Thảo dược giảm căng thẳng giúp hỗ trợ tuyến thượng thận
4 loại thảo mộc giảm căng thẳng giúp hỗ trợ tuyến thượng thận bao gồm: nhân sâm Ấn Độ, cây rễ vàng, sâm Siberia và cây hương nhu.
Cơ thể của bạn có hai tuyến thượng thận nằm ngay trên mỗi quả thận. Là một phần của hệ thống nội tiết, tuyến thượng thận của bạn tiết ra hơn 50 loại hormone, bao gồm aldosterone (giúp điều chỉnh huyết áp và thể tích tuần hoàn), cortisol và adrenaline. Trong đó cortisol và adrenaline có thể bị tăng tiết quá mức do căng thẳng.
Thật vậy, trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận (HPA) là hệ thống chịu trách nhiệm quản lý căng thẳng.
Căng thẳng có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: chấn thương hoặc bệnh tật, các vấn đề trong công việc hoặc các mối quan hệ, thiếu ngủ hoặc ăn uống kém.
Ví dụ, tiếp xúc với căng thẳng mãn tính do làm việc quá sức, viêm mãn tính hoặc bệnh lâu dài có thể dẫn đến rối loạn chức năng trục dưới đồi – tuyến yên – thượng thận. Hiện tượng này, mặc dù không chính xác lắm, thường được gọi là “mệt mỏi tuyến thượng thận” hoặc “kiệt sức tuyến thượng thận.”
Tổng quan
Một giả thuyết gần đây hơn là hầu hết các trường hợp mệt mỏi tuyến thượng thận thực sự không phải do tuyến thượng thận giảm khả năng tạo ra cortisol. Thông thường, vấn đề có thể bắt nguồn từ sự rối loạn chức năng trong quá trình truyền tín hiệu của trục dưới đồi – tuyến yên – thượng thận, có nghĩa là vấn đề chủ yếu nằm ở vùng dưới đồi và tuyến yên (chứ không phải quá nhiều ở tuyến thượng thận).
Cả suy thượng thận nguyên phát và thứ phát đều có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm. Mặt khác, nếu xảy ra các bất thường tinh vi hơn trong trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận, việc chẩn đoán sẽ khó khăn hơn. Để xác định rối loạn chức năng trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận, người ta sử dụng bảng nội tiết tố toàn diện. Một trong những phương pháp tốt nhất là xét nghiệm DUTCH (xét nghiệm nước tiểu để xác định nồng độ các nội tiết tố). Ông Mark Newman, người sáng lập Phòng thí nghiệm phân tích chính xác ở Oregon là người phát minh ra bảng nội tiết tố hoàn chỉnh.
Xét nghiệm nước tiểu thực sự vượt trội hơn tất cả các phương pháp khác để xác định những vấn đề về hormone, cho phép bạn tìm ra nguyên nhân, từ đó thực hiện các giải pháp khắc phục. Một số chất dinh dưỡng được biết là hỗ trợ chức năng tuyến thượng thận, bao gồm magiê, vitamin B, vitamin C và chất béo omega-3 từ động vật như dầu nhuyễn thể.
Một số chất hỗ trợ tuyến thượng thận nhất định cũng có thể hữu ích nếu bạn đang phải vật lộn với căng thẳng dai dẳng. Bốn trong số các chất có khả năng hỗ trợ tuyến thượng thận tốt hơn là ashwagandha (nhân sâm Ấn Độ), rhodiola (cây rễ vàng), nhân sâm và tulsi (cây hương nhu). Những chất này và các chất hỗ trợ tuyến thượng thận khác rất độc đáo ở chỗ chúng giúp cơ thể bạn thích nghi với căng thẳng, một phần bằng cách điều chỉnh các hormone và cải thiện chức năng miễn dịch.
Nhân sâm Ấn Độ – Thảo dược giúp cân bằng nội tiết tố hiệu quả
Là một loại thảo mộc có nguồn gốc từ Á Châu và Ấn Độ, nhân sâm Ấn Độ (Withania somnifera) giữ vai trò như một công cụ đắc lực trong y học Ayurvedic trong hàng nghìn năm. Chỉ trong 50 năm qua, thành viên của họ Cà này đã nổi lên ở phương Tây như một loại thảo mộc chữa bệnh hiệu quả.
