Tạm biệt cảm giác mệt mỏi khi làm việc tại nhà trong thời dịch bệnh
Hơn một năm vừa qua, cuộc sống thời phong tỏa có những thay đổi rất lớn khiến nhiều người cảm thấy sức tàn lực kiệt.
Một số người may mắn có thể tránh xa nguy cơ bị lây nhiễm khi được làm việc tại nhà trong mùa dịch. Khi đó, phần lớn sự giao tiếp của chúng ta đều thông qua các cuộc gọi video, là cả ngày dài đối mặt với màn hình máy tính. Chán nản và mệt mỏi vì phải làm việc trực tuyến liên tục trong thời gian dài khiến bộ não căng thẳng, kiệt quệ – điều này đã dẫn đến cái gọi là “hội chứng mệt mỏi từ Zoom”.
Ngoài việc mỏi mắt vì phải nhìn vào các loại màn hình cả ngày (sau máy tính, đôi mắt của chúng ta lại kết nối với điện thoại, TV), cảm nhận về không gian của chúng ta bị gián đoạn bởi các cuộc họp video. Đột nhiên, mọi người gần gũi hơn nhiều so với những cuộc họp trực diện trước đại dịch.
Vào những năm 1960, nhà nhân chủng học Edward Hall đã mô tả không gian cá nhân với những vùng khoảng cách nhất định, nó là thước đo các mối quan hệ xã hội. Vùng thân mật dành cho mối quan hệ gia đình, người yêu có không gian giao tiếp chưa đầy hai feet; khi tương tác với các quan hệ thân thiết thì khoảng cách cá nhân kéo dài xa nhất ước chừng bốn feet.
Đại dịch đang chuyển đến bộ não những thông điệp mang tính xung đột. Từ cuộc gọi điện qua video, những khuôn mặt cách chúng ta hai Feet và điều này làm cho bộ não phát tín tức rằng đây là những người bạn thân thiết hoặc quen thuộc, nhưng thực tế họ là đồng nghiệp hoặc thậm chí là người lạ, mới kết nối. Tương tự như vậy, các quy tắc về khoảng cách xã hội đã buộc những người thân yêu của chúng ta phải bước vào một không gian xa hơn, là khoảng cách mà trước đây thường dành cho những mối quan hệ xã giao, những người quen hơn là bạn bè.
Trong khi lý trí của chúng ta hiểu rằng gián cách xã hội là việc bắt buộc, thì việc không thể biểu thị tình thân, như nắm tay hay ôm hôn các thành viên trong gia đình cũng như bạn bè thân thiết, có thể khiến chúng ta nhầm tưởng khoảng cách với nhau là một sự từ chối. Những nỗ lực nhận thức để quản lý những thông điệp nhầm lẫn này thật mệt mỏi.
Việc ngồi trước webcam hàng giờ buộc chúng ta phải chăm chút bản thân nhiều hơn, suy nghĩ làm thế nào để tôn khuôn mặt bản thân trên màn hình máy tính khiến chúng ta lo lắng thái quá về cách người khác nhìn nhận mình, điều này khiến chúng ta không thoải mái.
Nhưng tắt video khi đang gọi điện cũng có thể làm tăng tình trạng kiệt sức theo những cách khác — mọi người có thể sử dụng cơ hội để kiểm tra email hoặc bắt kịp công việc khác trong khi nghe. Tính đa nhiệm này khiến chúng ta cảm thấy kiệt quệ về tinh thần.
Khi làm một việc tại một thời điểm sẽ có hiệu quả hơn nhiều. Não bộ của chúng ta phản ứng với việc kết thúc một hoạt động và bắt đầu một hoạt động mới từ những tín hiệu đã học trước. Thường thì những dấu hiệu này liên quan đến chuyển động cơ thể.
Việc không đến công sở hàng ngày là sự thiếu vắng rõ ràng nhất đối với những người làm việc tại nhà, và trước đây, việc đi bộ khi đến phòng họp cho phép bộ não và cơ thể có thời gian chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp theo. Ngoài giờ làm việc, các hoạt động thể thao như: chạy bộ, đến phòng tập thể dục, và các cuộc hẹn tăng thêm sự kết nối và không gian riêng cho cuộc sống của chúng ta – phần lớn những điều này đã biến mất.
