Xấu hổ là điều cần thiết để trưởng thành
Nếu bạn đang cố gắng tiến về phía trước, bạn sẽ vấp ngã, và điều đó có thể khiến bạn xấu hổ.
Một huấn luyện viên leo núi nổi tiếng nói rằng trở ngại lớn nhất trên con đường phát triển của mọi người với tư cách là những người leo núi, về cơ bản là nỗi sợ xấu hổ.
Khi mọi người muốn leo núi tốt hơn, họ sẽ cố gắng làm một cách riêng tư, để không ai có thể nhìn thấy họ đang làm việc gì đó sai sót. Họ sẽ đến phòng tập leo núi nhân tạo khi không có ai theo dõi hoặc lang thang ở một góc với hy vọng không có ai để ý. Nhưng họ đang bỏ lỡ cơ hội lớn nhất – phản hồi từ người có thể nhìn thấy những điều mà họ không thể nhìn thấy.
Và điều cản trở là nỗi sợ xấu hổ.
Tôi nhận thấy rằng điều này đúng cho dù bạn đang cố gắng học hỏi [bất kỳ] điều gì, cho dù bạn đang cố gắng phát triển ở lĩnh vực nào. Nỗi sợ xấu hổ sẽ ngăn cản bạn đạt được sự phát triển và thay đổi thực sự.
Chúng ta không chỉ cần vượt qua nỗi sợ hãi đó – mà chúng ta nên học cách xem sự ngại ngùng là một phần không thể thiếu trong quá trình trưởng thành.
Tôi sẽ nói về lý do tại sao trong giây lát. Nhưng trước tiên, hãy cùng xem thêm một vài tình huống mà nỗi sợ xấu hổ ngăn con người phát triển:
Viết sách hay viết blog
Điều này có thể hơi hiển nhiên – bạn muốn viết, bạn có thể bắt đầu viết, nhưng nỗi sợ xấu hổ (hoặc sợ bị đánh giá) khiến bạn không thể viết hoặc công khai bài viết.
Chúng ta thậm chí còn từ chối nhận phản hồi từ những người có thể cải thiện bài viết này vì lo lắng rằng bài viết không tốt. Nhiều người sợ ý tưởng đưa các bài viết “đáng xấu hổ” ấy cho những người có thể nhận xét, nhưng phản hồi từ độc giả và những người viết có kinh nghiệm hơn có thể giúp bạn bước lên một nấc thang mới.
1. Nhận sự tham vấn hoặc trợ giúp từ người khác
Hầu hết mọi người tránh nhận sự tư vấn hay giúp đỡ thực sự từ người khác, vì họ xấu hổ không dám thừa nhận quá trình trưởng thành của bản thân. Họ có thể nghĩ, “Tôi đã không làm những điều tôi đã nói, tôi đang gặp khó khăn, tôi không thích những điều về bản thân mình.”
Chúng ta phán xét tất cả những điều đó và cảm thấy rất xấu hổ khi phơi bày cho người khác thấy. Điều này ngăn trở chúng ta nhận trợ giúp trong khi gặp thử thách.
2. Đưa doanh nghiệp lên tầm cao mới
Cho dù bạn đang bắt đầu công việc kinh doanh mới hay muốn công việc kinh doanh hiện tại phát triển lên một tầm cao mới, thật khó để nhận ra bạn đang gặp khó khăn ở đâu. Công việc lãnh đạo rất cô đơn và chúng ta chỉ có thể nhìn thấy [vấn đề] mà chúng ta đã học cách nhận ra.
Để phát triển hơn nữa, chúng ta cần phản hồi từ người có thể nhìn thấy thứ mà ta không nhìn thấy. Nhưng điều này có thể làm bạn cảm thấy xấu hổ. Tuy nhiên nếu chúng ta không muốn nhận trợ giúp theo cách này, có thể sẽ gặp khó khăn khi thực hiện bất cứ điều gì khác ngoài tầm với của bản thân.
Hy vọng bạn nhận ra rằng có thể áp dụng nguyên lý trên ở bất cứ lĩnh vực nào chúng ta muốn phát triển – phát triển cá nhân, chăm sóc bản thân, làm sâu sắc thêm mối quan hệ, đối phó với những hỗn loạn trong cuộc sống. Chúng ta gặp khó khăn khi muốn vượt qua vị trí hiện tại, là vì chúng ta quá ngại ngùng với việc nhận giúp đỡ, phản hồi hoặc huấn luyện vốn có thể đưa mình lên tầm cao mới.
Tại sao ngượng ngùng là điều không thể thiếu để phát triển
Chúng ta hy vọng sẽ trưởng thành và học hỏi mà không làm bản thân xấu hổ. Nếu có thể tự học và thể hiện mình giỏi ra sao sau khi thực sự giỏi ở bất kỳ lĩnh vực nào, chúng ta sẽ không cảm thấy ngượng nghịu. Chúng ta muốn tránh cảm giác đó bằng mọi giá, ngay cả khi điều ấy có nghĩa là không bao giờ học được gì cả.