Nhân sâm Ấn Độ có các tác dụng sau:
- Giúp cơ thể thích nghi với căng thẳng bằng cách cân bằng hệ miễn dịch, quá trình trao đổi chất và hệ nội tiết của bạn.
- Tăng sức mạnh và bồi bổ sức khỏe khi sử dụng thường xuyên. Trong y học Ayurvedic, nhân sâm Ấn Độ được phân loại là “Rasayana”, một loại tinh chất giúp chữa bệnh và kéo dài tuổi thọ.
- Bảo vệ não bộ khỏi căng thẳng oxy hóa.
- Duy trì mức độ lành mạnh của tổng thể lipid, cholesterol và chất béo trung tính.
Rễ nhân sâm Ấn Độ chứa nồng độ các thành phần hoạt tính ở mức cao nhất, giúp điều chỉnh sự cân bằng hormone, bao gồm hormone tuyến giáp, estrogen và progesterone, có lợi cho phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh.
Loại thảo dược này cũng làm giảm nồng độ cortisol, phục hồi độ nhạy insulin và giúp ổn định cảm xúc. Trong một nghiên cứu, những bệnh nhân được chẩn đoán mắc chứng lo âu từ trung bình đến nặng được điều trị bằng nhân sâm Ấn Độ đã cho thấy các triệu chứng “giảm đáng kể” so với những người sử dụng các biện pháp can thiệp thông thường hơn.
Một nghiên cứu khác cho thấy “bằng chứng thực nghiệm ủng hộ việc sử dụng [nhân sâm Ấn Độ] truyền thống để hỗ trợ hoạt động tâm thần liên quan đến GABA”. GABA (acid gamma-aminobutyric) là một chất dẫn truyền thần kinh ức chế liên quan đáng kể đến việc điều chỉnh tín hiệu các quá trình sinh lý và tâm lý. Theo các tác giả:
“Kết quả của chúng tôi cung cấp bằng chứng cho thấy rằng các thành phần chính trong [nhân sâm Ấn Độ] có thể có vai trò quan trọng trong việc phát triển các phương pháp điều trị dược lý cho các rối loạn thần kinh liên quan đến rối loạn chức năng truyền tín hiệu GABA như rối loạn lo âu nói chung, rối loạn giấc ngủ, co thắt cơ và động kinh.”
Nhân sâm Ấn Độ có thể giúp tăng mức testosterone ở nam giới. Nhân sâm Ấn Độ có thể giúp hỗ trợ thói quen tập thể dục buổi sáng và cũng có thể giúp bạn có một giấc ngủ ngon nếu sử dụng trước lúc đi ngủ. Tôi khuyên bạn chỉ nên sử dụng nhân sâm Ấn Độ 100% hữu cơ, không chứa chất độn, phụ gia và tá dược để đảm bảo chất lượng.
Cây rễ vàng – Một loại thảo dược chống căng thẳng tự nhiên
Cây lâu năm rhodiola rosea, đôi khi được biết đến với những tên gọi khác như “rễ vàng,” “rễ hoa hồng” hoặc “rễ bắc cực,” là một chất hỗ trợ tuyến thượng thận mạnh mẽ khác giúp tăng sức sống bằng cách giúp cơ thể bạn duy trì cân bằng nội môi và thích ứng với căng thẳng vật lý, hóa học và môi trường. Loại cây này được sử dụng lâu đời trong y học dân gian cổ truyền ở Nga và các nước vùng Scandinavia. Cây rễ vàng có rất nhiều công dụng, một trong số đó bao gồm:
- Có hoạt tính chống viêm mạnh.
- Hỗ trợ sức khỏe hệ thần kinh và chức năng nhận thức.
- Điều chỉnh chức năng miễn dịch (nâng cao khả năng miễn dịch khi hệ miễn dịch hoạt động kém hiệu quả và giảm chức năng miễn dịch khi hệ miễn dịch hoạt động quá mức) và chống lại các bệnh do virus.
- Cải thiện chức năng tình dục nam và nữ, sức khỏe sinh sản và khả năng sinh sản.
- Nâng cao hiệu suất thể thao và rút ngắn thời gian phục hồi.
