Virus cúm gia cầm H3N8 có khả năng lây nhiễm mạnh và nguy cơ thành dịch lớn
Một nghiên cứu gần đây tiết lộ rằng chủng virus H3N8 phân lập ở người có thể lây truyền qua không khí ở loài chồn sương.
Trường hợp người nhiễm virus cúm gia cầm H3N8 đã xuất hiện ở Trung Quốc, trong đó một bệnh nhân tử vong do viêm phổi sau nhiễm virus vào tháng Ba. Nghiên cứu gần đây được công bố trên Tập san khoa học nổi tiếng Cell (Tế bào) tiết lộ rằng chủng virus H3N8 phân lập ở người có thể lây truyền qua không khí ở loài chồn sương. Chỉ còn một bước nữa để phá vỡ rào cản lây nhiễm từ người sang người; và do đó, việc giám sát chặt chẽ là điều cần thiết.
Các nhà nghiên cứu đã dùng mô hình cơ quan hô hấp của người được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu khả năng lây nhiễm của virus H3N8. Kết quả cho thấy virus có thể lây lan và nhân lên trong tế bào biểu mô phế quản và phổi của người. Hơn nữa, khả năng lây nhiễm của virus phân lập ở người cao hơn đáng kể so với virus có nguồn gốc từ gia cầm, dẫn đến tình trạng viêm phổi nặng và viêm não do virus.
Trên mô hình động vật có vú, virus H3N8 có nguồn gốc từ gia cầm có thể lây truyền ở chồn sương nhưng không hiệu quả. Mặt khác, virus phân lập từ người dễ dàng lây truyền ở loài chồn sương, thậm chí tạo thành hạt khí dung chứa đầy virus. Điều này cho thấy virus cúm gia cầm H3N8 có thể nhanh chóng thích nghi với vật chủ là động vật có vú, gây ra nhiễm trùng và bệnh tật.
Phân tích trình tự sâu cho thấy virus nhanh chóng điều chỉnh di truyền và tích lũy các đột biến thích nghi sau khi lây lan giữa các con chồn sương. Ngoài ra, virus cũng nhanh chóng trải qua đột biến trong vật chủ là người, cho thấy khả năng lây truyền từ người sang người.
Virus cúm gia cầm H3N8 hiện không lây từ người sang người, do protein hemagglutinin (HA) của virus thiếu sự ổn định với acid. Môi trường đường hô hấp trên ở người có tính acid nhẹ, khiến virus khó nhiễm vào tế bào hô hấp. Các nhà nghiên cứu tin rằng nếu protein HA của virus trải qua đột biến làm tăng tính ổn định trong môi trường acid, nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng sẽ tăng lên đáng kể.
Hiệu quả của vaccine cúm hiện tại khi chống lại virus H3N8
Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu 30 cá nhân được chích vaccine cúm lần ba và 394 cá nhân từ dân số nói chung. Kết quả cho thấy nhìn chung mọi người đều thiếu kháng thể chống lại virus mới, và vaccine cúm theo mùa không có hiệu quả chống lại H3N8.
Điều đáng chú ý là các phân nhóm virus cúm gia cầm H3 chủ yếu lưu hành trong mùa đông lạnh giá và mùa xuân, trùng lặp với virus cúm theo mùa ở người. Nếu cả hai loại virus này lây nhiễm đồng thời cho người hoặc vật chủ trung gian như heo hoặc chồn sương, đều có thể tái tổ hợp, dẫn đến khả năng kháng thể vaccine hiện tại không còn nhắm mục tiêu hiệu quả đến các chủng virus. Ví dụ, các chủng mới có “vỏ ngoài” có nguồn gốc từ virus cúm gia cầm H3 và gene “lõi bên trong” từ H1N1 hoặc H3N2 có nguy cơ gây ra dịch bệnh trên quy mô lớn.
Tại Trung Quốc, tỷ lệ phát hiện virus H3N8 vẫn ở mức cao trong các đàn gia cầm. Vậy chúng ta nên làm thế nào để giải quyết nguy cơ bùng phát dịch H3N8 và các loại virus tái tổ hợp khác trên quy mô lớn? Các nhà nghiên cứu tin rằng mấu chốt nằm ở việc kiểm soát nguồn bệnh — tức là quản lý sự lây lan của virus ở gia cầm. Điều này có thể đạt được qua giám sát cúm gia cầm H3 có hệ thống trong quần thể gia cầm để hiểu rõ hơn về mức độ phổ biến của virus.
Từ năm 2022 đến 2023, Trung Quốc báo cáo 3 trường hợp nhiễm virus H3N8 ở người. Vào tháng 04/2022, tỉnh Hà Nam báo cáo ca bệnh đầu tiên liên quan đến một bé trai 4 tuổi có hội chứng suy hô hấp cấp tính nhưng sau đó đã hồi phục. Vào tháng 05/2022, một bé trai 5 tuổi ở tỉnh Hồ Nam có kết quả dương tính với virus và có các triệu chứng nhẹ như sốt, ớn lạnh, đau họng và sổ mũi; các triệu chứng của em đã hết sau bảy ngày. Hồi tháng Ba, một phụ nữ 56 tuổi ở tỉnh Quảng Đông bị nhiễm virus cúm gia cầm H3N8 và phải nhập viện do viêm phổi nặng, dẫn đến tử vong.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times