Khi làm việc ở nhà thì việc ở công ty và việc gia đình thường bị hòa chung với nhau, ngoài ra còn có xu hướng kéo dài thời gian làm việc vì chúng ta không còn ở văn phòng. Việc không thể hoặc không có động lực để tham gia các hoạt động thông thường có nghĩa là các ngày trong tuần và cuối tuần đã chuyển thành thời gian không xác định.
Làm thế nào để vượt qua
Vậy làm thế nào chúng ta phục hồi năng lượng khi rơi vào trạng thái sức tàn lực kiệt?
Hãy mở rộng nội dung trò chuyện trực tuyến không chỉ bó hẹp trong phần công việc. Các cuộc trò chuyện có thể là những chủ đề về thời tiết, hoặc chủ đề sâu sắc hơn như những chia sẻ về cuộc sống của chúng ta trong thời gian giãn cách.
Hãy dành thời gian cho những cuộc trò chuyện này, có thể sắp xếp một bữa ăn trưa trực tuyến. Việc sử dụng công nghệ khác nhau cũng sẽ giúp phá vỡ sự đơn điệu và liên kết giữa các màn hình với tình trạng quá tải. Ngoài ra, việc chia sẻ không gian với các đồng nghiệp thân thiết hơn hoặc những người thuộc phạm vi cho phép ở không gian cá nhân của chúng ta, làm cho cuộc họp trực tuyến bớt căng thẳng hơn.
Tổ chức từ thiện Fight for Sight gợi ý áp dụng quy tắc 20-20-20, nghĩa là cứ sau 20 phút nhìn vào màn hình, bạn nhìn xa ra 20 mét (khoảng 65 feet) trong 20 giây để hạn chế việc mỏi mắt. Nếu có thể, trong các cuộc họp video, hãy tắt máy ảnh hoặc chuyển sang các cuộc gọi điện thoại và cân nhắc xem các cuộc họp có cần kéo dài cả giờ hay không.
Hãy đi ra khỏi bàn làm việc vào lúc trước và sau cuộc họp, thực hiện di chuyển một chút để bắt chước việc đi bộ đến các phòng họp như trước đây và cố gắng xây dựng trong tuần với một ngày không có lịch họp.
Tạo không gian riêng biệt giúp não của chúng ta chuyển đổi tâm trạng thoát khỏi công việc (trực tuyến). Nếu bàn ăn được sử dụng làm bàn làm việc vào ban ngày, hãy chuyển các hạng mục công việc ra khỏi tầm nhìn vào cuối ngày. Đây có thể chỉ là một chiếc hộp bên cạnh bàn để đặt các vật dụng làm việc và chỉ mở vào mỗi buổi sáng để đánh dấu ngày bắt đầu làm việc.
Để hạn chế đa nhiệm và tăng sự tập trung, hãy đóng các tab và trình duyệt, chuyển điện thoại của bạn sang chế độ im lặng, đồng thời kiểm tra và trả lời email vào những thời điểm cố định.
Tuân thủ thói quen bắt đầu và dừng công việc vào cùng một thời điểm mỗi ngày bằng cách thêm một tuyến đường đi làm “tưởng tượng” — khi bạn chuẩn bị đi và rời khỏi nhà, sau đó quay lại và bắt đầu công việc — có thể giúp tạo sự phân chia không gian về mặt tinh thần
Khi chúng ta bước vào mùa hè có những ngày dài hơn với ánh nắng rực rỡ, đó là thời điểm hoàn hảo để chúng ta gia tăng thời gian ở ngoài trời và hoạt động thể chất, đây là một cách cải thiện tâm trạng khi tiếp xúc với thiên nhiên.
Không gian ngoài trời giúp chúng ta cảm thấy có sự kết nối gần gũi hơn với mọi người, ngay cả khi duy trì gián cách xã hội, qua lời chào vui vẻ hoặc thậm chí là những nụ cười gặp mặt, đó chính là viên thuốc vitamin hạnh phúc trong mùa dịch.
Nilufar Ahmed là giảng viên khoa học nhân văn tại Đại học Bristol ở Anh. Bài báo này ban đầu được xuất bản trên The Conversation.
Do Nilufar Ahmed thực hiện
Ngọc Anh biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: