, loét, tiêu chảy, cũng như buồn nôn và nôn. Mặc dù hiện tại không có phương pháp điều trị hiệu quả cho tình trạng này, nhưng nghiên cứu đã chứng minh những lợi ích tiềm năng của các loại thảo mộc “khổ sâm” và “bạch phục linh” đối với những người có GIM sau khi xạ trị để điều trị ung thư dạ dày, ung thư vùng bụng và vùng chậu.
“Mặc dù các thảo mộc trên mới chỉ được thử nghiệm ở chuột (phơi nhiễm vùng bụng với tia xạ), nhưng những phát hiện của nghiên cứu này là vô cùng khả quan khi cho thấy rằng chúng tôi có thể cung cấp một phương pháp trị liệu cho những người bị viêm niêm mạc do điều trị ung thư,” tác giả nghiên cứu, Giáo sư David L. Adelson từ Trường Khoa học Sinh học của Đại học Adelaide, đồng thời là giám đốc của Trung tâm Đông Y Phân tử Zhendong Úc.
“Điều này cực kỳ quan trọng vì tình trạng viêm niêm mạc làm hạn chế số lượng liệu pháp [điều trị] mà bệnh nhân ung thư có thể nhận được và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của họ.”
Nghiên cứu được chấp thuận bởi Ủy ban Đạo đức Động vật và được xuất bản trên tạp chí bình duyệt Frontiers in Oncology,
Một nửa số chuột được chích “hỗn hợp cây khổ sâm” (CKI), một công thức lỏng của cây khổ sâm và bạch phục linh, trong khi nửa còn lại được chích chất đối chứng.
“Nghiên cứu cho thấy những con chuột được chích CKI vào bụng đã giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng GIM so với những con chuột được chích chất đối chứng,” giáo sư Adelson nói. “Những phát hiện này giúp làm rõ hơn các nghiên cứu trước đây mà chúng tôi đã thực hiện cho thấy CKI có tác động đáng kể đến sự biểu hiện gen trong các dòng tế bào, bao gồm các gen điều chỉnh chứng viêm.”
Nghiên cứu trước đây của Đại học Adelaide về hỗn hợp cây khổ sâm
Hỗn hợp cây khổ sâm đã được sử dụng trong một khoảng thời gian ở Trung Quốc để điều trị ung thư, chủ yếu như một chất hỗ trợ cho hóa trị liệu. Nhưng cho đến tận năm 2016, người ta vẫn chưa biết rõ ràng về cơ chế hoạt động của hỗn hợp thảo mộc này.
Một nghiên cứu của Đại học Adelaide được công bố vào năm 2016 do giáo sư Adelson dẫn đầu, đã mô tả hoạt động phân tử của hỗn hợp cây khổ sâm.
Giáo sư Adelson cho biết vào thời điểm đó, hầu hết Đông Y đều dựa trên hàng trăm và đôi khi hàng nghìn năm kinh nghiệm, với nhiều bằng chứng cho thấy lợi ích điều trị, nhưng không có những hiểu biết khoa học hiện đại về cơ chế tác dụng.
“Nếu chia nhỏ và kiểm tra các thành phần của nhiều loại thuốc Đông y, chúng tôi sẽ thấy rằng các hợp chất đơn lẻ không có nhiều hoạt tính riêng. Sự kết hợp của các hợp chất có thể mang lại hiệu quả và cũng có nghĩa là ít tác dụng phụ,” ông nói.
“Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên cho thấy cơ chế phân tử của một hỗn hợp phức tạp gồm các hợp chất có nguồn gốc thực vật (trong trường hợp này là chiết xuất từ rễ của hai loại dược liệu, cây khổ sâm và bạch phục linh) bằng cách áp dụng phương pháp tiếp cận sinh học hệ thống.”
Ông nói thêm: “Đây là một cách phân tích các hệ thống sinh học phức tạp nhằm tính đến tất cả các khía cạnh có thể đo lường được hơn là tập trung vào một biến số duy nhất.”
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ giải trình tự tiên tiến để xác định các gen và con đường sinh học của tế bào ung thư vú chịu tác động bởi hỗn hợp cây khổ sâm trong phòng thí nghiệm.
Giáo sư Adelson cho biết nghiên cứu đã chứng minh rằng hỗn hợp cây khổ sâm ảnh hưởng đến các con đường [sinh học trong tế bào ung thư vú] tương tự như liệu pháp hóa trị, nhưng với các gen khác.
“Những gen này điều chỉnh chu kỳ phân chia và chết của tế bào, và có vẻ như hỗn hợp cây khổ sâm thay đổi cách thức điều chỉnh chu kỳ tế bào để khiến tế bào ung thư đi theo con đường chết tế bào, do đó giết chết tế bào.”
Liên quan đến những phát hiện gần đây rằng hỗn hợp cây khổ sâm giảm thiểu tác dụng phụ của xạ trị ở chuột, một phát ngôn viên của Đại học Adelaide nói với The Epoch Times rằng hiện tại, không có kế hoạch chắc chắn nào về việc sẽ tiến hành các thử nghiệm trên người.