Nhưng đây không phải là cách để chúng ta phát triển. Chúng ta phải sẵn lòng kém ở một phương diện trước khi có thể làm tốt. Quá trình trưởng thành đòi hỏi chúng ta phạm sai lầm, học hỏi từ kinh nghiệm thay vì chỉ đọc tài liệu hoặc xem video. Quá trình trưởng thành đòi hỏi chúng ta phải bối rối và vấp ngã trước những điều chưa biết – để rồi nhận được sự giúp đỡ nào đó. Đặc biệt là khi chúng ta cảm thấy muốn bỏ cuộc.
Và điều đó thật đáng xấu hổ. [Nhưng] xấu hổ là điều khó tránh khỏi, bởi vì chúng ta cần phải vượt qua cái khung do chính mình tạo ra. Chúng ta đã bước vào lĩnh vực phát triển mới, nên không thể trở thành con người hoàn hảo như mình mong muốn. Chúng ta muốn trở thành con người hoàn hảo, nhưng chỉ có thể đạt được nếu chúng ta ngừng phát triển.
Vậy là chúng ta chọn phát triển và học hỏi, thay đổi, nghĩa là cần từ bỏ việc nghĩ mình là ai và đang cố gắng khiến người khác nghĩ mình là ai. Điều đó gây khó chịu và xấu hổ.
Nếu tránh né sự ngại ngùng đó (vốn là điều tự nhiên), chúng ta sẽ kìm hãm sự phát triển của bản thân.
Cách đồng hành cùng nỗi sợ bị xấu hổ
Được rồi, vậy là bạn sợ bị ngượng và có thể thấy nỗi sợ này đang cản trở mình ra sao. Vậy làm thế nào song hành cùng nỗi sợ hãi này? Đây là chủ đề sâu sắc và bên dưới là một số cách bắt đầu:
1. Nhận biết thời điểm nỗi sợ đến. Khi bạn tránh việc chia sẻ với mọi người, hãy chú ý đến nỗi sợ hãi. Khi bạn không muốn nhận phản hồi, tư vấn hoặc trợ giúp, hãy chú ý đến nỗi sợ. Khi bạn đang cố gắng giữ an toàn hoặc ẩn nấp, hãy chú ý đến nỗi sợ. Chỉ cần gọi tên là “nỗi sợ hãi” và đừng chú ý đến nỗi sợ đó là gì.
2. Hãy chú ý đến ảnh hưởng của nỗi sợ đối với cuộc sống. Nỗi e ngại đang ngăn bạn lại ở đâu? Sự sợ hãi đang giữ bạn an toàn khỏi điều gì? Điều gì có thể xảy ra nếu bạn không phải lo lắng về nỗi sợ hãi? Bạn cảm thấy thế nào về tất cả những điều này.
3. Hãy tự hỏi liệu bạn có muốn điều gì đó khác biệt không. Bạn muốn điều gì ở bên ngoài thế giới được tạo ra bởi nỗi sợ này? Thay vào đó bạn muốn thử điều gì?
4. Thử điều gì khác biệt. Bạn có thể thử làm việc khác mà không bị hạn chế bởi nỗi sợ xấu hổ. Nếu bạn đang học cách leo trèo, bạn có thể thử leo trước mặt người khác và để bản thân làm điều gì đó một cách không thành thạo. Nhảy thật xấu ở nơi công cộng và hãy vui vẻ! Viết dở, gửi cho mọi người bạn biết và yêu cầu phản hồi. Yêu cầu sự giúp đỡ. Hãy đặt bản thân ở vùng chưa biết. Nhờ trợ giúp từ huấn luyện viên hoặc nhóm. Yêu cầu giáo viên phân tích tác phẩm của bạn. Hãy để bản thân cởi mở với chiều sâu của việc học hỏi và phát triển.
5. Hãy để bản thân vượt qua nỗi sợ bằng tình yêu. Nỗi sợ e ngại chắc chắn sẽ xuất hiện khi bạn cởi mở với điều gì đó khác biệt như nhận phản hồi, gợi ý hoặc trợ giúp khác. Vậy là được rồi! Sợ hãi không phải là ngày tận thế, mà chỉ đơn giản là người bạn đồng hành của chúng ta trong những điều chưa biết, nằm ở nơi sâu thẳm của sự đổi thay. Bạn có thể để bản thân tự cảm nhận và đơn giản để nỗi xấu hổ hoà vào trải nghiệm của mình không? Bạn có thể trao yêu thương cho chính mình khi đang cảm thấy sợ hãi không?
Khi bạn cho phép mình cảm thấy sợ hãi và xấu hổ, bạn đang bắt đầu rũ bỏ con người cũ trước đây. Bạn không còn cần phải bị bó buộc là phải làm việc thật hoàn hảo, gây ấn tượng với bất kỳ ai hoặc thể hiện những mặt tốt, vì bạn đang trưởng thành, đang trở thành một con người mới.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn cho phép bản thân mình kinh qua quá trình thay đổi như vậy?
Ngọc Thuần biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times