Điều quan trọng là, cây rễ vàng đã được chứng minh là đặc biệt có lợi cho hệ thần kinh, bao gồm cả lợi ích chống trầm cảm và chống lo lắng. Bằng cách ức chế men monoamine oxidase, cây rễ vàng làm chậm quá trình phân hủy enzym của chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến tâm trạng và sức khỏe tinh thần, chẳng hạn như serotonin.
Các hoạt chất rosavin và salidroside cũng đã được chứng minh là cải thiện sự di chuyển của tiền chất serotonin qua hàng rào máu não và giúp duy trì nồng độ serotonin bằng cách làm giảm hoạt động của catechol-o-methyl transferase.
Bằng chứng cho thấy cây rễ vàng có thể làm tăng mức serotonin lên tới 30%. Nghiên cứu được công bố vào năm 2015 đã so sánh cây rễ vàng với thuốc sertraline chống trầm cảm và kết luận rằng cây rễ vàng là một lựa chọn an toàn hơn.
Theo các bác sĩ tâm thần sử dụng cây rễ vàng trong thực hành lâm sàng, chiết xuất từ thảo dược này là một “sự lựa chọn khả thi trong nhiều trường hợp để điều trị trầm cảm mức độ nhẹ đến trung bình.” Cây rễ vàng thậm chí còn được chứng minh là có thể cải thiện các triệu chứng kiệt sức do căng thẳng trong công việc.
Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2021, những người bị kiệt sức được sử dụng 400mg chiết xuất cây rễ vàng trong 12 tuần đã có những cải thiện đáng kể, mức độ kiệt quệ cảm xúc, mệt mỏi và kiệt sức thấp hơn cũng như cảm thấy vui vẻ, yêu đời và ham muốn tình dục nhiều hơn.
Theo các tác giả, những phát hiện cho thấy chiết xuất cây rễ vàng “có thể là một bước đầu tiên quan trọng để giảm liên tục các triệu chứng kiệt sức, từ đó ức chế sự gia tăng của hội chứng này và ngăn ngừa sự tiến triển thành các rối loạn tiếp theo như trầm cảm hoặc bệnh thể chất.”
Cây rễ vàng giúp chống lại mệt mỏi mãn tính
Tác dụng nâng cao mức năng lượng và tăng sức sống của cây rễ vàng có thể mang lại lợi ích rõ ràng cho những người đang phải vật lộn với chứng mệt mỏi mãn tính. Một lợi ích khác của cây rễ vàng là có tác dụng nhanh. Trong một nghiên cứu gần đây, những bệnh nhân đang chống chọi với hội chứng mệt mỏi mãn tính nhận được 400mg chiết xuất cây rễ vàng khô bằng rượu mỗi ngày trong tám tuần đã có những cải thiện đáng kể trong vòng tuần đầu tiên.
Tổng cộng, các bệnh nhân giảm 42% mức độ căng thẳng tổng thể và giảm 39% mệt mỏi. 83% trong số họ cho biết họ cảm thấy cải thiện “nhiều” hoặc “rất nhiều” vào tuần thứ tám.
Cơ chế đằng sau những tác động này được cho là có liên quan đến khả năng điều chỉnh sự giải phóng catecholamine và mức cAMP của cây rễ vàng ở cơ tim khi bị căng thẳng. Loại thảo dược này cũng giúp làm giảm hormone căng thẳng cortisol.
Trang web Mental Health Daily (Sức khỏe tâm thần mỗi ngày) đã lưu ý rằng: “Các cơ chế được đề xuất khác bao gồm khả năng tương tác với protein kinase p-JNK, nitric oxide, protein bảo vệ tế bào khỏi căng thẳng (ví dụ: protein sốc nhiệt) và điều chỉnh beta-endorphin và peptit opioid.”
Có một vài loại nhân sâm khác nhau nhưng chúng không nhất thiết có tác dụng giống nhau. Trong số ba loại chính, chỉ có hai loại thực sự là nhân sâm:
Nhân sâm Hoa Kỳ (Panax quinquefolius):
Loại rễ cây này có màu nâu vàng, thô ráp, gồm nhiều nhánh xoắn lại với nhau. Nhân sâm Hoa Kỳ có chứa ginsenosides mang nhiều đặc tính chữa bệnh. Trung Y đã sử dụng nhân sâm từ hàng nghìn năm nay như một loại thuốc bổ thanh nhiệt “mát mẻ”.
Nhân sâm Á Châu (Panax ginseng):
Đôi khi được gọi là nhân sâm Nam Hàn. Nhân sâm Á Châu cũng chứa ginsenosides, mặc dù với tỷ lệ khác với nhân sâm Hoa Kỳ, được coi là một loại thảo mộc giúp hỗ trợ tuyến thượng thận. Theo Trung Y, nhân sâm Á Châu là một chất kích thích có tính “nhiệt.”
Giống như nhân sâm Ấn Độ, nhân sâm Á Châu có tác động đến hormone tuyến giáp. Cụ thể, loại thảo dược này giúp ngăn chặn việc sản xuất quá nhiều hợp chất T3 đảo ngược – rT3 (một dạng chuyển hóa của hormone T4). Một nghiên cứu xem xét tác động của việc chích nhân sâm cho thấy nhân sâm tạo ra sự gia tăng lành mạnh của hormon T3, T4 và giảm rT3.
Nhân sâm Siberia (Eleutherococcus senticosus):
Nhân sâm Siberia không phải là nhân sâm thực sự và không chứa ginsenosides. Thảo dược vùng Siberi này chứa các hoạt chất eleutherosides, được cho là có tác dụng kích thích hệ miễn dịch. Tuy nhiên, giống như nhân sâm Hoa Kỳ và Á Châu, nhân sâm Siberia là một chất hỗ trợ tuyến thượng thận được sử dụng để bồi bổ năng lượng, kích thích hệ miễn dịch và kéo dài tuổi thọ.
Nghiên cứu cũng cho thấy nhân sâm Siberia có lợi ích bảo vệ thần kinh, một phần là nhờ tác dụng cải thiện tín hiệu tế bào ở hồi hải mã và tế bào miễn dịch thần kinh. Một số bằng chứng cho thấy nhân sâm Siberia có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình mất chức năng vận động liên quan đến bệnh Parkinson.
Ngoài ra, nhân sâm Siberia còn có tác dụng chống trầm cảm nhẹ, cũng như hữu ích cho chứng mất ngủ, các vấn đề về hành vi và trí nhớ, và được chứng minh là nâng cao sức bền khi tập luyện nhờ cải thiện việc sử dụng oxy trong cơ thể bạn.
Cây hương nhu – Thảo dược giúp thanh lọc cơ thể
Cây hương nhu, hay húng quế thánh rất được tôn sùng ở Ấn Độ trong hơn 5,000 năm nay và được đánh giá cao vì nhiều đặc tính bồi bổ sức khỏe. Loại thảo mộc này có tác dụng thanh lọc tâm trí, cơ thể và tinh thần, và được trân quý vì khả năng bảo vệ và nâng cao tinh thần tự nhiên. Hiện đang có rất nhiều sản phẩm hương nhu, dưới dạng viên nén, trà, bột và tinh dầu.
Trà hương nhu là một loại đồ uống giàu chất chống oxy hóa với hợp chất hóa học phức tạp và độc đáo. Trà hương nhu chứa hàng trăm hóa chất thực vật phi dinh dưỡng có lợi giúp bảo vệ và bồi bổ sức khỏe. Khi hoạt động cùng nhau, các hợp chất này thể hiện đặc tính giảm thiểu căng thẳng và tăng khả năng miễn dịch chống lại căng thẳng, cũng như kích thích sự trao đổi chất lành mạnh, bao gồm cả việc giúp cơ thể duy trì mức đường huyết tối ưu.
Lời kết
Tuyến thượng thận hoạt động khỏe mạnh là điều quan trọng để có một sức khỏe tối ưu nói chung. Các loại thảo mộc giảm căng thẳng chắc chắn không phải là cách duy nhất để bảo vệ và hỗ trợ tuyến thượng thận, hay thậm chí là chiến lược lý tưởng nhất. Nhưng chúng có thể hữu ích trong thời gian căng thẳng.
Nếu bạn không chống chọi được với chứng “mệt mỏi tuyến thượng thận” hoặc rối loạn chức năng trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận, phương pháp tiếp cận toàn diện giúp giải quyết tình trạng căng thẳng quá mức và thói quen lối sống không lành mạnh gây ra suy giảm đáp ứng với căng thẳng ngay từ đầu cần được cân nhắc áp dụng.
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times