Xét nghiệm máu mới giúp phát hiện hội chứng mệt mỏi kinh niên chính xác đến 91%
Các nhà khoa học đã phát hiện ra một phương pháp nhanh hơn để phát hiện căn bệnh phức tạp khiến hàng triệu người Mỹ phải nằm liệt giường.
Theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên tập san Advanced Science (Khoa học Tân tiến) xét nghiệm máu mới được thiết kế nhằm chẩn đoán nhanh hơn về bệnh suy nhược (vốn ảnh hưởng đến hàng chục triệu người trên toàn thế giới) cho thấy tiềm năng trong việc phát hiện chính xác bệnh viêm não tủy/hội chứng mệt mỏi kinh niên (ME/CFS).
Phương pháp quang phổ Raman đơn bào đã xác định thành công sự hiện diện và mức độ trầm trọng của bệnh trong gần 100 người tham gia nghiên cứu với độ chính xác 91%.
Thử nghiệm cũng có hiệu quả 84% trong việc phân biệt bệnh nhẹ, trung bình và nặng.
Quang phổ Raman là gì?
Quang phổ Raman sử dụng sự tán xạ ánh sáng và rung động phân tử để phân tích thành phần hóa học của một chất và tạo ra “dấu vân tay phân tử.” Theo các tác giả nghiên cứu, quang phổ Raman đơn bào sử dụng trí tuệ nhân tạo để “thẩm vấn từng tế bào” nhằm phân biệt từng loại tế bào riêng lẻ.
Ứng dụng mới này của quang phổ Raman đơn bào [đóng vai trò] là công cụ chẩn đoán hữu ích cho các nhà khoa học hơn so với các phương pháp chẩn đoán không hoàn hảo khác. Các bản tự báo cáo và bảng câu hỏi thường được dùng trong chẩn đoán ME/CFS vốn mang tính chủ quan và không phải là dấu hiệu sinh học khách quan. Hạn chế này thường khiến các bác sĩ và bệnh nhân rơi vào tình trạng lấp lửng bực bội giữa việc phỏng đoán và đưa ra câu trả lời cho chẩn đoán chính xác.
Hàm lượng chất chuyển hóa bất thường ở bệnh nhân bị bệnh
Nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford đã tập trung vào một loại tế bào cụ thể gọi là tế bào đơn nhân máu ngoại vi (PBMC). Các nhà nghiên cứu đã phân tích PBMC của 61 bệnh nhân ME/CFS nhẹ, trung bình hoặc nặng và so sánh với 37 đối chứng (cả người khỏe mạnh và người bị bệnh đa xơ cứng, có các triệu chứng lâm sàng tương tự như ME/CFS).
Các phân tích cho thấy cả bệnh nhân ME/CFS và MS đều có mức acid amin thiết yếu tryptophan tăng cao đáng kể (liên quan đến tâm trạng và mệt mỏi) trong PBMC của người bệnh so với nhóm đối chứng khỏe mạnh.
Các tác giả viết, “Các tế bào não tự tổng hợp serotonin từ tryptophan, vì vậy việc tích tụ tryptophan trong hệ miễn dịch có thể dẫn đến giảm khả năng hoạt động và giảm tổng hợp serotonin trong não, do đó góp phần gây ra tình trạng mệt mỏi trung tâm. Ngược lại, nồng độ tryptophan trong máu tăng cao có thể phản ánh hàm lượng serotonin trong huyết thanh đang gia tăng. Mức serotonin quá mức… có thể tạo ra các triệu chứng giống như triệu chứng của ME/CFS… [và] có thể gây hại đối với hàng rào máu não.”
Hội chứng mệt mỏi kinh niên là gì?
Hội chứng mệt mỏi kinh niên (ME/CFS) là căn bệnh phức tạp liên quan đến tình trạng mệt mỏi trầm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của con người. Nguyên nhân của bệnh này không rõ ràng, nhưng khoa học cho thấy ME/CFS xảy ra do phản ứng không điển hình với nhiễm enterovirus. Ngoài ra, cũng có thể do di truyền.
Theo Viện Y tế Quốc Gia, có tới 2.5 triệu người Mỹ bị ME/CFS. Cứ 4 người thì có 1 người phải nằm liệt giường hoặc phải ở nhà tại một thời điểm nào đó khi bị bệnh này. Thật không may, tiên lượng bệnh này rất kém và hầu hết mọi người không bao giờ khôi phục toàn bộ chức năng như trước khi bị bệnh. Trong khi người ở mọi lứa tuổi, chủng tộc và các nhóm kinh tế xã hội đều có thể bị ME/CFS thì phụ nữ có nguy cơ bị ảnh hưởng cao hơn nam giới từ 2 đến 4 lần.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), bệnh nhân thường bị choáng ngợp bởi cảm giác mệt mỏi mà dù có ngủ bao nhiêu cũng không thể khắc phục được. Những công việc có vẻ đơn giản lại khiến bệnh nhân ME/CFS cảm thấy mệt mỏi. Họ có thể mệt mỏi khi đến cửa hàng thực phẩm, tắm rửa hoặc tham dự sự kiện ở trường của con mình.
Các triệu chứng của ME/CFS có thể bao gồm:
- Sương mù não.
- Chóng mặt hoặc choáng váng.
- Suy nhược ngất xỉu sau khi đứng dậy.
- Đau cơ, yếu và đau nhức.
- Đau khớp mà không sưng hoặc đỏ.
- Đau đầu, mới xuất hiện hoặc trầm trọng hơn.
- Hạch bạch huyết mềm ở cổ hoặc nách.
- Đau họng tái phát.
- Các vấn đề về tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích.
- Ớn lạnh và đổ mồ hôi đêm.
- Dị ứng và nhạy cảm với thực phẩm, mùi, hóa chất, ánh sáng hoặc tiếng ồn.
- Hụt hơi.
- Nhịp tim không đều.
Suy giảm khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày không phải là vấn đề trước khi bệnh kéo dài sáu tháng hoặc lâu hơn để được chẩn đoán.
Tiềm năng chẩn đoán các bệnh khác
Các tác giả nghiên cứu viết, “Các dấu ấn sinh học dựa trên máu có thể tỏ ra hữu ích trong việc chẩn đoán ME/CFS nhanh chóng và chính xác bằng cách bổ sung các bộ chỉ số đo lường hiện tại trong quá trình kiểm tra y tế định kỳ.” Xét nghiệm máu khách quan cung cấp cái nhìn rõ ràng về tình trạng bệnh để có thể trợ giúp cho việc điều trị tốt hơn bằng cách tạo thuận lợi để bác sĩ theo dõi tiến triển của bệnh.
Theo các tác giả, “Chẩn đoán sớm sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát căn bệnh hiệu quả hơn, có khả năng đưa đến những khám phá mới về cơ chế gây bệnh và phát triển phương pháp điều trị.”
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times